Bài 5: Nỗi Lo Ngại Của Vị Sứ Đồ

Nỗi Lo Ngại Của Vị Sứ Đồ

Galati 4:1–11

Trong đoạn nầy, vị sứ đồ nói với những tín hữu đã nghe theo lời dụ dỗ của các giáo sư Do-thái-giáo dùng luật Môise cạnh tranh với phúc âm của Đấng Christ, hầu có thể đặt những người ấy dưới sự cầm buộc của luật đó. Ông muốn thuyết phục và chấn chỉnh những sai trật bằng cách so sánh thế bất lợi dưới luật pháp của đứa con có quyền kế tự mà còn thơ ấu, với những thuận lợi vượt trội hiện có cho mỗi con cái Chúa dưới phúc âm, không còn bị luật pháp trói buộc. Vị sứ đồ mô tả tình trạng của dân sự Chúa thời Cựu Ước là trẻ vị thành niên, bị luật lệ ràng buộc và không được biết, hay tham dự những quyết định quan trọng: “Khi người thừa kế còn vị thành niên, dù là chủ của tất cả tài sản, cũng chẳng khác gì người nô lệ, vì người ấy phải ở dưới quyền các giám hộ và quản gia cho đến ngày người cha đã định” (1–2). Tình trạng của người trước khi tin Chúa tương tự như thế: “Chúng ta cũng vậy, khi chưa trưởng thành, chúng ta phải lệ thuộc các nguyên tắc sơ đẳng của thế gian” (3).

“Nhưng khi kỳ hạn đã mãn” (4), tức là thời điểm mà Đức Chúa Trời định thời đại luật pháp đã đến hồi kết thúc, để thiết lập một điều mới tốt hơn “Đức Chúa Trời sai Con Ngài đến, do một người nữ sinh ra, sinh ra dưới luật pháp” (4). Con của Đức Chúa Trời – Đấng Christ – tức chính Đức Chúa Trời phải nhập thể thành một người – do một nữ trinh sinh ra – để có thể hi sinh chết thay cho nhân loại. Người nữ đó phải sinh con dưới luật pháp “để cứu chuộc những người dưới luật pháp, hầu cho chúng ta được nhận làm con” (5). Tất cả loài người là tội nhân; cho nên, đều bị đặt dưới quyền quản trị của luật pháp ban xuống từ thiên đàng. Khi đến kỳ hạn luật pháp phải bị bãi bỏ, những người nào được gia nhập Hội Thánh của Chúa được hưởng một tình trạng mới do được Đấng Christ, Đấng đã được sinh ra dưới luật pháp, cứu chuộc: Họ được Đức Chúa Trời nhận làm con, không còn bị xem hoặc đối xử như tôi tớ nữa, nhưng được kể là con trưởng thành, hưởng nhiều quyền tự do và được dự phần vào những đặc quyền lớn hơn.

Dưới Tin Mừng, mọi tín hữu nào được Chúa nhận làm con đều được Ngài ban cho một món đặt cọc là Đức Thánh Linh vào trong lòng, để đánh dấu người đó là con cái của Đức Chúa Trời. Chúng ta không thấy việc đó bằng mắt xác thịt, nhưng những kẻ ở trong linh giới đều nhận ra và rất e sợ những người có Đức Thánh Linh. Việc Chúa nhận làm con và ban Đức Thánh Linh là để đặt trên chúng ta nhiệm vụ cầu nguyện, và trong khi chúng ta cầu nguyện thì Đức Thánh Linh sẽ vận hành trong tâm linh để chúng ta nhận thức rõ rằng Đức Chúa Trời là Cha thật của mình. Nhờ đó, con dân Chúa mới tự do mở miệng gọi Ngài: Cha ơi! “Vì anh em là con, nên Đức Chúa Trời đã sai Thánh Linh của Con Ngài ngự vào lòng chúng ta, kêu lên: Aba! Cha ơi! Như thế, nhờ Đức Chúa Trời, anh em không còn là nô lệ nữa, nhưng là con; và đã là con, thì cũng là thừa kế”(6–7). Thừa kế có nghĩa là được thừa hưởng tất cả những gì ở thiên đàng dành cho con cái Chúa.

Về vấn đề nầy, Phaolô đã phân tích rất rõ trong thư gửi cho các tín hữu ở Rôma. Mặc dù sự ban Đức Thánh Linh cho mọi người tin là điều đương nhiên, nhưng điều kiện để duy trì sự hiện diện của Đức Thánh Linh là nhờ Ngài giết chết các công việc của xác thịt để chúng ta được sống. “Vì tất cả những người được Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời hướng dẫn đều là con cái Đức Chúa Trời.…Chính Đức Thánh Linh cùng với tâm linh chúng ta chứng thực rằng chúng ta là con cái Đức Chúa Trời. Đã là con thì cũng là người thừa kế, thừa kế của Đức Chúa Trời và đồng thừa kế với Đấng Christ; nếu chúng ta cùng chịu khổ đau với Ngài, hẳn chúng ta cũng được hưởng vinh quang với Ngài” (Rôma 8:14,16–17). Dưới phúc âm, chúng ta được vui hưởng những lợi thế vô giá: Đang là những người bị định cho sự trừng phạt kinh khiếp thì lại được nhận làm con của Đức Chúa các tầng trời; được ban cho Thánh Linh của Con Ngài, là Thánh Linh của sự cầu nguyện; được nhìn lên Chúa là Cha, và được đồng thừa kế cõi trời với Đức Chúa Giêxu.

Sự đổi thay tuyệt diệu của chúng ta khi quy đạo và trở thành con cái Chúa là trước đó chúng ta “đã làm nô lệ cho các ‘thần’ có bản chất không phải là thần” (8), thì bây giờ đã được biết Đức Chúa Trời là thần chân thật và được làm con cái Ngài. Khi trước, chúng ta bị ma quỷ lừa dối, bắt phải cúng thờ những vật giả dối trong sự mê tín, hao tiền tốn của. Vì tội cúng thờ hình tượng là điều Đức Chúa Trời rất gớm ghét và nguyền rủa, thì các tội lỗi mà mình không ngờ đó ngày càng chồng chất thêm. Ngày nay, được nhận vào gia đình của Đức Chúa Trời, được tha thứ hết mọi tội lỗi cùng mọi điều ô uế của tánh xấu con người, được cứu vớt thoát khỏi móng vuốt của các thứ quỷ dữ, được chuộc ra khỏi hậu quả hình phạt khủng khiếp nơi hoả ngục, được ban cho Thánh Linh của chính Đức Chúa Trời, và được biết chắc mình đang có một cơ nghiệp vững chắc ở thiên đàng. Hạnh phúc đó thật là quá lớn.

Tình trạng của nhiều tín hữu ở Galati là “đã biết Đức Chúa Trời,” hay đúng hơn, được Ngài biết đến họ “còn quay lại làm nô lệ cho các nguyên tắc sơ đẳng, yếu đuối, nghèo nàn” (9). Người ta thường có tâm lý muốn đóng góp công đức để làm nên sự cứu độ của mình. Tín hữu ở Galati cũng bị dụ dỗ vào con đường sai trật ấy. Họ “còn giữ ngày, tháng, mùa, và năm nữa!” (10) Ngày nay, dù chúng ta không còn giữ ngày, tháng, mùa, và năm theo luật pháp Môise nhưng vẫn có ý nghĩ mê tín về những ngày, tháng, năm đặc biệt. Nhiều người vẫn còn e sợ các ngày xấu, dùng tử vi Trung Hoa, 10 thiên can và 12 địa chi. Do bối cảnh đặc biệt của người Á-đông không liên hệ gì với bộ luật Môise của người Do-thái, con cái Chúa người Á-đông không bị ràng buộc bởi luật pháp ấy; cho nên, khái niệm nầy khá mơ hồ. Nhưng từ khi có người đề xướng việc giữ các giới luật Cựu Ước, thì đã có người sa vào lỗi lầm mà các đầy tớ Chúa giống như Phaolô than thở rằng “Tôi lo sợ cho anh em, e rằng tôi đã vì anh em khổ công vô ích” (11).

Đa số các tín hữu ở Galati ngày xưa không phải là người Do-thái. Họ chưa từng bị luật pháp Môise trói buộc. Họ được dạy về sự thờ phượng Đức Chúa Trời theo cách mới của phúc âm khác xa cách thờ phượng theo nghi lễ của các giới luật. Họ được làm quen với sự ban cho ánh sáng, tự do và yêu thương. Bây giờ họ lại chui đầu vào cái ách của luật pháp, là sự nguyền rủa giáng trên những ai không thực hiện hết mọi điều luật. Vì họ không phải là người Do-thái nên khó bào chữa cho hành động của họ là tự nguyện “làm nô lệ cho các nguyên tắc sơ đẳng, yếu đuối, nghèo nàn” (9) của những người chưa được mở mắt. “Ngày, tháng, mùa, và năm” (10) nói về những ngày lễ theo quy định trong luật pháp Môise. Do-thái-giáo có rất nhiều lễ trong năm, nào ngày trăng mới, ngày trăng rằm, ngày sa-bát, kèm theo nhiều thứ kiêng cữ khác.

Hiện nay trong vòng nhiều giáo sư thuộc các hệ phái Ngũ-tuần và Ân-tứ cũng có phong trào lưu ý tới những ngày lễ quan trọng của Do-thái-giáo. Tuy họ kỷ niệm vì lòng yêu mến Đức Chúa Trời, nhưng các sự nhấn mạnh quá đáng vào những ngày lễ nầy đang gây ra nguy cơ dẫn dụ một số tín hữu hăng hái trong Hội Thánh sa vào lỗi lầm của những người Galati đang bị lên án ở đây. Chúng ta hãy tỉnh táo, nhạy bén trước bất cứ sự vận động nào đi ngược lại sự dạy dỗ, chỉ dẫn của Đức Thánh Linh dành cho Hội Thánh qua các thư tín của sứ đồ Phaolô. Hãy nhớ rõ lời dạy của Kinh Thánh: “Biết rằng một người được xưng công chính không phải nhờ làm những điều luật pháp dạy, nhưng nhờ tin Đức Chúa Giêxu Christ. Chính chúng ta đã tin đức Chúa Giêxu Christ để được xưng công chính nhờ đức tin trong Đấng Christ, chứ không nhờ làm theo những điều luật pháp dạy. Vì không một ai nhờ giữ luật pháp mà được xưng công chính” (Galati 2:16). Luật pháp chỉ là người giám hộ đã làm xong phận sự của mình. Chúng ta là các con đã trưởng thành, không còn ở dưới quyền giám hộ của luật pháp ấy nữa.

Galatibai06.docx

Rev. Dr. CTB