Chúa Nhật, September 23rd, 2012
Ơn Tiên Tri Và Sự Kính Sợ Chúa
Thi Thiên 25:14 “Bí mật của Chúa dành cho người kính sợ Ngài.”
Mỗi khi Đức Chúa Trời mặc khải điều gì cho người nào, thì Ngài làm việc đó vì Ngài muốn, chứ chẳng ai có thể bắt buộc được Ngài phải làm hay không làm. Sự mặc khải tiên tri là các điều bí mật mà Chúa muốn tiết lộ cho những người Ngài có thể tin cậy. Chỉ có những người bạn thân hoặc những người yêu nhau chân tình mới bày tỏ cho nhau nghe những điều bí mật sâu kín nhất. Bởi vì đó là những người duy nhất có thể tin cậy được. Đức Chúa Trời ban ơn tiên tri và khải thị những điều bí ẩn của thiên đàng cho những người nào Ngài tin cậy, những người Ngài kể là bạn thân thiết. Ngài đã tin cậy họ đến độ “Chúa Giêhôva chẳng làm một việc gì mà không tỏ sự kín nhiệm Ngài cho các đầy tớ Ngài là các nhà tiên tri” (Amốt 3:7). Như vậy, phẩm chất và điều kiện trước nhất của một tiên tri phải là người được Đức Chúa Trời xem là bạn.
Kinh Thánh cũng nói sự “bí mật của Chúa dành cho người kính sợ Ngài.” Chẳng vị nguyên thủ quốc gia nào chọn những người hay huênh hoang hoặc không kín miệng làm phụ tá thân tín. Đức Chúa Trời cũng vậy, chẳng khi nào Ngài mặc khải điều kín nhiệm cho những người quá hở môi, tức là người chưa có ý thức về lòng kính sợ Chúa chân thật. Hội Thánh nào muốn được Chúa phục hồi ơn tiên tri chân chính, thì trước hết phải phục hồi lòng kính sợ Chúa trong sự thanh khiết, thánh sạch, và công chính. Bởi vì nhiệm vụ của người nói tiên tri đòi hỏi phải ý thức rõ về Chúa và sự quý báu của lời Ngài. Ê-li là một tiên tri lẫy lừng vào thời quốc gia Do-thái chia đôi; lời phát biểu công khai đầu tiên của ông nói với vua A-háp là: “Ta đứng trước mặt Giêhôva Đức Chúa Trời hằng sống mà thề rằng: Những năm sắp tới đây, nếu không có lời của ta thì sẽ không có sương, cũng chẳng có mưa” (1Vua 17:1). Sự kính sợ Chúa được Ê-li bày tỏ rõ ràng. Ông biết đang đứng trước mặt Chúa mà nói tiên tri, chứ chẳng phải trước mặt vua A-háp.
Ngày nay, người muốn được ơn nói tiên tri cũng phải hiểu nguyên tắc trên. Nếu ai tìm kiếm sự chấp thuận và tiếng tăm của loài người đến mức nào, thì thánh vụ và lời nói của người đó sẽ bị hư hỏng mức ấy; bất kể mình có long trọng thề thốt gì, hoặc tin chắc rằng lời mình nói là đến từ Chúa, cũng thế thôi. Sứ đồ Phaolô nói rằng: “Nếu tôi vẫn cố làm đẹp lòng loài người thì tôi chẳng phải là đầy tớ Đấng Christ” (Galati 1:10b). Lúc Phierơ theo quan điểm loài người cố gắng khuyên Đức Chúa Giêxu đừng thực hiện sự hi sinh mà Ngài vừa tiết lộ cho các môn đồ, chứ không đứng trên quan điểm của Đức Chúa Trời, thì ông bị Ngài gọi là “Satan” (Mathiơ 16:21–23). Chúng ta sẽ không thể nói lời chân thật đến từ Chúa nếu vẫn còn sợ loài người hay vẫn còn mong muốn được nổi danh, được người ta khen ngợi.
Khi Đức Chúa Trời sai hạn hán đến để khiến người ta phải chú ý, thì Hội Thánh xúm nhau cầu xin mưa xuống. Tiên tri Ê-li cầu cho hạn hán đến vì ông có đồng tâm trí với Đức Chúa Trời, dẫu cho ý muốn ấy xung khắc với lòng mong ước và lối sống của cả nước. Vua A-háp gọi ông là “kẻ làm rối loạn Israel” (1Vua 18:17). Người kính sợ Đức Chúa Trời hơn là sợ người, sẽ bị xem là mối đe doạ đối với tham vọng của người lãnh đạo. Một tiên tri thật của Chúa sẽ là mối nguy hại nhất cho những mong muốn xấu xa của người ta, nhưng cũng là người đem lại hi vọng lớn để họ được cứu độ. Vì lý do nầy, những người nào có ơn tiên tri lại quá quan tâm đến lời người khác nói về mình, sẽ không thể nào bước đi trọn thành trong ơn mình được kêu gọi, dễ dàng bị đổi thành tiên tri giả nói lời bịa đặt, vì Đức Chúa Trời không còn bày tỏ sự bí mật của Ngài nữa.
Một tiên tri thật là người phát ngôn của Chúa, không phải là phát ngôn nhân của Hội Thánh. Chúa ban các tiên tri để trang bị cho Hội Thánh, không phải để thay mặt Hội Thánh phát ngôn. Nơi đâu chỉ tiếp nhận tiên tri nào đồng ý với quan điểm hoặc giáo lý của mình thì sẽ luôn luôn bị xung khắc với thánh vụ tiên tri thật, và mở cửa cho tiên tri giả xâm nhập.
Trong chuyện tích Vua Đa-vít cùng quần thần phải trốn khỏi kinh đô Giêrusalem vì hoàng tử Áp-sa-lôm, con vua, làm phản. Khi đến Bahurim trên đường bộ dẫn tới chỗ qua sông vào hoang mạc, Đa-vít bị Si-mê-i, dòng dõi của vua triều đại trước, tiến đến ném đá và rủa sả suốt đoạn đường đi trên sườn núi. Lúc A-bi-sai, võ tướng cận vệ của vua đòi đi chém đầu Si-mê-i, thì Đa-vít nói rằng “… Nếu Si-mê-i rủa sả vì Đức Giêhôva đã phán với người rằng: ‘Hãy rủa sả Đa-vít,’ thì ai dám nói với người: ‘Tại sao ngươi làm như vậy?’ …… Kìa con ruột ta do chính ta sinh ra còn tìm hại mạng sống ta, huống chi người Bêngiamin nầy! Hãy để mặc nó, hãy để nó nguyền rủa, vì Đức Giêhôva bảo nó làm vậy” (2Samuên 16:10–11).
Đa-vít là một trong những gương mẫu tuyệt vời về người lãnh đạo được Đức Chúa Trời thiết lập và chỉ định. Ông không dám từ chối sự nguyền rủa từ Đức Chúa Trời nếu ông đáng bị rủa sả. Ông có tính chất của một người có uy quyền thật, là tính chất chỉ có được do Chúa ban cho. Ông không quan tâm bao nhiêu tới việc thần dân mình nghĩ sao về sự nhục nhã nầy mà ông phải chịu; ông chỉ cố gắng nhận ra những gì Đức Chúa Trời có thể muốn nói với ông qua chuyện bị hạ nhục đó. Tâm tình ấy, quyết định ấy rất đẹp lòng Đức Chúa Trời; vì thế cho nên, thiên sứ Gápriên đến báo tin cho trinh nữ Mary biết rằng bà sẽ bởi quyền phép Chúa mà sinh một trai “Con trai ấy sẽ được tôn trọng, được gọi là Con của Đấng Chí Cao. Chúa là Đức Chúa Trời sẽ ban cho Ngài ngôi Đa-vít, tổ phụ Ngài” (Luca 1:32). Ngôi tức là một địa vị uy quyền. Đa-vít đã thiết lập một địa vị đầy uy quyền đến nỗi Đấng Christ sẵn lòng ngồi trên đó.
Những người nào tìm cách nắm giữ, làm chủ mạng sống mình, hoặc địa vị mà mình đang có thẩm quyền, sẽ bị mất các điều ấy. Nhưng hễ ai sẵn lòng trao phó mọi việc trong tay Chúa, sẽ gìn giữ được sự sống mình và có thể giữ được thẩm quyền và địa vị mà mình được chỉ định. Sự dâng hiến toàn vẹn cho sự vinh quang và các mục đích của Chúa là điều kiện đòi hỏi không những chỉ đối với những người muốn bước đi trong sự xức dầu tiên tri chân thật, mà cũng là điều kiện đòi hỏi đối với các Hội Thánh nào muốn nhận được lợi ích của thánh vụ tiên tri. Tâm tình hay thái độ kính sợ Đức Chúa Trời của mỗi cá nhân và cả Hội Thánh là nền tảng vững vàng để vận hành trong ân tứ tiên tri và các ân tứ mặc khải khác.
Đức Chúa Trời sử dụng các tiên tri thay mặt Ngài mà nói với Hội Thánh. Mặc dù về đại thể, mọi thánh vụ trong Hội Thánh đều vì Chúa mà nói, nhưng lời tiên tri nói về một tình trạng cụ thể bằng sự mặc khải cụ thể về ý muốn và mục đích của Chúa đối với việc ấy; cho nên, lòng kính sợ Đức Chúa Trời sẽ khiến cho người nghe suy xét cách nghiêm túc về lời tiên tri đó. Tuy nhiên, vị tiên tri chỉ là một phần trong thân thể Đấng Christ; cho nên, người hay nhóm đó phải hoạt động trong sự hoà hợp với toàn thể phần còn lại của thân thể. Có thể ví các tiên tri như là thần kinh hệ chuyển những tín hiệu từ não bộ đến toàn thân. Mặc dù phận sự chính của thần kinh hệ là nối sự truyền lệnh từ bộ óc trên đầu tới toàn thân, nhưng hệ thống ấy cũng chuyển một số tín hiệu, như đau nhức, từ thân lên não bộ. Vì vậy, tiên tri phải đảm nhiệm cả hai vai trò sứ giả lẫn cầu thay.
Tâm tình và tánh ý kính sợ Chúa của người tiên tri khiến cho người ấy phải vâng theo tiếng Chúa truyền mà nói ra những gì Ngài sai phải nói. Tiên tri Giêrêmi diễn tả sự thúc giục của Chúa trong lòng ông như sau: “Nếu con nói: ‘Tôi sẽ không đề cập đến Ngài nữa; tôi sẽ không nhân danh Ngài mà nói nữa,’ thì lời Ngài như ngọn lửa thiêu đốt lòng con, âm ỉ trong xương con, con mệt mỏi vì nín lặng, không sao chịu được” (Giêrêmi 20:9). Khi lời Chúa phán về các tiên tri giả thì ông than thở: “Lòng dạ tôi tan nát; xương cốt tôi rã rời; tôi như người say, như người say khướt vì rượu, chính vì Đức Giêhôva, vì những lời thánh của Ngài.” (Giêrêmi 23:9).
Cuối cùng, sự kính sợ Đức Chúa Trời là điều kiện phải có cho ai muốn nhận được ơn tiên tri, vì Kinh thánh cho biết về Đức Thánh Linh, Đấng vận hành và ban ân tứ tiên tri là “Thần tri thức và kính sợ Đức Giêhôva” (Êsai 11:2b). Ngài chỉ ngự trong người nào kính sợ Đức Chúa Trời.
HieuBietOnTienTri06.docx (Sách tham khảo: The Prophetic Ministry. Tác giả Rick Joyner)
Rev. Dr. CTB