Chúa Nhật, February 24th, 2013
Hiểu Biết Ơn Tiên Tri, 22
Giữ Gìn Ơn Tiên Tri
Mathiơ 20:25–28
Trong Hội-thánh ngày nay, một số người đạt tới và phát triển thánh vụ tiên tri nhiều kết quả trong cả việc làm cho tín hữu có nếp sống tâm linh tăng trưởng lẫn thành công về công tác truyền giáo cứu người. Nhiều người khác sau khi thất bại thì lại đổ trách nhiệm cho hai nguyên nhân: Bị Đức Chúa Trời kềm chế hay bị ma quỷ ngăn trở. Trong vài trường hợp, có thể đúng là do nguyên nhân bên ngoài, chứ không phải do lỗi của người thực hành thánh vụ tiên tri. Nhưng một quy luật phổ biến của sự thất bại là: Hầu hết Cơ-đốc-nhân bị loại trừ, không thể tham dự thánh vụ vì động lực ích kỷ của họ, không phải vì bị Chúa kềm giữ hay do Satan phá phách.
Những tín hữu ích kỷ bị nung nấu bởi mong ước không thôi là được cầu nguyện hay phục vụ bằng lời từ Chúa đến. Giống như một tảng xốp hút nước khổng lồ sẵn sàng thu hết mọi giọt nước thuộc linh do Hội-thánh cung cấp. Nhóm tín hữu thích được ban phước nầy có tâm lý bị thúc đẩy bởi khát vọng: “Chúa có thể ban gì cho tôi?” Họ thu góp hết mọi thứ mà không đầu tư trở lại vào Nước Chúa. Do đó, tài nguyên của Hội-thánh ngày càng cạn kiệt vì loại tín hữu phải tốn kém bảo trì, hiệu năng quá ít; những người thu vét mọi thứ cho mình mà không chút ân hận. Ngày nay, số người nầy có mặt ở khắp các Hội-thánh địa phương. Thậm chí, trong hàng giáo phẩm cũng có vô số người chỉ chăm chú vào việc được ban cho các sự mặc khải, ân tứ thuộc linh, thánh vụ thành công, hơn là thật lòng phục vụ anh chị em tín hữu. Những người của ‘câu lạc bộ kiếm phước’ sẽ xếp hàng để nhận phước đầu tiên. Họ là các hồ chứa thu nhận, không phải ống dẫn phục vụ.
Đức Chúa Giêxu đã nêu gương cho bầy chiên của Ngài noi theo: “Con Người đã đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ, và hy sinh tính mạng làm giá cứu chuộc nhiều người” (28). Những vị tiên tri của thời Cựu-ước và các sứ đồ thời Tân-ước đã đặt thánh vụ của họ trước sự thuận tiện và lợi ích riêng. Vì thế, Đức Chúa Trời đã đại dụng họ trong những công việc trọng đại, làm thay đổi cả vận mệnh thế giới. Ngày nay cũng vậy, tất cả những người có thánh vụ được ban phước và thành công đều hiểu rằng ban cho thì có phước hơn nhận lãnh. Cho nên, họ ít khi tìm kiếm lời tiên tri cho mình, chỉ hết lòng nhận lời mặc khải tiên tri để nói cho người khác. Những người ấy nhận thức rõ một điều: Đức Chúa Trời không muốn ban lời cho riêng họ nhưng Ngài muốn dùng họ để nói cho người khác nhiều hơn.
Thế thì, để có thể được Chúa ban cho ơn tiên tri và sử dụng chúng ta vận hành trong ơn ấy, điều kiện tiên quyết là chúng ta phải quan tâm đến lợi ích của người khác trước các nhu cầu, ước mong của riêng mình. Người muốn nhận ơn tiên tri phải hết lòng quên mình phục vụ nuôi dưỡng Hội-thánh của Chúa. Hễ ai đã nhận thức được nguyên tắc căn bản là ban cho trước khi nhận lãnh, thì người đó có thể thiết lập nền tảng của thánh vụ mình. Ngoài nguyên tắc cho ra, có vài vấn đề khác cần phải xem xét trước khi có thể nhận và hoạt động trong ơn tiên tri. Việc đầu tiên phải để ý là, chúng ta không thể cho ra điều mà mình không có. Chúng ta chỉ có thể phục vụ người khác những gì mình đã nhận được từ Chúa. Kế đến là phải nói ra lời tiên tri bằng thái độ vâng phục và đức tin. Nghĩa là chỉ đơn giản làm theo những gì Đức Chúa Trời bảo làm, rồi tin rằng Ngài chịu trách nhiệm về những kết quả xảy ra.
Khi ai cảm nhận được lời Chúa đến với mình, hoặc là một sự mặc khải, hay một mệnh lệnh cho ai đó, hãy theo sát các nguyên tắc căn bản: Giản dị và thật, đừng nói những lời phức tạp hoặc giả tạo. Thông thường, người ta cần những lời khích lệ đơn giản, chứ không cần là những lời tiên tri mặc khải về tương lai xa của họ. Trong hầu hết các trường hợp, những xác nhận căn bản về tình yêu thương và sự bảo vệ của Đức Chúa Trời giúp ích cho người nghe, hơn là các lời tiên tri mầu nhiệm về tương lai đưa người ta lên tận mây xanh, khiến họ sinh ra tâm lý kiêu căng vô ích.
Một chuyện thật minh giải nguyên tắc nầy: Một du khách đến thăm Hoa-kỳ và lái xe trên xa lộ hoàn toàn xa lạ đối với mình để tới chỗ ông ta muốn đến. Lúc khởi hành, ông ta thấy tấm bảng lớn ghi Xa Lộ Xuyên Bang 10. Thoạt đầu, ông cảm thấy mình đi đúng hướng. Nhưng càng lái xe trên đường ấy, ông càng lo lắng vì nghĩ rằng mình đã lạc đường. Mối lo của ông được trút bỏ khi ông thấy một tấm bảng nhỏ bên đường ghi “Bạn đang đi trên Xa Lộ Xuyên Bang 10.” Nếp sống của tín hữu cũng tương tự như vậy. Lúc mới tin Chúa, tất cả chúng ta đều cần những dấu hiệu vĩ đại từ Đức Chúa Trời. Những người mới theo Chúa đều thích và hoàn toàn tin cậy những lời tiên tri sâu nhiệm. Nhưng thời gian trôi qua, sự mặc khải đó phai dần, có người đâm lo không biết có đi đúng hướng hay không. Nỗi lo ấy sẽ được giải toả khi có ai đó bày tỏ lời Chúa phán: “ Ta vẫn ở với con, đừng sợ đừng kinh hãi, Ta chẳng lìa khỏi con chẳng từ bỏ con đâu; nầy là đường đây, hãy noi theo” (Phục Truyền 31:6; Ê-sai 30:21). Người nhận sẽ phủ phục tạ ơn Chúa.
Không ai có thể trở thành một nhạc sĩ giỏi bằng cách bắt đầu tập những bài cực khó của các bậc thầy. Họ phải tập đánh đàn những bài căn bản vỡ lòng. Cũng không ai đột nhiên trở thành vị tiên tri ra đứng nói tiên tri trước một hội chúng đông người, mà phải bắt đầu ở bậc thấp nhất qua sự kiên nhẫn tập luyện. Ân tứ sẽ tăng trưởng dần theo thời gian. Mặc dù đây là nguyên tắc Kinh-thánh rõ ràng, nhưng có nhiều người nghĩ cách khác. Họ nghĩ rằng Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời của phép lạ, Ngài sẽ làm những việc kỳ diệu trong chớp mắt; và Ngài có thể làm cho người chưa biết gì hết có thể bắt đầu nói tiên tri những điều sâu nhiệm cách chính xác, không cần phải qua sự rèn luyện nào cả. Chúa không sử dụng người theo cách họ nghĩ. Ngài thiết lập người của Ngài từ thấp lên cao, từ nhỏ tới lớn. Người nào đã chứng tỏ được sự trung tín của mình trong các việc nhỏ, thì Ngài sẽ đưa ra làm những việc lớn tuỳ theo sự tăng trưởng của ân tứ họ có.
Những vĩ nhân của Kinh-thánh Giôsép, Môise, Giôsuê, Samuên, Đa-vít, đều bắt đầu từ chỗ vô danh tiểu tốt, được Chúa huấn luyện ở nơi vắng vẻ, thấp kém, không ai biết đến. Thiếu niên Giôsép bị các anh mình ganh ghét vì có ơn tiên tri, bị họ ném xuống hố rồi kéo lên bán cho các lái buôn Ma-đi-an đem sang Ai-cập làm nô lệ. Ông được Chúa âm thầm rèn luyện hơn 13 năm. Cho tới khi Giôsép được 30 tuổi, Đức Chúa Trời mới để ông ra mắt vua Ai-cập; với ơn tiên tri và khả năng giải mộng siêu việt, Giôsép được vua Ai-cập đưa lên làm tể tướng. Người tù chung thân không có án chỉ vài giờ trước, đã thành tể tướng của vua. Để đạt đến tình trạng đó, Giôsép đã phải trải qua biết bao đau khổ của những ngày tăm tối (Sáng Thế 39-41).
Trong xã hội bấm nút ngày nay, nhiều người chỉ muốn đạt được ân tứ một cách nhanh chóng thay vì dựa trên tình yêu thân mật của mối tương giao với Đức Chúa Trời. Trong rất nhiều công việc thánh vụ, chúng ta đã bị tiêm nhiễm tâm lý chỉ muốn thành công tức khắc; muốn có mọi ân tứ ngay lập tức không cần rèn luyện gì hết. Những ai chưa hiểu sự cần thiết của một tiến trình thì cần phải đọc kỹ lời của một người khôn ngoan: “Mọi việc đều có thời điểm, mọi sự dưới bầu trời đều có định kỳ của nó” (Truyền Đạo 3:1). Như cây cối phải cần thời gian phát triển để mọc cao lên, trẻ con phải qua các giai đoạn phát triển để trưởng thành, ơn tiên tri cũng phải qua một tiến trình.
Muốn được Chúa sử dụng thì trước hết đừng khinh dể chỗ và vai trò mà Ngài đặt ta vào. Kế đến, khi Chúa đang rèn luyện ân tứ của ta, thì đừng phục vụ vượt quá mức đạt tới của mình; hãy sẵn lòng hoạt động cách giản dị trong nơi âm thầm theo lượng ân điển Chúa ban. Nếu chưa được cơ hội đứng trước các vua, thì hãy rèn luyện ân tứ mình có trong chỗ tầm thường cách trung tín. Cuối cùng là hãy kiên nhẫn trong tiến trình tăng trưởng. Tín hữu biết nhẫn nại sẽ tạo biết bao dễ dàng cho mình cũng như cho Hội-thánh. Vì những người thiếu kiên nhẫn lại thích trình diễn đã gây ra nhiều tình huống xấu hổ cho chính mình và bối rối khó xử cho Hội-thánh lẫn người lãnh đạo. Không có nghĩa là chúng ta phải kềm hãm không được phục vụ, nhưng hãy biết chờ đợi để có thể dùng ân tứ tiên tri còn nhiều hạn chế của mình để khích lệ người khác.
HieuBietOnTienTri22.docx (Tài liệu tham khảo: Unser Friendly Prophecy, Larry Randolph)
Rev. Dr. CTB