Chúa Nhật, January 22nd, 2012
Các Vấn Đề Tâm Linh 10
Bước Đi Trong Ân Điển
Côlôse 3:1–16
Sự hiểu biết những ơn căn bản là nền móng của đức tin chúng ta. Người ta tin đạo khi được mở mắt để chuyển từ tối tăm qua ánh sáng, gọi là quy đạo. Quy đạo chưa có nghĩa là đã được cứu rỗi và tái sinh. Dấu hiệu duy nhất chứng tỏ một người đã được cứu là người ấy đã nhận được một điều chi đó từ Đức Chúa Trời. Công tác đầu tiên của ân điển Đức Chúa Trời trên một người tin là tha thứ tội lỗi của người đó. Công tác tiếp theo là tái sinh tâm linh người đó để anh ta có thể đổi mới. Tín hữu biết chắc mình được tái sinh vì đã nhận được một món quà từ Đức Chúa Trời, đó là sự tha tội. Việc đó xảy ra không phải là do quyết định của anh ta. Cứu rỗi có nghĩa là chúng ta được đem tới chỗ mà mình có thể nhận được ơn tha tội từ Đức Chúa Trời qua thập tự giá của Đức Chúa Giêxu Christ. Nếu ai thất bại luôn trong đời sống đạo, là vì chưa nhận được gì hết. Công tác kế tiếp của ân điển Đức Chúa Trời là thánh hoá người đã được cứu.
Tại sao phải được tái sinh? Đức Chúa Giêxu cho biết là xác thịt chỉ sinh ra xác thịt, còn cái gì do Thánh Linh sinh ra mới là thần (Giăng3:6). Kinh Thánh chép “những gì hư nát không thể hưởng sự sống bất diệt” (1Côrinhtô 15:50). Vì vậy, chúng ta phải được Đức Thánh Linh đặt vào trong ta một tâm linh mới phù hợp với cõi thiên đàng. Làm gì để được tái sinh? Chúng ta tin Đức Chúa Giêxu là Đức Chúa Trời (Ngôi Lời của Đức Chúa Trời); Ngài đã xuống thế gian làm người chịu chết thay thế hình phạt của chúng ta; biết rằng mình đã phạm tội, ăn năn bản chất tội lỗi của mình để nhận sự tha thứ. Đây là sự ăn năn tổng quát, nhìn nhận mình là một tội nhân, chứ chưa biết hết mình đã phạm tội gì. Kinh Thánh chép rằng huyết hi sinh của Đức Chúa Giêxu có quyền năng tẩy sạch hết mọi lãnh vực chúng ta đã phạm tội mà mình chưa biết đến, khi “chúng ta sống trong ánh sáng như chính Ngài ở trong ánh sáng” (1Giăng 1:7). Sống trong ánh sáng tức là sống đời được thánh hoá; cho nên bước kế tiếp là phải được thánh hoá. Hêbơrơ 12:14 dạy phải “theo đuổi sự thánh hoá; nếu không nên thánh, chẳng ai được thấy Chúa.”
Những hiểu biết căn bản nầy rất có ích lợi trong việc nhận định những điểm đúng, sai về các lý thuyết thần học nào chỉ chú trọng vào một số câu Kinh Thánh nào đó, mà bỏ qua những đòi hỏi của Đức Chúa Trời trong sự sống đạo của chúng ta. Một vài thuyết dạy rằng: ‘Khi đã nhận được ơn cứu rỗi nhờ tin Đức Chúa Giêxu, thì dù có sống cách nào đi nữa, cứ yên tâm tin tưởng chắc chắn sẽ được về thiên đàng, sẽ không bao giờ mất ơn cứu rỗi đã được, vì ân điển của Chúa thật dồi dào.’ Người khác dựa vào thuyết tiền định thì nói: ‘Vì Chúa đã định trước người nào sẽ được hay không được cứu, cho nên, ai đã ở trong đạo có nghĩa là đã được định để được cứu rồi, dù có sống thế nào, trước sau gì cũng sẽ lên thiên đàng thôi.’ Nghĩa là nếu sống thánh khiết được thì tốt, nếu không cũng chẳng sao, miễn là có tin Chúa.
Các lập luận ấy không đúng với sự dạy dỗ của Kinh Thánh. Bởi vì ai đã thật sự ăn năn các tội lỗi của đời sống cũ để được tái sinh, thì biết mình đã nhận được sự tha tội nhờ thập tự giá của Đấng Christ, người đó sẽ hết lòng duy trì địa vị được tha thứ. Họ không thể trở lại cuộc sống tội lỗi trước kia. Đức Thánh Linh sẽ dẫn dắt họ trên tiến trình thánh hoá để loại trừ hết những gì còn ô uế trong đời sống. Tiến trình thánh hoá sẽ giúp tín hữu nhận ra các ngóc ngách, nơi bản chất tội lỗi của con người cũ đang trú ẩn trong đó. Đức Thánh Linh sẽ chỉ ra từng dấu vết của tánh tình cũ, để chúng ta nhờ thập tự giá Đấng Christ loại trừ chúng. Nhưng nếu ai cứ tiếp tục sống đời tội lỗi như trước, hoặc chẳng bao giờ theo đuổi một nếp sống thánh hoá, thì có lẽ người đó chưa trải qua những bước đầu tiên của một người đã thật được cứu.
Hễ giáo lý nào chỉ dựa trên một vài câu Kinh Thánh bị tách ra khỏi bối cảnh văn mạch của chúng, và mâu thuẫn với sứ điệp chính của Kinh Thánh, thì đó là dấu hiệu của sự sai lầm do lý luận theo quan điểm và ý thích của một số người nào đó. Chính các lý luận nầy đã làm cho các tín hữu ấu trĩ tưởng rằng không cần một đời sống thánh sạch, không cần phải nỗ lực gì hết trong đời sống đạo. Kinh Thánh thì cảnh tỉnh nhắc nhở: “Anh em hãy lấy lòng kính sợ run rẩy thực hành sự cứu rỗi” (Philíp 2:12b). Đức Chúa Trời đã phải trả một cái giá cao khủng khiếp để tội lỗi chúng ta có thể được tha thứ, đó là thập tự giá của Đức Chúa Giêxu Christ; và ơn tha thứ ấy dù không bờ bến, Chúa vẫn không thể xem người có tội mà không chịu ăn năn, là kẻ vô tội được.
Chúng ta phải ăn năn về những gì bị Đức Chúa Trời xem là tội lỗi khi trong đời mình chưa làm điều gì bị xã hội cho là gian ác như lường gạt, trộm cắp, cướp của, giết người, gian dâm, dối trá, vv? Phải nhắc lại vài điều sơ đẳng vì có người chưa hiểu rõ cái gì là tội lỗi: (Rôma 1:21, 23–32; 1Côr. 6:9–10; Galati 5:19–21; Khải 21:8). Đây chỉ là những tội lỗi tiêu biểu cho tánh xấu của con người. Còn rất nhiều điều riêng tư mà chúng ta không muốn người khác biết. Những việc đó chính là các tội lỗi khó nhận ra. Nhưng Kinh Thánh dạy rằng nếu đã thật lòng tin Chúa và chịu đồng chết, rồi sống lại với Ngài, thì chúng ta không thể tiếp tục sống trong tội lỗi:
“Đối với tội lỗi, chúng ta là người đã chết, làm sao còn sống trong tội lỗi được nữa?”(Rôma 6:1–2)
“Nếu thật sự anh em đã nghe Ngài và được Ngài dạy dỗ, đúng như chân lý trong Đức Chúa Giê-xu dạy anh em phải lột bỏ nếp sống cũ, nếp sống hư hỏng bởi các dục vọng lừa dối, tâm trí anh em phải được đổi mới bởi Đức Thánh Linh, và mặc lấy con người mới, là người được tạo theo hình ảnh Đức Chúa Trời trong sự công chính và thánh khiết của chân lý” (Êphêsô 4:21–24).
“Anh em là dòng giống được tuyển chọn,… là một dân thánh… Ngài đã gọi anh em ra khỏi nơi tăm tối, để vào nơi đầy ánh sáng tuyệt diệu của Ngài… anh em hãy … tránh xa những dục vọng của xác thịt, vì nó tranh chiến với linh hồn anh em” (1Phierơ 2:9,11).
“Hãy tẩy sạch mọi điều ô uế của thể xác và tâm linh; hết lòng kính sợ Đức Chúa Trời để được thánh khiết trọn vẹn” (2Côrinhtô 7:1).
“Đây là ý muốn của Đức Chúa Trời: anh em phải nên thánh, nghĩa là tránh gian dâm; mỗi người phải tiết chế bản thân, giữ cho thánh sạch và đáng tôn trọng” (1Têsalônica 4:3–4).
“Anh em hãy thánh khiết trong mọi nếp sống, cũng như Đấng gọi anh em là thánh. Vì Kinh thánh chép: Hãy nên thánh, vì Ta là thánh” (1Phierơ 1:15–16).
Người đã được cứu, được tái sinh, có nguy cơ nào bị loại trừ hoặc mất ơn cứu rỗi không?
“Tôi khép thân tôi vào kỷ luật, bắt nó phục tùng. Nếu không, sau khi giảng dạy người khác, chính tôi lại bị loại bỏ…Cho nên, ai tưởng mình đứng, hãy thận trọng kẻo ngã” (1Côrinhtô 9:27, 10:12).
“Những người đã được soi sáng một lần, đã nếm biết món quà thiên thượng, đã được dự phần trong Thánh Linh, đã nếm đạo lành của Đức Chúa Trời và các quyền năng của thời đại tương lai, nếu sa ngã, thì không thể nào khiến họ ăn năn một lần nữa, vì chính họ đóng đinh Con Đức Chúa Trời một lần nữa và công khai sỉ nhục Ngài” “Vì không còn sinh tế nào chuộc tội được nữa, nếu chúng ta cố ý phạm tội sau khi đã biết rõ chân lý” (Hêbơrơ 6:4–6; 10:26).
“Nếu họ đã thoát khỏi sự ô uế của thế gian nhờ biết Đức Chúa Giêxu là Đấng Cứu Chuộc, lại vướng vào đó một lần nữa, và bị thua, tình trạng sau nầy của họ còn xấu hơn trước. Thà họ đừng biết con đường công chính, còn hơn đã biết rồi sau lại từ bỏ điều răn thánh mình đã nhận được” (2Phierơ 2:20–21).
“Nếu con không ăn năn, Ta sẽ đến cất bỏ chân đèn của con khỏi chỗ nó;” “có mấy người không làm ô uế áo xống mình. Họ sẽ mặc áo trắng đi với Ta, vì họ xứng đáng. Ai thắng cũng sẽ được mặc áo trắng như vậy. Ta sẽ không xoá tên người ấy khỏi sách sự sống…” (Khải Huyền 2:5; 3:4-5).
Như vậy, đã rõ ràng là dù đã được cứu vẫn có nguy cơ bị loại trừ; cho nên bước kế tiếp trong ân điển của Đức Chúa Trời sau sự tái sinh là phải được thánh hoá. Thánh hoá là gì? “Thánh hoá là được tách ra khỏi tội lỗi và làm cho trở nên thánh khiết.” Chúng ta không thể tự mình làm điều nầy. Tất cả là công tác của Đức Thánh Linh. Nhưng sự tha tội và tái sinh phải đến trước khi chúng ta có thể được thánh hoá. Dấu hiệu của sự tái sinh trong một người là người đó làm chứng về những sự biến đổi tuyệt diệu mà Chúa đã thực hiện cho mình. Mặc dù ơn tái sinh và thánh hoá đều do Đức Thánh Linh thực hiện, vẫn phải có sự cộng tác của ý chí chúng ta muốn nhận lãnh ân điển ấy. Bước đầu tiên của ý chí để có thể được thánh hoá là chúng ta sẵn lòng đồng nhất với sự chết của Đức Chúa Giêxu Christ để có thể dâng hiến đời sống mình cho Đức Chúa Trời.
“Đức Chúa Trời không bảo chúng ta phải từ bỏ các sự ham muốn của xác thịt chỉ để từ bỏ suông, nhưng từ bỏ vì một điều cực kỳ quý báu, đó là đời sống với Ngài.” Khi chúng ta sẵn lòng đồng nhất với sự chết của Đức Chúa Giêxu thì ngay lập tức dây trói lâu nay vẫn trói buộc đời sống chúng ta vào quyền lực của tội lỗi bị tháo bỏ. Cho nên, khi chúng ta sẵn lòng cho con người cũ của mình chết, nghĩa là coi như nó đã chết, thì đó là cách để bắt đầu được thánh hoá. Ví dụ dù cho phim bậy bạ rất hấp dẫn đối với người đời, sẽ chẳng ảnh hưởng chút nào đối với các xác chết nằm trong nhà quàn. Ai đã quyết chí từ bỏ nếp sống của con người cũ và nếm biết hương vị tuyệt vời của đời sống mới đang được thánh hoá, sẽ chẳng bao giờ muốn trở lại đường cũ nữa. Không phải nhờ làm theo một số lệ luật mà người tin được thánh hoá; nhưng nhờ sự vâng lời do đức tin vào công việc Đức Chúa Trời làm cho, trong, và qua chúng ta do ân điển và quyền phép của Đức Chúa Giêxu Christ và Đức Thánh Linh.
Làm thế nào để duy trì tiến trình thánh hoá ngày càng tăng tiến? Bước đi trong sự sáng! Hãy biết rằng Đức Chúa Trời có thể bảo vệ tiến trình suy nghĩ của chúng ta và làm cho nó được vững chắc mạnh mẽ vượt xa hơn khả năng chúng ta có thể làm. “Nếu chúng ta sống trong ánh sáng, như chính Ngài ở trong ánh sáng, thì chúng ta tương giao với nhau, và huyết Đức Chúa Giêxu, Con Ngài, tẩy sạch mọi tội lỗi chúng ta” (1Giăng 1:7). Chúng ta sẽ bị vấp ngã không? Chắc chắn là có! Nhưng giống như trẻ con tập đi bị ngã, nó sẽ đứng dậy tiếp tục đi, rồi chạy, và sẽ chạy nhảy cách vững vàng thành thạo. Cũng vậy, là con cái thật của Chúa, chúng ta sẽ kiên trì bước theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh trên tiến trình thánh hoá, dù sẽ có những lần vấp ngã, phạm lỗi lầm, nhưng sẵn sàng xưng tội với Chúa, ăn năn, không tái phạm, sống trong ánh sáng như chính Chúa ở trong ánh sáng, tức là vâng lời Chúa – kết quả công việc của Đức Thánh Linh – thì huyết của Đức Chúa Giêxu sẽ tiếp tục tẩy sạch mọi tội lỗi chúng ta (Êphêsô 5:1–8).
Nói như vậy không có nghĩa là huyết Đức Chúa Giêxu chỉ tẩy sạch những tội lỗi ở trình độ chúng ta ý thức được; chúng ta sẽ kinh nghiệm sự tẩy sạch khỏi tội lỗi ở những nơi sâu kín nhất của tâm linh chúng ta. Nếu chúng ta cứ sống trong ánh sáng, quyền năng tẩy sạch của huyết Đức Chúa Giêxu bao trùm trên cả các lãnh vực mà chúng ta không biết đến. Đức Chúa Trời sẽ bảo vệ chúng ta bằng sự thánh khiết đầy quyền năng của Đức Thánh Linh, để thân, hồn, linh của chúng ta được gìn giữ vẹn toàn cho đến ngày Đức Chúa Giêxu Christ trở lại. Dấu hiệu của người được đổ đầy Đức Thánh Linh là ngưng nói về mình, nhưng làm chứng cho Đức Chúa Giêxu. Không phải nói về những gì Ngài có thể làm, nhưng là làm chứng về tình yêu Ngài đối với cuộc đời tưởng chừng vô vọng của mình. Vì chúng ta đang bước đi trong Ân Điển theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, bắt chước mọi động tác dẫn dắt của Ngài (giống như đứa bé bắt chước mọi động tác của một vũ công chuyên nghiệp), chúng ta có thể tin chắc lời nầy: “Hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào dành cho những người ở trong Đức Chúa Giêxu Christ” (Rôma 8:1).
VanDeTamLinh10.docx
Rev. Dr. CTB