Tập Tành Nghe Tiếng Chúa

Chúa Nhật, March 24th, 2013

Hiểu Biết Ơn Tiên Tri, 24

Tập Tành Nghe Tiếng Chúa

Gióp 33:14–16

Tập luyện nghe tiếng Chúa phán với mình là một tiến trình trọn đời. Đức Chúa Trời thường xuyên truyền đạt ý muốn của Ngài bằng những cách mà loài người có thể hiểu được. Hầu hết Cơ đốc-nhân tin rằng Đức Chúa Trời vẫn phán cho người ta, nhưng họ thì chẳng có hi vọng gì được nghe Ngài phán với họ. Nếu chúng ta cứ tiếp tục chú tâm về điều chi đó mình không tin mình có thể làm được, thì chắc rằng sẽ không bao giờ làm được điều ấy. Nhưng nếu chúng ta thay đổi sự chú tâm của mình và chấp nhận rằng vì Đức Chúa Trời yêu thương và muốn trò chuyện với chúng ta, thì một lúc nào đó chúng ta sẽ bắt đầu nghe tiếng Ngài theo cách mà mình không dám nghĩ là nó sẽ xảy ra. Ý nghĩ chủ bại hay thái độ tiêu cực không phải là điều nên có; vì nguyên tắc ở cõi linh là lòng vô tín làm nghẹt ngòi những kinh nghiệm quyền phép siêu nhiên từ Đức Chúa Trời: “Tại đó, Ngài không làm nhiều phép lạ vì người ta không tin” (Mathiơ 13:58).

Đức Chúa Trời muốn trò chuyện với con dân Ngài. Chúng ta chỉ cần đặt qua một bên những bận rộn của đời sống để nhận ra Ngài. Chúa muốn truyền đạt các thông điệp của Ngài cho chúng ta qua những giấc chiêm bao, thị tượng, qua Kinh-thánh, qua các cuộc trò chuyện với người khác hay qua các hình thức nghệ thuật, hoặc nhiều sự việc trong thiên nhiên thường nhật. Các phương cách của Ngài thì vô tận. Nhưng có thể do quan điểm thần học của chúng ta, hoặc sự dốt nát của chính chúng ta đã ngăn trở sự trò chuyện với Đức Chúa Trời. Sau khi được giải toả những ý nghĩ sai lầm mà mình đã có trong quá khứ, nhiều người chợt nhận ra rằng Đức Chúa Trời đã nhiều lần phán với họ trước kia mà họ không nhận ra. Khi nào chúng ta nhận thức và hiểu rằng Chúa muốn trò chuyện với con dân Ngài, thì sự hiểu biết đó sẽ dẫn dắt chúng ta trong từng vấn đề mỗi ngày.

Con dân Đức Chúa Trời cần hiểu rằng Ngài rất thích trò chuyện với họ. Có khi Ngài ban cho chúng ta một giấc mơ khó hiểu để chúng ta phải tìm câu trả lời cho điều mình thắc mắc. Khi đã tìm được, chúng ta mới thấy rằng vì Đức Chúa Trời quá yêu thương chúng ta, Ngài đã quan tâm đến từng chi tiết có vẻ như quá tầm thường, để chúng ta có dịp tìm kiếm Ngài. Nếu chúng ta không dành thời gian để chú ý lắng nghe, thì thường bị lỡ không nghe được lời nói êm dịu nhỏ nhẹ của Ngài muốn nói với chúng ta. Cho nên, điều đầu tiên mỗi người cần phải hiểu khi bắt đầu tập tành nghe tiếng Chúa, là tin rằng Ngài muốn trò chuyện với con cái Ngài.

Điều kiện thứ nhì là giữ lòng mình bình an và dành sẵn thì giờ yên lặng để cầu nguyện hàng ngày. Hãy xem cách Đức Chúa Giêxu thường làm: “Ngài thường lui vào nơi hoang vắng để cầu nguyện” (Luca 5:16). Để có thể nghe được tiếng Chúa, giữ sự bình an trong đời sống là điều kiện rất quan trọng; bởi vì lòng bình an là môi trường rất tốt cho sự mặc khải đến dễ dàng. Tinh thần căng thẳng hay vội vàng khiến cho chúng ta khó nghe được tiếng Chúa phán. Vì thế, hãy dành ra một thì giờ nhất định mỗi ngày, lúc mà mình có thể yên lặng, tĩnh tâm trò chuyện với Chúa; buổi sáng sớm lúc vừa thức dậy là thì giờ lý tưởng, vì tâm trí tỉnh táo sau một đêm nghỉ ngơi, tâm linh nhạy bén với những tiếng nói êm dịu nhỏ nhẹ của Đức Thánh Linh. Điều cần phải làm là tâm trí tập trung suy gẫm về Đức Chúa Trời và mọi điều thuộc về Ngài trước khi đọc Kinh-thánh và cầu nguyện. Nếu chúng ta không dành giờ nầy vào sáng sớm, sẽ bỏ cuộc sau một ngày mệt mỏi.

Kinh-thánh bày tỏ cho chúng ta biết đường lối, tính cách và bản thể của Đức Chúa Trời. Biết nhiều về Lời Chúa, chúng ta dễ nhận ra tiếng của Ngài. Càng biết nhiều về Chúa qua Kinh-thánh, chúng ta càng có khả năng phân biệt tiếng nói đến từ Ngài, hay từ linh hồn chúng ta, hoặc đến từ các nguồn ma quỷ. Đức Chúa Trời thường phán với chúng ta bằng cách khiến tâm trí ta phải chú ý vào một hay nhiều câu nào đó mà chúng ta đang đọc. Rồi Ngài làm cho chúng ta hiểu ý nghĩa và áp dụng vào tâm trạng hay hoàn cảnh của mình một cách minh bạch, không lầm lẫn.

Điều thứ ba là đáp ứng những gì Chúa phán với chúng ta. Lấy ví dụ sau đây trong lời Đức Chúa Giêxu dạy: “Ai nghe lời Ta mà không thực hành, giống như người cất nhà trên đất, không có nền. Nước lũ cuốn mạnh vào nhà, nó liền sụp đổ, hư hại nặng nề” (Luca 6:49). Để có thể nhớ và đáp ứng Lời Chúa, hãy tập thói quen ghi chép những gì mình cảm nhận rằng Chúa đang phán với mình. Lợi ích của việc ghi chép là có thể theo dõi những điều ấy. Khi nó xảy ra, chúng ta vui mừng tạ ơn Chúa. Nếu muốn được thường xuyên nghe tiếng Chúa, chúng ta phải nhanh chóng và trung tín đáp ứng mỗi lần nghe lời Ngài phán. Thường thì Ngài giữ yên lặng, không phán gì thêm cho đến khi chúng ta chịu làm điều mà trước đó Ngài bảo phải làm. Nếu Đức Chúa Trời đột ngột yên lặng không trò chuyện sau một thời gian chuyện trò thân mật với chúng ta, hãy cầu xin Ngài bày tỏ cho mình biết điều gì trong đời sống mình đã làm cản trở tâm linh mình tăng trưởng.

Điều thứ tư là dẹp bỏ những gì cản trở không cho chúng ta nghe tiếng Chúa. Kinh-thánh dạy “Có vô số nhân chứng đang vây quanh chúng ta như một đám mây rất lớn, chúng ta hãy cất bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi cản trở…” (Hêbơrơ 12:1). Sự cản trở lớn nhất mà chúng ta thường gặp là sự không tin (vô tín). Lòng không tin vô hiệu hoá khả năng nghe tiếng Chúa của chúng ta. Chính Đức Chúa Giêxu đã không làm nhiều phép lạ ở những nơi người ta không tin (Mathiơ 13:58); lý do khác nữa ngăn trở chúng ta nghe tiếng Chúa là quan điểm thần học mà chúng ta đang giữ. Nếu ai bị dạy và tin rằng ngày nay Đức Chúa Trời không còn phán nữa, thì chắc không có cơ hội nghe tiếng Ngài. Điều cản trở kế tiếp là quá bận rộn, không có thì giờ để nghe. Không phải là bận rộn cho thể xác hay những việc thế tục, mà có thể bận rộn việc nhà thờ, việc linh vụ, nên không còn thì giờ ở riêng với Chúa. Sự cản trở khác nữa là cho rằng mình đã hiểu biết những gì Ngài phán, không cần sự chỉ dẫn của Đức Thánh Linh. Lòng tự ái, tánh tự cao là nguyên nhân làm hiểu sai.

Được nghe tiếng Chúa chỉ dẫn mỗi ngày trong mọi việc thì thật là tuyệt diệu. Ví dụ như nên đi đường nào để tránh chỗ bị kẹt xe, chẳng hạn. Lý do khiến chúng ta không thường xuyên nghe tiếng Chúa vì không dành thì giờ tập luyện. Sự tăng trưởng của đời sống tâm linh đòi hỏi phải có sự tập luyện để thuần thục các khả năng cần thiết. Một khi đã có thể nghe tiếng Chúa cách chính xác vài lần, chúng ta sẽ bắt đầu nhận ra lời Ngài đến với mình như thế nào, giọng nói, cảm nhận, cách thức, vv, chúng ta có thể phân biệt rõ những lần mình nghĩ là Chúa phán, nhưng khác xa về các đặc tính mà bây giờ mình biết. Chúng ta có thể nhận ra lời giả dối khi lời ấy không khớp với Kinh-thánh. Lời mặc khải từ Chúa không bao giờ đi ngược các nguyên tắc Kinh-thánh.

Bắt đầu tập luyện bằng cách cầu xin Đức Chúa Trời luyện tập mình. Hãy cầu xin Đức Thánh Linh bắt đầu tập cho mình nhạy bén với tiếng nói của Ngài. Ví dụ, nếu đang xem tin tức trên TV, xin Chúa cho biết quảng cáo kế tiếp là gì; hoặc xin Chúa bày tỏ Chúa Nhật tới thì mục sư sẽ dạy đề tài gì, vv. Đây không phải là bói hay đoán mò; vì chúng ta không tiên đoán gì hết, chỉ hỏi xin Chúa phán để chúng ta có thể nghe Ngài ngày càng nhạy bén hơn. Chúng ta phải có thể nghe rõ tiếng Chúa trong chỗ riêng tư trước khi có thể nghe tiếng Ngài cho người khác chỗ đông người ở các buổi nhóm. Nghe được tiếng Chúa chỗ riêng tư sẽ làm gia tăng sự tự tin và chuẩn bị cho việc nghe lời Ngài phán cho người khác. Càng luyện tập chỗ riêng tư nhiều chừng nào, chúng ta càng nhạy bén với tiếng nói của Đức Thánh Linh chừng nấy. Chẳng những nghe cho mình, mà còn có thể nghe cho người khác, làm thay đổi đời họ và dẫn dắt họ đến ơn cứu độ của Đức Chúa Trời.

Chúng ta không thể cho ra điều chi mình không có. Vậy, hãy tập nghe thuần thục cho mình rồi sẽ nghe cho người khác. Khiêm nhường là điều quan trọng khi chia sẻ lời mình nhận từ Chúa cho người ta. Nếu chúng ta có thể nói cho ai đó các chi tiết của chính họ, mà chỉ có sự mặc khải từ Chúa đến chúng ta mới biết, thì khả năng ấy sẽ thuyết phục được người nghe. Tuy nhiên, luôn luôn hiểu rằng bất cứ mặc khải nào cũng là từ Đức Thánh Linh đến, chứ không phải công lao nào của cá nhân mình. Sự khiêm nhường sẽ được Chúa tin cậy và ban thêm nhiều sự mặc khải khác.

HieuBietOnTienTri24.docx  (Sách tham khảo: Prophecy, Dreams, and Evangelism – by Doug Addison)

Rev. Dr. CTB