Khải Huyền (19)

Thời Tận Thế

Khải Huyền 12:1-17

Đoạn 12 là hình ảnh tổng quát vai trò của dân tộc Israel liên quan tới sự giáng sinh chuộc tội nhân loại của Đức Chúa Giêxu Christ. Các đoạn 11-15 không phải là những diễn biến tiếp theo đoạn 10, mà là phần giải thích chen giữa hai giai đoạn của cơn đại nạn: phần đầu 6-10, phần sau 16-19. Đoạn 12 giải thích tình trạng của nước Israel trong giai đoạn 2 của cơn đại nạn. Đaniên 9:24-27 nói tiên tri về vận mệnh của nước Israel trong thời tận thế, lúc anti-christ đang cai trị cả thế giới. Sau khi giữa chừng huỷ bỏ giao ước 7 năm với nước Israel, người nầy đặt tượng mình trong đền thờ Đức Chúa Trời ở Giêrusalem và buộc dân Israel phải thờ lạy tượng ấy. Dân Dothái sẽ không chịu phục nên sẽ bị bách hại. Có sự hiểu biết nầy, người đọc sẽ dễ hiểu đoạn 12.

Dấu lớn mà Giăng thấy ở trên trời là bản tóm lược một lịch sử lâu dài. Người đàn bà lấy mặt trời làm áo, có mặt trăng dưới chân và 12 ngôi sao bao quanh đầu là biểu tượng về dân tộc Israel. Sáng.37:5-10 thuật lại giấc mơ của Giôsép thấy mặt trời, mặt trăng và 11 ngôi sao quỳ trước mặt mình. 12 con trai của Giacốp là tổ phụ của 12 chi tộc Israel; cho nên hình ảnh mặt trời, mặt trăng và 12 ngôi sao gom lại tượng trưng cho nước Dothái. Đức Chúa Giêxu được sinh ra từ dân tộc ấy (Hêb.2:16). Cai trị các dân bằng cây gậy sắt không có nghĩa là hà khắc nhưng là chính trực, công nghĩa. Biểu tượng về người đàn bà ấy không phải là Hội Thánh cũng không phải là bà Mary, mẹ phần xác của Đức Chúa Giêxu Christ. Hội Thánh là nàng dâu trinh khiết và bà Mary không phải trốn tránh nơi đồng vắng trong 3 năm rưỡi, satan cũng không đuổi theo bà.

Câu 9 giải thích rõ về con rồng có 7 đầu, 10 sừng là lucifer, con rắn xưa, là ma quỷ, là satan. Hắn vốn là một chêrubim che phủ, tức là một thiên sứ trưởng toàn hảo quyền uy trên thiên đàng, vì sinh lòng kiêu ngạo lôi kéo thêm 1/3 thiên sứ trên trời phản loạn chống nghịch Đức Chúa Trời (Êxê.28:14; Êsai 14:13-14). Chúng bị Chúa đuổi khỏi thiên đàng và hiện nay đang làm vua chốn không trung (Êph.2:10). Trong cuộc sáng thế, Đức Chúa Trời thấy mọi chỗ là tốt lành, ngoại trừ khoảng không phân cách trời và đất (Sáng 1:6-8); bởi vì đó là nơi ở của satan và các sứ của hắn.

Bảy cái đầu là biểu tượng của 7 thế lực chống cự Đức Chúa Trời hung hăng nhất trong lịch sử loài người. Hầu hết các nhà giải kinh cho rằng 10 cái sừng là 10 nước sẽ liên hiệp với nhau tại Âu châu, lãnh thổ của đế quốc Lamã xưa. Thật ra hiện nay có những người đứng đầu các thế lực làm khuynh đảo cả thế giới mà không phải là các quốc trưởng, ví dụ như các ông trùm điện thoại truyền thông, tài chính ngân hàng, báo chí truyền hình, xe hơi, điện ảnh, điện toán, ngành chuyển vận hàng không hàng hải, vũ khí, năng lượng, nhiên liệu và khoáng sản, vv.. Có lẽ các thế lực ấy rồi đây sẽ bị nằm dưới sự lãnh đạo của một thế lực mà Kinh Thánh gọi là kẻ chống Đấng Christ.

Hành động của con rồng chực chờ trước người đàn bà có thai cũng là một tiến trình lịch sử lâu dài. Con rắn ngày xưa bị Đức Chúa Trời lên án sẽ bị dòng dõi Êva giày đạp (Sáng.3:15), thì nó luôn rình rập để giết dòng dõi của người đàn bà: dùng Cain giết Abel, mượn tay Pharaôn diệt dân tộc Israel, xui giục Hêrốt tìm giết Hài Nhi Giêxu, rồi mượn tay quân Lamã đóng đinh Chúa trên thập tự giá. Nhưng Đức Chúa Giêxu đã sống lại thì việc giày đạp đầu con rắn là điều tất yếu phải đến.

Đứa trẻ sinh ra từ dân Israel được tiếp lên đến ngôi Đức Chúa Trời chính là Đức Chúa Giêxu Christ. C.6, 14 nói rằng người đàn bà được đưa đi trốn ở đồng vắng (ban cho cặp cánh chim ưng để bay), thì nhiều nhà giải kinh cho rằng đó là việc dân Dothái sẽ được không vận tới thành phố Petra đục trong núi đá mà Êsai 16:1-4 gọi là Sêla xứ Môáp, thuộc xứ Jordanie hiện nay.

Cuộc chiến tranh ở trên trời nói các câu (7-9) là cuộc chiến kết thúc sự kiện cáo của ma quỷ đối với các thánh đồ. Làm sao ma quỷ héo lánh được đến thiên đàng để kiện cáo con dân Chúa? Ai tiếp nhận Chúa, người đó được dời vào vương quốc vinh quang của Đức Chúa Giêxu Christ (Côl.1:13), và đồng ngồi với Ngài trong các nơi trên trời [cõi linh] (Êph.2:6). Mỗi khi người ấy phạm tội, là điều không thể tránh khỏi, thì sự tối tăm xuất hiện trong tâm linh người. Tối tăm là môi trường lui tới hoạt động của ma quỷ. Vì vậy, qua tâm linh các thánh đồ và lời cầu nguyện của họ, ma quỷ tới được các nơi trên trời và kiện cáo họ ngày đêm. Nhưng đến lúc nầy thì toàn thể bè lũ cáo kiện phải bị trục xuất khỏi các nơi trên trời. Thiên sứ trưởng Michên và các sứ của mình khởi động cuộc chiến đánh satan và các sứ của hắn, khiến hắn và phe lũ bị thua và bị đuổi khỏi cõi trời. Bị đuổi khỏi thiên đàng có nghĩa là chúng không còn phương cách gì để kiện cáo, các thánh đồ cũng sẽ không phạm lỗi nữa.

Vì thế trên thiên đàng có tiếng reo mừng lớn: “Bây giờ sự cứu rỗi, quyền năng và nước Đức Chúa Trời chúng ta đã đến cùng quyền phép của Đấng Christ Ngài nữa; vì kẻ cáo kiện anh em chúng ta, kẻ ngày đêm kiện cáo chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời nay đã bị quăng xuống rồi. chúng đã thắng nó bởi huyết Chiên Con và bởi lời làm chứng của mình; chúng chẳng tiếc sự sống mình cho đến chết. Bởi vậy, hỡi các tầng trời và các đấng ở đó hãy vui mừng đi! Khốn khổ cho đất và biển! Vì ma quỷ biết thì giờ mình còn chẳng bao nhiêu, nên giận hoảng mà đến cùng các ngươi.” (10-12) – Sau khi satan bị trục xuất khỏi cõi trời, các điều khoản của bản khế ước được thực hiện, thì chương trình cứu rỗi của Chúa đã hoàn thành. Các thánh đồ thắng sự cáo kiện của ma quỷ bằng Huyết của Chiên Con và lời chứng của mình. Đây là lời chứng về sự từ bỏ bản ngã của mỗi chúng ta.

Phần Kinh Thánh nầy nhắc lại một lần nữa về công ơn hi sinh chuộc tội, rồi phục sinh khải hoàn của Đức Chúa Giêxu Christ. Kinh Thánh chép rằng Ngài đã đắc thắng sự chết và âm phủ, “truất bỏ các quyền cai trị cùng các thế lực, dùng thập tự giá chiến thắng chúng nó” (Côl.2:15). Biến cố phục sinh của Đấng Christ đã làm cho việc tháo các ấn của quyển sách khế ước đã được thực hiện cách vinh quang. Satan và lũ thuộc hạ đã bị đuổi vĩnh viễn khỏi cõi trời khiến cho trời và các đấng ở trên trời đều vui mừng. Không có biến cố phục sinh thì sự vui mừng ấy đã không thể diễn ra, chúng ta vẫn còn nằm dưới sự kiềm toả của thế giới tối tăm. Chúng ta vui mừng kỷ niệm ngày Chúa phục sinh vì chúng ta biết chắc tương lai xán lạn của mọi thánh đồ Đức Chúa Trời. Không phải học sách Khải Huyền chỉ để có kiến thức về những việc sẽ xảy ra, mà còn để biết ơn Chúa và vui mừng vì ma quỷ bị tống cổ khỏi thiên đàng.

Khốn khổ cho đất và biển vì sự giận hoảng của ma quỷ. Hắn sẽ hành hại khắp mọi người để thoả mãn cơn tức giận. Ai sẽ bị hắn hành hại? – Mọi người còn sống trên đất! Biển cả cũng chịu khổ vì cơn giận hoảng của ma quỷ. Rất có thể những cơn bão dữ dội chưa từng thấy trước giờ sẽ diễn ra. Satan thất bại trong việc hãm hại Đấng Christ; còn Hội Thánh thì đã được đem đi về trời; satan bèn quay sang tấn công Israel, nhưng Israel lại được giải thoát khỏi tay hắn. Không ai biết Israel sẽ được giải cứu bằng cách nào, chỉ biết rằng kẻ thù đuổi theo không được vì các đội quân rượt theo Israel đã bị đất hả miệng ra nuốt chửng.

(17) Con cái của người đàn bà, những kẻ giữ luật pháp của Đức Chúa Trời và lời chứng của Đức Chúa Giêxu tức là những người tin Chúa vào thời gian nầy. Họ là những người không được rước đi nhưng bị bỏ lại, do sự yếu đuối của tâm tánh xác thịt; bây giờ sẽ bị bách hại. Đức tin đến Đức Chúa Giêxu Christ là điều kiện để được xưng là con cháu thật của Ápraham (Gal.3:7). Chưa có lời giải thích thoả đáng nào cho hình ảnh: “con rồng đứng trên bãi cát của biển.” Biển tượng trưng cho nhân loại, hoặc dân sống ở vùng bờ biển thường phóng túng và chống Chúa. Chúng ta sẽ biết rõ khi được gặp mặt Chúa.

KhaiHuyen19.doc

Rev. Dr. CTB