Vấn Đề Cầu Thay (2)

Chúa Nhật, July 29th, 2012

Các Vấn Đề Tâm Linh, 32

 

Vấn Đề Cầu Thay (2)

Luca 11:5–13

 

Bài học kỳ trước chỉ ra ý chí muốn vâng phục Đức Chúa Trời là yếu tố then chốt để chúng ta lập quyết định dành riêng thì giờ cầu thay cho những người mình muốn họ được cứu. Đương nhiên là tất cả chúng ta đều bận rộn trong công ăn việc làm để kiếm sống, hoặc những công việc nào mình ưa thích; vì thế, ai cũng thấy mình không có khoảng thời gian nào trống để biến thành giờ cầu nguyện hay cầu thay. Tuy nhiên, điều mà nhiều người không để ý tới là, người ta sẽ sẵn sàng dành thì giờ cho điều họ ưa thích hoặc quan trọng đối với họ. Vì thế, khi chúng ta xét lại mọi hoạt động trong một ngày bình thường của mình để có thời gian cầu nguyện, thì sẽ thấy một số điều rất vô ích cho đời sống tâm linh thường chiếm mất phần lớn thời gian quý báu của chúng ta. Cho nên, chỉ cần quyết tâm và khéo léo sắp xếp lại thời biểu trong ngày, chúng ta sẽ có thời gian cầu nguyện. Đừng quên sự cầu nguyện là yếu tố quyết định tương lai chúng ta.

Trong ví dụ của Đức Chúa Giêxu kể ở phần Kinh Thánh vừa đọc, MS Andrew Murray nhận xét thấy vài điều đem tới kết quả trong sự cầu thay: 1. Đó là một nhu cầu cấp bách (6). Cầu thay phải có nguyên cớ: Người bạn mới đến giữa đêm bị đói bụng mà nhà đã hết đồ ăn. Khi xem xét quanh mình, chúng ta sẽ thấy có rất nhiều nhu cầu cấp bách. Có phải nhiều người thân yêu hoặc quen biết với chúng ta sẽ bị hư mất trong hoả ngục vì họ thiếu Bánh sự sống không? Cũng có rất nhiều người mang danh là tín hữu, nhưng chẳng khác là bao so với người chưa được cứu! Chúng ta có thấy việc họ phải được cứu là nhu cầu cực kỳ cấp bách không? Có phải chúng ta cảm thấy mình bất lực trong việc truyền giáo hoặc khuyên nhủ họ và biết rằng chỉ có Đức Chúa Trời giúp được mà thôi? Đúng, Đức Chúa Trời sẽ giúp bằng sự đáp ứng các lời cầu thay của chúng ta. Vì thế, hãy bỏ bớt vài điều vô bổ, tạo thì giờ cầu thay xin Chúa đáp ứng nhu cầu cứu rỗi của họ.

2. Sẵn lòng vì yêu thương. Người bạn tiếp vị bằng hữu đói lả vào nhà và vào lòng mình nữa. Ông không viện cớ nhà đã hết đồ ăn. Mặc dù giữa khuya, ông ta hi sinh giấc ngủ thoải mái, đi tới nhà người quen mượn thức ăn đãi người bạn đói lả của mình. 1Côrinhtô 13:5 chép “Đức nhân ái … không vị kỷ.” Bản chất của tình yêu thương là quên mình nhằm ích lợi cho người khác. Nghĩa là lấy nhu cầu của người kia giống như là nhu cầu của chính mình. Đức Chúa Giêxu đã vì sự vui mừng thấy nhiều người trong nhân loại sẽ được cứu, nên Ngài đã sẵn sàng hi sinh. Tình yêu của người cha khiến ông ngóng đợi, rồi mừng rỡ và sẵn sàng tiếp nhận đứa con hoang đàng quay về (Luca 15). Tình yêu thương chân thật trong chúng ta đối với những người thân yêu của mình, sẽ biến thành tinh thần cầu thay cho họ. Nếu chúng ta ít cầu thay hay thiếu cầu nguyện, ấy là vì chúng ta thiếu tình yêu thương, hoặc tình yêu ấy quá ít, quá yếu ớt, không xốc ta dậy được.

3. Cảm biết sự bất lực của mình. Người ta hay nói về mãnh lực hay sức mạnh của tình yêu. Ở một khía cạnh rất giới hạn, tình yêu thương dù mạnh mẽ cách mấy vẫn hoàn toàn bất lực. Tình mẫu tử bao la của người mẹ có thể sẵn sàng chết thay cho con mình đang hấp hối, vẫn không thể cứu nó khỏi sự chết. Người chủ nhà rất sẵn lòng cho bạn mình ăn, nhưng ông ta chẳng còn gì hết. Ông cảm biết mình hoàn toàn bất lực, không có gì để giúp bạn. Cảm biết đó đưa ông tới ý nghĩ hạ mình nài nỉ một người hàng xóm có khả năng: “Bạn ơi, cho tôi mượn ba ổ bánh, vì một người bạn của tôi đi đường xa mới tới, nhưng tôi không có gì dọn cho anh ấy ăn” (5–6). Sự cảm biết bất lực của những con cái Chúa chính là sức mạnh để họ dấn thân cầu thay.

Nếu mỗi tín hữu đều nhận thấy khả năng và tình thương yêu của mình “không có gì dọn cho người mình thương yêu ăn,” nghĩa là không thể hay không đủ khả năng giải thích, hay giúp đỡ gì cho người đó thoát khỏi hoả ngục, thì hi vọng và giải pháp duy nhất của chúng ta là cầu thay cho người đó. Có thể chúng ta có tri thức và chân lý, một trái tim yêu thương, và sẵn sàng hi sinh cho người thân của mình. Nhưng chúng ta không có Bánh từ thiên đàng. Chính vì biết mình bất năng và quẫn bách lúc không thể làm gì khác để cứu giúp người thân, chúng ta chạy đến với Chúa để cầu thay. Sự cầu thay là hi vọng duy nhất, là chỗ mình có thể bày tỏ tình yêu thương chân thật. Ý nghĩ về sự bất năng là linh hồn của sự cầu thay. Dù tín hữu đơn sơ nhất, yếu nhất cũng có thể cầu xin ơn ban từ Đấng Toàn Năng, thay mặt cho người thân mà nài khẩn với Đức Chúa Trời.

4. Đức tin trong lời cầu nguyện. Những gì chính mình không có, người khác có thể cung cấp cho nhu cầu ấy. Người bạn tốt bụng có một người hàng xóm giàu ở gần, là người có thể sẵn lòng cung cấp bánh. Anh ta chắc chắn rằng chỉ cần mở miệng yêu cầu, thì anh ta sẽ nhận được. Vì tin như thế nên anh ta sẵn sàng rời nhà lúc nửa đêm; tin chắc rằng khi mình không có gì để đãi bạn ăn, thì có thể yêu cầu nơi người hàng xóm. Chúng ta cần phải sở hữu loại đức tin đơn giản nhưng vững chắc nầy. Nếu chúng ta thật có đức tin, thì sẽ không chần chờ trong việc cầu nguyện. Chúa ban Lời của Ngài để khuấy động và làm vững mạnh đức tin của chúng ta. Chúng ta có Lời ấy do biết dành thì giờ để đọc và suy gẫm. Lời Kinh Thánh cho chúng ta thấy thiên đàng thật của Đức Chúa Trời có đầy các phước hạnh tâm linh, mà ánh sáng, tình yêu và sự sống thiên thượng, niềm vui, sự bình an và quyền phép từ thiên đàng đều đang tuôn đổ xuống trên chúng ta. Đức tin vững vàng ấy chỉ cho chúng ta thấy Đức Chúa Trời đang hoan hỉ chờ đợi ban các ơn lành của Ngài; vì thế đừng nghi ngờ rằng lời cầu nguyện mình không được nghe. Chúa thích nghe ta cầu thay.

5. Sự nài xin, quấy rầy thành công. Đức tin của người bạn giàu tình thương bị vấp một trở ngại bất ngờ, người hàng xóm giàu có từ chối không muốn nghe lời cầu cứu: “Tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được” (7). Nhưng người thương bạn bị đói không chấp nhận sự từ chối. Anh ta tiếp tục quấy rầy bằng ba điều thực tế: tôi có một người bạn đang cần phải ăn; anh đang có bánh dư dật; tôi là bạn hàng xóm của anh. Tình thương ấy đã khiến cửa phải mở lúc nửa đêm. Bài học trung tâm của ẩn dụ nầy là, trong sự cầu thay, chúng ta có thể gặp khó khăn và sự đáp lời bị trì hoãn. Chúng ta có thể thấy hình như là Chúa không muốn ban cho điều mình cầu xin. Tình trạng ấy khiến chúng ta thấy thật không dễ duy trì lòng tin cậy rằng Ngài sẽ nghe và nhậm lời cầu xin của chúng ta. Nhưng đây chính là điều mà Đức Chúa Trời muốn tìm thấy nơi chúng ta: Lòng tin cậy của chúng ta đặt nơi Ngài! Ngài sẽ làm mọi điều để rèn luyện chúng ta thực tập lòng tin cậy Ngài. Phước cho người nào không nao núng khi ơn phước bị trì hoãn hay Chúa im lặng chưa trả lời, mà đức tin càng mạnh mẽ hơn vì biết và tin chắc vào Chúa đầy nhân ái của mình.

6. Phần thưởng dồi dào là chắc chắn. “Ta bảo các con, dù người nầy không dậy lấy bánh vì tình bạn, nhưng vì người kia liên tục quấy rầy, sẽ dậy đưa đủ số bánh cần dùng” (8). Hãy học tập tin vào sự bảo đảm về một phần thưởng dồi dào. Những ai thấy rằng cầu nguyện là khó khăn, thì hãy chăm chú vào phần thưởng, và bởi đức tin, học tập tin cậy sự thành tín của Chúa rằng những lời cầu nguyện của mình không khi nào là vô ích. Tiên tri Axaria thời vua Asa nước Giuđa vâng lời Chúa sai nói với những người đang tìm kiếm Ngài: “Các ngươi hãy vững lòng, đừng buông tay bỏ cuộc, vì công việc mình sẽ được đền đáp” (2Sử Ký 15:7). Nếu chúng ta có thể tin Đức Chúa Trời và sự thành tín của Ngài, thì cầu thay là việc đầu tiên mà chúng ta nghĩ đến khi mình muốn ơn phước đổ xuống trên người khác. Chúng ta sẽ tìm cách sắp xếp công việc để có thời gian cầu thay cho những người thân yêu trong gia đình.

Sự cầu thay sẽ trở thành một niềm vui và hi vọng, thay vì là thứ bổn phận buồn chán và nản lòng. Bởi vì mỗi khi chúng ta cầu nguyện, biết rằng mình đang gieo hột giống sẽ sinh sôi hoa trái gấp trăm lần hơn. Hãy can đảm! Vì thì giờ dành cho sự cầu nguyện sẽ kết quả nhiều hơn thời giờ làm việc. Cầu nguyện mở đường cho Đức Chúa Trời thực hiện công việc của Ngài trong chúng ta và qua chúng ta. Hãy trở nên sứ giả của Đức Chúa Trời, làm người cầu thay. Vì qua đó chúng ta bảo đảm được sự hiện diện và quyền năng của Ngài đi theo chúng ta đến mọi nơi nào ta đi.

VanDeTamLinh32.docx  (Theo: Andrew Murray on Prayer)

Rev. Dr. CTB