Đức Thánh Linh, Đấng Điều Động

Sách Công Vụ, bài 19

Công Vụ 8:26–40

Một thiên sứ của Chúa bảo Phi-líp: ‘Hãy đứng dậy, đi về hướng nam, tới quãng đường hoang vắng giữa Giê-ru-sa-lem và Ga-za!’” (26). Trong năm thành phố của người Philistines vào thời Cựu-ước, thì Gaza là thành phố nằm ở tận cùng phía nam. Nó nằm khoảng 60 dặm về hướng tây-nam của Giê-ru-sa-lem. Hoang vắng nghĩa là không có người ở. Kinh-thánh Cựu và Tân-ước ký thuật nhiều lần về việc thiên sứ của Chúa hiện ra trong cõi vật chất để thi hành công tác Chúa giao cho họ. Tân-ước chép: “Tất cả các thiên sứ chẳng phải là những vị thần phục dịch, được sai đi phục vụ những người hưởng sự cứu rỗi, hay sao?” (Hê-bơ-rơ 1:14). Bình thường, mắt người trần không thể thấy các thiên sứ, là thần linh hoạt động trong cõi linh. Để người có thể thấy được họ, Đức Chúa Trời phải cho họ khả năng hiện ra trong cõi vật chất một thời gian ngắn.

Trong dòng lịch sử của Hội-thánh từ xưa tới nay, khi nào có sự thăm viếng đặc biệt của Đức Thánh Linh, ban sự báp têm Thánh Linh cho nhiều người, thì được xem là một cuộc phấn hưng; tức là từ tình trạng trầm lặng bình thường bỗng nổi lên sống động, mạnh mẽ. Phi-líp đang vui hưởng niềm hứng khởi của cuộc phấn hưng lừng lẫy ở xứ Sa-ma-ri; ông lại là người đầy dẫy Đức Thánh Linh có khả năng nghe tiếng Chúa cách dễ dàng. Theo lẽ thường chỉ cần Đức Thánh Linh phán bảo là đủ. Nhưng việc Chúa sai một thiên sứ đến truyền lệnh cho Phi-líp có lẽ là Chúa dùng một phương cách đặc biệt để Phi-líp phải hết sức chú ý tới lệnh truyền cho ông. Luca không nói rõ Phi-líp nhận mệnh lệnh từ vị thiên sứ như thế nào. Chúng ta chỉ đoán rằng vị thiên sứ ấy hiện ra để nói chuyện với Phi-líp, vì Phi-líp vâng lời “đứng dậy lên đường” (27).

Phi-líp đang ở giữa một cuộc truyền giáo rất thành công, nhưng ông sẵn lòng vâng lời Chúa truyền để đi vào chỗ hoang vắng; ông bày tỏ cho chúng ta thấy tính chất của một người đầy dẫy Đức Thánh Linh là hiểu biết và tin chương trình của Chúa luôn luôn là tốt nhất. Dĩ nhiên ông đi bộ, cách thức di chuyển bình thường vào thời đó. “Kìa có viên thái giám người Ê-thi-ô-pi, làm quan trong triều Can-đác, nữ hoàng Ê-thi-ô-pi, trông coi các kho tàng của bà. Ông vừa lên Giê-ru-sa-lem thờ phượng, và trên đường về, ông ngồi xe đọc sách tiên tri Ê-sai” (27–28). Một số sử gia cho rằng lý do người Ê-thi-ô-pi theo Do-thái-giáo là kết quả từ việc thăm viếng của nữ hoàng Sê-ba tới gặp vua Sa-lô-môn khoảng 9 thế kỷ trước thời Tân-ước (1Vua 10:1–10).

Theo truyền thuyết của người Ê-thi-ô-pi thì trong chuyến viếng thăm vua Sa-lô-môn, nữ hoàng Sê-ba đã mang thai với ông. Bà trở về nước sinh một con trai, sau nầy là hoàng đế Menelik I; nên từ đó có người Do-thái gốc Ê-thi-ô-pi. Nhưng Kinh-thánh không nói gì về việc nầy, chỉ tường thuật chuyến thăm viếng của nữ hoàng Sê-ba mà thôi. Trong hai chiến dịch hồi hương người Israel gốc Ê-thi-ô-pi vào các năm 1984 và 1991, nhà cầm quyền Israel đã vận chuyển hơn một trăm ngàn người từ Ê-thi-ô-pi về Israel, là những người được kể như dòng dõi bị thất lạc của chi tộc Đan; hiện họ được gọi là cộng đồng Bê-ta-Israel, tức là công dân Israel gốc Ê-thi-ô-pi có màu da đen của người Phi-châu; nhưng không phải là dòng dõi của vua Sa-lô-môn.

Mặc dù thế giới ngoại giáo bây giờ luôn luôn liệt các chuyện tích trong Kinh-thánh vào loại huyền thoại, tức là không phải chuyện có thật; dù truyền thuyết nữ hoàng Sê-ba mang thai với vua Sa-lô-môn có thật hay không, thì sự kiện viên quan thái giám người Ê-thi-ô-pi, quản thủ kho tàng của nữ hoàng Can-đác, theo Do-thái-giáo, đi tới đền thờ Giê-ru-sa-lem để thờ phượng Đức Chúa Trời, chứng minh Do-thái-giáo có một ảnh hưởng mạnh trên hoàng gia Ê-thi-ô-pi. Ngoài ra, viên thái giám nầy còn mang theo Kinh-thánh, mặc dù khi ông tới đền thờ để thờ phượng Đức Chúa Trời, ông chỉ được vào hành lang của dân ngoại, vì theo luật Môi-se, người bị hoạn không được vào trong đền thờ. Nhưng vì ông giàu nên mới mua được Kinh-thánh để đọc riêng.

Người đọc Kinh-thánh thường đoán chiếc xe mà viên thái giám Ê-thi-ô-pi sử dụng hôm đó là do ngựa kéo; rất có thể là như vậy, vì quãng đường từ Ê-thi-ô-pi thời ấy (gồm cả Sudan bây giờ) tới Giê-ru-sa-lem là rất xa. Khi “Đức Thánh Linh bảo Phi-líp: ‘Con tiến lên, theo sát xe đó’” (29), thì khó khăn đối với Phi-líp không phải là làm sao chạy theo kịp chiếc xe, vì xe ngựa đường xa không bao giờ chạy nhanh, ngựa chỉ chạy nước kiệu để dưỡng sức, mà vì một vị quan lớn đi xa thường có quân hộ vệ đi theo. Phi-líp phải làm sao tới gần xe mà chứng tỏ được mình không phải là một kẻ cướp giữa chỗ hoang vắng. Vâng lệnh Đức Thánh Linh, “Phi-líp chạy đến nghe thái giám đang đọc sách tiên tri Ê-sai, liền hỏi: ‘Ông có hiểu đoạn văn đang đọc không?” (30). Viên thái giám nầy kính thờ Đức Chúa Trời nhưng không hiểu nghĩa đoạn tiên tri Ê-sai ông đang đọc; bỗng có người hỏi đúng điều ông đang thắc mắc, nên “ông mời Phi-líp lên xe ngồi với mình” (31).

Chắc chắn Phi-líp hết sức hân hoan vì sự sắp xếp của Đức Thánh Linh là vô cùng chính xác. Ngày xưa người ta đọc Kinh-thánh lớn tiếng chứ không đọc thầm trong trí như thời nay. Nhờ vậy Phi-líp mới nghe được đoạn Kinh-thánh mà viên thái giám đang đọc. Trong bản Bảy-Mươi, tiếng Hy-lạp, thì khúc Kinh-thánh ấy là hai câu 7 và 8 của đoạn 53: “Người bị dẫn đi, như chiên đến lò thịt, như chiên con nín lặng trước mặt thợ hớt lông, Người không hề mở miệng. Khi Người chịu sỉ nhục, công lý bị cướp đoạt, ai sẽ nói về dòng dõi Người? Vì mạng sống Người đã bị cất đi khỏi mặt đất” (32-33). Viên thái giám xin Phi-líp giải nghĩa cho ông hiểu các câu nầy là vị tiên tri nói về chính mình hay về người nào khác (34). Lý do ông không hiểu là vì toàn thể đoạn 53 của sách tiên tri Ê-sai nói về một nhân vật chịu khổ hoàn toàn vì tội lỗi của những người khác chứ không phải của cá nhân mình. Viên thái giám bối rối vì không biết người nào có thể chịu như vậy.

Đây là cơ hội tuyệt vời cho Phi-líp trình bày về Đức Chúa Giêxu, Đấng Mết-si-a mà Do-thái giáo hằng mong đợi. “Phi-líp bắt đầu từ đoạn Kinh-thánh ấy giảng giải về Đức Chúa Giêxu cho ông” (35). Đức Chúa Giêxu là Đấng không bao giờ phạm tội, và cũng không làm điều chi đáng bị xử tử. So với khúc Kinh-thánh nầy, không chỗ nào khác trong các sách tiên tri nói rõ ràng hơn về việc thay thế nhân loại chịu nhục hình, chết và sống lại khải hoàn của Đức Chúa Giêxu. Chỗ nầy chỉ là phần khởi đầu bài giảng giải của Phi-líp; ông tiếp tục giải nghĩa thêm về Tin-mừng với các mệnh lệnh, điều răn, những lời hứa, và kêu gọi người nghe phải ăn năn, giống như Phi-e-rơ giảng cho đám đông ở Giê-ru-sa-lem trong ngày Đức Thánh Linh giáng lâm vậy.

Đó là lý do mà vị hoạn quan nầy muốn được làm báp têm nhân danh Đức Chúa Giêxu vì dọc đường tới chỗ có nhiều nước: “Nước đây nầy! Có gì ngăn trở tôi chịu báp têm không?” (36). Phi-líp cho biết điều kiện là hết lòng tin: “Nếu ông hết lòng tin, thì được.” (37). Viên thái giám không muốn bị lỡ cơ hội quá quý báu. Đồng thời, có lẽ ông sợ là nếu không được làm báp têm ngay lúc ấy, lỡ sau nầy đến Hội-thánh, họ sẽ không chịu làm cho ông, vì ông là người bị hoạn, như vẫn bị cấm vào đền thờ của Do-thái-giáo vậy. Cho nên ông hỏi: “Có gì ngăn trở tôi … không?” Vị hoạn quan tuyên xưng đức tin của ông: “Tôi tin Đức Chúa Giêxu Christ là Con Đức Chúa Trời” (37).

Rồi thái giám bảo dừng xe, hai người xuống nước, và Phi-líp làm báp-têm cho ông” (38). Ở chỗ nầy, Luca mô tả khá rõ việc làm báp têm của Hội-thánh thời sơ lập là: “Xuống nước” rồi “ra khỏi nước.” Các mô tả đó khiến người đọc hiểu rằng cách thức làm phép báp têm thời ấy là nhận chìm dưới nước, hay trầm mình dưới nước. Nhưng khi “vừa ra khỏi nước, Thánh Linh của Chúa đem Phi-líp đi. Thái giám không thấy ông nữa, nhưng cứ hân hoan lên đường. Còn Phi-líp người ta thấy ở trong thành A-xốt. Ông tiếp tục công bố tin lành tại các thành phố trên đường, cho đến tận Sê-sa-rê” (39–40). Đức Thánh Linh có quyền phép làm bất cứ điều gì Ngài biết là có lợi nhất cho Vương quốc của Đức Chúa Trời. Biến cố siêu nhiên ấy khiến vị hoạn quan vững lòng tin.

Luca không kể lại cách Đức Thánh Linh đem Phi-líp đi ra sao. Chỉ biết là ông biến mất khỏi tầm nhìn của viên thái giám, một hiện tượng siêu nhiên vượt không gian và thời gian trong chớp mắt mà ai cũng muốn được trải qua. Vì được như thế, nên Phi-líp càng hăng hái rao Tin-lành dọc theo ven biển Địa Trung Hải, đi dần lên phía bắc tới tận thành Sê-sa-rê. Về phần vị hoạn quan, cũng chắc chắn sẽ rao truyền chân lý mà ông đã được giải thích cho biết. Chính ông là hột giống Tin-lành mà Đức Chúa Trời đã gieo vào đất nước Ê-thi-ô-pi, trở thành Hội-thánh ở đó cho tới ngày nay.

SachCongVu19.docx

Rev. Dr. CTB