Hiểu Biết Ơn Tiên Tri, 26
Công Vụ 2:1–11
Người ta thường tưởng rằng khi Đức Chúa Trời phán thì giọng nói của Ngài rất uy nghiêm, và ngôn ngữ thì thần thượng cao diệu vì Ngài là Chúa Tể trời đất. Do suy nghĩ như thế cho nên chúng ta thường mong đợi được nghe một thứ tiếng nói và một ngôn ngữ hoàn toàn đặc biệt từ thiên thượng. Hơn nữa, khi nói rằng nghe, thì người ta thường nghĩ đến sự nghe bằng thính giác bình thường của loài người; do đó, chúng ta chờ mãi mà chẳng khi nào nghe được tiếng nói mà mình mong đợi. Thế thì, Chúa phán với chúng ta theo cách thức nào?
Trong ngày Đức Thánh Linh giáng lâm và khai sinh Hội-thánh, Ngài truyền thông điệp thiên đàng qua miệng của những môn đồ có mặt: “Vì ai nấy đều nghe các môn đồ nói tiếng xứ mình… chúng ta nghe họ dùng tiếng chúng ta để nói về những việc phi thường của Đức Chúa Trời” (6,11) Như vậy, chúng ta có thể nhận ra rằng Đức Chúa Trời muốn chúng ta hiểu được những điều Ngài muốn truyền đạt cho chúng ta, mà bằng chứng là mọi sắc dân có mặt vào lúc ấy đều nghe và hiểu bằng thứ tiếng nói của dân tộc họ. Nghĩa là khi Đức Chúa Trời muốn gửi tới chúng ta thông điệp nào, thì Ngài dùng ngôn ngữ, cách thức, hình ảnh, biểu tượng, vật dụng, hay sự hiểu biết mà mỗi người quen thuộc, dễ nhận ra, dễ hiểu. Biết được mấu chốt đó rồi, chúng ta chỉ cần tỉnh táo chú ý và nắm bắt được điều Chúa muốn phán dạy. Ai quen thuộc loại ngôn ngữ về ngành nghề chuyên môn nào sẽ thấy Chúa dùng các hình thức mình đặc biệt quen thuộc ấy để khiến người đó chú ý.
Một hiểu lầm khác nữa của những người muốn được nghe tiếng Chúa là, khi Chúa phán mọi người sẽ nghe y như nhau. Chúng ta nên hiểu là Đấng đã tạo dựng hàng hà sa số thứ tạo vật khác nhau trên trần gian, cũng sẽ dùng hàng hà sa số cách khác nhau để truyền thông điệp của Ngài tới người nhận. Khi nói rằng Đức Chúa Trời dùng tiếng nói của người nghe để truyền đạt thông điệp của Ngài, thì có nghĩa rằng tiếng nói ấy phải phù hợp với suy nghĩ của người đó. Như lời tiên tri Êsai:“Khi ngươi xoay qua bên phải hoặc bên trái, tai ngươi sẽ nghe có tiếng phía sau mình rằng: ‘Nầy là đường đây, hãy noi theo!’” (Êsai 30:21). Nghĩa là âm thanh của tiếng nói đó giống như âm thanh của chính tiếng nói, hay sự suy nghĩ của chúng ta nghe trong đầu mình. Số người nghe qua thính giác tiếng Chúa phán là rất hiếm hoi và chẳng liên quan gì tới sự xứng đáng hay không; khi chúng ta kinh nghiệm nghe tiếng nói của Ngài thì khác hẳn với những điều mình suy tưởng.
Cho nên, để có thể nghe tiếng Chúa thì đừng quá cố gắng chờ đợi thứ tiếng nói thần thánh vi vu đâu đó từ không gian quanh ta. Vì Chúa phán với mỗi người cách khác nhau, phù hợp với khả năng nghe hay thu nhận của mỗi người, nhất là trong việc nói tiên tri. Trong bài giảng của Phierơ vào ngày Đức Thánh Linh giáng lâm, ông nhắc lại lời tiên tri Giô-ên: “… ..Ta sẽ đổ Thần Ta trên các đầy tớ nam và nữ của Ta, họ sẽ nói lời tiên tri” (Công Vụ 2:18). Vì chúng ta đang ở vào thời kỳ cuối cùng của thế giới, nên chúng ta là những người sẽ nói tiên tri. Vậy, sự nói tiên tri nầy nghĩa là gì? Trước hết, Đức Chúa Trời phán hay nói, truyền ý tưởng của Ngài đến chúng ta. Khi chúng ta nghe hay nhận được những điều Ngài truyền rồi nói lại cho người khác nghe những gì mới vừa nhận được, là chúng ta đang nói tiên tri. – Nghĩa là nói lại những gì Chúa phán với mình, không hẳn phải có các điều báo trước về tương lai, mặc dù có thể có. Vì vậy, đừng ai làm ra vẻ bí hiểm về việc nói tiên tri. Đức Chúa Trời nói với bạn. Bạn nói lại cho người khác. Đó là nói tiên tri.
Vì Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời dùng hàng hà sa số cách thức để truyền cho chúng ta thông điệp của Ngài, chúng ta cần phải biết một số cách thức mà Ngài thường dùng nhất, để biết cách nhận ra ý Chúa. Sau đây là một bản liệt kê không đầy đủ để chúng ta tham khảo: – Ý tưởng; sự chợt nhận ra điều mình đã biết; giấc mơ về mình hay người khác; thị tượng thấy trong tâm trí hay có thể thấy bằng thị giác; những cảm nhận trong cảm xúc hoặc cảm giác; lời khuyên hay góp ý của người khác; những biến cố ngẫu nhiên hay sắp xếp thần thượng; lời Kinh-thánh hoặc hình ảnh, hay câu nói làm sống lại hay nhắc nhở việc gì đó; những bảng hiệu hay dấu hiệu lưu thông có ý nghĩa đặc biệt với hoàn cảnh; chợt nghe hoặc trong tâm trí vang lên những bài hát–thánh ca từ lâu không còn nhớ tới; một kỷ niệm xa xưa chợt đến; nghe tiếng nói trong tâm trí hay tiếng nói nghe rõ bằng thính giác; một dấu lạ, phép lạ siêu nhiên; vv. Tất cả những điều đó có thể là thông điệp của Đức Chúa Trời muốn người nhận hiểu, tiếp nhận hay nói lại cho người khác.
Ai đã bắt đầu vận hành trong ơn tiên tri sẽ nhận thấy rằng Đức Thánh Linh thường xuyên chỉ dẫn, dạy dỗ, phán bảo. Nghĩa là Ngài nói luôn, bởi vì Ngài ngự trong lòng người đó. Tiếng nói ở trong tâm trí, tức là tư tưởng –suy nghĩ của chúng ta, là tiếng Ngài thường dùng để nói với chúng ta. Thế nhưng, tất cả chúng ta, mọi người, không loại trừ ai, đều nghe tiếng nói gieo nghi ngờ của satan. Hắn và các sứ của hắn đều dùng chiến thuật nói dối và gieo nghi ngờ để chúng ta luôn thất bại trong nếp sống tâm linh. Hắn sẽ hỏi: “Có thật là Đức Chúa Trời phán với mi không? Có phải mi tự nghĩ ra những lời đó rồi tưởng là Chúa nói không? Những lần mi nghĩ là Chúa nói, thật ra chỉ do mi tự tưởng tượng đó thôi!” Nếu chúng ta đã quen thuộc với lời Chúa, quen biết sự thiện hảo của Ngài đối với con cái Ngài, hoàn toàn tin rằng chẳng những Ngài có thể nói với chúng ta, mà còn muốn thường xuyên nói nữa, thì đòn gieo nghi ngờ của satan sẽ thất bại hoàn toàn.
Chuyện tích kể về việc tiên tri Ê-li nghe tiếng Đức Chúa Trời có thể giúp chúng ta hiểu biết cách thức Chúa phán: “Đức Giêhôva phán với ông: ‘Hãy đi ra, đứng trên núi trước mặt Đức Giê –hôva.’ Kìa, Đức Giêhôva đang đi ngang qua; có một ngọn gió thổi rất mạnh, xé núi ra và làm vỡ các tảng đá trước mặt Đức Giêhôva, nhưng không có Đức Giêhôva trong ngọn gió ấy. Sau ngọn gió, có trận động đất, nhưng không có Đức Giêhôva trong trận động đất ấy. Sau trận động đất, có đám lửa, nhưng không có Đức Giêhôva trong đám lửa ấy. Sau đám lửa, có một tiếng êm dịu nhỏ nhẹ. Vừa nghe tiếng ấy, Ê-li lấy áo choàng phủ kín mặt mình, ra đứng nơi miệng hang. Bấy giờ, có tiếng hỏi ông: ‘Hỡi Ê-li, con đang làm gì ở đây?” (1Vua 19:11–13).
Trong hầu hết các trường hợp, Chúa phán với chúng ta bằng ‘tiếng êm dịu nhỏ nhẹ,’ mà mọi người đều có thể nhận ra. Chính thứ ‘tiếng êm dịu nhỏ nhẹ’ nhắc nhở chúng ta mỗi ngày là tiếng của Đức Thánh Linh đang ngự trong tâm linh ta trò chuyện với ta. Ai chú ý lắng nghe tiếng nói ấy và đáp ứng trò chuyện với Ngài, thì người đó bắt đầu thiết lập mối tương giao thân mật không gián đoạn với Đức Thánh Linh. – Sẽ có thắc mắc hỏi rằng, nếu sự trò chuyện ấy chỉ do trí tưởng tượng chứ không có thật, thì sao? Trả lời–Đức Thánh Linh, một thân vị khác của Đức Chúa Trời, sẽ không nói, khuyến khích hay chấp thuận điều gì trái ngược với Kinh-thánh; hơn nữa, tiếng nói của Ngài là ‘êm dịu nhỏ nhẹ,’ cho nên có đủ sự an toàn cho chúng ta tin cậy. Trí tưởng tượng của chúng ta thường là để thoả mãn các tham vọng cá nhân, nghịch với đức khiêm nhường của Đức Thánh Linh; cho nên, rất dễ so sánh để biết tiếng đang nói trong đầu mình là tiếng nói nào.
Hơn thế nữa, nếu lòng chúng ta hoàn toàn tin cậy Chúa thì: “Khi ngươi xoay qua bên phải hoặc bên trái, tai ngươi sẽ nghe có tiếng phía sau mình rằng: ‘Nầy là đường đây, hãy noi theo!’” (Êsai 30:21). Nghĩa là nếu tiếng chúng ta nghe không phải là tiếng nói của Đức Thánh Linh, thì ta sẽ thấy sự cản trở của Ngài ngay lập tức. Tại sao Đức Chúa Trời lại nói phía sau chúng ta? Phải chăng vì nghe tiếng Ngài là khó khăn? Không phải như vậy. Tất cả chúng ta đều chỉ có thể thấy được phía trước mặt mình, chẳng ai có khả năng thấy phía sau. Như vậy, Đức Chúa Trời ở phía sau để bảo vệ phía mà chúng ta hoàn toàn không thấy là rất an toàn. Ngài ở phía sau vì Ngài rất muốn bảo vệ con dân Ngài. Ngài thấy những điều chúng ta không thấy.
Hiểu biết điều nầy, chúng ta thấy mình an toàn và yên tâm nghe tiếng nói mặc khải của Đức Thánh Linh khi chúng ta tìm kiếm và thực tập ơn tiên tri. Hãy mạnh dạn, đừng lo là mình không xứng đáng nhận lãnh ơn tiên tri. Khi Chúa phán, hãy nghe, rồi dạn dĩ nói lại điều mình đã nghe.
HieuBietOnTienTri26.docx (Sách tham khảo: Can’t You Talk Louder, God? – by Steve Shultz)
Rev. Dr. CTB