Bài 8: Công Việc của Các Chức Vụ

Công Việc của Các Chức Vụ

Êphêsô 4:11–16

Bài học nầy là các chi tiết tiếp theo phát biểu ở câu 7 “Tuy thế, mỗi chúng ta nhận được ân điển nhiều hay ít tuỳ theo số lượng tặng phẩm của Đấng Christ.” “Chính Ngài đã cho người nầy làm sứ đồ, người kia làm tiên tri, người khác làm người truyền giảng Tin Lành, người khác nữa làm mục sư và giáo sư” (11).  Một số người thường dựa trên thứ tự liệt kê ở câu 11 nầy để phân định thứ bậc của 5 chức vụ.  Nhưng cũng sứ đồ Phaolô viết ở 1Côrinhtô 12:28 “Đức Chúa Trời đã lập trong Hội Thánh, thứ nhất là sứ đồ, thứ nhì là đấng tiên tri, thứ ba là thầy giáo, kế đến kẻ làm phép lạ, rồi kẻ được ơn chữa bệnh, cứu giúp, cai quản, nói các thứ tiếng.”  Ở cả hai nơi thì chức vụ sứ đồ luôn đứng đầu, kế đến là tiên tri; nhưng các chức vụ sau thì không khớp nhau giữa hai chỗ.

Vào thời Hội Thánh sơ lập, người ta định nghĩa chức vụ sứ đồ ra sao? Trước hết họ là những người đã thấy Đức Chúa Giêxu (Công 1:21–22), được Ngài trực tiếp gọi (Gal.1:1), được Đức Thánh Linh xác nhận (1Côr.2:12–13), tôn trọng và giảng lời Đức Chúa Trời (1Tês.2:13), kết quả của thánh vụ xác nhận (1Côr.9:1–2), và có thể thực hiện các dấu kỳ phép lạ (2Côr.12:12). Một số người cho rằng chức vụ sứ đồ chỉ gồm có 12 người được Đức Chúa Giêxu chọn trong số môn đồ theo Ngài, cộng thêm Phaolô, Giacơ, em trai của Chúa (Gal.1:19), Banaba, và Sila.  Họ không kể các người được Phaolô gọi là sứ đồ (Rôma 16:7).  Vào thời ấy cũng có những người giả mạo làm sứ đồ (2Côr.11:13). Nếu chức vụ sứ đồ chỉ có 16 người mà thôi, thì không ai giả mạo chức vụ ấy được.  Ngày nay, rất ít đầy tớ chân thật nào của Chúa nhận mình đang giữ chức vụ sứ đồ, mặc dù một số người đang làm công việc của các sứ đồ ngày xưa.  Chúng ta có thể dùng 1Tês.2:6 để biết người tự xưng là sứ đồ có phải là thật hay không; nếu ai tìm kiếm danh vọng từ loài người thì rất rõ người ấy không phải là sứ đồ.

Trong 5 chức vụ được nói đến ở đây thì 3 chức vụ đầu có tầm hoạt động rộng hơn 2 chức vụ sau có tính cách địa phương.  Chức vụ tiên tri trong thời Hội Thánh sơ lập hiển nhiên là những người có thể nói trước các việc sẽ xảy ra (Công vụ 11:28; 13:1; 21:9–10), khác với ân tứ tiên tri mà mỗi tín hữu có thể được ban cho để gây dựng Hội Thánh (1Côr.14:1, 4). Người truyền giáo là người được ban cho ơn rao giảng phúc âm cho người chưa tin Chúa (Công vụ 21:8). Hai chức vụ mục sư và giáo sư có thể là hai người khác nhau hoặc một người được ban cho ơn làm cả 2 chức vụ. Tuỳ theo sự điều động của Chúa, giáo sư có thể chỉ hoạt động ở một địa phương hay được cử đi dạy dỗ nhiều nơi khác nhau. Chức vụ mục sư là người được chỉ định đứng đầu một Hội Thánh địa phương, để hướng dẫn, dạy dỗ, và nuôi dưỡng tín hữu theo cách Đấng Christ đã ấn định bằng lời Kinh Thánh.  Họ thường được gọi là giám mục hoặc trưởng lão.  Chúa đặt để các chức vụ và những người giữ các chức vụ ấy theo quyền quyết định của riêng Ngài.  Mọi ơn Ngài ban chỉ vì lợi ích của Hội Thánh, là thân thể Ngài.

Nhiệm vụ mà Chúa giao cho cả 5 chức vụ ấy là “để trang bị các thánh đồ cho công tác phục vụ, ngõ hầu xây dựng thân thể Đấng Christ” (12).  Nhiệm vụ trang bị không phải chỉ là nhắm tới những tín hữu đã vững vàng trong đức tin.  Theo sự giao thác của Chúa, các mục sư và giáo sư từ trước tới nay phải có nhiệm vụ giảng dạy, khuyên bảo, để nắn đúc vào nền nếp đời sống tâm linh của các tín hữu, vì cớ tội lỗi, bị mất quân bình hoặc không ăn khớp với thân thể của Chúa. Sau đó là làm cho họ vững mạnh, xác định đức tin, đặt họ vào đúng chỗ, hợp khả năng, thực hiện thánh vụ chung của Hội Thánh, tức là công tác phục vụ, để họ có thể đóng góp vào sự ích lợi chung của thân thể.  “Xây dựng thân thể Đấng Christ” tức là gia tăng các ân tứ của ân điển Chúa và làm Hội Thánh tăng trưởng về nhân số, thêm nhiều người mới tin Chúa vào Hội Thánh.  Công tác xây dựng thân thể Đấng Christ là nhiệm vụ chung của mọi thánh đồ sau khi họ được trang bị, không phải chỉ là nhiệm vụ của những người lãnh đạo Hội Thánh.  Bởi vì mỗi người đều có bổn phận đem thêm người chưa được cứu vào Hội Thánh bằng cách dùng đời sống đã được đổi mới của mình tạo ảnh hưởng trên những người quanh mình, là điều mà người khác không thể làm.

Mọi việc ấy đều chuẩn bị cho chúng ta vào thiên đàng.  Những quà tặng của Chúa và một số chức vụ cứ tiếp tục trong Hội Thánh cho tới khi các thánh đồ được hoàn hảo: “cho đến khi tất cả chúng ta đạt đến sự hợp nhất trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời, đạt đến bậc trưởng thành, có tầm vóc trọn vẹn của Đấng Christ” (13).  Hợp nhất trong đức tin nghĩa là có chung niềm tin; hiểu biết Con Đức Chúa Trời nghĩa là một sự hiểu rõ và yêu mến Đức Chúa Giêxu Christ với tất cả sự tôn trọng, tin cậy và vâng lời; không phải chỉ là sự hiểu biết phỏng đoán hoặc chỉ công nhận Đức Chúa Giêxu là Con Đức Chúa Trời và là Đấng Trung Bảo mà thôi, giống như nhiều người ở một giáo hội đặt Đức Chúa Giêxu thấp hơn mẹ phần xác của Ngài; đạt đến bậc trưởng thành là tăng trưởng tột bậc về ân tứ và ân điển, thoát khỏi những tội lỗi ấu trĩ mà người không biết Chúa bị lệ thuộc; có tầm vóc trọn vẹn của Đấng Christ là trở thành tín hữu hoàn toàn trưởng thành và hưởng tất cả các ân điển đến từ sự đầy đủ của Đức Chúa Giêxu; cũng có nghĩa là làm cho thân thể huyền nhiệm của Ngài là Hội Thánh tăng trưởng tới mức tối đa.  Vì không ai có thể đạt đến tầm vóc trọn vẹn của Đấng Christ khi còn ở thế gian nầy.

“Như vậy, chúng ta không còn là con trẻ nữa” (14) nghĩa là không còn ấu trĩ trong sự hiểu biết, yếu đuối về đức tin, bất định trong sự phán đoán, dễ bị sự cám dỗ lung lạc; “bị sóng đùa đi đây đó” là hình ảnh của chiếc tàu không bánh lái; “bị cuốn theo các chiều gió của giáo lý” không có chút sự thật hoặc sự vững chắc nào lan truyền lung tung như gió thổi đó đây; “do âm mưu lừa dối và thủ đoạn quỷ quyệt của con người” nói về những người giỏi lừa dối người khác, lợi dụng sự không cảnh giác của một số tín hữu để lừa gạt họ vào những thứ giáo lý sai lạc.  Sứ đồ Phaolô gọi họ là những người có thủ đoạn quỷ quyệt.  Tâm lý kiêu căng của loài người khiến họ vẫn tìm cách chiêu dụ nhiều người về với họ để thoả mãn các tham vọng nào đó.

Nhưng khi chúng ta được trang bị kỹ lưỡng về công tác phục vụ và về sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời, thì sẽ đạt đến sự hợp nhất trong đức tin và trưởng thành tâm linh, biết rõ chân lý mình tin theo để “chúng ta có thể nói lên chân lý trong tình yêu thương, được tăng trưởng mọi mặt trong Ngài, tức là Đấng Christ, là Đầu” (15).  Nghĩa là đi theo chân lý bằng tình yêu, hoặc thành thật trong tình yêu thương đối với anh chị em tín hữu.  Vì ai giữ gìn giáo lý của Đấng Christ là lẽ thật, thì phải sống yêu thương lẫn nhau.  Chân lý là điều tuyệt hảo, nhưng đòi hỏi chúng ta phải nói ra trong tình yêu thương, để chúng ta “được tăng trưởng mọi mặt trong Đấng Christ;” bao gồm: sự hiểu biết, tình yêu thương, đức tin, và mọi phần của một người mới, tức là tính tình, cách cư xử, những ước vọng, và thái độ thi hành bổn phận.  Càng lớn lên trong Chúa chừng nào, chúng ta càng quen biết, yêu mến và nương cậy vào Ngài, càng được thêm ân điển phong phú.

Phaolô dùng hình ảnh thân thể con người làm ví dụ cho thân thể mầu nhiệm của Đấng Christ mà Ngài là Đầu (16). Vậy, mỗi phần tử trong thân thể phải hiệp thông, tương giao trò chuyện với nhau, yêu thương và đoàn kết để Hội Thánh có thể tiến bộ và tăng trưởng.  Tỉ như hệ thống gân mạch cung cấp dinh dưỡng cho thân thể, Đức Thánh Linh, đức tin, tình yêu thương, các thánh lễ giúp hợp nhất các tín hữu với Đấng Christ, là cái Đầu, và với nhau nữa. “Mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của nó, khiến toàn thân được tăng trưởng, được gây dựng trong tình thương” là bởi quyền năng của Đức Thánh Linh hành động trong những chức vụ đã được chỉ định, sự hoạt động hữu hiệu của từng chi thể trong sự tương giao truyền đạt cho nhau những gì mình đã nhận được trong tình yêu thương, thì sự yêu thương lẫn nhau là nhân tố tuyệt hảo của sự tăng trưởng tâm linh của tín hữu.  Như vậy, tình yêu thương xây dựng chính thân thể của Chúa.

Epheso09.docx

Rev. Dr. CTB