Sách Công Vụ, bài 37
Công Vụ 19:1–20
“Trong khi Apollos ở Cô-rinh-tô, Phao-lô đi lên các xứ miền trên, rồi xuống Ê-phê-sô, gặp một số môn đồ ở đó” (1). Theo lời tường thuật ở hai đoạn 18–19 nầy, có lẽ Phao-lô chưa gặp mặt Apollos. Vì hai người phục vụ Chúa ở hai vùng khác nhau trong cùng một khoảng thời gian. Lúc người nầy tới địa phương nào, thì người kia đã đi khỏi chỗ đó.
Những môn đồ mà Phao-lô gặp ở Ê-phê-sô, có lẽ là những người tin Chúa qua chức vụ của Apollos. Bởi vì họ chưa hề nghe nói có Đức Thánh Linh! Chúng ta đoán lý do Phao-lô hỏi các môn đồ ấy “có nhận được Đức Thánh Linh không?” (2), là vì hoặc Phao-lô có nghe Priscilla và Aquila thuật lại sự giảng dạy thiếu sót của Apollos, hoặc là do nhận ra sự hiểu biết hạn chế của họ mà ông biết họ chưa nhận được Đức Thánh Linh. Dù vì lý do nào, thì câu trả lời đã bộc lộ sự thiếu sót lớn của các môn đồ đó (2).
Vào thời ấy, theo kinh nghiệm của Phao-lô và mọi môn đồ khác của Hội-thánh chung, thì hễ tin Chúa là đương nhiên nhận được Đức Thánh Linh; nếu đó là chân lý vào thời ấy, thì cũng phải là chân lý áp dụng cho mọi con cái Chúa ở mọi thời đại; bởi vì Chúa không thay đổi ơn ban Đức Thánh Linh cho mọi người tin Ngài.
Câu hỏi của Phao-lô lại nêu ra một sự thật nữa là, nếu người nào nhận được Đức Thánh Linh, người ấy phải biết mình đã nhận. Sự xác định đó dẫn tới câu hỏi mà nhiều tín hữu ngày nay vẫn thắc mắc là: Không biết mình đã nhận được Đức Thánh Linh hay chưa; hoặc kinh nghiệm về sự nhận lãnh ấy diễn tiến ra sao?
Hãy xem lời giải đáp qua các sự kiện trong những câu tiếp theo (3–7): Người tin phải chịu báp têm nhân danh Đức Chúa Giêxu, Đức Thánh Linh đã giáng xuống trên họ, họ được nói các tiếng khác và lời tiên tri (5–6).
Hiện tượng biểu lộ bề ngoài khi người ở nhà của Cọt-nây nhận lãnh Đức Thánh Linh thì hơi khác một chút, mặc dù cũng tương tự như trên (Công Vụ 10:45–46; 11:17; 15:8). Một số phái thời nay không công nhận quan điểm nầy, vì chưa thấy việc đó diễn ra trong hệ phái của họ. Người ta chỉ lý luận theo quan điểm của mình, chứ không căn cứ trên những hiện tượng ký thuật trong Kinh-thánh. Nhưng, những gì Kinh-thánh ghi chép đã tự nói lên ý nghĩa thật của sự việc rồi.
Hoạt động của sứ đồ Phao-lô tại Ê-phê-sô trong phân đoạn Kinh-thánh nầy được xem là lẫy lừng nhất trong lịch sử truyền giáo của Hội-thánh thời sơ lập. Trước tiên, ông vẫn vào nhà hội, nơi có người sẵn lòng nghe đạo, để giảng dạy liên tiếp trong ba tháng, vì áp dụng nguyên tắc gặt hái như ông đã thường làm (8).
Sự áp dụng nguyên tắc đó thể hiện rõ ràng “khi có một số người cứng lòng không tin, nói xấu đạo Chúa trước quần chúng, Phao-lô bỏ họ, rút các môn đồ ra, và hàng ngày giảng luận trong trường học Ti-ra-nu” (9). Như vậy, nguyên tắc gặt hái chỉ chú tâm truyền giáo cho những người có xác xuất cao sẽ tiếp nhận ơn cứu rỗi của Chúa, thay vì tranh cãi hoặc tốn thì giờ thuyết phục người không tin hoặc chống đối đạo Chúa.
Sự giảng dạy tại nhà hội người Do-thái ở Ê-phê-sô kéo dài ba tháng là điều khác thường. Có thể là do mối liên hệ tốt Phao-lô thiết lập với các vị lãnh đạo nhà hội Do-thái lúc ông thăm viếng và thảo luận với họ trước đây (18:19) khiến họ chịu nghe ông giảng dạy. Hơn nữa, có thể Priscilla và Aquila đã chuẩn bị sẵn sàng một nền tảng trong cộng đồng Do-thái trước khi Phao-lô đến thi hành chức vụ. Rồi việc Apollos tới Ê-phê-sô “giảng dạy về Đức Chúa Giêxu cách chính xác” (18:25), khi Phao-lô còn đi thăm các Hội-thánh ở Ga-la-ti và Phrygia, cũng là yếu tố hữu ích.
Phao lô cứ giảng dạy như vậy trong hai năm, kết quả là “mọi người ở Tiểu Á, cả Do-thái lẫn Hy-lạp, đều được nghe lời Chúa” (10). Kết quả đó thật đáng kinh ngạc, vì vào thời đại mà sự loan truyền tin tức đều bằng đường bộ, chưa có phương tiện phổ biến cách rộng rãi, các ấn phẩm cũng chưa có; vậy mà chỉ trong hai năm, mọi người ở Tiểu Á đều được nghe lời Chúa, trong lúc Phao-lô chỉ giảng dạy tại trường Ti-ra-nu. Điều đó có nghĩa là các môn đồ của Phao-lô đã thực hiện sứ mạng truyền giáo một cách rất hiệu quả trong khi họ đang học với Phao-lô tại trường Ti-ra-nu.
Sự truyền giáo càng hiệu quả thêm vì “Đức Chúa Trời dùng tay Phao-lô làm nhiều phép lạ phi thường, đến nỗi người ta lấy khăn tay, áo ngắn từ trên người ông, đem đặt lên người ốm đau, thì bệnh khỏi, quỷ bị trục xuất” (11–12). Các sự kiện nầy gợi lại những việc chữa bệnh đầy quyền năng chỉ do cái bóng từ Phi-e-rơ che trên người bệnh (Công Vụ 5:15).
Chúng ta cần hiểu rằng tự cái bóng của Phi-e-rơ hoặc khăn và áo của Phao-lô không có quyền lực gì hết. Nhưng hai vị sứ đổ đã trở thành tác nhân chuyên chở vinh quang của Đức Chúa Trời trên thân thể họ. Bởi vì chính vinh quang của Chúa mới có quyền phép chữa bệnh và khiến cho quỷ phải chạy trốn.
Cũng giống như Môi-se ngày xưa đối diện trò chuyện với Đức Chúa Trời trong 40 ngày, làm cho da mặt ông phản chiếu ánh sáng chói loà của vinh quang Ngài, mà người Israel không dám nhìn (Xuất Ai-cập 34:29, 30). Đức Chúa Trời xác nhận hiệu quả của sự tiếp xúc với vinh quang Ngài là: “Nơi nầy sẽ được thánh hoá bởi vinh quang của Ta” (Xuất Ai-cập 29:43). Như vậy, hiệu quả của cái bóng Phi-e-rơ, và khăn với áo của Phao-lô chữa được bệnh hoạn, ốm đau, và khiến quỷ dữ bị trục xuất, thì phải đến từ quyền phép của vinh quang Đức Chúa Trời, do họ tương giao gần gũi với Ngài, nên được vinh quang Ngài thánh hoá; cả các vật dụng họ dùng đã được thánh hoá theo.
Có lẽ Ê-phê-sô là nơi đầu tiên mà Phao-lô chính thức huấn luyện những người lãnh đạo hầu việc Chúa. Bởi vì ông dạy họ mỗi ngày trong hai năm (9–10). Nội dung huấn luyện chắc là truyền giáo và thành lập Hội-thánh, chứ không phải là các môn học dưỡng linh cho tín hữu bình thường. Vì nhiệm vụ của sứ đồ là truyền giáo, thành lập Hội-thánh và huấn luyện những người lãnh đạo; sau đó, giao Hội thánh cho họ chăm sóc và phát triển, còn vị sứ đồ đi rao truyền đạo Chúa cho các vùng đất mới, thành lập Hội-thánh mới và huấn luyện môn đồ mới.
Phân đoạn Kinh-thánh nầy cũng cho thấy cuộc chiến tranh trong linh giới đã diễn ra quyết liệt. “Mấy người Do-thái làm nghề đuổi quỷ” chẳng khác gì nghề thầy pháp ngày nay. Lý do họ “thử hô danh Đức Chúa Giêxu trên những người bị quỷ ám, và nói:‘Nhân danh Đức Chúa Giêxu mà Phao-lô giảng, ta truyền cho các ngươi hãy ra’”(13) thì chắc chắn là nghe lóm được từ những học trò của Phao-lô đã vận dụng danh Đức Chúa Giêxu đuổi quỷ thành công. Họ tưởng rằng chỉ cần dùng danh Chúa như một thứ thần chú; nhưng vì họ không có mối liên hệ gì với Đức Chúa Giêxu; họ chỉ là “bảy con trai của Sê-va, một thầy trưởng tế Do-thái” (14), cho nên quỷ chẳng sợ mà còn nhảy xổ vào tấn công, đánh cho họ bị thương phải trần truồng bỏ chạy (15–16).
Bởi lý do “khắp thành Ê-phê-sô đều biết việc nầy, cả người Do-thái lẫn người Hy-lạp. Họ sợ hãi lắm. Danh Đức Chúa Giêxu được tôn kính” (17), thì đã dẫn tới việc “nhiều tín hữu đến xưng tội, khai ra những việc họ đã làm. Có những người làm nghề phù thuỷ, đem sách vở gom lại, đốt trước công chúng” (18–19). Vài câu thuật lại tuy rất vắn tắt, nhưng chứa đựng rất nhiều ý nghĩa về tính quyết liệt của cuộc chiến tranh linh giới đã diễn ra tại Ê-phê-sô.
Trong ba đẳng cấp của cuộc chiến tranh linh giới, các câu trên mô tả kết quả thảm bại của các quỷ ở cấp thấp, tức là các thứ quỷ nhập người; và cấp tà thuật của giới phù thuỷ, pháp thuật và các thứ tà đạo dựa vào quyền lực của thế giới ma quỷ. Bọn uế linh bị trục xuất, nên tín hữu được giải thoát đến xưng tội. Sách vở ma thuật bị đốt có “trị giá năm mươi ngàn miếng bạc” (19, khoảng năm triệu mỹ kim thời nay).
Trong lịch sử Hội-thánh, bất cứ khi nào quyền phép siêu nhiên của Đức Chúa Trời thể hiện giữa Hội-thánh, hay trong khu vực hoặc quốc gia có các Hội-thánh được Chúa thăm viếng; người ta gọi là cuộc phấn hưng tâm linh, thì việc truyền giáo trở nên dễ dàng, người có tội được thu hút tới Hội-thánh để cầu xin quyền năng Chúa giải thoát họ khỏi mọi kiểu áp bức của thế giới tối tăm trên đời sống họ một thời gian dài.
Có lẽ từ khi Hội-thánh của Đức Chúa Giêxu có mặt tại thành phố Ê-phê-sô, thời gian Phao-lô giảng dạy và huấn luyện môn đồ tại đó, là cuộc phấn hưng mạnh mẽ nhất kể từ sau ngày Đức Thánh Linh giáng lâm vào lễ Ngũ Tuần sau ngày Chúa thăng thiên. Phần thắng trong cuộc chiến tranh linh giới đã nghiêng về phía Hội-thánh non trẻ của Chúa (20).
SachCongVu37.docx
Rev. Dr. CTB