Sách Công Vụ, bài 36
Công Vụ 18:18–28
Sứ mạng truyền giáo và thành lập Hội-thánh, ở những nơi chưa nghe Tin-mừng, của sứ đồ Phao-lô vừa kết thúc ở Cô-rinh-tô cũng chấm dứt chuyến đi lâu ngày lần thứ nhì của ông.
Trong chuyến truyền giáo thứ nhất, Phao-lô cùng với Ba-na-ba thành lập các Hội-thánh ở đảo Cyprus, An-ti-ốt thuộc Pisidia, Iconium, Lystra và Derbe. Họ trở về nghỉ ngơi một thời gian tại ‘đại bản doanh’ ở An-ti-ốt thuộc Syri.
Trong kỳ nghỉ ấy, họ tham dự cuộc giáo-hội-nghị đầu tiên trong lịch sử Hội-thánh tại Giê-ru-sa-lem, là cuộc họp ra nghị quyết chính thức xác nhận con dân Chúa thời Tân-ước không bị buộc phải tuân giữ Kinh-luật Môi-se để có thể đến với Đức Chúa Trời.
Trong chuyến truyền giáo thứ nhì cùng đi với Si-la, sau đó có thêm Ti-mô-thê và Luca, Phao lô trở lại thăm các Hội-thánh non trẻ, rồi bắt đầu truyền giáo ở vùng Đông-Âu, thành lập các Hội thánh Phi-líp, Tê-sa-lô-ni-ca, Berea, và Cô-rinh-tô.
“Sau khi ở lại Cô-rinh-tô khá lâu, Phao-lô từ giã anh em, cùng Priscilla và Aquila đáp tàu qua xứ Sy-ri” (18); Si-la và Ti-mô-thê ở lại Cô-rinh-tô; Phao-lô ghé qua thành phố Ê-phê-sô, vào thăm những người Do-thái ở nhà hội. Aquila và Priscilla ở lại Ê-phê-sô (19), Phao-lô lên tàu về Sê-sa-rê, ghé Giê-ru-sa-lem, rồi về An-ti-ốt (22).
Cenchrea là một hải cảng gần Cô-rinh-tô. Không thấy ai ghi lại lời thề nguyện của Phao-lô là gì, và lời thề ấy có ý nghĩa gì? Theo cách hiểu bình thường của người Do-thái, thì việc xuống tóc được thực hiện tại đền thờ ở Giê-ru-sa-lem sau khi chấm dứt lời thề nguyện Na-xi-rê (Dân-số-ký 6: 1-5). Cũng không ai biết tại sao Phao-lô quyết định cạo đầu tại Cenchrea.
Một số người đoán rằng sở dĩ Phao-lô có lời thề Na-xi-rê là để vô hiệu hoá những lời đồn đại cho rằng ông không phải là một người gương mẫu giữ phong tục Do-thái nữa. Sự cạo đầu là dấu hiệu chấm dứt thời gian giữ lời thề Na-xi-rê, chứng minh cho người Do-thái ở Giê-ru-sa-lem biết lời đồn về ông là sai lạc.
Khoảng hơn hai năm trước, Phao-lô toan đến truyền giáo ở miền Tiểu-Á, trong đó có Ê-phê-sô, nhưng Đức Thánh Linh chuyển hướng ông đi qua Đông Âu (16:6–10). Bây giờ trên đường về, ông ghé Ê-phê-sô, để hai bạn đồng hành là Aquila và Priscilla ở lại đó để chuẩn bị cho công việc truyền giáo tại đó sau nầy. Dù người Do-thái xin ông ở lại Ê-phê-sô lâu hơn, ông vẫn từ chối, nói rằng: “Nếu Đức Chúa Trời muốn, tôi sẽ trở lại thăm anh em” (20–21).
Luca không nói rõ thời gian Phao-lô nghỉ ở An-ti-ốt là bao lâu, chỉ thuật là: “Ông ở lại đó ít lâu, rồi lại ra đi, lần lượt qua các tỉnh Ga-la-ti và Phrygia, làm cho các môn đồ vững mạnh” (23).
Đây là khu vực mà Phao-lô chỉ đi ngang qua trong chuyến truyền giáo trước vì Đức Thánh Linh không cho phép ông giảng đạo tại đó (16:6). Như vậy, trong chuyến truyền giáo lần thứ ba nầy, ông đã giảng đạo thành công và thành lập những Hội-thánh địa phương rồi huấn luyện môn đồ cho vững vàng để trở thành những trưởng lão, mục sư và giám mục hướng dẫn Hội-thánh.
Chắc chắn là trên đường đi, Phao-lô đã ghé qua các Hội-thánh mà ông và Ba-na-ba đã thành lập trước kia tại Derbe, Lystra, Iconium, và An-ti-ốt thuộc Pisidia. Bởi vì các thành phố ấy thuộc phía nam tỉnh Ga-la-ti. Những Hội-thánh nầy được Phao-lô ghé lại giảng dạy và huấn luyện mỗi lần ông có cơ hội đi qua (14:21; 16:1–2).
Tuy nhiên, khi xem xét các chuyến truyền giáo của Phao-lô, chúng ta cần lưu ý tới những mục tiêu mà một người truyền giáo lão luyện như ông nhắm tới là: a) Đào tạo nhiều môn đồ chứ không dành nhiều thì giờ luyện tập cho họ hoàn hảo. b) Truyền giáo cho người chưa được cứu chứ không ở lâu dài chăm sóc cho người đã tin Chúa. c) Mở thêm nhiều khu vực truyền giáo mới, không ở lâu một chỗ để làm công tác mục sư chăn bầy.
Những mục tiêu ưu tiên đó không có nghĩa là sự chăm sóc nuôi dưỡng tân tín hữu và dạy dỗ các lẽ đạo sâu nhiệm là không quan trọng. Phao-lô luôn quan tâm tới sự trưởng thành thuộc linh của những người quy đạo.
Các thư tín của ông gửi cho các Hội-thánh địa phương thời đó chứa vô số giáo lý quan trọng và bài học ích lợi cho đời sống tâm linh của muôn vàn thế hệ Cơ-đốc-nhân từ gần hai mươi thế kỷ qua. Những bài giảng dựa trên sự dạy dỗ của Phao-lô qua các thư tín hầu như không bao giờ cạn. Những sự dạy dỗ trong các thư tín của ông đã giúp cho hàng tỉ người là con dân Chúa được trưởng thành trong đời sống đức tin và tâm linh trải biết bao nhiêu thế hệ.
Qua các hoạt động truyền giáo và thăm viếng không mệt mỏi của Phao-lô, người ta nhận biết mặc dù điều ông đặt ưu tiên hàng đầu là mở rộng nước Chúa, nhưng ông không để mình bị cuốn hút vào việc chạy theo thành tích mở mang Hội-thánh mới, mà rất quan tâm âu lo cho sự trưởng thành đời sống tâm linh của những người con tinh thần do ông sinh đẻ ra.
Vì những điều dạy dỗ hết sức sâu nhiệm trong các thư tín của ông, người đọc Tân-ước dễ lầm lẫn cho rằng ông nặng về việc chăm sóc nuôi dưỡng đời sống tâm linh của tín hữu hơn là truyền giáo. Chúng ta cần nghiên cứu tâm tình của ông để biết ông nghĩ thế nào: “Với mọi người, tôi sống mọi cách để có thể cứu một số người, bất luận cách nào. Tôi làm mọi việc vì Tin-lành, để được dự phần trong Tin-lành” (1Cô-rinh-tô 9:22–23). Như vậy, sự mở rộng nước Chúa là nỗ lực chính của Phao-lô.
Trong khi Phao-lô đang truyền giáo, giảng dạy và huấn luyện khắp vùng Ga-la-ti và Phrygia, thì “có một người Do-thái quê ở Alexandria (Ai-cập) đến Ê-phê-sô, tên là Apollos. Ông là một nhà hùng biện, thông hiểu Kinh-thánh” (24). Các chi tiết tiếp theo về Apollos khiến chúng ta phải suy nghĩ, thắc mắc: “Ông được học đạo Chúa nên đầy nhiệt tâm giảng dạy về Đức Chúa Giêxu cách chính xác. Tuy nhiên, ông chỉ biết lễ báp têm của Giăng mà thôi” (25). Điều thật tốt là Apollos đã biết về Đức Chúa Giêxu cách chính xác; nhưng nguyên do nào ông chỉ biết lễ báp têm của Giăng mà không biết báp têm nhân danh Đức Chúa Giêxu, một khiếm khuyết rất lớn?
Điều rất có thể là Apollos đã nghe và tiếp nhận đạo tại Alexandria do những tín hữu đến sinh sống ở đó sau khi bị tản lạc trong kỳ Hội-thánh bị bắt bớ nhân vụ Ê-tiên (11:19–20). Sự kiện ấy có nghĩa là sự truyền giáo và những giáo lý căn bản vào thời kỳ phôi thai của Hội-thánh chưa thống nhất.
Những ai đã tiếp xúc và tiếp nhận đạo với những người đã thực sự được báp têm bằng Đức Thánh Linh, thì được dạy dỗ chính xác. Còn những người tiếp nhận Đức Chúa Giêxu qua lời làm chứng đạo của những người tuy nhiệt tâm, nhưng chưa có sự hiểu biết vững vàng, hoặc nghe đạo qua nhiều lần truyền khẩu không còn giữ được ý nghĩa chân thực của đạo lúc ban đầu, thì không biết hay chưa nghe về báp têm qua Danh Đức Chúa Giêxu hoặc nghe gì về Đức Thánh Linh cả.
Cũng có thể một số người Do-thái vốn là môn đồ của Giăng Baptist, trước đây được Giăng làm phép báp têm, sau nầy đã tin Đức Chúa Giêxu là Đấng Christ, nay đang sinh sống trong cộng đồng người Do-thái đông đảo tại Alexandria, nhưng chỉ biết về phép báp-têm của Giăng mà thôi.
Vào thời ấy, số dân Do-thái sống lưu lạc ở Alexandria đông hơn số người Do-thái sống ở Giê-ru-sa-lem. Dù cộng đồng Cơ-đốc-nhân ở Alexandria thì đông, nhưng không phải mọi người đã được nghe như nhau về Đức Chúa Giêxu và phúc âm của Ngài; bởi vì mặc dù họ đều tin nhận Đức Chúa Giêxu, nhưng có lẽ các nhóm khác nhau đã được dạy từ vài nguồn khác nhau. Các chi tiết nầy có thể giúp giải thích cho chúng ta hiểu lý do tại sao Apollos chỉ biết về phép báp têm của Giăng mà chưa biết phép báp têm nhân danh Đức Chúa Giêxu.
Apollos “bắt đầu giảng dạy cách dạn dĩ trong nhà hội,” nhưng khi Priscilla và Aquila nghe thì biết ông chưa biết hết mọi điều quan trọng; cho nên, “họ mời ông về, dẫn giải đạo Đức Chúa Trời cho ông chính xác hơn” (26). Họ cũng viết thư giới thiệu Apollos cho Hội-thánh tại Cô-rinh-tô khi Apollos định đi tới miền A-chai.
Sự giảng dạy của Apollos đã “giúp ích rất nhiều cho các tín hữu” ở Cô-rinh-tô, bằng cách dùng Kinh-thánh bác bỏ lý lẽ của người Do-thái, và qua Kinh-thánh chứng minh Đức Chúa Giêxu là Đấng Christ. Vì khi người Do-thái đuối lý trước lý lẽ của Kinh-thánh, thì họ chẳng còn nền tảng nào để công kích niềm tin của anh chị em tín hữu Cô-rinh tô vào Đức Chúa Giêxu Christ. Như Phao-lô viết: “Tôi đã trồng, Apollos đã tưới” (1Cô-rinh-tô 3:6).
SachCongVu36.docx
Rev. Dr. CTB