Chúa Nhật, September 18, 2011
Bài Giảng VBC
Nhận Lãnh BápTêm Đức Thánh Linh
Công Vụ 10:1–48
Báptêm bằng Đức Thánh Linh, cũng gọi là được xức dầu bằng Đức Thánh Linh (38), là một ân huệ, một sự ban cho đặc biệt từ Đức Chúa Trời mà mỗi tín hữu cần phải cầu xin cho bằng được. Được báptêm bằng Đức Thánh Linh sẽ có ích lợi gì? Chúng ta có muốn được ban năng lực để thắng hơn bản ngã vẫn trì kéo, và con người bề trong được đổi mới dễ dàng không? Có muốn được ban uy quyền để đánh bại thế giới tối tăm, phá huỷ mọi mưu kế cũng như làm triệt tiêu ảnh hưởng của chúng trên chúng ta, gia đình, bạn bè, và những người chung quanh chúng ta không? Nếu muốn thì hãy tìm kiếm để nhận cho được báptêm bằng Đức Thánh Linh. Báptêm bằng Đức Thánh Linh là một khởi đầu của cuộc hành trình đầy hào hứng về thiên đàng. Nó không phải là cái đích cuối cùng để đạt được. Phép báp têm ấy có một tầm quan trọng đặc biệt trong kế hoạch của Đức Chúa Trời cứu rỗi loài người. Nếu không quan trọng, Chúa không cần cho làm chi.
Tại sao tín hữu phải quyết tâm tìm kiếm cho kỳ được sự báptêm nầy? Trước hết, nó là mệnh lệnh của Chúa (Công vụ 1:8); kế đến, đây là chương trình và ân huệ Chúa dành cho ta; sau cùng, nó là ích lợi của chính chúng ta. Người tìm kiếm là người biết vâng lời Chúa trong mọi việc; chúng ta muốn nhận đủ các thứ ơn phước và mọi sự ban cho đến từ Chúa. Vì mọi điều đến từ Ngài dù là ơn phước nhỏ nhất cũng là vô cùng quý báu; chúng ta lại cũng muốn được mặc lấy quyền phép từ trên cao để có thể trở thành một chứng nhân hiệu quả cho Chúa, đồng thời có đủ uy quyền để đánh bại các quyền lực tối tăm thù nghịch với Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Hơn thế nữa, sự báptêm bằng Đức Thánh Linh sẽ làm cho con người bên trong của chúng ta được trở nên dễ uốn nắn, dễ tiến bước trên con đường thánh hoá, và dễ vận hành trong cõi quyền phép thiên đàng.
Nhiều người nghe thì thích lắm, nhưng chưa biết những điều kiện phải có trong tâm linh đáp ứng những đòi hỏi của Đức Thánh Linh; cho nên đã nhiều lần nài xin mà vẫn chưa nhận được ơn quý báu nầy. Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau chân thành xem xét kỹ càng trường hợp được báp têm bằng Đức Thánh Linh trong Công Vụ 10, dùng nó làm mẫu mực so sánh với thực trạng lòng mình; hầu hiểu rõ những lợi điểm nào có thể áp dụng cho mình, rồi sau nầy sẽ giúp đỡ những ai tin Chúa qua lời chứng của chúng ta, để những người đó nhận được sự xức dầu quý báu ấy cách dễ dàng. Chuyện tích về gia đình Cọtnây nhận được báptêm bằng Đức Thánh Linh là một chuyện đặc biệt, không giống những trường hợp khác trong sách Công Vụ; vì họ chưa được làm phép báptêm bằng nước. Gương mẫu nầy giúp chúng ta rút ra nhiều sự dạy dỗ ứng dụng cho mình.
10:2 nói rằng Cọtnây là một người đạo đức, và cả nhà ông kính sợ Đức Chúa Trời. Điểm nầy là căn bản của vấn đề. Vì lòng của ai kính sợ Chúa sẽ chi phối mọi mặt hành động của đời sống người ấy. Một tập thể Hội Thánh kính sợ Chúa sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho Chúa viếng thăm. Ta hãy thử đặt câu hỏi: Tại sao thiên sứ không được sai đến nhà những người Dothái sùng đạo ngày ngày cần mẫn tới đền thờ cầu nguyện? Sự kính sợ Chúa của gia đình Cọtnây có nghĩa là gì qua cách sống hàng ngày của họ? Chắc rằng họ tìm cách sống, suy nghĩ, cư xử, và hành động sao cho Đức Chúa Trời hài lòng. Điều đó được chứng minh qua việc bố thí và lòng nhân ái của Cọtnây, là việc được dân Giuđa làm chứng tốt là công nghĩa và kính sợ Chúa (22). Hơn thế nữa, sự chân thành kính sợ Chúa của Cọtnây biểu lộ qua việc ông không chần chờ, không dành thời gian suy nghiệm những lời thiên sứ truyền, vừa nhận mệnh lệnh là ông thi hành liền.
Ngay tức khắc, Cọtnây gọi hai người đầy tớ và một người lính tin kính, thuật lại cho họ nghe mọi điều về việc thiên sứ hiện ra, lời truyền đạt của thiên sứ, rồi nhờ họ đi đến thành Giốpbê tìm Phierơ (8). Cọtnây không chọn người cách bất cẩn để thi hành công việc quan trọng. Ông chọn người biết kính sợ Chúa để những người nầy có thể hiểu tầm quan trọng của sứ mạng mà lo hoàn thành. Chính họ là những người đầu tiên nói chứng tốt về Cọtnây cho Phierơ nghe biết: “Người đó đã bởi một vị thiên sứ thánh mà chịu mạng lệnh từ nơi cao rằng phải mời ông về nhà và nghe lời ông” (22b). Theo thói thường ở đời, khi chính mắt mình không thấy, chỉ nghe thuật lại, thì hầu như ai cũng xem những điều họ chưa từng thấy là chuyện hoang đường, không có thật. Nhưng mấy người nầy đã tin lời chủ và cũng tin lời vị thiên sứ thánh đem mệnh lệnh đến từ nơi cao.
Sau khi các đầy tớ đi rồi, trong khi chờ đợi họ trở về, Cọtnây hoan hỉ thuật chuyện cho cả bà con, gia đình, bạn bè thân thiết. Là một đại đội trưởng, lẽ đương nhiên Cọtnây có thể tính ra thời gian đi và về của các đầy tớ mình, nếu mọi việc thuận lợi. Khoảng thời gian không ai biết chắc là việc đi tìm Phierơ sẽ tốn bao nhiêu thì giờ. Nếu người không có lòng tin và kính sợ Chúa, thì làm sao biết chắc lời thiên sứ nói là thật, và Phierơ chắc chắn sẽ bằng lòng tới thăm một người ngoại bang như Cọtnây? Lòng tin của Cọtnây chân thành đến mức ông tin chắc lời của thiên sứ, tin rằng các đầy tớ sẽ tìm và mời được Phierơ về; cho nên, ông mời bà con bạn bè đến chờ đợi (24).
Phierơ và những người đi theo vừa bước vào nhà thì Cọtnây vội vàng chạy ra rước và quỳ xuống lạy. Hãy biết tâm trạng của Cọtnây để hiểu hành động của ông. Niềm vui về việc được diện kiến một thiên sứ thánh chắc chắn vẫn còn ngất ngây trong lòng. Ai chưa từng nghe chuyện kể về việc gặp thiên sứ mặt đối mặt, thì tưởng rằng sự hiện ra của thiên sứ chắc là không có gì đặc biệt lắm. Kinh Thánh kể rằng bất cứ ai thấy diện mạo các thiên sứ đều kinh hãi. Thực tế vài năm trước đây ở Post Falls, Idaho cũng vậy. Người bạo dạn cũng phải run rẩy sợ hãi, nghẹn họng không thể thốt nên lời. Mặt khác, cảm xúc hân hoan của Cornây vẫn còn tuôn trào vì Đức Chúa Trời tối cao đã đoái đến ông. Cornây tôn quý bất cứ những gì đến từ Đức Chúa Trời, vì thế ông đã quỳ phục xuống lạy Phierơ; mặc dù hành động đó sai vì ông chưa biết, nhưng nó tỏ ra một tâm hồn chân thành ngưỡng vọng và kính sợ Chúa. Không phải chỉ một mình Cọtnây, mà: “Vậy bây giờ, thay thảy chúng tôi đang ở trước mặt Đức Chúa Trời, để nghe mọi điều Chúa dặn ông nói cho chúng tôi” (33).
Mọi người trong nhà Cọtnây đã chăm chú nghe như uống từng lời của Phierơ giới thiệu Đức Chúa Giêxu, Đấng Cứu Thế đã chịu chết vì tội lỗi của cả nhân loại. Ngài đã sống lại và hiện ra với những người làm chứng mà Đức Chúa Trời đã chọn (36–41). Đấng đã truyền cho các môn đồ của Ngài chứng quyết rằng Ngài là: “Đấng Đức Chúa Trời đã lập lên để đoán xét kẻ sống và kẻ chết. Hết thảy các Đấng tiên tri đều làm chứng nầy về Ngài rằng hễ ai tin Ngài thì được sự tha tội vì Danh Ngài” (42b–43).
Đức Chúa Giêxu đã không từ chối những tấm lòng đang rộng mở. Làm sao Ngài có thể làm lơ những linh hồn chân thành đang muốn nhận lãnh? Họ là những người đã tụ tập lại chờ đợi một sứ giả được Ngài sai đến; họ đã sẵn sàng vâng lời và nhận Chúa vào làm Chủ, họ tiếp nhận Chúa cách chân thành đơn sơ nhất. Đức Thánh Linh chỉ chờ đợi giây phút ấy để tuôn tràn vào tâm linh họ. Một ơn phước đầy hạnh phúc tuyệt vời! Những người Giuđa đi theo Phierơ nghe họ nói tiếng mới ca ngợi Đức Chúa Trời thì biết họ đã nhận báp têm bằng Đức Thánh Linh. Chính Phierơ xác nhận việc nầy (Công Vụ 11:15–17). Chỉ nhờ sự tin kính và vâng lời của một người là Cọtnây, nhiều người khác quen biết với ông đã nhận được ơn cứu rỗi và phép báptêm bằng Đức Thánh Linh khi chưa nhận phép báptêm bằng nước. Chương trình của Đức Chúa Trời thật là kỳ diệu.
Ngày nay, mọi tín hữu nào chân thành mong muốn được báptêm bằng Đức Thánh Linh cũng đều có thể nhận được ơn ấy bằng cách tin cậy sự chết thay của Đức Chúa Giêxu, thật lòng ăn năn tội lỗi để được tha tội, mềm mại vâng phục mọi sự cáo trách chỉ dẫn của Chúa, sẵn lòng đi theo sự hướng dẫn của Ngài trong mọi vấn đề của đời sống. Những điều còn giấu kín, những thứ chưa sẵn sàng từ bỏ dù biết rằng Chúa không hài lòng, đều là các nguyên nhân khiến tín hữu khó nhận được báptêm bằng Đức Thánh Linh. Hãy xét lòng, hãy ăn năn để tiếp nhận. Chúa không bao giờ từ chối một tâm linh chân thành và khát khao. Hãy mạnh dạn nhận lãnh.
NhanLanhBapTemDucThanhLinh.docx
Rev. Dr. CTB