Chúa Nhật, September 11, 2011 – Hiệp Nhất Trong Sự Cầu Nguyện (Hiểu Biết Quyền Năng Thuộc Linh p.28)

Chúa Nhật, September 11, 2011

Hiểu Biết Quyền Năng Thuộc Linh, 28

Hiệp Nhất Trong Sự Cầu Nguyện

Mathiơ 18:15–35

Các Hội Thánh cũng như con dân Chúa khắp nơi vẫn thường xuyên cầu nguyện và nài xin Chúa rất nhiều vấn đề.  Nhưng số lần được Chúa thương xót đáp lời chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ.  Có lẽ không có nhiều người thực sự hiểu bí quyết để nhận được lời hứa: “Nếu hai người trong các ngươi thuận nhau ở dưới đất mà cầu xin không cứ việc chi, thì Cha Ta ở trên trời sẽ cho họ.  Vì nơi nào có hai ba người nhân danh Ta nhóm nhau lại, thì Ta ở giữa họ” (19–20).  Để khỏi tốn công vô ích, hãy tìm hiểu nguyên tắc nào được Chúa thương xót đáp lời cầu nguyện chúng ta.

Trước hết, hãy cùng nhau xem xét ý nghĩa của khúc Kinh Thánh nầy để biết cách đạt được lời hứa của Chúa nói ở trên. Lời hứa của Ngài đưa ra một điều kiện rõ ràng là “phải thuận nhau!”  Ý nghĩa thông thường của ‘thuận’ là đồng ý với nhau.  Thấy có vẻ dễ, nhưng thế nào là đồng ý? Hãy xem xét ý nghĩa của chữ ‘thuận nhau’ hay ‘đồng ý với nhau’ theo nền tảng phân đoạn nầy của Kinh Thánh.  Trước khi nói về điều kiện được Cha trên trời ban cho những điều hai người ở dưới đất thuận nhau thỉnh cầu, Đức Chúa Giêxu chỉ dẫn về mối liên hệ phải có giữa tín hữu với nhau, phương cách giải hoà khi có chuyện bất bình, và biện pháp mà Hội Thánh phải làm đối với người cố chấp (15–17); kế đó là quyền buộc và mở ở dưới đất cũng như trên trời của những người hoạt động theo nguyên tắc hoà thuận trong Hội Thánh (18). Đức Chúa Giêxu lại trả lời câu hỏi về số lần tha thứ người phạm lỗi (21); Ngài dùng chuyện kể để dạy về tinh thần hoà hợp trong các mối liên hệ giữa tín hữu với nhau, và hậu quả của tinh thần tranh chấp, không tha thứ (22–35).

Chữ Hy-văn ‘thuận nhau’ dùng ở đây là sumphoneo, gốc của ‘symphony’ trong Anh ngữ (hoà nhạc hay hoà tấu). Trước khi hoà nhạc, các nhạc công chỉnh dây và đàn thử phần của mình. Các âm thanh lúc ấy chỏi nhau nghe rất khó chịu, vì không có chút gì hoà hợp. Nhưng khi vị nhạc trưởng giơ cây gậy chỉ huy ra hiệu, thì mọi nhạc công đều sẵn sàng chờ sự điều khiển của nhạc trưởng.  Sau đó thính giả được thưởng thức hoà âm tuyệt vời của nhạc khúc.  Dù mỗi nhạc khí, nhạc công chỉ đàn phần riêng họ, nhưng đã cùng nhau đóng góp vào nét tuyệt hảo của nghệ thuật hoà âm.

Thuận nhau, hay đồng ý với nhau trong sự cầu nguyện cũng giống như vậy.  Chúng ta có thể cầu nguyện một mình, nhưng cũng có thể học cầu nguyện trong sự hoà hợp để hoà âm với các lời cầu nguyện khác.  MS Elmer Towns nói: “Cầu nguyện mà không đồng thuận khác nào những âm thanh chỏi nhau trong tai Chúa.” Chúng ta phải đồng ý với nhau những gì khi cùng cầu nguyện?

Đồng lòng cầu xin bởi đức tin.–Tin cái gì? Nếu hai người cùng nhau cầu nguyện thì họ phải đồng ý rằng Đức Chúa Trời nghe lời cầu xin và có quyền làm thành bất cứ điều chi chúng ta xin. Họ phải đồng lòng tin rằng “Há có điều chi Đức Giêhôva làm không được chăng?” (Sáng 18:14). Họ phải cùng tin lời Chúa hứa là thật, và Ngài có thể làm bất cứ điều gì Ngài hứa.  Hơn nữa, họ còn phải đồng lòng tin rằng chẳng những Ngài có thể làm, mà Ngài sẽ đáp lời nữa.  Một số điều kiện để bày tỏ đức tin và được đáp lời là: * Chân thành cầu xin (Giêrêmi 29:13); Tin chắc sẽ nhận được điều mình xin (Mathiơ 21:22, Hêbơrơ 11:6); *Kiên trì cầu xin (Luca 18:1, Mathiơ 15:21–28); *Cầu xin phù hợp với Lời Chúa (Giăng 15:7), *Phù hợp với ý Chúa (1Giăng 5:14); *Cầu xin trong Danh Đức Chúa Giêxu (Giăng 14:14); *Cầu xin để vinh danh Chúa (Giăng 15:7,8); *Cầu xin với lòng ăn năn tội (Thi Thiên 66:18); *Cầu xin khi vợ chồng hoà hợp nhau (1Phierơ 3:8).

Đồng lòng về tình trạng cấp bách của vấn đề – Khi hai người đồng lòng cầu nguyện khẩn thiết cho một vấn đề cấp bách, bằng đức tin, nước mắt, khẩn nài và kiêng ăn (Công vụ 12:1–12).

Đồng lòng cầu nguyện với sự chân thành – Bất cứ điều không thành thật nào còn bị giấu giếm giữa hai người cầu nguyện với nhau thì chắc chắn lời cầu nguyện sẽ bị ngăn trở, không thể nào gọi là đồng lòng được.

Trong thế giới vật chất, một sức mạnh được nhân đôi có thể kết quả gấp ba, bốn lần là nhiều. Nhưng trong linh giới của Chúa thì sự nhân đôi đem đến kết quả thật phi thường. Phục Truyền 32: 30chép: “Nhược bằng Hòn Đá không có bán chúng nó, và Giêhôva không giao nộp chúng nó, thì làm sao một người rượt đuổi ngàn người, và hai người đuổi mười ngàn người trốn đi?”Lêviký 26:8 lại nói “năm người trong các ngươi sẽ đuổi theo một trăm, một trăm trong các ngươi sẽ đuổi theo một muôn.” Đây chính là nguyên tắc sức mạnh nhân lên gấp bội khi con cái Chúa hiệp một.

Chuyện tích Ghêđêôn với 300 người đánh bại liên minh quân đội của các dân Mađian, Ama –léc, và người phương Đông là một minh chứng cho nguyên tắc nầy: “Dân Mađian, dân Amaléc, và hết thảy người phương Đông bủa ra trong trũng đông như cào cào, còn lạc đà của chúng nó thì vô số, khác nào cát nơi bờ biển” (Các Quan Xét 7:12).  Đức Chúa Trời truyền cho Ghêđêôn chỉ chọn 300 người mạnh dạn và cẩn trọng để cùng với ông đánh bại quân Mađian. Ghêđêôn dặn họ “Hãy ngó ta, và làm y như ta làm” (Các Quan Xét 7:17), là nguyên tắc hiệp một của số ít người.  300 người đã cùng hành động với chủ tướng trong sự hiệp một hoàn hảo, và đoàn quân thù đông vô số ấy đã bị đại bại vì tự đánh lẫn nhau.

Một chuyện khác trong 1Samuên 14 cũng có nguyên tắc như thế: Giônathan và người đầy tớ của ông đã hợp ý với nhau tin cậy Đức Chúa Trời, kết quả là hàng ngàn quân Philistine bị vỡ tan trước mặt hai người. “Vì Đức Giêhôva khiến cho số ít người được thắng cũng như số đông người vậy.  Kẻ vác binh khí của người thưa rằng: Hãy làm điều ông ước và đi nơi nào ông muốn; lòng ông dẫn ông đi đâu, tôi sẽ theo đó” (1Samuên 14:6–7). Lòng tin và tinh thần hiệp một ấy của chỉ hai người đã khiến cho cả trại quân Philistine phải thua tan tành (1Samuên 14:13–20).

Tình trạng hiện nay của nhiều tín hữu trong Hội Thánh chung vẫn thường xuyên thất bại, ốm đau, mất mát, buồn rầu, không kết quả, vv., là do không biết khai thác nguồn quyền phép của sự đồng lòng hiệp ý cầu nguyện.  Hầu như chúng ta không có một khung thời gian nào dành cho sự cầu nguyện chung cả Hội Thánh.  Nếu có cầu nguyện, thì lại không có sự đồng một lòng, hiệp một ý. “Nếu hai người trong các ngươi thuận nhau ở dưới đất mà cầu xin không cứ việc chi, thì Cha Ta ở trên trời sẽ cho họ.” Lý do nào khiến chúng ta không nhận được điều mình mong muốn từ Chúa qua lời hứa nầy?  Sự đồng lòng hiệp ý chỉ có thể có khi cả hai người cầu nguyện với nhau đều có mối tương giao gắn bó với Chúa và bám chắc lời hứa của Ngài.

Đức Chúa Giêxu cũng hứa: “Ví bằng các ngươi cứ ở trong Ta, và những lời Ta ở trong các ngươi, hãy cầu xin mọi điều mình muốn, thì sẽ được điều đó” (Giăng 15:7).  Chúa chúng ta đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để con cái Ngài có thể nhận được các ơn phước tốt nhất mà Ngài đã dành sẵn cho chúng ta.  Khi tín hữu áp dụng những lời dạy của Kinh Thánh vào thực hành nhưng không thấy sự việc diễn ra như mình tưởng, bèn nghĩ rằng những lời hứa ấy của Chúa là không có thật; tưởng rằng mình đã làm đúng theo những gì Kinh Thánh chỉ dẫn.  Tuy nhiên, tín hữu thường không chịu xét những điều kiện cần phải có trước khi cùng nhau quỳ xuống cầu nguyện: Đó là sự đồng lòng hiệp ý, việc cứ ở trong Chúa và những lời Chúa ở trong chúng ta; nghĩa là sự hiệp một với Chúa yêu quý của mình là điều kiện tiên quyết.

Trong kinh nghiệm đời sống thật giữa Hội Thánh, chúng ta thấy nhiều người có vẻ rất chân thành trong việc cầu xin được đổ đầy Đức Thánh Linh, được báp têm bằng Đức Thánh Linh, hay được chữa các thứ bệnh, được giải quyết những trường hợp nan giải, được giải cứu ra khỏi hoạn nạn, vv., nhưng vẫn không nhận được điều họ cầu xin.  Chúng ta thắc mắc tại sao Chúa lại không thực hiện lời hứa của Ngài?  Một thời gian sau, sự thắc mắc đầy chủ quan ấy được Chúa giải đáp bằng cách cho chúng ta thấy những tấm lòng chưa chịu đầu phục Chúa, chưa chịu mời Chúa vào làm Chủ đời sống họ, những tâm tánh xác thịt cứ tiếp tục cai trị trên các người nầy.  Những điều đó chính là các nguyên nhân làm cho sự cầu nguyện trở nên không hiệu quả.  Hãy cùng nhau xét thái độ của lòng mình đối với Chúa để có thể thấy những gì cần phải điều chỉnh, ăn năn, và cầu xin Chúa sửa lại những sai trật, nếu chúng ta muốn rờ chạm đến nguồn năng lực vĩ đại của Chúa.

QuyenNangThuocLinh28.docx

Rev. Dr. CTB