Dẫn Nhập – Thư Tín Êphêsô

Thư Tín Êphêsô

Dẫn Nhập

Một số người nghi ngờ rằng sứ đồ Phaolô không phải là tác giả của thư Êphêsô.  Lý do nêu ra là đầu thư không có các lời chào hỏi thông thường như các thư khác, và các chữ “tại Êphêsô” không có trong một số bản sao cổ của các giáo phụ Origen và Aleph.  Vài bản sao khác thì thì để các chữ “tại Êphêsô” trong ngoặc đơn. Tuy nhiên, ở cuối thư (6:21–22) thì nói về việc Phaolô sai Tychicơ đem thư nầy đến Êphêsô để tường trình tình trạng của ông tại Rôma cho họ biết. Chi tiết nầy trùng với chi tiết Phaolô đã sai Tychicơ đi Êphêsô trong thư thứ nhì ông gửi cho Timôthê từ Rôma (2Tim.4:12). Như vậy, với văn phong và các chi tiết nói trên, cùng với các vấn đề về chiến tranh trong cõi linh chống lại thế giới tối tăm trong thư Êphêsô, phù hợp với các ký thuật của bác sĩ Luca trong đoạn 19 của sách Công Vụ các Sứ Đồ, thì đã xác định chắc chắn Phaolô là tác giả của thư nầy.  Nhiều học giả Kinh Thánh tin rằng đây là một thư nhằm luân chuyển giữa các Hội Thánh lúc ấy.  Có lẽ Phaolô viết thư nầy vào năm 60 A.D., đồng một lúc với thư cho Hội Thánh Côlôse khi ông bị giam giữ tại Rôma, được gọi là các thư trong tù.

Không giống như các thư khác, thư Êphêsô không đề cập đến điều gì sai trật hoặc lạc đạo.  Phaolô viết thư nầy để mở rộng tầm nhìn của độc giả, hầu cho họ có thể hiểu nhiều hơn về tầm cỡ mục đích đời đời và ân sủng của Đức Chúa Trời, để biết ơn Chúa về những mục tiêu cao cả của Ngài cho Hội Thánh.  Phaolô nhấn mạnh là chúng ta được cứu không phải chỉ vì ích lợi riêng của mình, nhưng cũng để đem vinh quang và ngợi khen cho Đức Chúa Trời.  Phaolô cầu xin cho các độc giả của ông được ban cho thần linh của sự khải thị và thần linh của sự khôn ngoan để họ “nhận biết Chúa” (1:17).  Điều hết sức quan trọng là phải nhận biết rằng “khi thời hạn ấn định đã mãn, Ngài đem muôn loài vạn vật trở về làm một trong Đấng Christ, cả vật ở trên trời cũng như vật ở dưới đất” (1:10).  Ông cũng cầu nguyện thêm rằng Đức Chúa Trời sẽ dùng quyền năng của Đức Thánh Linh làm cho tín hữu được mạnh mẽ; nhờ đó, qua đức tin của họ Đấng Christ sẽ ngự trong họ, và họ đâm rễ, vững gốc trong tình yêu thương, để họ “có thể cùng các thánh đồ hiểu thấu tình yêu đó rộng, dài, cao, sâu đến đâu, và biết được tình yêu Đấng Christ vượt quá sự hiểu biết, hầu cho họ được đầy dẫy mọi sự viên mãn của Đức Chúa Trời” (3:17–19).

Sau khi giải thích những mục tiêu vĩ đại của Đức Chúa Trời cho Hội Thánh, Phaolô tiếp tục giải thích về những bước mà Chúa dùng để hoàn thành các mục tiêu đó: Trước hết, Ngài dùng ân  sủng để làm hoà các cá nhân với Ngài (2:1–10).  Kế đến, Ngài làm cho các cá nhân ấy hoà thuận nhau bằng cách phá vỡ các rào cản qua cái chết hi sinh của Đấng Christ (2:11–22).  Chúa còn đi xa hơn thế nữa là hiệp nhất những cá nhân đã được phục hoà ấy vào một thân thể, là Hội Thánh.  Đây là sự huyền nhiệm bị giấu kín trải qua các đời, cho đến khi được khải thị cho Phaolô (3:1–6) biết.  Nhờ đó, Phaolô có thể tiết lộ rõ ràng hơn về ý định mà Chúa muốn dùng Hội thánh để thực hiện, đó là Ngài sẽ dùng Hội Thánh làm phương tiện để phô bày “sự khôn ngoan vô cùng” của Ngài cho các thiên sứ trưởng và phó đang cầm quyền nhiều nơi trong linh giới (3:7–13).

Trong thư nầy Phaolô đã nhiều lần dùng nhóm chữ ‘các nơi trên trời,’ cũng gọi là linh giới, để cho tín hữu biết rằng không phải họ chỉ ở trên mặt đất, mà còn đang ở trong các nơi trên trời nữa (1:3; 2:6).  Tuy vậy, họ vẫn phải sống hết những ngày trên thế gian trong cuộc sống thực tế mỗi ngày, họ phải tiếp tục hoàn thành các mục đích của Đức Chúa Trời.  Chúa đã ban một số ân tứ cho Hội Thánh để họ có thể phục vụ nhau, cổ võ sự hiệp nhất và đức tin trưởng thành (4:1–16) dưới sự lãnh đạo của cái đầu là Đấng Christ. Thư Êphêsô cũng là nơi Phaolô trình bày rất rõ ràng về sự liên hệ giữa Hội Thánh với Đấng Christ như vợ với chồng và thân thể với cái đầu; sự vâng phục mà vợ phải có đối với chồng, và chồng phải yêu thương chăm sóc vợ như chính thân mình khác nào mối liên hệ giữa Hội Thánh với Đấng Christ (5:21–33).

Tiến sĩ Clinton Arnold, giáo sư của trường Đại Học Biola đã nghiên cứu và viết một quyển sách tựa đề “Power and Magic, The Concept of Power in Ephesians” (Quyền Lực và Tà Thuật, Khái Niệm về Tà Quyền trong thư Êphêsô) Trong sách ông cho biết rằng thành phố Êphêsô vào thời sơ lập của Hội Thánh Chúa vốn là trung tâm ma thuật của cả khu vực Tiểu Á và Nam Âu.  Vì vậy, thư Êphêsô chứa đựng nỗi lo lắng của Phaolô về quyền lực của thế giới tối tăm vẫn mạnh ở thành phố nầy, mà những nhà lãnh đạo của Hội Thánh tại Êphêsô chưa được trang bị kỹ lưỡng về vấn đề ấy. Ông đã cầu xin Chúa khải thị và “soi sáng con mắt lòng của họ để họ biết … quyền năng tối thượng của Đấng Christ … vượt trội hơn các chủ quyền, phó quyền, năng quyền, vương quyền và mọi danh hiệu, chẳng những trong đời hiện tại mà cả trong tương lai nữa” (1:18–21). Êphêsô cũng là sách chứa nhiều thuật ngữ về tà quyền hơn tất cả các sách khác của Tân Ước. Tỉ lệ từ ngữ về quyền lực là cao hơn tất cả các thư tín khác của Phaolô.  Chữ “quyền lực” (powers, chủ quyền, phó quyền, thế lực, vv.) được nói đến 16 lần trong thư nầy.

Phaolô đã hầu việc Chúa tại Êphêsô được hai năm rưỡi.  Hội Thánh ở đây không biết do ai thành lập.  Khi Phaolô tới đó lần đầu tiên thì gặp vài tín hữu đã tin Đức Chúa Giêxu nhưng chưa nghe gì về Đức Thánh Linh.  Sau ba tháng giảng luận tại nhà hội người Dothái và một số người Giuđa gièm chê đạo Chúa trước mặt người chưa tin, ông đã tách riêng ra và dạy đạo Chúa hàng ngày tại trường học Tiranu trong suốt hai năm.  Chúa đã dùng tay ông làm nhiều phép lạ phi thường, quỷ dữ nhập người phải bỏ chạy, những người làm nghề phù phép và ma thuật đem đốt hết sách vở tà thuật của họ, nghề làm trang thờ bị ế ẩm, vì tà thần Diana (nữ vương trên trời) đã bị đánh bại không còn quyền lực (Công vụ 19:1–2, 8–11, 19, 26–27).  Với bối cảnh một trung tâm ma thuật của nhiều tà giáo, với quá khứ của nhiều tín hữu trước theo nghề phù phép, sự lo âu về cuộc chiến tranh trong cõi linh của Hội Thánh ở Êphêsô phải tiến hành đã trải ra trong những lời Phaolô đề cập tới thực tế của cõi linh và những vũ khí tín hữu cần có để có thể chiến đấu và chiến thắng (6:10–18).

Ngoài những vấn đề quan trọng nêu trên, thư Êphêsô còn đề cập tới nhiều vấn đề quan trọng khác của đời sống tâm linh trong tín hữu.  Nhất là những bổn phận chính của mỗi người trong sự gìn giữ tình hoà thuận đoàn kết hiệp nhất của Đức Thánh Linh (4:3).  Tuyên ngôn “Một thân thể, một Thánh Linh,… một hi vọng, một Chúa, một đức tin, một báp têm, một Đức Chúa Trời, Cha của mọi người, trên mọi người, vì mọi người và trong mọi người,” (4:4–6) trở thành nền tảng giáo lý của Hội Thánh chân chính từ thời Hội Thánh sơ lập đến nay, cũng để nhấn mạnh sự hợp nhất và đồng nhất của mọi tín hữu.  Nghĩa là tín hữu người Dothái và tín hữu từ các dân ngoại đều bình đẳng trước mặt Chúa.  Vì người Dothái tin rằng họ là trung tâm của sự cứu rỗi, nên Phaolô muốn các tín hữu người Dothái hiểu rằng chỉ có Đức Chúa Giêxu Christ là trung tâm, và dạy họ phải xem những anh chị em tín hữu dân ngoại là bình đẳng trong Đấng Christ.  Cũng chính trong thư nầy, năm phương diện của thánh vụ trong Hội Thánh đã được nêu rõ ràng: sứ đồ, tiên tri, nhà truyền giáo, mục sư, và giáo sư (4:11).

Một trong các vấn đề quan trọng đối với mọi tín hữu là phải biết thực hành nếp sống mới ra sao.  Những chỉ dẫn rất thực tế về các hành xử trong cuộc sống mỗi ngày của mọi tín hữu đã làm cho một phần của thư Êphêsô trở thành cẩm nang chỉ dẫn nhiều phương diện của đời sống tín hữu ở mọi thời đại (4:17–32).  Chúng ta sẽ lần lượt điểm qua từng vấn đề đã được Phaolô nêu lên trong bức thư cực kỳ quan trọng gửi cho Hội Thánh tại Êphêsô.  Chúng ta hãy cùng nhau cầu xin Đức Thánh Linh chỉ dẫn trong từng bài học, để chúng ta có thể hiểu tường tận từng vấn đề quan trọng trên bước đường theo Chúa của chúng ta.  Thư nầy sẽ giúp tâm linh người học được trưởng thành về sự hiểu biết những phương diện hết sức quan trọng của cuộc sống đạo.

Epheso01.docx

Rev. Dr. CTB