Chúa Nhật, November 27, 2011 – Biết Ơn và Tạ Ơn (Các Vấn Đề Tâm Linh p.3)

Chúa Nhật, November 27, 2011

Các Vấn Đề Tâm Linh, 03

Biết Ơn và Tạ Ơn

Rôma 5:6–11

Trong mùa Lễ Tạ Ơn, con dân Chúa thường tụ họp nhau để tạ ơn Đức Chúa Trời của mình về mọi thứ phước hạnh, những điều may mắn, những sự thành đạt, sức khoẻ, và sự bình an của chính mình và gia đình. Mọi điều chúng ta tạ ơn Chúa là đúng, phải và nên làm như vậy, vì Ngài là tác giả của mọi thứ hạnh phúc mà chúng ta đang hưởng, nên Ngài đáng được chúng ta dâng lời cảm tạ và đáng hưởng lòng biết ơn của chúng ta. Thế nhưng, khi mùa tạ ơn và giáng sinh qua rồi, người ta quên dần các ân huệ của Chúa mà họ đã tạ ơn chỉ vài tháng trước, khi phải đối phó với muôn ngàn khó khăn trong cuộc sống mỗi ngày để mưu sinh. Lúc ấy lời than thở sẽ nhiều hơn tạ ơn, phàn nàn trách móc thay vì cảm tạ Chúa.

Có nhiều nguyên nhân đã làm cho tình trạng nói trên cứ tái diễn trong đời sống nhiều tín hữu mỗi năm, nhưng chẳng mấy khi chúng ta quan tâm tìm nguồn gốc của cách suy nghĩ dẫn tới tình trạng nầy. Có ai hiểu rằng thái độ phản ứng trước hoàn cảnh như thế, sau khi mình đã cảm tạ các ơn lành của Chúa, là một tội phạm thượng không? Cũng có thể có người hiểu mơ hồ mang máng như thế, nhưng vẫn cho rằng tình yêu thương của Đức Chúa Trời quá bao la, nên Ngài chẳng khi nào bắt lỗi một tội nhỏ nhặt như vậy. Tâm lý và cách lý luận như vừa nói không phải chỉ giới hạn trong những lời ta thán, than phiền. Bởi vì đã có thứ lý luận thần học suy diễn chỉ đơn thuần dựa trên cảm tính của con người về tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Sự tạ ơn không dựa trên lòng biết ơn Ngài cách sâu xa không phải là một sự cảm ơn bền vững.

Một tín hữu nông gia ngồi vào bàn ăn sáng với đứa con gái nhỏ của mình. Ông cúi đầu tạ ơn Chúa về mọi sự chu cấp hào phóng của Ngài, về sức khoẻ họ đang có, vv. Sau khi bắt đầu ăn, thì ông phàn nàn về món trứng sáng nào cũng phải ăn, bánh mì thì cứng quá, cà phê chẳng chút đậm đà, vv. Nghĩa là ông than phiền đủ thứ. Đứa con gái nhỏ bỗng hỏi “Ba ơi, có phải Chúa nghe hết mọi lời mình nói không Ba?” “Đúng vậy đó con! Dù mình có nói chỗ kín đáo nào thì Chúa cũng nghe hết!” – “Vậy thì, giữa lời Ba vừa cầu nguyện cảm ơn Chúa hồi nãy, với lời than phiền Ba đang nói, thì Chúa sẽ tin cái nào?”

Sở dĩ có não trạng, hoặc cách suy nghĩ trên, là vì rất ít người trong chúng ta biết một chút gì về sự cáo trách tội lỗi. Chúng ta có thể đã trải qua một lần tâm hồn bị bất an khi đã làm điều chi sai trật đối với người thân của mình. Nhưng sự cáo trách tội lỗi do Đức Thánh Linh đem đến lấn át hết mọi mối liên hệ khác, khiến cho chúng ta thấy rõ mình đã phạm tội nghịch cùng Chúa mà thôi; như vua Đavít xưa đã nhận biết: “Tôi đã phạm tội cùng Chúa, chỉ cùng một mình Chúa thôi và làm điều ác trước mặt Chúa” (Thi Thiên 51:4). Nếu ai đã từng bị cáo trách như thế, người ấy sẽ biết rõ trong lương tâm mình rằng Đức Chúa Trời sẽ không thể nào tha thứ anh ta. Bởi vì nếu Ngài tha thứ, thì anh ta có ý thức về công nghĩa cao hơn Ngài; hoặc bản thể thánh khiết và công chính của Ngài quá tầm thường. Thế nhưng, Chúa đã mở đường để tha thứ.

Đức Chúa Trời đã phải chịu nỗi đau tan nát lòng, ngoảnh mặt không nhìn Đức Chúa Giêxu Christ, Con Ngài, bị đóng đinh trên thập tự giá để Ngài có thể tha thứ tội lỗi của chúng ta. Phép lạ vĩ đại của ân điển Đức Chúa Trời công chính và thánh khiết là Ngài có thể tha thứ tội lỗi. Thế nhưng có bao nhiêu người hiểu và suy gẫm về nỗi đau đớn trong lòng Ngài khi phải thực hiện sự tha tội nhân loại qua cái chết hi sinh của Đức Chúa Giêxu? Chỉ có sự chết thay của Đấng Christ để chuộc tội cho chúng ta, thì mới có thể làm cho Đức Chúa Trời vẫn giữ toàn vẹn bản thể công chính và thánh khiết của Ngài, khi Ngài tha tội cho loài người. Vì vậy, ý tưởng nào cho rằng Đức Chúa Trời sẵn sàng tha tội chỉ vì Ngài yêu thương, là một sự suy diễn ngu ngốc.

Đức Chúa Trời đúng là tình yêu thương (1Giăng 4:8, 16). Nhưng tình yêu thương của Ngài có nghĩa là cây thập tự mộc hình trên đồi Sọ! Không có gì khác! Tình yêu của Đức Chúa Trời được phô bày trên thập tự giá, chứ chẳng phải nơi nào khác. Căn bản duy nhất để Ngài có thể dựa vào đó tha tội cho chúng ta ấy là thập tự giá của Đấng Christ. Nơi đó, bản thể công chính, thánh khiết, và yêu thương của Ngài được thoả mãn: “Tình Đức Chúa Trời yêu chúng ta được biểu lộ như thế nầy: Đức Chúa Trời sai Con Một của Ngài xuống thế gian, để nhờ Con Ngài chúng ta được sống. Đây là tình yêu: không phải chúng ta yêu Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã yêu chúng ta, và sai Con Ngài đến làm sinh tế chuộc tội chúng ta” (1Giăng 4:9–10).

Được tha tội không có nghĩa là đã sẵn sàng để về thiên đàng và tránh khỏi hoả ngục. Tha tội có nghĩa là chúng ta được tha thứ để bước vào một mối liên hệ mới được thiết lập. Trong liên hệ đó, chúng ta được đồng hoá với Đức Chúa Trời qua Đức Chúa Giêxu Christ. Việc ấy được thực hiện qua phép lạ cứu chuộc của Đức Chúa Trời biến hoá tôi, một con người ô uế, vào tiêu chuẩn của Đấng Thánh, là chính Ngài, bằng cách đặt vào trong tôi một bản thể mới, bản thể của chính Đức Chúa Giêxu Christ. Tuy nhiên, không có nghĩa là việc đó sẽ dương nhiên hoàn thành khi ai đó theo đạo. Nhiều người đã quan niệm sai lầm về Đức Chúa Trời rằng: ‘Đức Chúa Trời rất nhân từ và đầy yêu thương, nên dĩ nhiên là Ngài sẽ tha thứ mọi tội lỗi do bản chất yếu đuối của chúng ta gây ra.’ Như đã nói, ý nghĩ đó chỉ suy diễn từ cảm tính chứ không dựa trên sự hiểu biết đúng.

Nền tảng duy nhất mà Đức Chúa Trời căn cứ trên đó để tha tội cho chúng ta là thảm cảnh bi tráng của Thập Tự Giá Đấng Christ. Đó là lý do duy nhất mà Đức Chúa Trời có thể dùng để tha tội cho chúng ta và đem chúng ta trở về phục hoà với Ngài. Ai cho rằng Ngài có thể tha thứ cho chúng ta trên căn bản nào khác ngoài thập tự giá của Đấng Christ, là một sự báng bổ do dốt nát. Chúng ta không bao giờ nên tiếp nhận sự tha thứ tội lỗi, sự ban cho Đức Thánh Linh, và sự thánh hoá của chúng ta bằng thứ đức tin ngu ngốc, mà quên cái giá cao khủng khiếp mà Đức Chúa Trời đã phải trả vì tất cả chúng ta. Để có thể tha thứ tội lỗi của chúng ta, mà vẫn giữ được bản thể Đức Chúa Trời chí thánh, cái giá mà Ngài phải trả là thập tự giá của Đấng Christ. Ngài đã khải thị cho nhân gian biết rằng Đấng công chính và thánh khiết sẽ không thể tha thứ nếu không có sự chuộc tội (Hêbơrơ 9:12–15, 22).

Lý do mà chúng ta biết ơn Chúa là vì con đường duy nhất mà chúng ta có thể được tha tội và đem trở lại với Đức Chúa Trời là qua sự chuộc tội đã được thực hiện trên thập tự giá. Ơn tha thứ của Chúa chỉ có thể được thực hiện trong cõi siêu nhiên. Tha tội là một phép lạ thiên thượng của ân điển Đức Chúa Trời. Không có sự tha tội, chúng ta không thể kinh nghiệm được sự thánh hoá, vì thế, kinh nghiệm về sự được tha tội là lớn hơn kinh nghiệm được thánh hoá. Sự thánh hoá chỉ đơn giản là bằng chứng hoặc sự biểu lộ tuyệt vời của sự tha thứ tội lỗi trong đời sống con người. Nhưng điều có thể khơi dậy nguồn suối biết ơn sâu xa trong lòng người ấy là Đức Chúa Trời đã tha thứ tội lỗi của chúng ta. Hễ tín hữu nào ý thức và hiểu được cái giá mà Đức Chúa Trời phải trả để có thể tha tội cho chúng ta, thì người ấy sẽ có lòng biết ơn vô tận, suốt đời, về tình yêu vô biên của Đấng Chủ Tể vũ trụ. Người đó sẽ không bao giờ phản bội Đấng đã yêu mình như thế.

Mọi cử chỉ tạ ơn đều phải thành thật xuất phát từ lòng biết ơn vô hạn của chúng ta. Chúng ta chỉ có thể biết ơn Đức Chúa Trời khi hiểu được sự vĩ đại vô biên của tình yêu Ngài. Người ta chỉ có thể nhận biết được sự vĩ đại vô biên của tình yêu Đức Chúa Trời, khi thấu hiểu được nỗi lòng đau đớn, tan nát của Ngài khi Ngài sai Đức Chúa Giêxu xuống trần để chịu chết trên thập  tự giá đền tội cho nhân loại. Khi nào chúng ta ý thức được mức độ trầm trọng và tính bỉ ổi, gớm ghiếc của những tội lỗi mà mình đã phạm, thì chúng ta mới có thể cảm thông được nỗi đau đớn của Vị Chúa Tể vũ trụ, Đấng cực thánh, khi Ngài gánh hết mọi tội lỗi bỉ ổi nhất của nhân loại trên thập tự giá, để ngày nay chúng ta được tha thứ, được tự do, và được hưởng sự thánh khiết thiên đàng. Từ sự biết ơn và yêu mến chân thành đó, mọi hành động tạ ơn của chúng ta mới thật có ý nghĩa.

VanDeTamLinh03.docx

Rev. Dr. CTB