Chúng Ta Muốn Nhận Được Điều Gì?

Chúa Nhật, May 4th, 2014

Các Vấn Đề Quan Trọng, 29

Cô-lô-se 3:1–3

Đức Chúa Giêxu đã phục sinh để ban sự sống vĩnh cửu cho bất cứ ai tin Ngài là Đức Chúa Trời đã đến thế gian chịu chết đền tội cho họ, rồi tiếp nhận Ngài làm Chúa Cứu Thế và Chủ của đời họ. Mọi con cái Chúa cần suy gẫm về ơn ban vĩ đại nầy để hiểu biết nhiều hơn về Cứu Chúa của mình.

Bởi vì nếu hàng năm sau khi chúng ta kỷ niệm lễ Phục-sinh, rồi trở lại cuộc sống buồn tẻ chạy theo sinh kế, chứ chẳng nhận được điều gì mới mẻ cho đời sống tâm linh, thì đã đánh mất các cơ hội ngàn vàng tiến lên các trình độ tâm linh cao hơn đầy hào hứng, cũng như bị tiếp tục sống một đời sống Cơ-đốc đầy thất bại, không thấy niềm vui đắc thắng của Chúa phục sinh.

Điều quý nhất và cần thiết nhất của con người là sự sống. Khi gặp lúc nguy nan và cần thoát thân, người ta không màng tới của cải hay bất cứ vật quý nào có thể cản trở họ giành lấy sự sống. Vua Solomon nói rằng: “Tài sản chẳng ích lợi gì trong ngày thịnh nộ” (Châm ngôn 11:4).

Có nhiều người trong lúc chạy loạn đã quăng bỏ vàng bạc, tài sản mà họ đã ky cóp dành dụm trọn đời; bởi vì tiền của lúc ấy trở thành gánh nặng không thể mang nổi. Cách ngôn Việt-nam có câu: “Người làm ra của, chứ của không làm ra người!” Cũng có câu: “Bỏ của chạy lấy người” hoặc, “lấy của che thân.” Vì vậy, đối với loài người sự sống là quan trọng nhất.

Vào thời mạt vận của triều đại các vua nước Giu-đa thuộc dòng dõi Đa-vít, vương quốc Giu đa bị đế quốc Ba-by-lôn đánh chiếm và giải thể, đa số dân Giu-đa bị lưu đày; những người nghèo khổ và các nhóm người đi theo một số lãnh tụ vùng hương thôn đã chạy thoát sang Ai-cập tá túc.

Khi đã ở yên ổn tại Ai-cập, họ tiếp tục việc thờ cúng tà thần ‘Nữ-vương-trên-trời,’ không chịu từ bỏ thói tục thờ cúng hình tượng theo lời cảnh cáo của tiên tri Giê-rê-mi. Họ vội quên tội lỗi đó là nguyên nhân gây ra thảm hoạ cho cả dân tộc và đất nước.

Trước đó hàng trăm năm, Đức Chúa Trời đã sai nhiều tiên tri cảnh cáo họ về tai hoạ sẽ đến nếu họ không ăn năn tội lỗi thờ cúng hình tượng của họ. Vì lòng cứng cỏi không chịu nghe lời cảnh cáo, họ bị thấy cảnh nước mất nhà tan.

Vào lúc quân đội của vua Ba by lôn đang vây hãm kinh đô Giê-ru-sa-lem của nước Giu-đa, xứ Do-thái, các thủ lãnh người Giu-đa không muốn nghe lời vị tiên tri Giê-rê-mi truyền lại điều ông nghe Đức Chúa Trời phán dặn ông phải nói. Họ xin vua Sê-đê-kia đừng để Giê-rê-mi sống, mà phải giết đi. Vua cho phép họ thả ông xuống một cái hố không có nước, chỉ toàn bùn, để ông sẽ bị chết đói dưới hố bùn ấy; nhưng hoạn quan Ê-bết Mê-lết, người Ê-thi-ô-pi, đã cứu Giê-rê-mi lên khỏi hố bùn và giữ ông lại trong sân vệ binh cho đến khi Giê-ru-sa-lem bị thất thủ.

Trong khi tất cả quan quân và mọi người quyền quý Giu-đa bị bắt và giải đi đày, thì hoàng đế Ba-by-lôn Nê-bu-cát-nết-xa truyền lệnh cho tướng chỉ huy trưởng vệ binh của mình là Nê-bu-xa-a-đan phải chăm sóc tiên tri Giê-rê-mi chu đáo và làm đúng những gì ông yêu cầu (Giêrêmi 40:1–6).

Những người chạy trốn bắt tiên tri Giê-rê-mi theo họ sang Ai-cập. Thư ký Ba-rúc theo hầu thầy mình đến Ai-cập. Ông than thở: “Khốn khổ cho tôi! Vì Đức Giê-hô-va đã thêm phiền muộn vào nỗi đau của tôi; tôi đuối sức vì than thở, chẳng được nghỉ ngơi” (Giê-rê-mi 45:3).

Chúa sai Giê rê-mi nói lại với Ba-rúc, người có lòng trung thành với Ngài: “Đức Giê-hô-va phán: ‘Nầy Ta sẽ phá những gì Ta đã xây, sẽ nhổ những gì Ta đã trồng, và việc đó xảy ra khắp đất. Còn ngươi, ngươi tìm cho mình những việc to tát hay sao? Đừng tìm kiếm nữa, vì nầy, Ta sắp giáng tai ương trên mọi loài xác thịt. Nhưng về phần ngươi, dù ngươi đi đến đâu, Ta cũng sẽ cho ngươi được an toàn tính mạng’” (Giê-rê-mi 45:4–5).

Đức Chúa Trời đã giữ lời hứa, Ngài bảo vệ sự sống của cả hai thầy trò đều an toàn dù trong hoàn cảnh như thế nào. Bởi vì họ kính sợ Ngài và vâng lời Ngài.

Bí quyết để nhận được lời hứa bất di bất dịch về sự sống Chúa ban là luôn tin cậy Ngài. Tin cậy vào điều gì? Sứ đồ Phao-lô khuyên: “Vậy nếu anh em đã được sống lại với Đấng Christ, hãy tìm kiếm những điều ở trên trời, nơi Đấng Christ ngồi bên phải Đức Chúa Trời. Hãy chú tâm về những điều trên trời, đừng chú tâm đến những điều ở dưới đất, vì anh em đã chết, sự sống của mình đã giấu với Đấng Christ trong Đức Chúa Trời” (Cô-lô-se 3:1–3).

Sống lại với Đấng Christ nghĩa là hợp nhất với sự sống của Ngài, chấm dứt cuộc sống riêng rẽ theo ý thích cá nhân. Điều đó đòi hỏi chúng ta giao trọn quyền điều khiển đời mình cho Chúa, khác hẳn với việc muốn điều khiển Chúa làm theo ý mình.

Có người thì mong muốn làm những việc to tát, vĩ đại, lưu danh hậu thế; cho nên, đang suy tính các kế hoạch hay tìm kiếm cơ hội. Tuy nhiên, vì Đức Chúa Giêxu gần trở lại, các dấu hiệu tận thế đang lần lượt diễn ra khắp nơi trên thế giới, thì lời Chúa nhắc: “Đừng tìm kiếm nữa, vì nầy, Ta sắp giáng tai ương trên mọi loài xác thịt” là điều chúng ta cần quan tâm.

Nếu sự cuối cùng của muôn vật đang đến gần, thì mọi ước muốn phô diễn khả năng xuất chúng cho mọi người thấy và nể phục; hoặc những ước ao sở hữu vật chất tài sản, nhà cửa, xe cộ, áo quần, trang sức, vv., chỉ là ước muốn hão huyền và vô nghĩa. Vì điều chúng ta cần hơn hết là sự sống đời đời, không phải là những thứ tạm bợ vừa nói.

Kinh-thánh dạy chúng ta hãy tìm kiếm những điều ở trên trời để nắm chắc sự sống vĩnh cửu. Nhưng một số người suy diễn sự “chú tâm vào những điều trên trời” là ao ước được ban cho các ơn thiêng liêng, nhất là các ân tứ của Đức Thánh Linh.

Những người có tâm tình và thái độ ấy rất ngạc nhiên khi thấy mối liên hệ tương giao giữa mình với Đức Chúa Trời không được nồng thắm như mong ước, thậm chí hình như bị cắt đứt; và họ không hiểu lý do nào đã dẫn tới tình trạng đó.

Thật ra, sự thiết lập mối liên hệ tương giao với Đức Chúa Trời không có gì là khó khăn, mà rất là dễ dàng. Bởi vì Ngài vẫn luôn mong đợi con cái Ngài tương giao thân mật với Ngài. Nếu vậy, thì tại sao lòng ao ước được ban cho các ơn thiêng liêng lại ngăn trở mối tương giao với Chúa?

Lý do là: Nếu chúng ta chú tâm và mong mỏi nhận được các ân tứ thiêng liêng, thì mục đích của chúng ta chẳng phải là thiết lập mối tương giao thân thiết với Đấng ban các món quà, chỉ chú tâm nhận được các món quà mà thôi. Như vậy thì trái ngược với mục đích Đức Chúa Trời mong muốn là chúng ta yêu mến Ngài chứ không phải yêu mến các món quà của Ngài.

Thái độ ấy làm buồn lòng Cha chúng ta trên trời; nên nó ngăn trở, làm gián đoạn mối tương giao nồng thắm phải có. Thái độ nầy phá huỷ tất cả các nỗ lực sống đạo; nó làm cho tín hữu không có hiệu năng trong mọi vấn đề tâm linh. Bởi vì nó ngăn trở việc nhận lãnh sự sống mà chúng ta muốn có.

Những ai đang theo Chúa mà chỉ tiến tới mức độ cầu xin, hy vọng nhận được các ơn phước vật chất mà thôi, thì sẽ bị nằm vào trường hợp mà sứ đồ Phao-lô nói: “Nếu hi vọng của chúng ta trong Đấng Christ chỉ hướng về cuộc sống nầy mà thôi, thì trong tất cả mọi người, chúng ta là những người thảm hại hơn hết” (1Cô-rinh-tô 15:19).

Cũng có người muốn được đổ đầy Đức Thánh Linh để được bình an trong tâm hồn, mà không nhận được điều họ ao ước. Đó là vì tìm kiếm ơn phước cho mình chứ không phải tìm kiếm Chúa. Một khi chúng ta được đến gần Chúa rồi thì sẽ chẳng còn cầu xin điều nọ điều kia cho mình; bởi vì “Cha các con biết các con cần gì trước khi các con cầu xin Ngài” (Ma-thi-ơ 6:8). Vậy, cầu nguyện để làm chi? Để chúng ta được biết Ngài khi Ngài đáp lời cầu nguyện của chúng ta.

Trong số những lời cầu xin thiêng liêng, thì lời cầu nguyện xin được đổ đầy Đức Thánh Linh có vẻ là hợp lý hơn hết.

Nhưng nếu chúng ta không thấy Đức Chúa Trời thực hiện điều đó, thì đa phần là do chúng ta chưa hoàn toàn đầu phục Ngài. Có những điều gì đó chỉ một mình mình biết là Chúa đòi hỏi mình phải làm, mà mình vẫn chưa chịu thực hiện.

Hãy hiểu rằng Đức Chúa Trời chẳng bận tâm hành động để khiến chúng ta được hạnh phúc và đầy ơn phước ngay lập tức, Ngài cứ tiếp tục uốn nắn chúng ta, để con dân Ngài có thể đạt đến sự hoàn hảo cao nhất mà Ngài ước muốn.

Bởi vì Đức Chúa Giêxu đã cầu xin Đức Chúa Cha cho mọi môn đồ Ngài rằng: “để họ trở nên một như Chúng Ta là một” (Giăng 17:22).

Anh chị em có còn tìm điều to tát, lớn lao cho mình nữa không? Chúng ta có muốn nhận lãnh sự sống của Chúa để được hợp nhất với Ngài chăng?

VanDeQuanTrong29.docx

Rev. Dr. CTB