Những Giáo Huấn Quan Trọng

Phúc Âm Giăng, bài 26

Giăng 13:12–38

Câu hỏi của Đức Chúa Giêxu cho các môn đồ Ngài lúc ấy luôn luôn là câu hỏi của Ngài cho chúng ta hôm nay (12); và Ngài giải thích việc mình làm gương là để các môn đồ noi theo (13–15).

Những lời giáo huấn quan trọng cuối cùng của Ngài (13–17) không thấy ghi chép ở sách nào khác ngoài sách Phúc-âm Giăng. Những giáo huấn nầy rất đáng cho mọi người suy gẫm và quyết định cách cư xử của mình với các anh chị em trong đức tin: “Nếu Ta là Thầy, là Chúa mà đi rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau” (14). Đức khiêm nhường và tình yêu chân thật được biểu lộ qua hành động phục vụ có vẻ như hèn mọn, tầm thường. Chúng ta phải hiểu vai trò của mình chỉ là sứ giả được Đức Chúa Giêxu sai phái (16), dù có địa vị cao trọng đến đâu; cho nên, không ai được tự ý tạo cho mình thứ quyền hạn lấn át người khác vì bất cứ lý do gì. Ai cố ý vi phạm lệnh của Chúa chẳng những là kẻ phản bội Ngài mà còn mất phước của Chúa hứa (17).

Không phải do lầm lẫn mà Đức Chúa Giêxu đã chọn Giuđa Íchcariốt làm một sứ đồ. Vì Ngài biết rõ người Ngài tuyển chọn (18). Chúa cho biết lý do Ngài đã chọn vì “lời Kinh-thánh nầy phải được ứng nghiệm: ‘Người ăn bánh Ta, trở gót nghịch lại Ta.'” Đức Chúa Giêxu lại cho biết sở dĩ Ngài tiết lộ sự phản bội của Giuđa là “để khi việc xảy ra, các con tin Ta là Đấng Christ”(19). Còn sự phản bội ấy nằm trong chương trình cứu độ của Đức Chúa Trời là Đức Chúa Giêxu phải chịu khổ nạn để cứu độ nhân loại. Nó lại là bằng chứng để sau khi Ngài sống lại, các môn đồ có thể tin Ngài là Đấng Thiên-Sai. Có rất nhiều bí mật mầu nhiệm của thiên đàng mà bây giờ chúng ta chưa thể biết cách rõ ràng tại sao Đức Chúa Trời định như vậy. Tuy nhiên, ngày nay Đức Thánh Linh ban các sự mặc khải tiên tri để con dân Ngài biết trước nhiều việc, để biết Chúa mình là Đấng toàn tri và toàn năng; đồng thời, được nhiều ích lợi qua những sự mặc khải đặc biệt đó.

Đức Chúa Giêxu khích lệ các môn đồ rằng dù họ có thể bị người ta khinh rẻ vì khiêm tốn hạ mình phục vụ anh em mình, nhưng ai chịu tiếp rước họ tức là tiếp chính Đức Chúa Giêxu và tiếp Đức Chúa Trời là Đấng đã sai Ngài đến thế gian (20). Bây giờ Ngài sửa soạn lìa thế gian và để lại một nhóm người sẽ là sứ giả rao giảng lời Ngài. Những ai tiếp nhận lời đó, tức là tin giáo lý của Đấng Christ, vâng theo điều răn của Ngài, và tiếp nhận ơn cứu độ được cống hiến theo điều kiện của ơn ấy quy định, thì chính là tiếp nhận Đấng Christ.

Đức Chúa Giêxu vẫn thường nói trước về sự khổ hình mà Ngài sẽ phải chịu; nhưng Ngài nói với tính cách thản nhiên khác hẳn với lần nầy Ngài nói khi “tâm linh…xao xuyến” (21). Người kể chuyện chỉ có thể biết sự xao xuyến ấy qua cử chỉ bên ngoài của Thầy mình. Tâm linh Chúa xao xuyến khi Ngài nói đến sự vô ơn và tính phản bội của một môn đồ Ngài. Sở dĩ “các môn đồ nhìn nhau bối rối không biết Ngài nói về ai” (22), vì họ biết Thầy mình không nói chơi. Người môn đồ được Chúa yêu thương chính là tác giả sách nầy (Giăng 21:20, 24), người chẳng bao giờ tự nêu tên, đang ngồi dựa vào ngực Đức Chúa Giêxu (23, 25). Sứ đồ Phierơ ra dấu bảo người ấy hỏi Chúa (24), có lẽ do ông ngồi cách Chúa hơi xa nên không tiện hỏi, vì biết rằng Chúa sẽ chẳng từ chối lời người ấy yêu cầu. Và chỉ có ông Giăng ngồi sát bên Chúa mới có thể thì thầm câu hỏi tế nhị.

Bánh của thời Tân-ước không khác thời Cựu-ước vì là phong tục ăn uống của người sống ở vùng ấy. Có hai loại bánh làm lương thực hàng ngày là bánh lúa mì và bánh lúa mạch, được làm theo ba hình thức, hoặc ổ tròn nhỏ bằng nắm tay (Giăng 6:9), ổ tròn lớn thật dầy và phẳng mặt, hay ổ tròn nhỏ hơn và mỏng có thể xé ra gói thức ăn và nhúng vào nước chấm hay giấm (26). Bánh ở bữa ăn nầy có lẽ là loại thứ ba. Người Trung-đông ăn bằng tay, không dùng đũa, muỗng hay nĩa. “Sau khi nhận miếng bánh, quỷ satan nhập vào Giuđa” (27) để chống Đức Chúa Giêxu và giáo lý của Ngài, cũng để thúc đẩy lòng tham tiền trong lòng Giuđa. Không phải lúc nầy satan mới nhập vào Giuđa. Trước đây ông đã chứa đầy tính chất của quỷ rồi (Giăng 6:70). Nhưng lần nầy thì satan có thể điều khiển Giuđa nhiều hơn, dập tắt lương tâm, sẵn sàng phản bội, bán đứng Thầy mình.

Lời nói “Việc con làm, hãy làm nhanh đi” không có nghĩa là Đức Chúa Giêxu chuẩn thuận ác tâm của Giuđa. Nhưng hoặc là phó Giuđa hoàn toàn vào tay satan, vì Giuđa đã muốn như thế, hoặc là ý Chúa nói: “Ngươi đang âm mưu chống lại Ta, hãy nhanh chóng thực hiện âm mưu đó càng sớm càng tốt. Ta chẳng sợ hãi gì. Ta đã sẵn sàng.” Khi một người sẵn lòng rước ác linh nhập vào, thì linh thiện rời khỏi người đó. Nếu Giuđa muốn tiến nhanh đến sự huỷ diệt chính mình, thì cứ tiến hành, Chúa không ngăn trở. Trong bữa ăn thân mật với các môn đồ, Đức Chúa Giêxu tiết lộ âm mưu phản bội của Giuđa. Mặc dù Giuđa mới đang âm mưu phản bội, Chúa xem như ông đã phản bội rồi. Vì vậy, ai đang toan tính điều ác trong lòng thì Đức Chúa Trời xem như người ấy đã thực hiện điều ác đó rồi, không đợi tới khi chính thức thi hành mới mang tội. Những môn đồ khác đều bối rối khi nghe lời Chúa nói, vì họ không biết có chuyện gì đang xảy ra (28-29).

Giăng tường thuật rất rõ về thời gian: “Nhận lấy miếng bánh xong, Giuđa lập tức ra đi. Lúc ấy, trời đã tối” (30). Những người có âm mưu ám muội đều muốn hành động trong bóng tối, môi trường thuận lợi cho tội ác. Giuđa không muốn bị người ta bắt gặp ông ta đang bàn mưu tính kế với thầy tế lễ thượng phẩm, là kẻ đang thù nghịch Thầy mình, nên đợi đêm tới để hành động. Bóng đêm mới có thể che giấu hành động đê tiện, bán Chúa, phản Thầy của Giuđa Íchcariốt.

Đức Chúa Giêxu chỉ tâm sự lần chót những điều sâu nhiệm, khi người tội ác làm ngăn trở sự giảng dạy thâm sâu đã vắng mặt. “Đã đến lúc Con Người được tôn vinh, và Đức Chúa Trời cũng được tôn vinh bởi Con Ngài” (31). Trong quá khứ, sự vinh hiển của Đức Chúa Trời được bày tỏ chung quanh và qua Đức Chúa Giêxu Christ. Nhưng đã đến lúc sự vinh hiển Ngài sẽ được hoàn toàn khải thị. “Đã đến lúc” là lúc Ngài bị nộp vào tay kẻ ác, bị vu cáo, chế giễu, kết án, đánh đập, và bị xử tử tàn ác. “Con Người được tôn vinh” sau khi sẵn lòng chịu mọi sự đau khổ, Ngài chiến thắng satan và tất cả các thần dữ theo hắn trong linh giới bởi sự sống lại vinh quang từ cõi chết. Vì vậy Ngài được tôn vinh. Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời cũng được phô bày qua sự thương khó của Đức Chúa Giêxu (32). Bởi vì ánh sáng, vinh quang rực rỡ của tình yêu Đức Chúa Trời, chói lọi rạng ngời nhất ở nơi tương phản với bóng tối đen kịt của sự ác và tội lỗi.

Bữa Tiệc-thánh đã xong. Giuđa đã đi ra. Đã đến lúc Đức Chúa Giêxu phải tiết lộ rõ ràng về những gì sẽ xảy ra cho Ngài, để các môn đồ của Ngài biết. Ngài sẽ phải lìa họ và họ không thể đi đến nơi Ngài sẽ đi (33). Ngài dạy họ một giáo huấn thật quan trọng: “Ta truyền cho các con một điều răn mới: Các con phải yêu nhau; như Ta đã yêu các con thế nào, các con cũng phải yêu nhau thế ấy. Các con có yêu nhau, mọi người mới biết các con là môn đồ Ta” (34–35). Ý nghĩa lời dạy đó quá rõ ràng. Người trần gian luôn luôn đòi xem bằng chứng – họ có nhìn nhận Đức Chúa Giêxu Christ là Đấng mà Ngài đã tự xưng hay không tùy theo cách chúng ta phản chiếu về Ngài.

Tự chúng ta không phải là sự sáng. Nhưng người đời sẽ nhìn thấy vinh quang của Chúa qua chúng ta, là những đại diện của Chúa trên trần gian. Họ sẽ biết chúng ta thuộc về Ngài khi chúng ta thương yêu nhau chân tình. Đó là cách duy nhất để người đời biết về Đức Chúa Giêxu. Họ vẫn quan sát để xem chúng ta có sống đúng theo lời rao giảng hay không. Người đời có lý do để nghi ngờ đạo của Chúa khi cách sống của chúng ta không đạt tiêu chuẩn yêu thương nhau mà Ngài đã truyền cho chúng ta. Nếu chúng ta đều biết thương yêu nhau như Đấng Christ đã yêu thương, thì người trần gian không có cớ gì để tự bào chữa rằng họ chưa được thấy ánh sáng phúc âm.

Khi chưa đối diện với hiểm nguy hay thử thách, người ta chưa biết con người thật của mình. Phierơ cũng vậy. Ông kính mến Thầy, muốn xả thân vì Thầy. Nhưng Đức Chúa Giêxu thì biết rõ những gì sẽ xảy ra (36–38). Người đời có câu: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức!” Khi tính mạng bị lâm nguy, con người thật của chúng ta mới lộ diện. Hãy ở gần gũi với Chúa qua mối tương giao thân mật với Ngài, được Ngài rèn luyện và ban cho đủ nghị lực và đức tin sẵn sàng đương đầu sự bách hại với lòng trung thành tuyệt đối với Chúa yêu quý của chúng ta.

PhucAmGiang26.docx

Rev. Dr. CTB