Bí Quyết Cầu Nguyện Có Hiệu Quả

Chúa Nhật, August 5th, 2012

Các Vấn Đề Tâm Linh, 33

 

Bí Quyết Cầu Nguyện Có Hiệu Quả

Mác 11:24

 

Đây là tóm tắt lời dạy của Đức Chúa Giêxu về sự cầu nguyện có hiệu quả. Mới nghe qua thì thấy có phần nản lòng, vì không có nhiều người có loại đức tin sẽ chắc chắn nhận được vấn đề mình cầu xin. Tuy vậy, nếu tín hữu chịu khó suy gẫm các sự phân tích của MS Andrew Murray về bí quyết cầu nguyện có hiệu quả, sẽ thấy mình có rất nhiều hi vọng khi cầu xin Chúa điều gì đó. Lời dạy của Đức Chúa Giêxu chắc chắn không phải dối gạt hoặc vô căn cứ. Ngài chỉ dẫn cho môn đồ Ngài cách cầu nguyện thế nào có hiệu quả. Chúa của chúng ta đưa ra năm thành phần hay 5 yếu tố cần thiết của một lời cầu nguyện chân thật. Trước hết phải có sự mong muốn của lòng, kế đến là biểu lộ sự mong muốn ấy qua lời cầu nguyện. Thứ ba là đức tin chuyên chở lời cầu nguyện ấy lên Đức Chúa Trời; thứ tư là bằng đức tin ấy chấp nhận sự trả lời của Đức Chúa Trời. Cuối cùng là được hưởng kinh nghiệm sự ban cho về ơn phước mà mình mong muốn.

1.Những điều các con mong muốn.” Sự mong muốn trong lòng chúng ta là cái hồn của lời cầu nguyện. Nguyên nhân cầu nguyện không thành công thường là vì thiếu lòng mong muốn hay sự mong muốn ấy quá yếu. Có người nghĩ rằng niềm ao ước của họ mạnh lắm, nhưng sự ao ước ấy chưa thật hết lòng như Đức Chúa Trời mong đợi; chưa cân xứng với các phước lành mà thiên đàng đòi hỏi. Một tín hữu có thể rất ao ước nhận được các ơn phước thuộc linh. Nhưng đồng lúc thì họ có thể có những mong muốn khác của đời sống hàng ngày chiếm hết phần lớn những điều người ấy quan tâm và yêu thích; nỗi ao ước từ tâm linh chưa thật nung nấu. Nên khi cầu nguyện người ấy không chắc có được Chúa lắng nghe và chấp nhận hay không?

Những gì là đúng về Đức Chúa Trời cũng phải đúng đối với các phước lành của Ngài: “Các con sẽ tìm Ta và gặp được, khi các con tìm kiếm Ta hết lòng” (Giêrêmi 29:13). Đức Chúa Trời luôn luôn đòi con cái Ngài phải hết lòng đối với Ngài: “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết tâm trí, hết năng lực kính yêu Chúa là Đức Chúa Trời ngươi!” (Mác 12:30). Luật của Chúa không thể thay đổi. Đức Chúa Trời ban chính Ngài cho ai hết lòng dâng trọn đời sống mình cho Ngài. Ngài luôn luôn ban cho chúng ta tuỳ theo những gì lòng chúng ta mong ước, không phải theo cách chúng ta suy nghĩ, nhưng theo cách Ngài thấy là thích hợp. Nếu trong lòng chúng ta có những ao ước nào khác chiếm hữu lòng chúng ta hơn là Ngài và sự hiện diện của Ngài, thì Ngài cho phép các điều ấy được thành, còn những ao ước mà chúng ta dâng lên qua lời cầu nguyện sẽ không được ban.

Cho nên, nếu chúng ta mong muốn ân tứ về cầu thay, ân điển và quyền năng để cầu nguyện đúng cách, lòng chúng ta phải tránh xa những ước mong khác, để có thể hoàn toàn chú tâm vào điều cầu thay của mình. Chúng ta có thể tin cậy lời hứa nầy: “Ngài làm thoả nguyện mọi người kính sợ Ngài” (Thi Thiên 145:19a). Hãy bạo dạn thưa với Chúa rằng, “Con mong muốn điều ấy với tất cả tấm lòng của con!

2.Những điều các con mong muốn trong lúc cầu nguyện.” Sự ước mong của lòng phải diễn đạt qua lời nói. Mỗi lần có người nào cầu xin Đức Chúa Giêxu điều gì, Ngài đều hỏi “Con muốn Ta làm gì cho con?” (Mác 10:51). Ngài muốn họ nói ra những gì họ ước ao. Sự nói nó ra khơi dậy sự sẵn sàng hành động trong toàn thể con người họ. Nó cũng đem họ đến tiếp xúc với Ngài, làm thức dậy sự mong đợi bên trong họ. Cầu nguyện là bước vào trong sự hiện diện của Chúa để tạo được sự chú ý của Ngài, để mặc cả riêng với Ngài về sự yêu cầu nào đó. Cầu nguyện là trao phó các nhu cầu của mình vào sự thành tín của Chúa và cứ để nó ở đó. Có người thì đến với Chúa với những mong muốn mạnh mẽ trong lòng, và có thể diễn đạt và lặp lại cách rõ ràng điều mình ước muốn. Nhưng có người cầu nguyện với rất nhiều điều cầu xin, rồi không nói rõ được mình muốn Chúa làm gì về những điều ao ước và cầu xin đó. Chúng ta phải tập trình bày cách rõ ràng những ước muốn của mình trong sự cầu thay: “Con cầu xin Cha ban cho việc nầy, việc kia, vv.

3.Những điều các con mong muốn trong lúc cầu nguyện, hãy tin.” Nếu chúng ta muốn đạt tới một nếp sống cầu thay đầy vui mừng, quyền năng và ơn phước, chúng ta phải tập luyện đức tin. Đức tin là sự sống và quyền phép của sự cầu nguyện. Chúng ta phải học lại về đức tin để có thể sống và cầu nguyện bằng đức tin mà trước đây mình chưa bao giờ làm. Đức tin là trái ngược với điều mắt thấy. Vì “chúng ta sống bởi đức tin chứ không phải bởi điều ta thấy.” (2Côrinhtô 5:7). Nếu chúng ta được chiếm hữu bởi cõi vô hình, rồi lòng, đời sống và sự cầu nguyện được cai trị bởi đức tin, thì đừng để cho những điều mắt thấy làm suy giảm quyết tâm tin cậy của chúng ta. Trong sự cầu nguyện, đức tin tuỳ thuộc vào đời sống của chúng ta hoạt động trong thế giới vô hình ra sao. Đức tin nầy liên hệ một cách quan trọng đặc biệt về mức độ hiểu biết Đức Chúa Trời của người cầu nguyện. Lý do lớn nhất khiến chúng ta thiếu đức tin là vì chúng ta thiếu hiểu biết về Đức Chúa Trời và mối tương giao liên lạc giữa chúng ta với Ngài thì quá yếu. “Đức Chúa Giêxu bảo các môn đồ: ‘Các con hãy có đức tin nơi Đức Chúa Trời’” (Mác 11:22).

4.Những điều các con mong muốn trong lúc cầu nguyện, hãy tin đã nhận được.” Đức tin phải chấp nhận sự trả lời do Đức Chúa Trời ban cho từ thiên đàng, trước khi nhận hay cảm nhận được sự trả lời ấy trên đất. Đây là điều khó khăn nhưng hết sức cần thiết, và là bí quyết chủ yếu của sự cầu nguyện tin chắc. Những điều thuộc tâm linh chỉ có thể hiểu hay áp dụng qua tâm linh. Ơn phước thuộc linh thiên đàng trong sự trả lời của Đức Chúa Trời cho sự cầu nguyện của chúng ta phải được nhận biết và chấp nhận trong tâm linh trước khi chúng ta có thể cảm nhận một chút gì về ơn phước ấy. Đức tin hoàn thành khi linh hồn không phải chỉ tìm kiếm sự trả lời, mà trước hết tìm kiếm Chúa là Đấng ban sự đáp lời, tiếp nhận quyền năng để biết rằng đức tin ấy đã nhận được những gì nó cầu xin Ngài.

Không thể dùng cái gì khác với đức tin để tự dò xét lòng mình. Khi chúng ta phấn đấu để tin, nhưng khám phá mình không nhận được, thì điều đó dẫn chúng ta tìm ra điều gì đã cản trở chúng ta. Người có đức tin không lay chuyển khi cầu nguyện, là người không chịu ngừng nghỉ, cứ hướng mắt và lòng lên Đức Chúa Trời, cho đến khi tin chắc rằng những gì Ngài hứa, thì anh ta đã nhận được. Đây là điểm thật cần thiết phải áp dụng sự cầu nguyên kiên trì và khẩn nài dai dẳng. Sự cầu nguyện ấy sẽ không khi nào chịu nghỉ ngơi, chấm dứt hay bỏ cuộc, cho đến chừng biết rằng lời cầu nguyện ấy đã được nghe và tin rằng mình đã nhận được sự đáp lời.

5.Những điều các con mong muốn trong lúc cầu nguyện, hãy tin đã nhận được, thì điều ấy sẽ thành.” Có nhiều lúc khoảng thời gian giữa lúc cầu xin tới lúc thật sự nhận được có thể rất dài. Cũng có lúc nhận được tức khắc. Đức tin và kiên nhẫn là hai yếu tố cần thiết khi chưa nhận được điều mình cầu xin: đức tin để vui mừng trong sự bảo đảm là sự đáp lời sẽ được ban và tiếp nhận, rồi bắt đầu hành động trên sự đáp lời đó, mặc dù chưa cảm nhận được chi hết; kiên nhẫn để chờ đợi, nếu trong hiện tại chưa có chứng cớ nào có thể cảm nhận được thực thể của điều mình khẩn xin. Chúng ta có thể tin tưởng lời hứa: “điều ấy sẽ thành!” Nếu chúng ta áp dụng điều nầy trong lời cầu xin ân điển để cầu nguyện khẩn thiết và kiên trì cho sự cứu rỗi của linh hồn những người thân yêu của mình, thì hãy học tập nắm lấy sự bảo đảm rằng khi chúng ta quyết lòng tin, sẽ nhận được điều mình xin. Nhờ đó, đức tin có thể vui mừng vì lời cầu nguyện chắc chắn được nhậm.

Thưa quý anh chị em thân yêu, anh chị em có thật lòng mong mỏi Đức Chúa Trời sẽ làm cho quý anh chị em có khả năng cầu nguyện theo cách mà đời sống của mình thoát khỏi tinh thần tự kết án, và quyền phép của Đức Thánh Linh sẽ ngự xuống để đáp lời cầu xin của chúng ta không? Hãy đến trước mặt Chúa, quỳ xuống cầu xin điều đó bằng một lời cầu nguyện dứt khoát đơn giản không chút nghi ngờ. Nếu thấy điều nầy là khó khăn, hãy nhìn lên Chúa trong tâm linh, tin tưởng lời hứa của Ngài để đức tin có thể đến. Hãy bắt đầu nếp sống cầu nguyện mới bằng đức tin ấy dù nó có thể còn yếu. Nếu quý anh chị em cứ trung tín cầu thay, Đức Thánh Linh sẽ hành động từng bước trong lòng chúng ta để Lời Ngài trở thành thực hữu cho chúng ta kinh nghiệm hơn về Ngài.

VanDeTamLinh33.docx

Rev. Dr. CTB