Người Được Khen Thưởng, Kẻ Bị Phán Xét

Thư 2Têsalônica, bài 1

Người Được Khen Thưởng, Kẻ Bị Phán Xét
2Têsalônica 1:1–12

Hai câu đầu là lời chào thường lệ của vị sứ đồ, giống như cách vào đề của các thư trước. Vị sứ đồ không muốn dùng lời chào khác có thể dẫn tới ý niệm hoặc giáo lý đi xa khỏi những gì mà ông đã rao giảng. Đấng có thể ban phước chính là Đấng làm nền tảng cho Hội Thánh, đó là Đức Chúa Trời và Đức Chúa Giêxu Christ (1–2). Lòng tôn trọng đặc biệt của Phaolô dành cho các tín hữu ở Têsalônica dựa trên những lý do mà khi nghe đến ai cũng vui mừng. Ông kể ra những sự tiến bộ làm ông hãnh diện: “Chúng tôi phải thường xuyên cảm tạ Đức Chúa Trời vì anh em. Như vậy là phải lẽ, vì đức tin anh em tăng trưởng quá nhiều, và mối tình của anh em yêu thương nhau ngày càng thắm thiết. Bởi thế, giữa các Hội Thánh của Đức Chúa Trời, chúng tôi hãnh diện vì anh em, về đức kiên nhẫn và đức tin anh em trong khi bị bắt bớ, gian khổ” (3–4).
Con dân Chúa nên vui mừng tạ ơn Ngài khi thấy điều tốt lành xảy ra cho hội mình hay giữa nhóm anh em tín hữu khác. Nó không phải chỉ là một cử chỉ thân thiện, mà còn là bổn phận phải làm nữa. Sự khen tặng không phải là tâng bốc hão, mà là khen ngợi thật lòng để khuyến khích họ và dâng vinh quang cho Đức Chúa Trời. Ông khen họ tăng trưởng về lòng tin đối với chân lý của các sự mặc khải tin mừng, tin chắc vào các lời hứa của tin mừng ấy, và neo chặt đức tin họ về thế giới bên kia, nơi họ sẽ đến. Đức tin gia tăng thì mực độ các ơn lành khác cũng lớn mạnh theo; vì đức tin thực hiện bởi tình yêu, nên sự yêu thương nhau ngày càng đậm đà; đức kiên nhẫn giữa sự bắt bớ, gian khổ chứng tỏ giữa họ không có sự chia rẽ như đã xảy ra ở vài nơi khác. Đức kiên nhẫn và đức tin cũng gia tăng trong mọi sự bắt bớ và khổ nạn; vì đức kiên nhẫn chỉ thể hiện tính hoàn hảo của nó khi bị thử thách. Khi tín hữu ở Têsalônica kiên nhẫn vượt qua nhiều sự bách hại cách trung tín, thì người thầy của họ cũng hãnh diện trước các Hội Thánh khác.
Lợi thế của người bởi đức tin kiên nhẫn vượt qua các sự bắt bớ, chịu khổ vì vương quốc Đức Chúa Trời, là được Ngài kể “xứng đáng hưởng vương quốc” của Ngài (5). Theo sự “phán xét công minh” của Đức Chúa Trời, thì những người đã vì Ngài kiên nhẫn chịu khổ phải được kể là đáng hưởng vinh quang thiên đàng, bởi vì những người như thế hoàn toàn thích hợp với cõi ấy; chẳng phải họ được thưởng thiên đàng vì Chúa mắc nợ sự phục vụ của họ, mà họ được dựng nên cho thiên đàng. Trong khi đó thì Đức Chúa Trời sẽ làm điều công bằng là “lấy sự gian khổ báo trả những người làm cho anh em gian khổ” (6). Không gì có thể cứu người mang một tinh thần và thái độ bách hại con cái Chúa, rồi thực hiện sự bắt bớ ấy dù dưới hình thức nào. Sự tàn mạt thình lình và nhanh chóng xảy ra cho họ là điều không thể tránh khỏi.
Còn sự báo đáp dành cho những người đã từng chịu gian khổ vì Chúa là sẽ được nghỉ ngơi “khi Đức Chúa Giêxu từ trời hiện ra với các thiên sứ quyền năng của Ngài, giữa ngọn lửa hừng”
(7). Nghỉ ngơi nghĩa là không còn vướng bận gì về tội lỗi và sự sầu khổ. Mặc dù hiện nay những
người công chính của Chúa có thể bị khổ nạn, nhưng Đức Chúa Trời sẽ giải thoát họ hết thảy. Sự an nghỉ trong tương lai sẽ đền bù bội phần hơn về những hoạn nạn hiện thời. Vì những hoạn nạn ngày nay hoàn toàn không thể so sánh với vinh quang sẽ được mặc khải cho con dân Chúa trên thiên đàng. Vị sứ đồ tiết lộ “Ngài sẽ cho anh em cùng với chúng tôi … được nghỉ ngơi” (7). Trên thiên đàng, từ người hầu việc Chúa có địa vị cao trọng đến những tín hữu bình thường hiện thời đều được cùng nhau nghỉ ngơi, cùng nhau mừng rỡ. Điều vinh quang vượt trội hơn nữa là “Nếu chúng ta kiên nhẫn chịu đựng, thì sẽ cùng cai trị với Ngài” (2Timôthê 2:12) là Đức Chúa Giêxu.
Chúng ta biết chắc chắn mình bảo đảm được ban thưởng, vì Đức Chúa Trời là công chính và công bình. “Ngài chỉ làm điều công bình” (6) khi báo trả cho người tuỳ theo những gì họ làm lúc còn sống trên thế gian. Nếu những kẻ hay làm ác biết sự thật ấy thì sẽ phải hãi hùng; còn con cái Chúa nào đã chịu đựng sự bắt bớ lại rất vui mừng, khi thấy Đức Chúa Trời là Đấng công chính.Vì sẽ có sự báo đáp công bình, nên con dân Chúa bị khổ nạn chẳng bị mất gì trong sự chịu khổ của mình; còn kẻ thù của họ cũng chẳng được lợi gì khi bắt bớ họ. Thời điểm sự báo đáp được thực hiện là “khi Đức Chúa Giêxu từ trời hiện ra.” (7), là ngày “bản án công bằng của Đức Chúa Trời được công bố” (Rôma 2:5). Ngài sẽ “từ trời hiện ra với các thiên sứ quyền năng” (7), cũng gọi là các thiên sứ của quyền phép Ngài đang chờ đợi để vâng lệnh Ngài thi hành công lý và sự nhân từ trong ngày ấy. Họ sẽ dẫn những kẻ phạm tội tới trước toà phán xét của Ngài, và gom góp mọi thánh đồ ở khắp nơi đến với Chúa yêu thương của mình để cùng tham dự cuộc xét xử. Ảnh hưởng sự hiện ra của Đức Chúa Giêxu là sự vui mừng cho con dân Ngài, và là hãi hùng cho “những người không nhận biết Đức Chúa Trời, và khước từ Tin Lành của Đức Chúa Giêxu chúng ta” (8). Đối với những người tảng lờ các nguyên tắc thiên nhiên chứng minh sự sáng tạo và chống lại ánh sáng hiểu biết từ cõi tự nhiên đem đến, kịch liệt chối Đấng Tạo Hoá, mặc dù “bản
tính vô hình của Đức Chúa Trời như quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Ngài đều đã được bày tỏ rõ ràng” (Rôma 1:20). Đức Chúa Giêxu đã vạch trần lý do mà người thế gian chống Ngài: “Ánh Sáng đã đến thế gian, nhưng người ta thích bóng tối hơn Ánh Sáng, vì các việc làm họ là xấu xa” (Giăng 3:19). Sự “khước từ Tin Lành của Đức Chúa Giêxu” không phải chỉ nói về người không tin nhưng cũng nói về những người giả bộ tin nhưng không chịu vâng theo phúc âm ấy. Bởi vì sự tin các chân lý của Phúc Âm là để vâng theo các lời khuyên răn của tin mừng. Người như vậy sẽ vô cùng hãi hùng khi Đức Chúa Giêxu Christ hiện ra, vì biết số phận thê thảm đang chờ đón họ. Số phận ấy là: “Họ sẽ chịu hình phạt, bị diệt vong đời đời, vĩnh viễn xa cách mặt Chúa, xa cách vinh quang của quyền năng Ngài” (9). Bị hình phạt đau đớn trong bóng tối mịt mùng vĩnh viễn cả thân thể lẫn linh hồn, không bao giờ thấy lại ánh sáng nữa, thật tuyệt vọng biết bao. Ngày ấy lại là ngày vui mừng cho các thánh đồ, những người vâng phục Tin Lành “khi Ngài đến trong ngày ấy, để được các thánh tôn vinh, và những người tin Ngài chiêm ngưỡng” (10). Đấng Christ sẽ được vinh quang và chiêm ngưỡng bởi các thánh đồ. Họ sẽ vinh danh ân điển Ngài, và chiêm ngắm những điều kỳ diệu của quyền năng và sự nhân từ Ngài đối với họ. Họ ca tụng ngợi khen Ngài vì Ngài đã đắc thắng, đem lại hạnh phúc và chiến thắng toàn vẹn cho họ. Đức Chúa Giêxu được vinh danh, ân điển và quyền năng Ngài được tôn vinh, ca tụng vì lúc đó cả vũ trụ sẽ chiêm ngưỡng điều mà Ngài đã mua bằng chính huyết báu vô tội của mình: một “Hội Thánh vinh diệu, không vết, không nhăn, không một khuyết điểm nào, nhưng thánh khiết toàn hảo” (Êphêsô 5:27). Chúng ta sẽ được vinh diệu như các tín hữu ở Têsalônica, do chúng ta “cũng là người tin, vì nghe lời chứng” từ các sứ đồ truyền lại (10). Phaolô nói rằng: “Chúng tôi cầu nguyện cho anh em luôn luôn, để Đức Chúa Trời chúng ta kể anh em là người xứng đáng được Ngài kêu gọi, và để Ngài dùng quyền năng hoàn thành mọi mong ước tốt đẹp của anh em, cùng mọi công việc của đức tin anh em” (11). Không có sự chỉ dẫn thiêng liêng từ Chúa, thì chúng ta chẳng biết gì để cầu nguyện cho anh chị em của mình trong đức tin. Có thể hiểu chữ “kể” là “khiến cho” những người được cầu nguyện thành “người xứng đáng được Ngài kêu gọi.” Vì tất cả con dân Chúa đều được kêu gọi bởi một sự kêu gọi cao cả và thánh, vào vương-quốc Đức Chúa Trời và vinh quang Ngài, Ngài cũng dùng quyền năng hoàn thành mọi mong ước tốt đẹp và công việc của đức tin chúng ta. Sứ đồ Phaolô cầu nguyện như thế là để: “Danh Đức Chúa Giêxu Christ chúng ta được tôn vinh giữa anh em, và anh em được vinh hiển nhờ Ngài” (12). Đây là mục tiêu mà chúng ta hướng tới trong mọi việc chúng ta làm hay ước ao: Đức Chúa Trời và Đức Chúa Giêxu Christ được tôn vinh qua mọi việc chúng ta làm. Mọi hạnh phúc riêng của chúng ta và của mọi người khác hãy nên xem là thứ yếu so với mục tiêu nầy. Mọi việc lành của chúng ta phải soi rạng trước mắt loài người, để họ vinh danh Đức Chúa Trời, và Đấng Christ được vinh danh trong chúng ta và qua chúng ta. Được vậy chính là “ân điển của Đức Chúa Trời và của Đức Chúa Giêxu Christ” (12).

2Tesalonica01.docx Rev. Dr. CTB