Chúa Nhật, March 25th, 2012 – Hiểu Biết Linh Giới (bài nhập môn 3) (Các Vấn Đề Tâm Linh 19)

Chúa Nhật, March 25th, 2012

Các Vấn Đề Tâm Linh, 19


Hiểu Biết Linh Giới (bài nhập môn 3)

Mathiơ 12:24–29

Ý niệm về một hay nhiều ‘linh’ có quyền cai trị linh giới của một lãnh thổ hay khu vực thì khá xa lạ đối với rất nhiều người. Mặc dù tín hữu vẫn tin rằng Đức Chúa Trời luôn nắm quyền cai trị trên toàn thể linh giới và cõi vật chất, các thiên sứ của Ngài vẫn thường xuyên âm thầm thi hành sự bảo vệ che chở và giúp đỡ con dân thiên đàng trên cõi trần thế nầy, còn satan và các thủ hạ của hắn vẫn đang hãm hại Hội Thánh của Chúa và con dân Ngài; nhưng vấn đề hiểu biết các hoạt động hàng ngày và âm mưu của thế giới tối tăm chống lại Hội Thánh của Đức Chúa Trời và con dân Ngài thì rất mơ hồ. Sở dĩ có tình trạng ấy là vì không thể nhận ra các hoạt động của linh giới bằng mắt thường, mà bằng sự nhạy bén tâm linh cùng những sự bày tỏ, khải thị của Đức Thánh Linh cho con cái Ngài qua những ân tứ đặc biệt cho những người chuyên về lãnh vực chiến tranh trong cõi linh, một lãnh vực hoàn toàn mới mẻ đối với rất nhiều hệ phái từ lâu nay vẫn kịch liệt bác bỏ sự vận dụng các ân tứ của Đức Thánh Linh.

Khái niệm về việc có các ‘linh’ cai trị linh giới ở một khu vực, cộng đồng, lãnh thổ, hay một bộ môn nào đó, thì ngành chiến tranh trong cõi linh gọi chúng là các quỷ địa phương, tà thần khu vực, linh cai trị cộng đồng, hay quỷ bộ môn. Các phái không tin các vấn đề siêu nhiên, hoặc chối từ hiệu quả của các ân tứ Đức Thánh Linh, thì hoàn toàn không tin cũng không công nhận những vấn đề do Tổ Chức Chiến Tranh Linh Giới Toàn Cầu nêu ra. Kinh Thánh thì không đề cập nhiều về các tà thần lãnh thổ hay linh khu vực. Nhưng khi chúng ta nghiên cứu một số phân đoạn Kinh Thánh Cựu Ước, thì lời của Đức Chúa Trời trong các phần nầy sẽ tạo nên nhiều thắc mắc không thể giải đáp theo lối tảng lờ, nhận chìm vấn đề của những phái muốn che giấu sự thiếu hiểu biết.

Êxêchiên 9:1–2 “Ngài kêu lớn tiếng trong lỗ tai ta rằng: ‘Khá khiến những kẻ cai trị thành nầy hãy đến gần, ai nấy khá cầm khí giới huỷ diệt trong tay mình.’ Và nầy, có sáu người từ cửa trên về phía bắc mà đến, mỗi người cầm khí giới giết lát trong tay. Giữa bọn họ có một người mặc vải gai, lưng đeo sừng mực. Sáu người bước vào, đứng bên bàn thờ bằng đồng.

Hình ảnh của sáu ‘người’ được ghi lại ở đây không phải là loài người, mặc dù họ mang hình ảnh con người. Đây là những việc sẽ diễn ra trong tương lai của thành phố Giêrusalem mà Ê-xê-chi-ên thấy trong thị tượng khi ông được thần cảm ở xứ Babylôn, nơi người Israel đang bị lưu đày.

Giêrêmi 46:25b “Nầy, Ta sẽ phạt A-môn, là thần của Nô, luôn cả Pharaôn và Êdíptô, với các thần và vua nó: tức Pha-ra ôn cùng những kẻ nhờ cậy người.

Giêrêmi 49:1b “Vì sao Minh-côm được lấy đất Gát làm cơ nghiệp, dân nó ở trong các thành của Gát?

Minh-côm là tên khác của quỷ Mo-lóc, một thứ quỷ bị Đức Chúa Trời vô cùng gớm ghiếc vì các tế lễ dâng cho hắn là sinh mạng của những đứa trẻ, con cái của những người thờ quỷ nầy. Dân nó có nghĩa là những người thờ cúng hắn, thuộc về hắn. Như vậy khái niệm về việc quỷ cai trị ở một khu vực nào đó, hoặc trên một cộng đồng dân tộc nào đó, được các ký thuật của Kinh-Thánh Cựu Ước ghi lại.

Trong giáo huấn của Đức Chúa Giêxu Christ về việc giải thoát người khỏi tay ma quỷ, thì Ngài nói rất rõ phải trói ‘kẻ mạnh sức’ của một ‘nhà’ trước khi có thể ‘phân phát sạch tài sản’ của hắn: “Có ai vào nhà một người mạnh bạo để cướp của, mà trước hết không trói người mạnh bạo lại rồi mới cướp nhà?” (Mat.12:24–29) “Khi một người lực lưỡng được vũ trang đầy đủ canh giữ nhà mình, của cải người ấy được an toàn. Nhưng khi có người mạnh hơn đến tấn công, thắng được người ấy, sẽ tước đoạt hết vũ khí người ấy tin cậy, và đem phân phát của cải đã lấy được” (Luca 11:21–22). Đức Chúa Giêxu luôn luôn dùng các ẩn dụ và biểu tượng để nói về các vấn đề tâm linh. Vì vậy, từ ngữ Chúa dùng trong trường hợp nầy có tính cách biểu tượng. Trong bối cảnh Ngài bị giới lãnh đạo Do-thái-giáo gán thẩm quyền đuổi quỷ của Ngài là từ chúa quỷ Bê-ên-xê-bun ban cho, mọi nhà thần học đều hiểu nhóm chữ ‘kẻ mạnh sức’ mà Đức Chúa Giêxu dùng là nói về kẻ cầm đầu thế giới tối tăm. Tài sản có nghĩa là linh hồn của những người đang bị ma quỷ ức hiếp. ‘Nhà’ là nơi cư trú của ‘kẻ mạnh sức,’ tức là tà linh, tà thần hay quỷ khu vực.

Biểu tượng ‘nhà’ và ‘kẻ mạnh sức’ mà Đức Chúa Giêxu dùng trong trường hợp nầy thì rộng lớn hơn nhiều so với một lãnh thổ nhỏ; vì ‘kẻ mạnh sức’ mà Ngài nói đến chính là chúa quỷ ‘Bê-ên-xê-bun’ mà người Do-thái nói tới. Do tính cách giới hạn về khả năng hiện diện, di chuyển, và uy quyền tâm linh của con cái Chúa, khi áp dụng chữ ‘nhà’ trong việc trục xuất tà thần hay quỷ khu vực ra khỏi một địa phương nào đó, thì không ngụ ý toàn thế giới, nhưng ngụ ý về một khu vực địa dư hay phạm vi một cộng đồng mà thôi. Bởi vì thẩm quyền thuộc linh của các con cái Chúa thì có giới hạn nhất định. Dù người có thẩm quyền cao hơn hết cũng chỉ giới hạn trong một phạm vi nơi người đó cư trú hay tầm mức của thánh vụ được Chúa giao cho.

Khi Đức Chúa Giêxu đuổi bầy quỷ nhập trong một người ở vùng Giê-ra-sê (Mác 5:1–13), thì lũ quỷ van xin Chúa đừng đuổi chúng khỏi miền ấy “Tà linh van xin Ngài đừng đuổi chúng nó ra khỏi vùng đó” (Mác 5:10). Chi tiết nầy đặt ra câu hỏi tại sao lũ quỷ lo sợ, không muốn bị đuổi ra khỏi khu vực ấy, rồi xin phép Đức Chúa Giêxu cho chúng được nhập vào bầy heo đang ăn trên sườn núi? Nếu chúng không bị giới hạn trong phạm vi một khu vực nào đó, thì chúng tự do đi tới nơi nào chúng muốn. Nhưng chúng nó “van xin” Đức Chúa Giêxu “đừng đuổi chúng nó ra khỏi vùng đó,” thì điều rõ ràng là vùng hoạt động của chúng bị giới hạn, không thể tới một vùng khác đã bị chiếm hữu bởi những lũ tà linh nào đó. Sự hiểu biết nầy hé ra cho chúng ta thấy vài điều quan trọng trong linh giới, để trong tương lai chúng ta biết cách áp dựng khi phải đối phó với các thế lực tối tăm để giải thoát những người thân yêu của mình khỏi móng vuốt của chúng.

Cũng có một câu hỏi đặt ra là: ‘Kinh Thánh cho biết satan và bè lũ đã thua trận, nhưng vì lý do nào chúng vẫn tiếp tục lộng hành mà không bị trừng trị?’ Đúng là Kinh Thánh khẳng định tên cầm đầu thế giới tối tăm và bè lũ đã thua trận: “Ngài truất bỏ các chủ quyền và phó quyền, công khai bêu mặt chúng nó trong cuộc diễn hành chiến thắng của Ngài” (Côlôse 2:15). Nhưng án chưa đến kỳ thi hành, cho nên, thế giới tối tăm vẫn tiếp tục cật lực thi hành các hoạt động thù nghịch chống lại các con cái nước thiên đàng. Thậm chí đến kỳ tận thế, chúng vẫn được phép giao chiến và thắng các thánh đồ “Nó cũng được phép giao chiến với các thánh đồ và thắng họ; và có quyền trên mọi chi tộc, dân tộc, ngôn ngữ và quốc gia” (Khải Huyền 13:7). Tuy nhiên, án phạt dành cho sa tan và đồng bọn đã bị định trước rồi: “Còn Satan là đứa đã lừa gạt chúng nó bị quăng vào hồ lửa và diêm sinh, tại đó đã có con thú và tiên tri giả. Chúng nó sẽ bị khổ hình suốt ngày đêm mãi mãi vô tận” (Khải Huyền 20:10).

Mọi Hội Thánh và mọi con cái Chúa đều cần phải hiểu biết rõ ràng về linh giới và các hoạt động của thế giới tối tăm đang chống nghịch chúng ta; bởi vì vấn đề nầy chẳng những liên quan vô cùng thiết yếu đến đời sống tâm linh, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống thể chất của chúng ta nữa. Kẻ thù không phải chỉ nhắm vào linh hồn của loài người mà thôi, chúng cũng chú tâm vào việc tạo khó khăn cho cuộc sống vật chất của loài người trên địa cầu. Nhận biết các hoạt động của chúng mới chỉ là bước đầu. Vì chúng ta còn phải nhận ra những thứ tà linh, tà thần cai trị các khu vực trong thành phố mình đang ở là bọn nào; đồng thời cũng phải biết chúng đang dở những thủ đoạn gì. Việc nhận diện tà thần khu vực đòi hỏi công tác điều nghiên lâu dài, kỹ càng của nguyên tắc lập bản đồ linh giới, mà chúng ta sẽ học sau nầy. Hiện nay chúng ta chỉ khởi đầu sự hiểu biết căn bản để chống trả, tự vệ cho cá nhân và gia đình mình trước đã.

VanDeTamLinh19.doc

Rev. Dr. CTB