Dẫn Nhập

Dẫn Nhập

Ngay từ đầu thư, người đọc đã thấy rõ ràng tác giả của thư Galati là sứ đồ Phaolô (1:1). Hầu hết các học giả Kinh Thánh đều công nhận rằng sứ đồ Phaolô là tác giả của thư tín hết sức quan trọng gửi cho các tín hữu thuộc những Hội Thánh ở tỉnh Galati. Tuy nhiên, có hai lý thuyết khác nhau về thời điểm thư được viết cũng như nơi nhận:

a) Thuyết thứ nhất cho rằng thứ được viết từ Êphêsô hay Maxêđoan trong khoảng các năm từ 53 tới 57 AD. Nơi nhận thư là các Hội Thánh nằm ở phía bắc của miền trung xứ Tiểu Á, gồm có Pessinus, Ancyra và Tavium của dân Gauls, là dân đã xâm chiếm khu vực nầy và ở lại đó từ thế kỷ 3 BC. Thuyết nầy nói rằng đây là những Hội Thánh do sứ đồ Phaolô thành lập trong chuyến truyền giáo thứ nhì của ông. Nhưng sách Công Vụ Các Sứ Đồ thì không đề cập chút nào tới các cuộc viếng thăm của Phaolô tới các thành phố đó. Thuyết nầy gọi là thuyết Bắc Galati.

b) Thuyết Nam Galati thì cho rằng thư tín nầy được viết cho các Hội Thánh miền nam của tỉnh Galati thuộc đế quốc Rôma, gồm có các Hội Thánh Antioch, Iconium, Lystra và Derbe, mà Phaolô đã thành lập trong chuyến truyền giáo thứ nhất của ông. Một số người cho rằng thư nầy được viết từ thành phố Antioch xứ Syri vào các năm 48–49 sau chuyến truyền giáo thứ nhất của Phaolô, nhưng trước giáo hội nghị đầu tiên tại Giêrusalem (Công Vụ 15). Ý kiến khác thì tin rằng thư nầy được viết từ Antioch xứ Syri hoặc từ Côrinhtô giữa các năm 51–53.

Những ý kiến khác nhau nầy thật ra chẳng có gì quan trọng hoặc ảnh hưởng tới sứ điệp trong nội dung của thư. Các học giả lúc nào cũng muốn biết chính xác về thời điểm để phân tích và đối chiếu với những chi tiết lịch sử các chuyến truyền giáo của Phaolô mà thôi.

Tuy vậy, những người học Kinh Thánh cần phải biết nguyên nhân tại sao Phaolô viết thư nầy và mục đích của thư là gì. Vào thời Hội Thánh sơ lập thì Hội Thánh đầu tiên được thành lập là ở Giêrusalem, xứ Giuđê. Hầu như toàn thể tín hữu của Hội Thánh trong những năm đầu đều xuất thân từ Do-thái-giáo, dù họ có thuộc về các dân tộc khác đi nữa, họ vẫn là những người trước đó quy đạo vào Do-thái-giáo. Đại đa số Cơ-đốc-nhân đầu tiên đều là người Do-thái, rất nghiêm túc tuân theo luật pháp Môise của Do-thái-giáo. Họ đã quen với truyền thống cũ là phải giữ mọi luật lệ đã được truyền lại cho họ, đặc biệt là phép cắt bì.

Sau chuyến truyền giáo hết sức thành công của Phaolô và Banaba ở vùng Tiểu Á – Nam Âu, và nhiều Hội Thánh địa phương được thành lập, các Hội Thánh ấy bắt đầu sống đạo theo những gì Phaolô và Banaba đã truyền dạy. Nhưng đã có những tín hữu người Giuđa từ Giêrusalem đến thăm các Hội Thánh ấy và dạy rằng dù tiếp nhận ơn cứu chuộc của Đức Chúa Giêxu, tín hữu nào không phải là người Do-thái vẫn phải tuân giữ các lễ nghi của luật pháp Môise thì mới được cứu. Có thể là họ làm như vậy để tránh bị bắt bớ bởi nhóm người Do-thái-giáo cuồng nhiệt (6:12). Để chứng minh sự dạy dỗ của họ là đúng, họ lập luận rằng Phaolô không phải là một sứ đồ thật, và Phaolô đã bỏ đi những luật lệ mà luật pháp Môise đòi hỏi để có thể thu hút được người ngoại bang vào đạo.

Phaolô trả lời bằng cách đưa ra những bằng chứng rõ ràng, nói cách minh bạch rằng chức vụ sứ đồ của ông, dù được kêu gọi và trao phó sau những vị sứ đồ đầu tiên của Đức Chúa Giêxu, thì “không qua trung gian một người nào, nhưng trực tiếp qua Đức Chúa Giêxu Christ và Đức Chúa Trời” (1:1). Vì thế, những sự dạy dỗ của ông có thẩm quyền và đúng, vì đã nhận trực tiếp từ Chúa chứ không phải do người khác truyền lại. Ông phân tích rằng, những sự thêm thắt công việc của luật pháp vào để người ta được xưng công chính, là một sự xuyên tạc phúc âm của ân điển. Nếu việc nầy không bị ngăn chặn, thì những tín hữu do Phaolô dẫn đến với Chúa sẽ bị trói buộc vào cái ách nô lệ của luật pháp; là cái ách mà sự chết của Đức Chúa Giêxu đã trừ bỏ.

Dù việc xác nhận thời điểm viết thư Galati khó có thể biết chính xác, nhưng kết quả của giáo hội nghị đầu tiên của Hội Thánh tại Giêrusalem được chép trong Công Vụ Các Sứ Đồ 15, chứng minh các lập luận và lý lẽ vững chắc của Phaolô trong thư Galati nầy là hoàn toàn đúng. Lời nói của Giacơ (em trai cùng mẹ với Đức Chúa Giêxu) đã xác nhận: “theo ý tôi, không nên gây khó khăn cho người dân ngoại trở lại với Đức Chúa Trời. Chúng ta chỉ nên viết thư bảo họ phải kiêng những vật bị thần tượng làm cho ô uế, tránh gian dâm, không ăn thịt thú vật bị chết ngộp, và không ăn huyết” (Công Vụ 15:19–20). Căn cứ trên nội dung của thư các sứ đồ tại Giêrusalem gửi cho các Hội Thánh ở Antioch, Syri và Silici, thì người ta có thể ước đoán thư tín Galati đã được viết trước khi có giáo hội nghị ấy. Thư có nội dung như sau:

“Các sứ đồ, trưởng lão và anh em, gửi lời chào thăm anh em dân ngoại tại Antioch, Syri và Silici. Nghe tin có mấy người trong chúng tôi đã nói những lời gây hoang mang, làm rối loạn tinh thần anh em. Chúng tôi không hề bảo họ làm việc ấy. vì thế chúng tôi đồng lòng hợp ý quyết định chọn hai người, cử họ đến thăm anh em, cùng đi với anh em thân yêu của chúng tôi là Banaba và Phaolô, hai người đã liều chết vì Danh Đức Chúa Giêxu Christ chúng ta. Anh Giuđa và Sila, người chúng tôi cử đến, sẽ nói trực tiếp những điều nầy. Đức Thánh Linh và chúng tôi quyết định không thêm gánh nặng gì cho anh em, ngoài mấy điều cần thiết nầy: Anh em phải kiêng của cúng thần tượng, huyết, thịt thú vật chết ngộp, và đừng gian dâm. Anh em tránh được những điều đó là tốt. Kính chào anh em” (Công Vụ 15:23–29).

Thư Galati nổi bật về mặt biện giáo nói về chân lý cần thiết của Tân Ước: Người ta được kể là công chính nhờ đức tin vào Đức Chúa Giêxu Christ – không hơn cũng không kém – và người tin được thánh hoá không phải nhờ làm theo những việc của luật pháp, nhưng nhờ sự vâng phục đến bởi đức tin vào công tác Đức Chúa Trời làm cho anh ta, trong anh ta, và qua anh ta bởi ân điển và quyền phép của Đức Chúa Giêxu Christ và Đức Thánh Linh.

Thư Galati là nền tảng lý luận vững chắc mà (linh mục) Martin Luther đã dùng để viết những tác phẩm và các bài lý luận chống lại nền thần học sai lầm đang thịnh hành vào thời của ông. Do sự khám phá sứ điệp căn bản của thư Galati, đã dẫn đến cuộc Cải Cách thần học, đưa Hội Thánh trở lại chân lý muôn đời của Tin Mừng là: Người ta được xưng công chính bởi đức tin chứ không cậy vào việc công đức mà người ấy làm. Phaolô nói: “biết rằng một người được xưng công chính không phải nhờ làm những điều luật pháp dạy, nhưng nhờ tin Đức Chúa Giêxu Christ. Chính chúng ta đã tin Đức Chúa Giêxu Christ để được xưng công chính nhờ đức tin trong Đấng Christ, chứ không nhờ làm theo những điều luật pháp dạy. Vì không một ai nhờ giữ luật pháp mà được xưng công chính” (2:16).

Ngoài hai phần giới thiệu, chào thăm ở đầu và kết luận ở cuối bức thư, thư Galati có ba phần chính rõ ràng. Phần thứ nhất từ 1:10 tới 2:21 là chứng thực chức vụ sứ đồ của Phaolô là vị sứ đồ của sự tự do và đức tin. Phần thứ nhì, hai đoạn 3 và 4 là sự phân tích về giáo lý, giải thích giáo lý tự do và đức tin. Phần thứ ba từ 5:1 tới 6:10 là sự ứng dụng đời sống đạo thực tiễn của việc được xưng công chính với đức tin, và được thánh hoá nhờ sống theo sự chỉ dẫn của Đức Thánh Linh. Có thể nói thư Galati là một bản chỉ dẫn cách sống đạo rất rõ ràng. Đồng thời thư nầy cũng nhắc đến một vài điểm rất quan trọng mà tín hữu thường không để ý đến. Ví dụ: “Anh em nên biết rõ: Ai có đức tin, người ấy là con cái Ápraham” (3:7). Hay “Đấng Christ đã chuộc chúng ta ra khỏi sự rủa sả của luật pháp, Ngài trở nên Người bị nguyền rủa vì chúng ta, bởi có lời chép: ‘Ai bị treo lên cây gỗ đáng bị nguyền rủa” (3:13).

Thư Galati sẽ dẫn chúng ta vào những niềm tin rất căn bản và vững chắc của đức tin Cơ-đốc.

Galati01.docx

Rev. Dr. CTB