Đức Thánh Linh, Đấng Dẫn Dắt

Sách Công Vụ, bài 31

Công Vụ 16:1–15

Trong chuyến đi nầy, sứ đồ Phao-lô không theo trình tự các chặng hành trình lần trước. Từ Si-li-si, nơi có thành Tarsus, quê của Phao-lô, đoàn của hai ông Phao-lô và Si-la đi qua một cái đèo nổi tiếng tên là ‘Các Cổng Si-li-si’ thuộc vùng núi Taurus để leo lên cao nguyên miền nam tỉnh Ga-la-ti, là chặng cuối của chuyến truyền giáo thứ nhất. Vì vậy họ đến thành Derbe trước hết rồi mới tới Lystra (1).

Các Hội-thánh ở hai nơi đó từ ngày được Phao-lô và Ba-na-ba rao giảng Tin-mừng và thành lập có lẽ được trên dưới hai năm. Họ đã phát triển và thêm môn đồ mới vào Hội-thánh. “Tại đó có một môn đồ tên là Ti-mô-thê, mẹ là một tín hữu Do-thái, còn cha là người Hy-lạp. Anh em ở Lystra và Iconium đều chứng nhận Ti-mô-thê là người tốt” (1–2).

Trong thư thứ nhì gửi cho Ti-mô-thê, Phao-lô tỏ ra quen biết nhiều về mẹ và bà của Ti-mô-thê, là Eunice và Lois (2Ti-mô-thê 1:5). Như thế, rất có thể đây là hai tín hữu đã tiếp nhận đạo vào lần truyền giáo kỳ trước của Phaolô ở thành Lystra. Và vì Ti-mô-thê đã thừa hưởng đức tin chân thành từ mẹ và bà của mình; cho nên, anh em tín hữu đều chứng nhận ông là người tốt. Cha của Ti-mô-thê là người Hy-lạp, thì có lẽ chưa tin Chúa.

Điều may mắn cho Ti-mô-thê là được mẹ và bà dạy dỗ và huấn luyện về đức tin vào Đức Chúa Trời từ lúc còn thơ ấu. Vì thế, khi tiếp nhận ơn cứu rỗi, ông đã tấn tới mạnh mẽ trong đạo. Sự kiện ông được anh em tín hữu ở cả Lystra và Iconium làm chứng tốt, chứng tỏ ông có tích cực tham gia thánh vụ ở cả hai nơi.

Khi quyết định thu nhận Ti-mô-thê để huấn luyện thêm rồi cho gia nhập đoàn truyền giáo, Phao-lô đã làm một điều khác thường là, ông làm phép cắt bì cho Ti-mô-thê. Vì lý do gì ông làm như thế? Ai đã đọc thư Ga-la-ti đều nhớ lời Phao-lô nhấn mạnh việc các vị lãnh đạo Hội-thánh ở Giê-ru-sa-lem đã không buộc Tít, một môn đồ khác của Phao-lô, phải chịu phép cắt bì (Ga-la-ti 2:3–5).

Nhưng tại sao Phao-lô lại làm phép cắt bì cho Ti-mô-thê? Chúng ta nên biết bối cảnh thân thế của Ti-mô-thê và Tít khác nhau. Tít là người từ dân ngoại tiếp nhận Chúa. Nếu Phao-lô làm phép cắt bì cho Tít, có nghĩa ông công nhận lý luận của nhóm tín hữu Giu-đa là tất cả tín hữu dân ngoại phải tuân giữ luật pháp Môi-se mới được cứu rỗi. Ông thì bác bỏ lý luận đó.

Nhưng Ti-mô-thê được mẹ và bà dưỡng dục theo truyền thống Do-thái-giáo, nên được xem là người Do-thái. Và vì đi tới bất cứ chỗ mới nào, thì Phao-lô đều tới truyền giáo cho người Do thái trước khi dạy đạo cho dân ngoại; cho nên, nếu ông dẫn Ti-mô-thê, một người chưa chịu cắt bì vào nhà hội của người Do-thái, thì người Giu-đa sẽ không chấp nhận, và cũng sẽ chẳng có ai chịu nghe lời ông giảng. Vì vậy, Luca viết ở chỗ nầy lý do Phao-lô phải cắt bì cho Ti-mô-thê, vì “người Do-thái ở đó đều biết cha ông là người Hy-lạp” (3).

Một lý do nữa có thể là nền tảng lý luận của Phao-lô khi ông làm điều trên. Ông ngỏ lời tâm sự với tín hữu ở Cô-rinh-tô: “Dù tôi là người tự do, không lệ thuộc ai, nhưng tôi chịu làm nô lệ mọi người để thu phục được nhiều người hơn nữa. Với người Do-thái, tôi sống như người Do-thái để thu phục người Do-thái. Với người theo luật Do-thái, tôi sống như người theo luật, dù tôi không còn bị luật nầy ràng buộc, để thu phục những người theo luật” (1Cô-rinh-tô 9:19–20).

Như vậy, Phao-lô không muốn đi ngược lại những quy tắc về phong tục tập quán của những người mà ông muốn rao giảng Tin-mừng cho họ, ngoại trừ các phong tục tập quán đó thuộc loại thờ cúng hình tượng hoặc vô đạo đức; chỉ nhằm một mục đích là tạo sự dễ dàng cho việc truyền rao Tin-mừng, đem sự cứu rỗi tới cho vô số linh hồn.

Tâm tình ấy của Phao-lô và sự kiện được chép ở bài học nầy phải là gương mẫu cho những ai nhận lãnh nhiệm vụ truyền giáo cho những người quanh mình. Tuy nhiên, phải hết sức cẩn thận để không sa vào những lý luận sai quấy tai hại của một số phái sẵn sàng thoả hiệp với ma quỷ, chỉ nhằm làm hài lòng giới người mê tín, gia tăng con số giáo đồ của giáo hội, chứ không nhằm tinh luyện đời sống tâm linh của nhóm nầy.

Trong khi đi khắp các thành phố đã có Hội-thánh, Phao-lô và Si-la “truyền đạt quyết nghị của các sứ đồ và trưởng lão tại Giê-ru-sa-lem cho anh em vâng giữ” (4). Làm như vậy, hai vị sứ đồ vừa thông báo sự tự do, vừa ngăn chặn sự dạy dỗ lén lút, sai trái của nhóm người Do-thái vẫn còn quyến luyến luật Môi-se.

Sở dĩ quyết nghị đó có thẩm quyền và hiệu quả đối với mọi người, vì có ghi rằng: “Đức Thánh Linh và chúng tôi quyết định” (15:28). Làm như thế, họ cũng loại trừ được nguy cơ gây chia rẽ trong Hội-thánh, vì chẳng ai dám chống lại lệnh của Đức Thánh Linh. “Vậy các Hội-thánh được vững mạnh trong đức tin, và mỗi ngày số tín hữu càng gia tăng” (5).

Từ Iconium, đoàn truyền giáo đi theo hướng tây-bắc “ngang qua miền Phi-ri-gi và Ga-la-ti, vì Đức Thánh Linh không cho giảng đạo ở Tiểu Á lúc ấy”(6). Tỉnh Tiểu-Á có chung ranh giới với tỉnh Ga-la-ti. Các ông không dừng lại truyền giáo ở khu vực nầy vì Chúa không cho phép.

Có thể Đức Thánh Linh dùng sự mặc khải, hoàn cảnh, giác quan nhạy bén, hay ơn tiên tri để báo cho họ biết ý muốn của Ngài. Họ cứ đi, cứ dự định, nhưng hễ Chúa bày tỏ ý Ngài thì họ vâng lời.

Vì thế, “đến gần My-si, các ông định vào xứ Bi-thi-ni, nhưng Thánh Linh của Đức Chúa Giêxu không cho phép, nên họ vượt qua My-si, xuống thành Trô-ách” (7–8). Mysia là thành phố ở góc tây-bắc của tỉnh Tiểu-Á. Còn Bithynia nằm về hướng đông bắc của tỉnh Ga-la-ti, phía nam Hắc-hải.

Người ta đoán rằng vì Đức Thánh Linh biết vùng đó chưa thuận lợi, chưa sẵn sàng tiếp nhận Tin-mừng, nên Ngài không muốn các sứ đồ phí thì giờ và sức lực. Ngài đã định chương trình cho vùng đông bắc xứ Hy-lạp được tiếp đón phúc âm; cho nên, khi Phao-lô thấy khải tượng, thì đoàn truyền giáo “tìm cách đi Ma-xê-đoan ngay, vì tin chắc Đức Chúa Trời gọi (họ) đến truyền giảng Tin-lành tại đó” (9–10).

Từ Troas, họ đi tàu tới đảo Samo-Thrace, rồi ngày sau tới Neapolis trong đất liền (11). Sau đó “đến Phi-líp, thành phố lớn của tỉnh Ma-xê-đoan, một thuộc địa Rô-ma” (12).

Thành Phi-líp nằm ở phía đông của miền Ma-xê-đoan thời đó, bây giờ thuộc nước Hy-lạp và phía nam của Bulgaria. Thành phố nầy được xây dựng vảo năm 356 B.C., đặt theo tên của Philip đệ nhị, hoàng đế xứ Ma-xê-đoan là người có công xây dựng. Ông nầy là cha của Alexander Đại Đế, vị vua lừng lẫy của đế quốc Hy-lạp.

Năm 168, các đạo quân xâm lăng của đế quốc La-mã chiếm Ma-xê-đoan và dùng thành Philíp như một thành phố lớn của họ. Nơi đây diễn ra trận chiến nổi tiếng dữ dội giữa hai đạo quân La-mã; một của hai thượng nghị sĩ Brutus và Cassius đang tiến về phía tây, chống lại đạo quân của tướng Mark Antony đang đánh về hướng đông. Trận đánh diễn ra vào ngày 23 tháng Mười, năm 42 B.C. Kết quả trận chiến đó đã làm chấm dứt nền Cộng-Hoà La-mã.

Theo sử sách thì đoàn truyền giáo của Phao-lô và Si-la đến Phi-líp khoảng năm 50 A.D. Sau vài ngày nghỉ ngơi và xem xét thành phố, ngày Sa-bát họ đi ra bờ sông ở ngoài thành, vì họ tin ở  đó có chỗ để cầu nguyện.

Như vậy, ở Phi-líp không có nhà hội của người Do-thái; những ai cần cầu nguyện đều tụ họp ở bờ sông, theo truyền thống nơi cầu nguyện phải ở ngoài trời và gần chỗ có nước chảy.

Đoàn truyền giáo thấy một số phụ nữ đang họp lại, nên họ ngồi xuống trò chuyện với các phụ nữ nầy bên bờ sông Gangites của thành phố Phi-líp (13). Trong số đó có bà Ly-đi, một người dân ngoại buôn vải biết kính thờ Đức Chúa Trời (14).

Bà lắng nghe Phao-lô “được Chúa mở lòng, và đáp ứng lời Phao-lô giảng dạy,” tiếp nhận đạo Chúa. Bà Ly-đi đã được Chúa chọn làm người cung cấp nơi trú ngụ và nuôi ăn cho đoàn truyền giáo, vì bà là một thương gia giàu có. Chính bà là người chủ động mở lời mời hai vị sứ đồ và đoàn truyền giáo về trú ngụ tại nhà bà (15). Thời bấy giờ, khi người chủ gia đình tin Chúa, thì cả gia đình đều trở thành tín đồ của Chúa.

Hội-thánh Phi-líp đã được Chúa mở đường để khởi đầu như thế. Mãi về sau, Hội-thánh Phi-líp vẫn được Phao-lô biết ơn và khen ngợi, vì họ luôn nhớ đến ông và cấp dưỡng sự cần dùng của ông.

Có lẽ gương hào phóng của bà Ly-đi vẫn ảnh hưởng đến Hội-thánh Phi-líp thời Phao-lô bị cầm tù ở Rô-ma; dù cho lúc ấy, có lẽ bà đã qua đời.

SachCongVu31.docx

Rev. Dr. CTB