Để Ý Các Dấu Hiệu Của Chúa – Hiểu Biết Ơn Tiên Tri, 14

Chúa Nhật, December 2nd, 2012

Để Ý Các Dấu Hiệu Của Chúa

Êsai 7:10–14

 

Vào thời Cựu Ước, Đức Chúa Trời đã dùng nhiều tiên tri báo cho con dân Ngài biết rằng sẽ diễn ra những điềm lạ, dấu kỳ trước ngày cuối cùng của thế giới (Giô-ên 2:30–31). Hiện nay đã có nhiều dấu lạ chưa từng xảy ra trong lịch sử loài người và Hội Thánh, chứng tỏ rằng thế giới đang tiến dần tới ngày tận thế. Đức Chúa Trời cũng dùng nhiều cách khác nhau để báo tin cho con dân Ngài biết những việc quan trọng; nhưng chúng ta thường không hiểu cách thức Chúa muốn trình bày chương trình của Ngài. Không phải vì Chúa không có khả năng truyền đạt, nhưng vì hầu hết chúng ta chưa có khả năng tâm linh để hiệp thông với Đức Chúa Trời, là Đấng hoạt động trong linh giới, nên không hiểu nổi những điều Ngài đang bày tỏ. Vì vậy Hội Thánh cần các tiên tri.

Khi nào có vài việc không bình thường lặp đi lặp lại nhiều lần, thì chúng ta phải nhận ra ý Chúa muốn con dân Ngài phải chú ý vào vấn đề ấy để hiểu cách thức hành động của Ngài. Cũng giống như trong tình cảnh không thể nói ra được, chúng ta phải ra dấu cho một người để báo tin gì đó, nhưng nếu phía bên kia không chú ý hay chưa hiểu, thì chúng ta phải lặp lại dấu hiệu ấy nhiều lần, cho đến khi người ấy hiểu ý. Trong lịch sử Hội Thánh cận đại đã có một số hiện tượng hoặc các dấu kỳ phép lạ chưa từng xảy ra trước kia, nay lại phổ biến khắp các Hội Thánh, nhưng Hội Thánh chỉ vui hưởng các phép lạ ấy mà không hiểu Đức Thánh Linh muốn phán điều chi.

Trong suốt lịch sử Hội Thánh cho đến ngày nay đã ghi chép lại vài hiện tượng rất phổ thông, ví dụ như một số tín hữu bị ngã nằm dài khi được đặt tay cầu nguyện. Hiện tượng ấy được gọi là “ngã trong Thánh Linh.” Mặc dù có một số người giả bộ ngã để chứng tỏ mình được Thánh Linh chạm đến, hay ngã kiểu ‘lịch sự’ để làm vừa lòng người đặt tay cầu nguyện cho mình. Trong khi đó đã có nhiều người thật sự bị ngã nằm sóng soài, không giả bộ chi hết. Nghĩa là ảnh hưởng của quyền năng Đức Thánh Linh khiến người ta bị té vật xuống, có khi nằm luôn vài giờ không chỗi dậy được. Như vậy, chắc chắn Đức Thánh Linh không làm người ta ngã để chúng ta thưởng thức quyền năng của Ngài, mà rõ ràng là có một sứ điệp cho Hội Thánh qua biểu hiện về sự tác động của Đức Thánh Linh trên thân xác chúng ta. Nếu ngã nằm dài là biểu tượng của sự chết, thì Ngài bày tỏ rằng những ai muốn được Ngài sử dụng, con người cũ phải bị chết trước đã. Nếu ai muốn bước đi trong Đức Thánh Linh, thì phải chết đối với chính mình và cả với thế gian nữa.

Khoảng đầu thập niên 1970, một hiện tượng lạ cũng phổ biến khắp các Hội Thánh theo phái ân tứ Đức Thánh Linh. Đó là một sự xức dầu đặc biệt làm cho nhiều người bị tật chân ngắn chân dài được kéo dài chân ra cho bằng nhau. Đây là những người bị đau lưng kinh niên do một chân ngắn hơn chân kia mà không biết. Thường thì nguyên nhân làm cho chân chênh lệch không phải vì chân ngắn chân dài, mà vì xương chậu bị lệch. Rất nhiều người bị tật đó được cầu nguyện cho và ngay lập tức thấy chân mình mọc ra dài bằng chân kia. Phép lạ nầy thật là thích thú và có vài trường hợp chân ngắn mọc dài ra hiển hiện trước mắt mọi người thật là ngoạn mục. Tuy vậy, tới ngày nay nhiều người vẫn chưa hiểu qua dấu hiệu ấy Chúa muốn truyền đạt sứ điệp gì cho Hội Thánh. Theo một số nhà tiên tri thì vì Hội Thánh hiện nay bị mất quân bình nên Chúa muốn ban cho chúng ta sự xức dầu để chấn chỉnh tình trạng mất thăng bằng thuộc linh như Ngài đã thực hiện về mặt thể chất cho chúng ta thấy. Vậy hãy hiểu ý Chúa muốn dạy chúng ta.

Việc không hiểu ý Chúa muốn truyền đạt, rồi phỏng đoán cho rằng sở dĩ phép lạ xảy ra là vì Chúa dùng sự chữa lành ấy để xác nhận vị trí lãnh đạo của người được Ngài xức dầu, là sự hiểu sai trầm trọng. Sự suy diễn sai trật về ý muốn của Đức Chúa Trời khiến vài người thiết lập những thứ tín lý quái đản. Không phải những lời tiên tri do được khải thị gây ra thiệt hại cho Hội Thánh và con cái của Chúa, mà là những sự giải nghĩa, suy diễn sai trật về các dấu hiệu Chúa cho xảy ra nhiều lần để bày tỏ ý muốn và mục đích của Ngài. Sứ đồ Phaolô khuyên: “Đừng khinh thường những lời tiên tri, nhưng hãy thử nghiệm mọi sự và giữ lấy điều tốt” (1Têsalônica 5: 20–21). Bổn phận của con dân Chúa ngày nay là phải biết giúp những người lãnh đạo Hội Thánh nhận ra các lỗi lầm của họ để sửa đổi. Vì cách hành xử bây giờ ở vài Hội Thánh là xem các lời giảng dạy của mục sư thì không sai lầm, nên chẳng ai dám thắc mắc vì sợ bị mang tiếng là khó tính hay chống đối, bội nghịch. Tập tục đó phải được thay đổi để Hội Thánh có thể tiến tới.

Đời sống tâm linh của nhiều tín hữu ngày nay bị tổn hại phần lớn là do tình trạng vô trách nhiệm của người chăn bầy, chứ không phải vì các lời tiên tri sai trật. Bổn phận của người được Chúa đặt vào địa vị chăn bầy là để trông coi, bảo vệ bầy chiên khỏi bị thú dữ làm hại, nuôi nấng bầy chiên bằng cách dẫn bầy tới các đồng cỏ xanh tươi; nhận ra các dấu hiệu biến đổi thời tiết, khí hậu, để dẫn chiên về chỗ an toàn. Như vậy, các lời tiên tri hay những dấu hiệu tiên tri được ban cho Hội Thánh để giúp chúng ta nhận ra những điều Đức Thánh Linh muốn thông báo.

Kinh-thánh không khuyên chúng ta mù quáng tin cậy tất cả những lời được gọi là lời tiên tri, mà bảo chúng ta phải thử nghiệm:

Anh em thân mến, đừng tin tất cả các thần linh, nhưng phải thử xem các thần linh đó có đến từ Đức Chúa Trời không; vì nhiều tiên tri giả đã đến trên khắp thế gian. Nhờ điều nầy anh em nhận ra thần linh của Đức Chúa Trời: thần linh nào tuyên xưng Đức Chúa Giêxu Christ lấy thân xác con người để đến thế gian, thần linh đó đến từ Đức Chúa Trời. Thần linh nào không xưng nhận Đức Chúa Giêxu, thần linh đó không đến từ Đức Chúa Trời, nhưng thuộc về kẻ chống Đấng Christ, như anh em nghe nói nó sắp đến, và hiện nay nó đã ở trong thế gian rồi” (1Giăng 4:1–3).

Phía sau mỗi lời được gọi là tiên tri thì có thể từ một trong ba nguồn: Đức Thánh Linh, nhân linh, hay tà linh. Hãy nhớ rằng sự mặc khải tiên tri là sự truyền thông từ một linh sang linh khác, đồng thời cũng để truyền đạt cho tâm trí chúng ta nữa. Vì thế, hãy xem xét để phân biệt linh nào ở phía sau lời tiên tri trước khi xem xét lời ấy nói gì. Hết sức tỉnh táo để nhận ra các ý nghĩa của những dấu hiệu đặc biệt, đừng phán xét theo bề ngoài. Bởi vì có khi người nói tiên tri có các dấu hiệu hay hành động quái dị, bất thường, ít thấy ở những người khác. Có thể xem ví dụ về vị tiên tri được Đức Chúa Trời truyền phải thực hiện các hành vi vô cùng quái dị ở Êxêchiên 4:1 – 5:4. Sự việc ghi chép ở chỗ nầy có ý nghĩa là Đức Chúa Trời sẽ hoàn thành lời ngăm đe của Ngài.

Làm sao để nhận ra thứ linh gì phía sau một lời tiên tri nào đó? Bất cứ lời nói nào được gọi là lời tiên tri đều phải phù hợp với lời Kinh Thánh và sẽ được Đức Thánh Linh chứng thực trong tâm linh nhiều con cái thật của Chúa cũng có ơn tiên tri. Còn những lời xưng là tiên tri nhưng chỉ để tâng bốc một ai đó, thì đa phần là từ nhân linh mà ra, không phải đến từ Chúa; vì xưa nay chỉ có một Người được Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời tôn cao trên thế gian, đó là Con Người của Đức Chúa Giêxu Christ. Vì vậy, sau khi nghe một lời tiên tri, chúng ta hãy xét xem có phù hợp với Kinh Thánh hay không? Có được Đức Thánh Linh chứng thực không? Sau đó sẽ xét tới sự chính xác của lời tiên tri. Nếu ai nói tiên tri mà sai trật từ đầu đến cuối, thì chắc chắn lời ấy không phải là tiên tri gì hết, chỉ do lòng người đặt ra theo ước muốn của họ.

Có một trường hợp hoàn toàn chính xác nhưng từ quỷ mà ra (Công Vụ 16:16–18). Sau nhiều lần nghe khiến tâm linh ông bực bội, Phaolô nhận ra thứ linh trong cô gái bói toán nầy là quỷ. Dù lời nói của cô gái là tôn cao Đức Chúa Trời và ơn cứu rỗi của Tin-Mừng:“Các ông nầy là đầy tớ của Đức Chúa Trời Chí Cao, rao truyền con đường cứu rỗi cho mọi người” (16:17). Phaolô không thể bị lừa gạt vì Đức Thánh Linh trong ông giúp ông biết thứ tà linh trong người nữ nô lệ. Chúng ta xây dựng đời sống mình bằng Lời Kinh Thánh chứ không dựa trên lời tiên tri. Và khi thấy bất cứ sự việc nào diễn ra nhiều lần khiến chúng ta phải phải hướng sự chú ý của mình vào đó, thì nên xem xét để biết có phải là dấu hiệu tiên tri hay không. Nếu đã nhận biết đó là một dấu hiệu từ Chúa thì nó có nghĩa gì và đòi hỏi chúng ta làm gì, rồi làm theo để không bị lỡ mất cơ hội.

HieuBietOnTienTri14.docx

Rev. Dr. CTB