Chúa Nhật, July 22nd, 2012
Các Vấn Đề Tâm Linh, 31
Vấn Đề Cầu Thay
Công Vụ 12:1–17
Sau khi sứ đồ Giacơ bị vua Hêrốt sai người giết chết, Hội Thánh Giêrusalem non trẻ phải đứng trước một nguy cơ lớn hơn nữa là bị mất Phierơ, người được xem là đầu đàn. Phierơ đang bị giam trong ngục chờ đến sau lễ Vượt Qua sẽ bị đem ra xử (4). Phản ứng của Hội Thánh là sốt sắng cầu nguyện xin Đức Chúa Trời cứu ông (5). Hình thức cầu nguyện nầy được gọi là cầu thay, có nghĩa là vì một hay nhiều người nào đó dâng sự khẩn cầu lên Chúa để xin Ngài cứu giúp. Cầu thay có khi là một cuộc chiến đấu đương đầu với ma quỷ, dọn đường cho Đức Chúa Trời ngự trị trong mọi hoàn cảnh. Nguy cơ bị mất sứ đồ Phierơ đã dấy lên tinh thần cầu thay của Hội Thánh Giêrusalem. “Sốt sắng cầu nguyện” có thực nghĩa là ‘cầu nguyện không ngừng.’ Trước một tình cảnh nguy nan và cấp bách như vậy, một buổi cầu nguyện–cầu thay ngắn ngủi có tính cách chiếu lệ sẽ không đem đến hiệu quả gì cả.
Lời cầu thay của các thánh đồ ở Giêrusalem đã làm cho các bức tường đá, hai sợi dây xích, hai tên lính ngủ cạnh bên, bọn lính canh, cánh cửa sắt đều trở thành vô hiệu trước quyền năng lời cầu nguyện của các thánh đồ. Tinh thần cầu nguyện không ngừng của Hội Thánh Giêrusalem đã đem lại kết quả, Phierơ đã được một thiên sứ của Chúa đến giải thoát. Khi Phierơ đến nhà của Mary, ông thấy đó là nơi “có nhiều người đang nhóm họp cầu nguyện” (12). Ông báo tin mình đã được giải thoát cách nào, hầu cho Hội Thánh ngưng cầu xin Chúa giải cứu ông để chuyển qua tạ ơn Chúa và cầu xin Ngài gìn giữ ông an toàn trước mối hiểm nguy còn đe doạ.
Toàn thể bộ máy quyền lực của Hêrốt đã bị trở thành vô năng trước một Hội Thánh của Đức Thánh Linh biết cầu nguyện và cầu thay. Họ đã cầu thay không ngừng nghỉ vì tin vào lời hứa của Đức Chúa Giêxu hoàn toàn là thật: “Tất cả uy quyền trên trời, dưới dất đã giao cho Ta …Và nầy, Ta ở với các con luôn luôn, từ nay cho đến ngày tận thế!” (Mathiơ 28:18, 20). Lòng tin chắc trong sự cầu thay là phải có. Nghĩa là phải tin vào sự bảo đảm rằng quyền phép của thiên đàng sẽ hành động trên đất, và sẽ hành động theo sự nài xin, khẩn cầu của các con dân Chúa.
Một gương mẫu nữa về sự cầu nguyện của những người được đầy dẫy Đức Thánh Linh, ghi trong Công Vụ 13:1–4. Những người lãnh đạo của Hội Thánh Antiốt dành thì giờ cầu nguyện và kiêng ăn để chờ đợi sự chỉ dẫn của Chúa. “Đức Thánh Linh phán: ‘Hãy dành riêng Banaba và Saulơ cho Ta, để làm công việc Ta gọi họ làm” (2b). Chúa đã ban cho những người cầu nguyện sự hiểu biết sâu về chương trình của Ngài định cho Hội Thánh. Đức Chúa Trời không sai đầy tớ Ngài ra đi mà thiếu sự cộng tác của Hội Thánh. Chính thói quen và khả năng cầu nguyện của các môn đồ, mà người trên đất có thể cộng tác với Chúa ở trên trời trong công việc của nhà Ngài: “Sau khi kiêng ăn, cầu nguyện, họ đặt tay trên hai ông, rồi tiễn lên đường” (3). Hai người “được Đức Thánh Linh sai đi” (4).
Qua hai phân đoạn Kinh Thánh ghi lại các hoạt động của Hội Thánh thời sơ lập, chúng ta có thể thấy hai chân lý nổi bật: 1. Ở đâu có cầu nguyện nhiều, nơi đó Đức Thánh Linh hiện diện đầy dẫy và, 2. Nơi đâu có sự hiện diện đầy dẫy của Đức Thánh Linh, nơi đó gia tăng sự cầu nguyện. Mối liên hệ sống động giữa tinh thần cầu nguyện và Đức Thánh Linh là rõ ràng khi Ngài ban cho sự trả lời đối với những sự khẩn cầu: Mỗi sự đáp lời sẽ làm tinh thần cầu nguyện hăng hái thêm lên để chuẩn bị cho sự khải thị và hiệp thông về quyền phép và ân điển Ngài càng mạnh mẽ hơn nữa. Nếu bởi tinh thần và sự thực hành cầu nguyện, cầu thay, của các thánh đồ thời Hội Thánh sơ lập đã làm cho Hội Thánh đắc thắng và phát triển mạnh mẽ như vậy, thì vì lý do nào sự cầu nguyện và cầu thay không còn là một nhu cầu lớn của Hội Thánh thời nay? Chúng ta hãy cùng nhau suy gẫm thêm vài sự thật nữa về sự cầu nguyện để hiểu biết và ứng dụng cho mình.
Đức Chúa Giêxu đã nhiều lần khuyến khích các môn đồ Ngài nhân danh Ngài cầu xin những điều họ muốn. Phước hạnh của sự cầu nguyện là chúng ta có thể cầu xin và nhận được những gì mình mong mỏi. Tuy nhiên, không có nhiều lời cầu nguyện được nhậm. Đức Chúa Giêxu đã giải thích rằng, sự đáp lời cầu nguyện dựa trên một số điều kiện về đức tin, sự kiên trì, việc phải nhân danh Ngài, hay cầu xin theo ý muốn Đức Chúa Trời. Nhưng tất cả các điều kiện đó đều được gói gọn trong một điều chính: “Nếu các con cứ ở trong Ta, và những lời Ta ở trong các con, hãy xin điều các con muốn, sẽ được điều đó” (Giăng 15:7). Vậy thì điều thật rõ ràng là sự cầu nguyện hiệu quả bởi đức tin tuỳ thuộc vào đời sống hoàn toàn ở trong Đấng Christ và sống cho Ngài. Hơn thế nữa, Đức Chúa Giêxu cũng nói về một điều kiện khác: “Ngày ấy, các con không còn hỏi han Ta điều gì nữa. Thật, Ta nói thật với các con: Điều gì các con nhân danh Ta cầu xin Đức Chúa Cha Ngài cũng ban cho” (Giăng 16:23). Ngày ấy tức là ngày được Đức Thánh Linh đầy dẫy trong lòng.
Lúc đời sống chúng ta được dầy dẫy Đức Thánh Linh mới có thể thật sự biết quyền năng để nhân danh Đức Chúa Giêxu mà cầu nguyện. Như vậy thì những tín hữu có tâm hồn đầy tính tình xác thịt không thể nhận được lời hứa của Đức Chúa Giêxu. Họ cần một nếp sống thuộc linh lành mạnh và năng nổ để có thể cầu nguyện trong quyền năng. Sự thật nầy cho thấy rằng lý do chính mà các Hội Thánh không có quyền năng là vì thiếu, hoặc không có tinh thần cầu nguyện. Chẳng khi nào thấy các Hội Thánh đó xưng tội với Chúa về sự sa sút của họ. Đời sống trong Đức Thánh Linh để cầu nguyện có quyền năng vẫn nằm trong tầm tay của chúng ta– quyền năng cầu nguyện và quyền năng nhận sự đáp lời. Điều đó chỉ đạt được qua đời sống hoàn toàn đầu phục và ở trong Đức Chúa Giêxu. Nếu chúng ta biết nhường cho Đức Thánh Linh dẫn dắt và làm cho sống động, thì chúng ta sẽ có một nếp sống cầu nguyện khoẻ mạnh và năng nổ.
Sự hiểu biết về các điều kiện trên dẫn tới sự hiểu biết các nguyên tắc cầu thay. Sự cầu thay khác hẳn cầu nguyện cho chính mình. Trong sự vinh quang tột đỉnh của Ngài, Đức Chúa Giêxu đang cầu thay cho chúng ta. Bằng sự cầu thay, Ngài tiếp tục công tác cứu rỗi của Ngài. Cũng qua sự cầu thay, Ngài nhận Đức Thánh Linh và tất cả các ân tứ thuộc linh từ Đức Chúa Cha và tuôn đổ xuống cho con dân Ngài (Công Vụ 2:33). Hội Thánh, là thân thể của Đức Chúa Giêxu, cũng cần làm theo khuôn mẫu của Đấng làm đầu. Chúng ta được kêu gọi tiếp nhận sự đầy dẫy Đức Thánh Linh để có quyền năng mà truyền chuyển những ơn phước thuộc linh cho người khác. Các quyền năng mà Hội Thánh có thể có để thật sự đem phước hạnh đến cho người khác, đều tuỳ thuộc vào tinh thần cầu thay. Nghĩa là biết cầu xin rồi tiếp nhận các món quà từ trời để chuyển đến cho loài người. Tinh thần cầu thay của Hội Thánh mạnh hay yếu, đều tuỳ thuộc vào vấn đề các tín hữu có được đầy dẫy Đức Thánh Linh hay không. Đấng Toàn Tri thì chắc sẽ chẳng khi nào ngự đầy dẫy vào những người mà Ngài biết rõ sẽ chẳng dành thì giờ để cầu thay cho người khác.
Vì thế, yếu tố sẵn sàng vâng phục Chúa trong lòng của mỗi tín hữu là yếu tố then chốt để lập quyết định dành riêng thì giờ cầu thay cho những người mình muốn họ được cứu. Chúa Toàn Tri sẽ ban Đức Thánh Linh cho những người như thế. Sự thiếu hiểu biết về vấn đề nầy là nguyên do của việc thiếu vắng quyền phép của Đức Chúa Trời trong một hội chúng. Người ta đã cố gắng nỗ lực làm rất nhiều việc thay thế cho tinh thần cầu nguyện. Hậu quả là không tạo được ảnh hưởng gì trên thế giới quanh mình. Chỗ nào cũng biết và nói tới bí quyết thành công là cầu nguyện; thế nhưng, có biết bao nhiêu người hăng hái tình nguyện làm các công việc của Hội Thánh mà chưa dành thì giờ thích đáng để ở riêng với Chúa? Cũng có nhiều người khác chưa tham gia đội quân cầu thay, vì chưa được ai dạy cho biết phải làm như thế nào để đem hạnh phúc thiên đàng tới cho thế gian. Chúng ta cần phải học biết những nguyên tắc và lợi ích của sự cầu thay, và bắt đầu thực hiện những gì mình đã hiểu biết, áp dụng những gì mình đã được trang bị. Hãy lập quyết tâm bắt đầu, không chần chờ. Học mà không hành thì kiến thức ấy sẽ phai mờ theo thời gian.
VanDeTamLinh31.docx
Rev. Dr. CTB