Lời Khuyên Khôn Ngoan

Sách Công Vụ, bài 13


Công Vụ 5:25–42

Sự ngạc nhiên của hội-đồng Sanhedrin đã lên tới cực độ, bây giờ lại thêm khiếp đảm khi “có người đến cho biết: ‘Những người bị các ông bắt bỏ ngục hiện đang đứng trong đền thờ dạy dỗ dân chúng’” (25). Tâm lý người ta cho rằng các sứ đồ được ai đó giải thoát chắc đang trên đường chạy trốn về xứ Ga-li-lê rồi. Nhưng họ lại chường mặt ra giữa dân chúng và công khai giảng dạy ngay trong đền thờ. Viên chỉ huy vệ binh chỉ biết đi với nhóm lãnh đạo tôn giáo tới đền thờ đem các sứ đồ về “nhưng không dám dùng bạo lực vì sợ dân chúng ném đá” (26). Tình thế bắt đầu đổi chiều. Phía chuyên dùng bạo lực bắt đầu e ngại phản ứng của dân chúng, vì việc họ bắt bớ các sứ đồ không có lý do chính đáng nào để biện minh cả. Một lần nữa, các sứ đồ lại đến đứng trước hội đồng tôn giáo (27). Lần nầy, họ càng thêm dạn dĩ sau khi kinh nghiệm sự giải thoát siêu nhiên.

 

Điều đáng ngạc nhiên là thầy tế lễ thượng phẩm không có một lời tra hỏi nào về cách các sứ đồ ra khỏi ngục. Chắc chắn là ông ta biết các sứ đồ đã được giải thoát qua một phương cách siêu nhiên nào đó; nhưng phái Sa-đu-sê không tin những việc siêu nhiên, cũng không tin có thiên thần thiên sứ gì hết (Công Vụ 23:8); cho nên, có lẽ ông ta không muốn các sứ đồ có cơ hội kể lại phép lạ đã xảy ra cho họ, là điều ông ta không muốn nghe. Vì vậy, ông ta cật vấn các sứ đồ tại sao không thi hành lệnh cấm giảng dạy nhân danh Đức Chúa Giêxu: “Chúng tôi đã truyền lệnh nghiêm cấm các anh nhân danh ấy giảng dạy, nhưng bây giờ các anh đã làm cho Giêrusalem tràn ngập đạo lý của mình” (28). Ông ta phải công nhận rằng đạo của Chúa đã được truyền rao khắp thành Giêrusalem. Bởi vì không gì có thể ngăn cản các lời đồn đại, bàn tán về những phép lạ chữa bệnh kỳ diệu đã xảy ra kể từ ngày người què ăn xin ở Cửa Đẹp được chữa lành đến nay.

 

Câu nói tiếp theo chứng minh lý do khiến họ tìm cách ngăn chận sự rao truyền đạo Chúa cho dân Do-thái: “Các anh định bắt chúng tôi chịu trách nhiệm về máu của Người ấy sao?” (28b). Lời kết án nầy cho thấy những diễn biến trong sự suy nghĩ của giới lãnh dạo Do-thái-giáo từ khi Đức Chúa Giêxu sống lại đến nay là có nhiều lo lắng. Họ sợ dân chúng Giêrusalem biết được âm mưu độc ác của phái Sa-đu-sê mượn tay Ponce Pilate giết Đức Chúa Giêxu, để bảo vệ cho giáo lý chối bỏ quyền phép siêu nhiên và cõi thần không bị phá sản bởi những phép lạ Đức Chúa Giêxu đã thi thố. Bây giờ, các phép lạ do các sứ đồ thực hiện nhân danh Đức Chúa Giêxu càng khiến cho phái Sa-đu-sê lo sợ hơn nữa. Điều lố bịch trong câu nói ấy là sự vu khống, hoàn toàn sai trật, chỉ để lấp liếm tội lỗi, thái độ hèn nhát chối bỏ sự thật, và sự bất lực không ngăn nổi đạo Chúa.

 

Phierơ và các sứ đồ trả lời” (nghĩa là Phierơ làm người phát ngôn đại diện cho tất cả sứ đồ) không cần phải xin lỗi hay nhận lỗi gì cả. Ông nói: “Chúng tôi phải vâng lời Đức Chúa Trời hơn vâng lời loài người” (29), một lý do vô cùng chính đáng! Trước đó, khi bị hội-đồng Sanhedrin ra lệnh cấm hai ông không được nói hoặc giảng dạy nhân danh Đức Chúa Giêxu” (4:18) vì họ nhân danh Ngài chữa lành cho người què chân từ lúc sinh ra, Phierơ và Giăng đã từng nêu lên câu hỏi: “Xin quý ông thẩm định, trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời, chúng tôi nên vâng lời quý ông hay vâng lời Đức Chúa Trời?” (4:19); nhưng hội đồng nầy cứ giả tảng, làm ngơ trước các phép lạ siêu nhiên chữa lành bệnh cho dân Israel, chẳng chịu xem xét hay phán đoán gì cả. Thái độ vô lý, ngược ngạo đó của hội-đồng Sanhedrin chứng tỏ họ quan tâm bảo vệ giáo lý sai trật của mình hơn là vâng phục ý muốn Đức Chúa Trời, cũng không quan tâm tới hạnh phúc của dân chúng.

 

Một lần nữa, Phierơ long trọng tuyên bố điều mà mỗi lần hội-đồng Sanhedrin bị nghe đều rất khiếp sợ: “Đức Chúa Trời của tổ tiên chúng ta đã khiến Đức Chúa Giêxu sống lại, Đấng mà các ông đã giết bằng cách treo trên cây gỗ. Đức Chúa Trời đã đem Đấng ấy lên ngồi bên phải Ngài, tôn lên làm Nguyên-thủ và Đấng Cứu-chuộc, để ban cho người Israel cơ hội hối cải và được tha tội” (30–31). Sự tương phản giữa hai cách đối xử được nêu ra trong lời tuyên bố hùng hồn của các sứ đồ: Trong khi Đức Chúa Trời, Đấng mà cả các sứ đồ và hội đồng Sanhedrin đều thờ phượng, đã tôn vinh Đức Chúa Giêxu, đem Ngài lên ngồi bên hữu mình trên ngai trời, một địa vị cao tột đỉnh trong cả linh giới lẫn trần giới; thì nhóm người vốn tự xưng là thờ kính Đức Chúa Trời lại cả gan chống nghịch ý Chúa, hung hăng và tích cực giết Đấng được Ngài sai đến cứu nhân loại.

 

Trái ngược với điều họ lo sợ, ý muốn của các sứ đồ và của Đức Chúa Trời chẳng phải là tìm cách trừng phạt họ, nhưng Ngài tôn Đức Chúa Giêxu lên để họ và dân Israel có cơ hội ăn năn và được tha tội. Lời tuyên bố của Phierơ không phải là những lời nói vô căn cứ. Vì ông nói: “Chúng tôi là nhân chứng cho việc ấy. Đức Thánh Linh mà Đức Chúa Trời ban cho những người vâng lời Ngài, cũng làm chứng nữa” (32). Lời chứng của các sứ đồ có bằng cớ rành rành qua công tác chữa bệnh và đuổi quỷ đầy quyền năng mà không một người bình thường nào ở trần gian có khả năng thực hiện. Các việc làm quyền phép đó lại là bằng chứng về sự ban cho quyền năng từ Đức Thánh Linh. Đây là những lời chứng vững chắc nhất để hỗ trợ cho những lời tuyên bố đanh thép của các sứ đồ, nhóm biến mất cách kỳ bí khỏi nhà ngục, hiện đứng trước hội-đồng Sanhedrin.

 

Nghe xong, họ giận vô cùng, định tâm giết các sứ đồ” (33). Phản ứng của kẻ đuối lý lúc nào cũng viện đến bạo lực. Phái Sa-đu-sê là nhóm người dẫn đầu trong việc bắt bớ các sứ đồ. Nhưng khi nhóm cả hội đồng Sanhedrin thì phải mời cả những người đứng đầu của phái Pha-ri-si nữa; vì thế, ngồi trong hội đồng lần nầy có giáo sư Ga-ma-li-ên, “một người được nhân dân kính trọng, đứng lên giữa hội-đồng, ra lệnh tạm đem các sứ đồ ra ngoài” (34). Ga-ma-li-ên là giáo sư rất uy tín của phái Pha-ri-si, người rất uyên thâm về luật pháp Môise. Ông đứng lên nhằm làm chủ tình hình, vì ông biết sự hung hãn của phái Sa-đu-sê liều lĩnh chống trả công việc của Đức Chúa Trời sẽ tạo ra tình trạng nguy hiểm cho cả dân tộc.

 

Ga-ma-li-ên cảnh báo nhóm Sa-đu-sê và cả hội đồng Sanhedrin phải thận trọng trong những việc họ định cư xử với các sứ đồ: “Thưa quý đồng bào Israel! Xin hãy thận trọng trong việc quý vị định làm gì với những người nầy” (35). Ông đưa ra hai trường hợp của hai thủ lãnh đã nổi lên chiêu mộ nhiều người theo họ để dấy loạn vào hai thời kỳ khác nhau của lịch sử Xứ Thánh dưới quyền cai trị của đế quốc La-mã (36–37). Thêu-đa ở Giu-đê, và Giu-đa, người Galilê, dấy loạn vào khoảng các năm A.D. 4 và 6 chống lại sự cai trị của đế quốc La-mã. Sử sách không ghi chép nhiều về Thêu-đa, nhưng ghi khá rõ về Giu-đa người Galilê, quê ở Ga-ma-la, người từ chối cống nạp thuế cho Caesar. Dù cuộc khởi nghĩa của Giu-đa bị đè bẹp, nhưng phong trào do ông khởi xướng vẫn tiếp tục nhiều năm về sau dưới danh nghĩa đảng Xê-lốt (Công Vụ 1:13; Mathiơ 10:4).

 

Ý kiến của Ga-ma-li-ên nêu lên ví dụ lịch sử để chỉ ra rằng, bất cứ công việc nào không phải do Đức Chúa Trời thiết lập, đều sẽ bị thất bại thảm hại. Bây giờ, trước tình trạng gia tăng nhanh chóng của nhóm môn đồ Đức Chúa Giêxu; những dấu kỳ, phép lạ rành rành mà họ đã nhân danh Ngài thực hiện, thì nhóm nầy không phải là một tổ chức chính trị bình thường, mà có một quyền lực đặc biệt nào đó yểm trợ họ, khiến cho họ chẳng chút sợ hãi hay nao núng trước sự đe doạ của hội-đồng Sanhedrin. Vì thế, ông đưa ra lời khuyên vô cùng khôn ngoan: “Tôi xin quý vị hãy lánh xa những người nầy, để mặc họ, vì nếu ý định và công việc nầy là của loài người, tự nó sẽ bị tiêu huỷ. Nhưng nếu là do Đức Chúa Trời, quý vị không thể nào phá huỷ được, mà bỗng nhiên thấy mình đang chiến đấu với Đức Chúa Trời” (38–39). Không cách nào khác, hội đồng phải nghe theo lời khuyên ấy, đánh đòn các sứ đồ, và ra lệnh cấm vô giá trị để gỡ thể diện (40).

 

Bước ra khỏi phòng họp của hội-đồng, các sứ đồ vui mừng vì được coi là người xứng đáng chịu sỉ nhục vì danh Chúa. Mỗi ngày, tại đền thờ và từ nhà nầy sang nhà khác, họ cứ liên tục dạy dỗ và truyền giảng về Đức Chúa Giêxu là Đấng Christ” (41–42). Thái độ vui mừng khi phải chịu sỉ nhục vì danh Chúa của các sứ đồ ngày xưa khác xa với tâm lý nhiều tín hữu ngày nay. Sự tăng trưởng của Hội-thánh chắc chắn phải xảy ra khi áp dụng đúng nguyên tắc truyền giáo Chúa dạy là, chứng đạo cho những người quen biết trong chỗ riêng tư sẽ đạt nhiều kết quả hơn ở nhà thờ.

SachCongVu13.docx

Rev. Dr. CTB