Bài 1: Lý Do Thay Đổi Chương Trình

Lý Do Thay Đổi Chương Trình

2Côrinhtô 1:1–24

Trong thư trước, vị sứ đồ đã nhấn mạnh rằng ông có ý định đến thăm Hội Thánh Côrinhtô trên đường qua Maxêđoan, nhưng một số lý do đã làm thay đổi chương trình của ông. Nay ông viết thư nầy khoảng một năm sau khi gửi thư trước để trình bày lý do, và cũng để đưa ra một số điều khác mà ông muốn nói. Ông nhắc lại rằng chức vụ sứ đồ Đức Chúa Giêxu Christ của ông là do ý của Đức Chúa Trời chỉ định. Cùng nhắn nhủ với ông trong thư nầy là Timôthê, con tinh thần của Phaolô, mà ông đã khiêm tốn gọi là “anh em trong Chúa” (1). Thư nầy không chỉ gửi cho tín hữu ở Côrinhtô mà thôi, nhưng cho “tất cả các thánh đồ trong khắp xứ Achai” (1). Lời chào cũng là sự chúc phước sứ đồ, như trong thư trước, nêu ra hai ơn phước lớn và trọn vẹn luôn quyện vào nhau là ân điển và bình an; bởi vì không thể có bình an tốt lành và lâu dài nếu không có ân điển.

Phaolô ca ngợi sự nhân từ và niềm an ủi của Đức Chúa Trời cho ông và đồng bạn trong hoạn nạn nguy khốn trên đường truyền rao vinh quang Ngài (3–6). Cựu Ước thường dùng danh xưng  “Đức Chúa Trời của Ápraham, Ysác, và Giacốp” để nói lên mối liên hệ giao ước với họ và hậu duệ của họ. Tân Ước thì dùng ‘Đức Chúa Trời và Cha của Đức Chúa Giêxu Christ’ để minh giải mối liên hệ giao ước của Ngài với Đấng Trung Bảo và hậu duệ thuộc linh của Đấng ấy. Lý do ca ngợi Ngài là ‘Cha nhân từ và là Đức Chúa Trời của mọi niềm an ủi’ (3), vì “Ngài đã an ủi chúng tôi trong mọi cảnh bắt bớ hoạn nạn” (4). Nghĩa là vị sứ đồ đã gặp rất nhiều hoạn nạn trên đường truyền giáo, nhưng ông cùng đồng bạn luôn tìm thấy sự an ủi trong tất cả sự khổ nạn nào họ gặp.

Phaolô gọi các hoạn nạn của ông là “những nỗi khổ đau của Đấng Christ” (5), bởi vì Đấng Christ luôn cảm thông với các môn đệ của Ngài khi các hoạn nạn họ chịu vì Ngài cứ gia tăng; và sự an ủi từ Ngài cũng gia tăng theo. Việc nầy xảy ra vì cớ “với niềm an ủi đó của Đức Chúa Trời chúng tôi có thể an ủi những anh em đang gặp hoạn nạn bắt bớ” (4). Nghĩa là các ân huệ Chúa ban cho chúng ta không phải chỉ để chúng ta tự mừng rỡ cho mình, nhưng cũng để chúng ta trở nên hữu ích cho người khác nữa (6). Dựa vào những lý do đó, Phaolô nói rằng ông hi vọng vững chắc nơi người Côrinhtô, vì khi họ dự phần gian khổ, thì tất nhiên họ cũng dự phần an ủi với ông nữa (7). Để họ biết rõ tại sao viết như thế, Phaolô nói rõ hoạn nạn mà đoàn truyền giáo của ông đã chịu tại Tiểu Á là “hoạn nạn rất lớn, quá sức chịu đựng, đến độ không còn hi vọng sống” (8).

Có lẽ ông nói về vụ nổi loạn tại Êphêsô (Công Vụ 19), hay việc phải chiến đấu với thú dữ cũng tại Êphêsô (1Côrinhtô 15:32), hoặc các hoạn nạn nào khác, vì ông phải thường xuyên đối diện với sự chết. Ông và đồng bạn đã làm chi trong cơn ấy? Họ “không dám cậy mình nữa, chỉ biết nương nhờ Đức Chúa Trời, Đấng có quyền khiến kẻ chết sống lại”(9). Vì thế Đức Chúa Trời đã giải cứu họ và sẽ tiếp tục giải cứu (10). Ông xin tín hữu Côrinhtô cầu thay cho ông “vì nhờ nhiều người cầu thay và cảm tạ, mà ân điển Chúa sẽ đổ trên chúng tôi” (11). Hãy để ý rằng không phải chỉ tin cậy Chúa mà thôi, còn phải nhờ sự cầu thay và cảm tạ của nhiều anh chị em khác để chúng ta được giải cứu khỏi hoạn nạn. Tinh thần nương cậy Chúa không thể thay thế cho sự cầu nguyện. Vì cầu nguyện là một phương cách rất hữu hiệu trong nhiều phương cách để giải quyết những nan đề của chúng ta.

Trong đời sống của chúng ta là con cái Chúa, nhất là người hầu việc Chúa, sự tự hào mà lương tâm có thể xác nhận, hoặc cách hành xử của một lương tâm trong sáng, là điều vô cùng quan trọng đối với anh chị em tín hữu trong Hội Thánh. Phaolô nói rằng ông “tự hào là được lương tâm xác nhận rằng… đã cư xử cách thánh sạch và ngay thẳng với mọi người khắp nơi, nhất là với anh em” (12). Mấu chốt trong sự cư xử ngay thẳng là ‘không dùng sự khôn khéo của con người, như nhờ ân điển Đức Chúa Trời.’ Nếu ai tự xưng là người hầu việc Chúa mà dùng thủ đoạn với đồng bạn, thì không xứng đáng với danh nghĩa môn đồ của Đức Chúa Giêxu. Phaolô tin rằng những điều ông đã viết thì phù hợp với tri thức và khả năng hiểu biết của tín hữu ở Côrinhtô (13). Dù hiện nay có thể là họ chưa hiểu hết tấm lòng của ông, nhưng đến ngày Đức Chúa Giêxu trở lại tiếp rước con dân Ngài, thì họ sẽ hãnh diện về Phaolô, còn ông thì tự hào về họ trước mặt Chúa (14).

Trong thư trước, Phaolô nói rằng sẽ đến thăm họ và sẽ ở qua hết mùa đông. Nhưng thư nầy nói rõ lý do tại sao ông đã không đến như đã hứa. Không phải vì ông là người tiền hậu bất nhất, không  giữ lời hứa, hoặc thường thay đổi ý định, mà “bởi cớ nể anh em mà tôi chưa trở lại Côrinhtô” (23). Ông trình bày sự chân thành của ý định mình khi muốn ghé thăm họ “để anh em được phước hạnh gấp đôi” (15), chứ không phải để ông nhận được gì từ nơi họ (16). Ông giải thích rằng quyết định đi thăm họ không do tính nông nổi (17), mà do thuận đường cho ông trở về xứ Giuđê (16). Người hầu việc Chúa không thể nói kiểu hàng hai, vừa nói ‘có’ lại vừa nói ‘không,’ mà phải bắt chước Chúa trong sự thành tín của Ngài (17–18).

Sự mâu thuẫn, tính hay thay đổi, không biết giữ lời, vẫn luôn là một thói xấu của những người chưa quen nếp sống công khai thành thật của xã hội văn minh. Không thể viện cớ gì để biện minh cho thói không biết coi trọng lời hứa. Nhiều tín hữu vẫn thường hành xử theo bản tánh cũ của họ, làm mất lòng tin cậy của người khác. Chúng ta phải biết học gương của Phaolô để loại trừ dần các thói quen bị ảnh hưởng bởi nền văn hoá cũ, bắt đầu sống theo nếp sống đang được thánh hoá, tiến dần lên những đẳng cấp cao hơn của đời sống Cơ-đốc-nhân; để những người quanh chúng ta nhìn nhận tính chân thành và giữ lời hứa của chúng ta. Để luyện tập được tính tốt nầy thành thói quen, hãy nghĩ đến phần thưởng dành cho người thành tín, cũng như hình phạt đang đợi chờ người thất tín. Vì các hành động tốt xấu sẽ không bị lãng quên, nhưng chép trong sách ghi nhớ (Malachi 3:16).

Phaolô không muốn tín hữu ở Côrinhtô suy diễn rằng Tin Mừng mà ông rao giảng là sai hoặc bất định; cũng không tự mâu thuẫn hoặc không đúng theo chân lý (19), vì cớ ông đã không ghé lại Côrinhtô theo lời dự định. Vì “Đức Chúa Giêxu Christ, Con Đức Chúa Trời – Đấng mà Sin-vanh, Timôthê và tôi truyền giảng cho anh em – chẳng bao giờ vừa ‘có’ vừa ‘không,’ nhưng trong Ngài luôn luôn là ‘có’” (19).  Sở dĩ trong Đức Chúa Giêxu Christ luôn luôn ‘có’ là “vì mọi lời hứa của Đức Chúa Trời đều là ‘có’ trong Đấng Christ” (20). Đức Chúa Trời là Chúa của sự thật, là Đấng không thể nói dối; chân lý và sự nhân từ của Ngài còn đến đời đời; cho nên, mọi lời hứa của Ngài đều là ‘có’ và được lập trong Đấng Christ, Đấng A-men, tức là chứng nhân chân thật và thành tín, Đấng đã dùng huyết mình mua và chứng nhận giao ước của các lời hứa, như có chép: “Đức Chúa Giêxu đã trở thành Đấng Bảo Đảm của một giao ước tốt hơn” (Hêbơrơ 7:22).

Những lời hứa không dời đổi ấy được xác nhận bởi Đức Thánh Linh, Đấng gây dựng các Cơ-đốc-nhân trong đức tin của phúc âm. Đức Thánh Linh là một ‘món bảo đảm’ hay ‘của đặt cọc’ từ Đức Chúa Trời trong lòng người tin, như một dấu ấn xác nhận họ thuộc về Ngài (21–22). Sự soi sáng của Đức Thánh Linh là món đặt cọc của sự sống đời đời; và những sự an ủi của Ngài là món đặt cọc cho niềm vui vĩnh cửu. Như vậy, tính chân thực của Đức Chúa Trời, vai trò trung bảo của Đấng Christ, và sự vận hành của Đức Thánh Linh hoà hợp với nhau để những lời hứa được chắc chắn cho mọi thánh đồ, và sự hoàn thành các lời hứa ấy đem lại vinh quang cho Đức Chúa Trời.

“Vì nể anh em mà tôi chưa trở lại Côrinhtô” (23), có nghĩa là ‘để anh em không bị quở mắng.’ Nếu tín hữu ở Côrinhtô hiểu được tâm tình nhân hậu và dịu dàng của vị sứ đồ đối với họ, được bày tỏ ra bằng cách dời chuyến đi, thì họ sẽ biết ơn ông. Bởi vì những vấn đề rắc rối ở Côrinhtô thì quá nhiều, và lỗi lầm thì quá nặng, nếu Phaolô đến như ông dự định thì ông sẽ phải nặng lời với những người mà ông rất yêu thương và lo lắng cho sự an nguy cũng như tình trạng tâm linh của họ trước sự tấn công dữ dội của thế giới tối tăm. Nếu ông đến như dự định, thì chắc sẽ tạo lòng bất mãn của những bè phái bị quở trách, và chuyến đi của ông trở thành cớ buồn rầu; trong khi ông “muốn góp phần tạo niềm vui” cho họ (24). Phaolô cũng không muốn chi phối đức tin của ai hết, vì chỉ Đấng Christ mới là tác giả đức tin của chúng ta mà thôi.

2Corinhto01.docx

Rev. Dr. CTB