Hiểu Biết Quyền Năng Thuộc Linh 05

Cởi Bỏ Gánh Nặng (2)

1Samuel 30:1–20

Âm mưu hàng đầu của satan là làm sao khiến các thánh đồ đặt sai những thứ tự ưu tiên giữa trách nhiệm về thánh vụ, mối liên hệ với gia đình, và mối tương giao với Chúa. Đối với chúng ta, mối tương giao với Chúa phải là ưu tiên hàng đầu. Đức Chúa Giêxu yêu quý của chúng ta lúc còn ở thế gian đã dạy và làm gương cho các môn đồ Ngài về việc dành thì giờ cổi bỏ gánh nặng bằng cách bước vào sự hiện diện của Cha Ngài (Mác 6:31, 42). Nếu hiện nay tín hữu nào đang bị sự cô đơn, sợ hãi, nợ nần, vv…, trở thành những gánh nặng khó cổi bỏ được, thì hãy xét xem có phải là satan đang gây ra mọi tình cảnh và điều kiện để làm cho chúng ta quên mất thì giờ tương giao với Đức Chúa Cha hay không?

Chuyện tích về dân Israel lúc còn làm nô lệ ở xứ Aicập (Xuất Aicập 5:6–18) kể rằng, họ bị người Aicập thay đổi cách đối xử thêm hà khắc bằng cách không cung cấp chất đốt để nung gạch nhưng vẫn phải nộp đủ số gạch. Ngày nay chúng ta thường phải đối phó với sự quấy rối của quỷ satan qua những tình cảnh mà chúng ta thấy nhiệm vụ mình ngày càng nhiều hơn, mà lượng thời gian thì vẫn eo hẹp như cũ; các công việc ấy trở thành những gánh nặng chịu không nổi. Chúng ta cần học biết và áp dụng nguyên tắc cổi bỏ gánh nặng để triệt tiêu khả năng gây rối của kẻ thù.

Chuyện tích về Đavít trong 1Samuel 30:1–20 là một bài học tuyệt vời về nguyên tắc cổi bỏ gánh nặng. Xiếclác là một thành nhỏ trong đất của dân Philistine mà Akích, người Philistine, vua xứ Gát, đã tặng cho Đavít làm nơi tá túc cùng với toàn thể thuộc hạ khoảng 600 người và gia quyến của họ, trong lúc Đavít trốn tránh sự truy nã của vua Israel là Saulơ đang tìm giết ông.  Khi quân Philistine đang sửa soạn giàn trận đánh với quân đội của Saulơ, thì Đavít kéo toàn thể quân lính đến giúp Akích. Không ai biết ý định của Đavít có thật lòng muốn giúp Akích, hay chỉ tìm cách để ngăn bớt sự thiệt hại cho Israel. Các quan trưởng Philistine vẫn nghi kỵ và e ngại Đavít nên không cho phép ông và thuộc hạ tham gia trận đánh. Họ buộc phải trở về hậu cứ của mình tại Xiếclác.

Về tới nơi thì thấy toàn thôn xóm đã bị quân Amaléc cướp phá, thiêu rụi, và bắt đi hết thảy những người thân yêu nhất của họ. Trước hoàn cảnh ấy, Đavít và thuộc hạ ông đã khóc đến nỗi không còn sức khóc nữa; chẳng những thế, gánh nặng mà Đavít đột ngột phải mang trở nên nặng hơn gấp bội và cực kỳ nguy hiểm, vì các thủ hạ ông toan ném đá để giết ông (6). Họ cho rằng vì Đavít quyết định đi giúp Akích, bỏ trống hậu phương, nên tai hoạ đã xảy ra. Phản ứng của Đavít không giống như lề thói thường tình của con người. Cách giải quyết của ông trước hoàn cảnh ấy cho thấy ông đặt mối tương giao với Đức Chúa Trời là ưu tiên cao nhất, bày tỏ lòng trung thành và tin cậy đối với Chúa của mình.

Lòng tin của Đavít đối với Chúa là một lòng tin vững chắc, đã được thử nghiệm bằng những cảnh ngộ ngặt nghèo. Khi còn là một thiếu niên chăn bầy cho cha mình, chỉ với cây gậy chăn chiên, ông đã đánh giết những con gấu cũng như sư tử đến ăn cắp chiên trong bầy của ông. Sau đó, cũng với cây gậy và cái trành ném đá, ông đã đánh hạ gã khổng lồ Gôliát được trang bị đầy đủ khí giáp. Không hoàn cảnh khốn khổ nào có thể làm cho Đavít bị khủng hoảng, thối chí, hay ngã lòng. Ông cũng không để cho thứ gánh nặng vô lý đè lên mình, vì ông không phải là người gây ra tai hoạ; biết rằng nếu có ngồi một chỗ than thân trách phận cũng chẳng thay đổi được gì.

Trong một hoàn cảnh như thế, có lẽ không người bình thường nào còn đủ tâm trí bình tĩnh để nghĩ đến chuyện đi cầu nguyện. Đavít không ngồi than thở, cũng chẳng nổi nóng với quân sĩ, ông tìm đến Đức Chúa Trời Toàn Năng là nguồn sức mạnh và là chỗ nương tựa vững chắc nhất của ông trên trần gian. Câu 6b chép: “Nhưng Đavít được sức mạnh nơi Giêhôva Đức Chúa Trời mình,” nghĩa là Đavít nghĩ đến Đức Chúa Trời của ông để lấy lại sự can đảm. Thầy tế lễ Abiatha đem tấm êphót đến theo lời yêu cầu của Đavít. Êphót giống như một cái yếm có cẩn một số viên ngọc quý là trang phục đặc biệt của thầy tế lễ dùng trong đền thờ của Đức Chúa Trời. Nó là biểu tượng về sự hướng dẫn thiên thượng mỗi khi dân Chúa cần cầu hỏi sự chỉ dẫn cụ thể.

Đavít đã chọn phương cách khôn ngoan nhất để tìm giải đáp cho tình cảnh tuyệt vọng. Kinh nghiệm ấy được ghi lại ở Thi Thiên 91:1 “Người nào ở nơi kín đáo của Đấng Chí Cao, sẽ được hằng ở dưới bóng của Đấng Toàn Năng.” Tấm êphót cầu hỏi Đức Chúa Trời là sự lựa chọn xuất sắc của một người biết cầu nguyện và thường cầu nguyện. Đavít không hành động theo ý riêng, ông cầu xin sự chỉ dẫn của Chúa là Đấng thấy và biết hết mọi việc. Dưới mắt các thuộc hạ của Đavít, có lẽ họ nghĩ rằng giữa cảnh hoang tàn đầy đau khổ, hành động cầm tấm êphót đi ra một chỗ riêng để cầu nguyện có vẻ là một hành động điên rồ. Chắc chắn là ông biết các thuộc hạ toan giết ông. Áp lực đó càng đè nặng lên sự buồn khổ và đau đớn của một vị anh hùng đã tạo nhiều chiến công hiển hách, bây giờ phải trốn tránh lưu lạc rày đây mai đó; vợ con ông là niềm an ủi lớn nhất nay lại đã bị giặc cướp bắt đi. Nhưng Đavít đã đặt mọi chuyện qua một bên; ông đi cầu nguyện với Chúa là nơi nương tựa vững chắc nhất của mình ở một chỗ kín đáo, riêng tư.

Đavít đã không để cho sự đau khổ, tức giận, hay tuyệt vọng đè nặng lên mình, ông đã cổi bỏ gánh nặng ngàn cân ấy bằng cách quỳ xuống cầu nguyện cho đến khi nhận được sự trả lời và chỉ dẫn từ Đức Chúa Trời. Hãy để ý lời cầu hỏi của Đavít: “Đavít cầu vấn Đức Giêhôva rằng: Tôi phải đuổi theo đạo binh nầy chăng? Tôi sẽ theo kịp chăng? Đức Giêhôva phán rằng: Hãy khởi đuổi theo nó; quả thật ngươi sẽ theo kịp và giải cứu hết thảy những kẻ bị bắt” (8). Ký thuật lời cầu hỏi của Đavít có ý nói rằng nếu Chúa cho biết ông sẽ không theo kịp, thì chắc Đavít đã vâng lời không đuổi theo quân thù, vì ông tin cậy sự chỉ dẫn của Chúa. Chuyện tích ấy kể tiếp cho biết Đavít đã đuổi theo kịp quân cướp, đánh chúng đại bại, và giải thoát được tất cả những người bị bắt cũng như thu đoạt lại tài vật đã bị mất, lại còn chiếm thêm toàn bộ chiến lợi phẩm mà quân Amaléc đã ăn cướp trong hai xứ Philistine và Giuđa (16–20).

Chúng ta sẽ xử sự ra sao nếu bị đặt vào một địa vị và hoàn cảnh tương tự Đavít lúc ấy? Khi cần phải vận dụng đức tin trong một hoàn cảnh ngặt nghèo, có phải là chúng ta thường hay thối chí, ngã lòng, quên mất sự cầu hỏi Chúa là Đấng biết hết mọi việc? Và nếu sự đáp lời của Chúa trái với điều chúng ta mong đợi, liệu có mấy ai sẵn lòng vâng theo sự chỉ dẫn của Ngài mà không lén lút tìm cách giải quyết sự việc theo ý riêng của mình? Mọi con cái Chúa nên biết bắt chước các anh hùng đức tin để tìm được sức mạnh và năng lực cổi bỏ những gánh nặng mà mình không cần phải mang; vì bình thường, thì chúng ta không thể tự mình có hoặc tạo được năng lực và sức mạnh kỳ diệu như vậy.

Chúa có thể cho phép kẻ thù đưa chúng ta vào hoàn cảnh khó khăn để thử thách đức tin của chúng ta, nhưng chúng không được phép hãm hại người nào thuộc về Đức Chúa Trời. Nó chỉ có thể làm thiệt hại cho chúng ta khi nào chúng ta cho phép nó do tinh thần vô tín bạc nhược của mình. Sứ đồ Phierơ khuyên: “Hãy trao hết mọi điều lo lắng mình cho Chúa, vì Ngài hay săn sóc anh em” (1Phierơ 5:7). Gánh nặng có thể được trút bỏ hay không là do con cái Chúa có chịu tin cậy để trao phó cho Ngài giải quyết hay không. Khi chúng ta bằng lòng phó thác trọn đời mình cho Đức Thánh Linh, là Đấng đang ngự trong ta để dẫn dắt, thì Ngài sẽ hành động để hoàn thành ý muốn của Ngài cho cuộc đời chúng ta.

Hãy học theo gương Đavít trong chuyện tích Kinh Thánh nầy, mỗi khi cuộc đời dường như trở mặt chống nghịch chúng ta, mà hình như không thấy Chúa đâu cả! Nếu chúng ta biết chăm chú đặt hết lòng tin mình vào Ngài, thì sẽ kinh nghiệm được những ơn phước, hoặc sự chỉ dẫn, hay sự giải thoát kỳ diệu tuyệt vời nhất, mà không trí khôn nào có thể giải thích nổi.

Rev. Dr. CTB

(Xin đừng sao chép)