Bài 6: Những Lời Khuyên Giục Chân Thành

Những Lời Khuyên Giục Chân Thành

2Côrinhtô 6:1–18

Trong phần nầy, sứ đồ Phaolô đưa ra những lời khuyên giục chung cho tất cả những người mà ông đã giảng dạy. Trước hết, ông khuyên mọi tín hữu “đừng tiếp nhận ân điển của Đức Chúa Trời cách vô ích” (1), nghĩa là hãy tuân phục ơn giải hoà của Chúa ban cho. Phúc âm là lời nói ân điển rao vào tai chúng ta; nhưng nó sẽ trở nên vô ích khi người nghe không tin, cũng không tuân phục cứu cánh và kế hoạch của phúc âm ấy. Nhiệm vụ của người hầu việc Chúa là khuyên giục những người nghe mình chấp nhận ân điển và sự thương xót đang được Chúa cống hiến cho họ, để xứng đáng với danh hiệu là “người cộng sự với Chúa” (1). Ngôn ngữ của phúc âm không thô thiển hoặc nghiêm khắc, nhưng dịu dàng nài nỉ, khuyên lơn, để chinh phục những tấm lòng chưa sẵn sàng của người chưa tin Chúa đến giải hoà với Ngài và hưởng hạnh phúc vĩnh cửu.

Phaolô đưa ra lý do “Vì Ngài dạy: ‘Đến lúc thuận tiện, Ta nhậm lời con. Trong ngày cứu rỗi, Ta cứu giúp con.’ Đây, lúc nầy là lúc thuận tiện; đây, ngày nay là ngày cứu rỗi!” (2). Hiện nay là lúc thuận tiện duy nhất để chấp nhận ân sủng do Chúa đưa đến. Bởi vì ngày mai không thuộc về chúng ta, không ai trong chúng ta biết chắc tương lai mình sẽ ra sao. Thời ân sủng hiện giờ ngắn ngủi và chắc chắn sẽ chấm dứt. Khi nó đã qua, không thể bắt nó quay lại được. Cho nên, nhiệm vụ của chúng ta là hoàn thiện những gì mình đang có. Tuy vậy, người rao giảng phải cẩn thận để không gây vấp phạm cho người khác qua lời giảng, để khỏi vô hiệu hoá sự giảng dạy của mình (3). Phaolô đặc biệt cẩn trọng về lời giảng của ông, vì cả hai giới người ngoại đạo và Do Thái giáo đã hết sức moi móc lời nói và hành động của ông để bắt bẻ, công kích.

Là người cống hiến trọn đời hầu việc Chúa, Phaolô và đoàn truyền giáo của ông “trong mọi sự, … chứng tỏ mình là tôi tớ của Đức Chúa Trời” (4), họ luôn luôn nỗ lực trong mọi việc, chứng tỏ mình là trung thành và xứng đáng làm người phục vụ Chúa. Chúng ta thấy vị sứ đồ phải “kiên nhẫn chịu đựng khi hoạn nạn, gian khổ, khốn cùng, đòn vọt, tù đày, rối loạn, lao khổ, mất ăn mất ngủ” (4–5), để chứng minh sự trung thành của mình đối với Đấng sai mình đi, dù trong cảnh hoạn nạn hay lúc bình yên. Ông lại phải vững vàng tuân thủ các nguyên tắc cao quý: “Chúng tôi sống thanh sạch, hiểu biết, nhẫn nhục, nhân từ, sống trong Đức Thánh Linh, với tình yêu thương chân thành, nói lời chân thật trong quyền năng Đức Chúa Trời, cầm khí giới công chính trên tay phải và tay trái” (6–7). Đây là các nguyên tắc về sự thanh sạch. Chúng ta phải biết gìn giữ chính mình khỏi bất cứ sự ô uế nào của thế gian để đạt được sự chấp nhận của Chúa.

Vài điều ông nêu ra ở đây hơi khó hiểu đối với nhiều người: “Sống trong Đức Thánh Linh” là hành động dưới ảnh hưởng hoặc sự tác động của Đức Thánh Linh. “Với tình yêu thương chân thành, nói lời chân thật trong quyền năng Đức Chúa Trời” nghĩa là mọi hành động đặt nền tảng trên nguyên tắc cao cả của tình yêu thương không dời đổi, và ăn nói theo luật lệ của sự thật dưới sự hỗ trợ và giúp đỡ của quyền phép Đức Chúa Trời; “cầm khí giới công chính trên tay phải và tay trái” có nghĩa là luôn luôn ý thức rõ ràng về sự công chính và thánh khiết mà mọi người đều công nhận, để dùng làm sự tự vệ hết sức hữu hiệu chống lại mọi sự cám dỗ về thịnh vượng giàu sang có vẻ hợp lý bên phía phải, và về các phản ứng tiêu cực chống lại nghịch cảnh bên phía trái.

Khả năng giữ tâm lý trầm tĩnh trước mọi lời phê bình, khen chê của người khác, đòi hỏi một bản lãnh đã được rèn luyện. Trong thế gian, chúng ta phải biết rằng mình sẽ phải gặp nhiều hoàn cảnh khác nhau. Bằng chứng về một đức tính liêm chính, hiền hoà, ngay thẳng, trong sáng là rất cần thiết để đối phó với mọi hoàn cảnh. Người ta thường thấy hãnh diện và sung sướng khi được tiếng khen, nhưng giận dữ khi bị chê. Phaolô chứng minh ông thật sự là người của Chúa, ông nói rằng: “Dù vinh hay nhục, dù mang tiếng xấu hay được tiếng tốt, Chúng tôi bị xem như kẻ lừa gạt nhưng thành thật, coi như kẻ xa lạ nhưng lại được nhiều người biết, coi như chết nhưng sống, như bị trừng phạt nhưng không bỏ mạng, trông như buồn bực nhưng luôn luôn vui mừng, trông như nghèo cực nhưng làm cho nhiều người giàu có, trông như không có gì cả nhưng có tất cả mọi sự” (8–10). Không có nhiều mục sư đạt đến bản lãnh nầy: được khen mà không khoe khoang, bị chê nhưng không để lòng thù oán; luôn giữ được thái độ bình thản trước mọi việc. Sở dĩ phải có tâm tình như vậy vì sự thưởng phạt chân chính đều đến từ Đức Chúa Trời, Đấng biết rõ lòng dạ loài người.

Ngày nay, những người giảng sự thật liền bị giới giả hình liệt vào hạng tà giáo, nhưng được những người biết Kinh Thánh khen là giảng dạy đúng lời Chúa; xa lạ đối với giới tín đồ yếu đuối nhưng rất nổi danh trong vòng các tín hữu khát khao Đức Thánh Linh; bị coi như vô danh tiểu tốt nhưng có quyền phép sự sống của Đức Thánh Linh chữa bệnh, đuổi quỷ. Những nhà truyền giáo  thường bị bắt bớ nhưng không bỏ mạng. Trông như buồn bực vì có vẻ thất bại, Hội Thánh không nổi đình đám, nhưng luôn luôn vui vẻ trong Đức Thánh Linh. Trông như nghèo túng vì chẳng có tài sản gì hơn người, nhưng lời giảng về những sự giàu có không dò nổi của Đấng Christ đã làm cho nhiều tâm linh nghèo khó được hưởng sự cứu rỗi mà không tiền của nào mua được. Chẳng có tài sản nào đáng kể trên đời nầy, nhưng có cả một kho tàng lớn trên trời.

Tình thương yêu của Phaolô đối với tín hữu tại Côrinhtô là rất bao la. Ông vốn là người giỏi văn chương, nhưng tình yêu của ông đối với họ đã khiến ông phải lựa chọn lời nói vô cùng dịu dàng như đối với con cái (13). Tình yêu ấy khiến ông mở miệng nói lời chân thật, và lòng ông mở rộng ra cho họ (11). Ông sẵn sàng giảng dạy, phục vụ tín hữu ở Côrinhtô bằng tất cả chân tình; sở dĩ lúc nầy ông chưa đến thăm để phục vụ họ được, không phải vì ông có lòng hẹp hòi đối với các lời nói xấu, công kích của họ đối với ông, nhưng vì chính vì họ đang có thái độ không tốt đối với người thầy đầu tiên, người cha tinh thần đã sinh họ ra trong Đấng Christ (12).

Khi Phaolô bảo tín hữu Côrinhtô mở rộng lòng ra với ông (13), thì ông chỉ dẫn phương cách mở rộng lòng đó là phân rẽ khỏi mọi hình thức tội lỗi (14). Trước hết, là phân rẽ khỏi các giáo sư giả đang làm hại cho Hội Thánh. Hình ảnh mang ách chung không cân xứng ghi ở Phục Truyền 22:10 cấm bắt bò với lừa mang chung một cái  ách. Con bò là thú sạch, con lừa là thú ô uế. Nhịp đi và sức kéo của chúng cũng không ngang nhau. Chỗ nầy cũng nói về tín hữu muốn kết hôn với người không tin Chúa là điều không nên làm (về những người đã kết hôn, xem lại1Côr.7:12–16). Mang chung ách cũng ngụ ý về việc kinh doanh làm ăn chung với người không tin Chúa sẽ gặp nhiều điều phiền não vì cách xử sự và thế giới quan của họ khác hẳn chúng ta. Khi họ gian lận với khách hàng trong một doanh nghiệp có chúng ta hùn hạp, thì mình sẽ làm sao (14–16)? Làm hội viên của các hiệp hội, hay các hội đồng hương vẫn thường thờ cúng cũng vậy.

Đức công chính so với tội ác nói về mọi lãnh vực đạo đức. Ánh sáng so với bóng tối (14) nói về đạo đức minh bạch đối nghịch với hành động mờ ám; cũng là sự khôn ngoan thanh sạch thuộc thiên đàng nghịch với sự khôn khéo lươn lẹo của thế gian. Đấng Christ đối nghịch vớiBêlian nói về thẩm quyền nào đang làm chủ đời sống mình; người tin Chúa với người không tin nói về lãnh vực đức tin (15). Đền thờ Đức Chúa Trời và hình tượng tà thần (16) nói về đối tượng thờ lạy của lòng người ta. Những so sánh trên vạch ra sự tương phản hoàn toàn giữa hai phía chính nghĩa và tà phái. Sự cộng tác hoặc chung đụng giữa những người đã nếm biết hương vị ngọt ngào của Tin Mừng và sự thánh khiết tuyệt vời của đời sống được tẩy sạch tội lỗi, rồi được ở trong Đức Chúa Giêxu, với những người còn ở trong sự tối tăm và tội lỗi ô uế, là việc không thể trở thành tốt đẹp được. Nó chỉ dẫn đến thất bại và đau khổ mà thôi.

“Vì thế Chúa dạy ‘Hãy lìa bỏ chúng nó, đoạn tuyệt với chúng nó, đừng động chạm đến vật ô uế, và Ta sẽ tiếp nhận các con. Ta sẽ là Cha các con, các con sẽ là con trai con gái Ta. Chúa Toàn Năng phán vậy’” (17–18).

2Corinhto06.docx

Rev. Dr. CTB