Ai Sẽ Được Mặc Khải? – Hiểu Biết Ơn Tiên Tri, 05

Chúa Nhật, September 16, 2012

Ai Sẽ Được Mặc Khải?

Habacúc 2:1

Có người suy đoán rằng mình sẽ được rèn luyện cho chiến trận khi tham gia vào trận chiến mà Chúa sẽ đưa họ vào. Đó là những người tin rằng họ sẽ sẵn sàng tham gia chiến trận khi khủng hoảng hay tai biến trong đời xảy ra. Nhưng điều mà chúng ta thường không biết rõ là những cuộc khủng hoảng không trang bị điều gì cho con người – nó chỉ bộc lộ ra những gì đã thành hình sẵn trong lòng chúng ta. Không ai có thể sẵn sàng cho chiến trận nếu chưa được rèn luyện trong quân trường của Đức Chúa Trời. Những nhiệm vụ gần gũi trong cuộc sống mỗi ngày mà Chúa đưa tới cho mỗi con cái Ngài phải thực hiện, chính là sự rèn luyện của Chúa cho mỗi con dân Ngài để họ có thể sẵn sàng tham gia trận chiến. Nếu chúng ta không thực hiện các nhiệm vụ gần gũi nhất ấy, khi cuộc khủng hoảng xảy ra, chúng ta bị bộc lộ là chưa sẵn sàng cho chiến trận. Khủng hoảng luôn luôn bộc lộ cá tính thật của con người.

Một số người khác lại không dám hi vọng sẽ nhận được mặc khải nào từ Đức Thánh Linh để có thể nói tiên tri. Vì họ chưa bao giờ kinh nghiệm hoặc nhận ra sự mặc khải thần thượng có thể đã xảy ra trên bước đường theo Chúa của mình. Tiên tri là một ân tứ thiêng liêng thuộc lãnh vực mặc khải bày tỏ cho tâm linh; vì thế, tình trạng tâm linh thanh sạch, khoẻ mạnh, nhạy bén và tỉnh táo là điều kiện phải có của người muốn nhận được ơn tiên tri. Yếu tố cần thiết lớn nhất của điều kiện đó là mối tương giao thờ phượng riêng tư giữa chúng ta với Đức Chúa Trời. Nghĩa là dù thờ phượng Chúa chung với Hội Thánh, hay trong chỗ riêng tư ở nhà, thì mối dây liên lạc giữa người thờ phượng với Đức Chúa Trời là thông suốt và nồng thắm. Mà mối tương giao thông suốt nồng thắm với Đức Chúa Trời chỉ có trong những người biết thờ phượng Ngài ở mọi cơ hội mỗi ngày.

Trong sự thờ phượng tương giao với Chúa, Ngài sẽ rèn luyện và trang bị cho chúng ta những năng lực và yếu tố cần thiết để nhận được sự khải thị hoặc tham gia vào trận chiến thuộc linh của Hội Thánh chống lại kẻ thù của linh hồn chúng ta. Thờ phượng Chúa không phải chỉ là hát nhiều bài ngợi ca tôn vinh Chúa. Vì các bài hát chỉ là phương tiện để con dân Chúa bày tỏ sự yêu mến và ngưỡng vọng Ngài. Tình yêu do lòng biết ơn; lòng tôn sùng sự cao cả, vĩ đại, oai nghi và tôn quý của Đấng Chủ Tể xuất phát từ đáy lòng, là sự thờ phượng mà Chúa vui nhận. Loài người không thể thấy cõi vô hình bằng mắt thường. Chỉ có Đức Chúa Trời mới thấy rõ đời sống trong tâm linh vô hình của chúng ta, nên Ngài biết người nào đã hoàn toàn sẵn sàng, cũng như ai chưa đủ điều kiện. Thờ phượng còn là thái độ sống và cách hành xử của chúng ta trong cuộc sống mỗi ngày phản ảnh ra sao về hình ảnh của Đức Chúa Trời trong lòng chúng ta.

Lời Chúa do đấng tiên tri Êsai chép về sự kiêng ăn thờ phượng: “Ngày lại ngày họ tìm kiếm Ta, và muốn biết đường lối Ta, như thể một dân đã làm điều công chính và chưa từng bỏ luật lệ của Đức Chúa Trời mình. 3 Họ hỏi: ‘Chúng con kiêng ăn, sao Chúa không thấy? Chúng con hạ mình, sao Chúa chẳng biết đến? Nầy, trong ngày kiêng ăn, các ngươi vẫn tìm điều mình ưa thích và áp bức những kẻ làm công cho mình. … 5 Có phải đó là sự kiêng ăn mà Ta chọn lựa, là ngày mà người ta hạ mình xuống chăng? … 6 Chẳng phải sự kiêng ăn mà Ta chọn, đó là, tháo những xiềng gian ác, mở dây trói của ách, thả cho kẻ bị áp bức được tự do, và bẻ gãy mọi ách hay sao? 7 Chẳng phải là chia sẻ thức ăn cho người đói, đem kẻ nghèo khổ, không nhà cửa về nhà mình, khi thấy người trần truồng thì mặc cho, và không ngoảnh mặt làm ngơ với anh em cốt nhục mình hay sao?” (Êsai 58:2–3, 5–7). Kết quả của lòng thờ phượng thật là (Êsai 58:8–11).

Đức Chúa Trời có thể tin cậy và giao thác nhiệm vụ nhỏ hoặc lớn cho những người đã được rèn luyện, để họ sẽ thực hiện công việc Ngài khi khủng hoảng, lúc tai biến, hay bất cứ hoàn cảnh nào. Nghe tới những điều kiện nầy, có lẽ một số người rất ngã lòng. Vì họ nghĩ rằng họ sẽ không thể sống một đời sống được thánh hoá trong hoàn cảnh hiện tại của mình, với lý do là tôi không có chút thì giờ nào để học Kinh Thánh hay cầu nguyện. Công việc của tôi quá bận rộn, làm sao tôi có thể tìm ra thời gian ở riêng với Chúa? Mặc dù tôi chưa có cơ hội tham gia chiến trận nào, nhưng nếu nó đến, có lẽ tôi sẽ dư sức chiến đấu.

Người nào suy nghĩ như vậy là lầm lẫn nặng. Nếu lâu nay chúng ta không thờ phượng theo cách Chúa đẹp lòng trong hoàn cảnh mỗi ngày, thì khi chúng ta tham gia vào công việc của nhà Chúa, mình chẳng những trở nên vô dụng, mà còn làm vướng víu, ngăn trở những người quanh mình. Vì quân trường huấn luyện của Đức Chúa Trời là đời sống thờ phượng của các thánh đồ ở nơi kín đáo riêng tư của họ. Đó là chỗ chúng ta được huấn luyện để lắng nghe tiếng Chúa phán cách rõ ràng nhất. Tất cả vũ khí của các thánh đồ cũng nằm sẵn ở đó.

Yếu tố kế tiếp để các thánh đồ có thể dễ dàng tiếp xúc với ơn mặc khải là: phục vụ trong mọi cơ hội hàng ngày mà mình có thể làm được. Không có nghĩa là chúng ta chọn lựa môi trường mà mình muốn phục vụ; nhưng là sẵn sàng phục vụ khi có một cơ hội bất chợt nào đó cần đến sự đỡ đần của chúng ta để hoàn thành. Chính tính cách mà chúng ta biểu lộ trong khung cảnh hiện thời quanh mình sẽ cho thấy mình sẽ biểu lộ y như vậy trong các khung cảnh khác.

Việc Đức Chúa Giêxu rửa chân cho các môn đồ của Ngài là một công việc tầm thường thấp kém nhất mỗi ngày của một người nô lệ trong xã hội thời ấy; nhưng ngày nay có lẽ không mấy ai theo gương của Chúa mình để chịu rửa chân cho anh chị em đồng niềm tin. Có lẽ lý do là vì tinh thần của sự phục vụ nằm trong tính bình dị của tấm lòng người phục vụ; mà lòng ích kỷ, sự kiêu căng, tính thờ ơ của thời đại đã len lỏi vào tâm tánh của con người trong xã hội ngày nay. Trong ơn tiên tri, tính bình dị, hoặc sự đơn giản, là bí quyết để nhận biết mọi sự việc cách rõ ràng. Là các thánh đồ, chúng ta phải có khả năng nhận biết bản chất các sự việc diễn ra quanh mình không chút khó khăn nào. Chúng ta nhận được khả năng đó qua sự vâng lời Chúa.

Người ta có thể suy luận ra những vấn đề về trí tuệ, nhưng không thể dùng sự suy nghĩ để nhận biết vấn đề thuộc cõi linh. Càng cố gắng suy nghĩ chừng nào, sẽ càng bối rối chừng đó. Càng muốn chứng tỏ mình khôn ngoan, thì càng chẳng nhận được sự khải thị nào từ thiên đàng. Như Đức Chúa Giêxu đã phán: “Ta bảo các con, nếu các con không biến đổi và trở nên như con trẻ, các con sẽ không bao giờ được vào nước thiên đàng đâu” (Mathiơ 18:3). Ngài cũng nói: “Con ca ngợi Cha, vì Cha đã giấu những điều nầy với kẻ khôn ngoan, người sáng dạ, mà bày tỏ cho trẻ thơ” (Mathiơ 11:25). Như vậy, những điều vừa nói có nghĩa gì và liên hệ thế nào tới ơn tiên tri? Người ta nhận được ơn tiên tri qua sự mặc khải hay khải thị từ Chúa. Muốn nhận được, chúng ta phải vâng lời Ngài. Để vâng lời, chúng ta phải “đánh hạ các lý luận và mọi sự kiêu căng chống lại sự hiểu biết Đức Chúa Trời và buộc mọi ý tưởng phải vâng phục Đấng Christ” (2Côrinhtô10:5).

Thậm chí điều rất nhỏ nhặt mà chúng ta chiều chuộng nó trong đời sống mình, tức là những điều không chịu phục dưới sự điều khiển của Đức Thánh Linh, cũng đủ khiến tâm linh chúng ta bị bối rối, mù mờ, không hiểu được sự khải thị mà Chúa muốn bày tỏ cho mình. Dù dành nhiều thì giờ suy gẫm cũng chẳng bao giờ hiểu rõ ràng. Sự bối rối, lẫn lộn thuộc linh chỉ có thể bị loại trừ qua sự vâng phục Chúa. Hễ khi nào chúng ta chịu vâng lời Chúa qua tính bình dị từ lòng tin cậy Chúa, như trẻ con hoàn toàn tin cậy cha mẹ nó, chúng ta sẽ bắt đầu biết phân biệt ý nghĩa của sự mặc khải từ thiên đàng. Những vấn đề thuộc cõi linh không giống như sự hiểu biết của chúng ta về cõi thể chất. Vì bình thường thì sự bối rối lầm lẫn, thuộc tình trạng tâm trí của thể chất. Vấn đề mặc khải thuộc cõi linh chỉ có thể được hiểu, khi tâm linh chúng ta nối với cõi thiên đàng.

Nếu chúng ta chịu giao phó cho Đức Thánh Linh khả năng trí hiểu tự nhiên của mình bằng sự vâng phục Ngài, chính khả năng ấy sẽ trở thành năng lực khiến chúng ta nhận thức được ý muốn của Đức Chúa Trời, và toàn thể cuộc đời chúng ta được Ngài gìn giữ trong sự bình dị, đơn giản, như tấm lòng trong trắng của đứa trẻ thơ, tiếp nhận được sự mặc khải tiên tri cách dễ dàng.

HieuBietOnTienTri05.docx

Rev. Doc. CTB