Nữ Thần Diana Là Ai?

Sách Công Vụ, bài 38

paul-preaching-before-the-temple-of-diana-at-ephesus

Công Vụ 19:21–41

Trước khi xem xét phần sau của đoạn 19, chúng ta cần biết bối cảnh sự thờ kính nữ thần Đi-anh của người Ê-phê-sô (Latin: Diana, Hy-lạp: Artemis).

Lúc ấy, Ê-phê-sô được xem là ‘trung tâm ma thuật’ của toàn vùng Nam Âu và Tiểu Á. Người ta sở hữu rất nhiều sách vở về ma thuật (19:19). Người Ê-phê-sô rất tôn kính thần Diana của họ. Theo Tiến-sĩ Clinton Arnold, thì tà thần ấy được thờ phụng trong toàn vùng Nam-Âu và Tiểu Á.

Sở dĩ tà thần nầy đáng cho Hội-thánh phải lưu ý, dùng uy quyền của Chúa để đánh hạ và vô hiệu hoá quyền lực của hắn, là vì, hắn không phải là một con quỷ tầm thường, mà chính là chủ quyền cai trị một khu vực rộng lớn. Một số học giả tin rằng hắn chính là tà thần ‘Nữ-vương-trên-trời’ (Giê-rê-mi 7:16–19; 44:15–19), hắn chỉ đứng dưới Satan một bậc. Vì thế chiến tranh linh giới chống hắn thuộc đẳng cấp chiến lược.

Sở dĩ liệt tà thần Đi-anh vào đẳng cấp tà thần khu vực, mặc dù tên Artemis do người Hy-lạp đặt cho, là vì người ở đó rất tôn kính Đi-anh, nghĩa là Đi-anh đã cai trị miền đó từ rất lâu trước khi người Hy lạp đến khu vực nầy.

Ảnh hưởng của Đi-anh bao trùm trên mọi lãnh vực của đời sống ở Ê-phê-sô. Ảnh hưởng của đạo thờ nữ thần Đi-anh lấn ra khỏi sự thờ cúng tôn giáo, thấm vào đời sống, văn hoá và hành chính của thành phố. Bất cứ phương diện nào của Ê-phê-sô cũng đậm nét ảnh hưởng của Đi-anh. Có thể nói rằng, Ê-phê-sô là cái ngai, nơi nữ thần Đi-anh ngự trị.

Sau những thành công lớn tại Ê-phê-sô, “Phao-lô định tâm đi qua Ma-xê-đoan và A-chai rồi về Giê-ru-sa-lem. Ông nói: ‘Về đó rồi, tôi còn phải đi thăm Rô-ma nữa.’ Phao-lô sai hai người phụ tá là Ti-mô-thê và Ê-rát đi Ma-xê-đoan trước, trong khi ông ở lại Tiểu Á một thời gian nữa” (21–22).

Một cuộc rối loạn xảy ra tại Ê-phê-sô trong thời gian nầy. Nhìn từ bên ngoài, thì rõ ràng là do tay thợ bạc Đê-mê-triu chủ xướng (23–28); nhưng nếu suy xét kỹ, thì chúng ta biết việc đó là do tà thần Đi-anh xúi giục.

Vì kiến trúc quyền lực của thế giới tối tăm được xây dựng trên ba đẳng cấp: cấp thấp, cấp tà đạo và cấp chiến lược; chúng dựa trên nhau để cai trị và hành động. Phần Kinh-thánh nầy giúp cho chúng ta thấy chỉ cần một hoặc hai đẳng cấp bị đánh bại, thì toàn cơ cấu tổ chức của thế giới tối tăm ở khu vực đó phải bị sụp đổ theo.

Hai đẳng cấp thấp và tà đạo, lâu nay ở dưới quyền của Đi-anh, đã bị các môn đồ của Phao-lô ở Hội-thánh Ê-phê-sô đánh cho tan tác không còn manh giáp (12–20), nên uy thế của Đi-anh chẳng còn. Bằng chứng là các anh thợ bạc làm trang thờ Đi-anh ngày càng ế ẩm.

Sở dĩ người chưa tin Chúa nhiệt thành cúng thờ hình tượng là vì lợi lộc mà các tà thần đem lại cho họ để dẫn dụ họ tiếp tục thờ cúng chúng. Nhưng nay quyền lực của Đi-anh bị suy sụp do hai đẳng cấp kia đã bị đánh bại; cho nên, số người trước đây thờ lạy tà thần nầy bây giờ bị giảm bớt, người ta không thờ cúng thứ thần chẳng còn linh nghiệm nữa.

Vì vậy, sự ế ẩm của nghề thợ bạc làm hình tượng bắt nguồn từ lý do ngày càng ít người mua trang thờ. Muốn cứu vãn tình trạng suy sụp, Đi-anh bèn xúi giục Đê-mê-triu khích động đám thợ bạc ế khách (25–28).

Nói rằng quyền lực của tà thần bị sụp đổ thì không có nghĩa là tà thần hay tà linh cai trị khu vực đó bị tiêu diệt, mà là quyền lực để thi thố các mưu ma chước quỷ lừa dối của chúng đã bị vô hiệu hoá.

Sở dĩ người ta thờ thần tượng vì có lúc chúng thi hành một số việc siêu nhiên đem lợi lộc đến cho những người thờ cúng; mà lợi lộc là động lực mạnh nhất hấp dẫn loài người. Những thủ đoạn của chúng là dùng lợi lộc vật chất để trói buộc người thờ cúng. Và điều người ta sợ hãi nhất là mất mát của cải, buôn bán thua lỗ hay bị giảm thu nhập.

Đối với rất nhiều người, kể luôn một số người đã tin Chúa, thì phước hạnh đồng nghĩa với sự sung túc của cải vật chất, quyền lợi và danh vọng trên đời. Quyền lực tà thần Đi-anh ở Ê-phê-sô chỉ bị suy yếu chứ chưa mất hẳn.

Mặc dù người Do-thái và người Hy-lạp ở toàn vùng Tiểu Á đã được nghe đạo Chúa, nhưng vẫn còn vô số người chưa tin nhận Đức Chúa Giêxu và phúc âm của Ngài. Do đó, những người ấy vẫn bị tà thần Đi-anh cai trị và điều khiển; hắn giục “những người thợ nổi giận, lớn tiếng reo hò: ‘Vĩ đại thay, nữ thần Đi-anh của người Ê-phê-sô!’ Cả thành phố đều rối loạn. Dân chúng cùng nhau kéo tới rạp hát, bắt theo hai bạn đồng hành của Phao-lô là Gai-út và A-ri-tạc, người Ma-xê-đoan” (28–29).

Nếu loài người còn biết lợi dụng tâm lý ‘tự-ái địa-phương’ để khích động quần chúng, thì tà thần làm việc đó giỏi hơn bội phần. Cho nên, tiếng hô: ‘Vĩ đại thay nữ thần Đi-anh của người Ê-phê-sô!’làm cho “cả thành phố đều rối loạn.” Rạp hát lộ thiên hình bán nguyệt ngày xưa có các bậc thang bằng đá từ thấp lên cao để ngồi, đủ sức chứa hàng chục ngàn người.

Mặc dù tính khí của Phao-lô là sẵn sàng đứng ra nhận trách nhiệm, nhưng Đức Thánh Linh đã dùng các môn đồ và bạn hữu của ông ngăn cản ý định ấy để giữ an toàn cho ông (30-31); bởi vì trong lúc “đoàn người náo loạn, kẻ gào thế nầy, người thét thế kia. Phần đông cũng chẳng hiểu vì sao mình đến họp” (32), mà Phao-lô, mục tiêu căm hờn của Đê-mê-triu và giới thợ bạc, lại xuất hiện để nói chuyện với dân chúng, chẳng khác nào đổ dầu vào lửa. Phao-lô nghe lời khuyên của các môn đồ và các bạn là các nhà lãnh đạo Tiểu Á, nên đã giữ mình không đến rạp hát lộ thiên.

Những người Do-thái lưu lạc lập nghiệp ở Ê-phê-sô vốn không trục trặc gì với người bản xứ. Nhưng khi tinh thần tự ái địa phương nổi dậy về lãnh vực tín ngưỡng, thì người Do-thái bỗng trở thành mục tiêu thù ghét vì giáo lý độc thần và giáo luật của Kinh-luật Môi se loại trừ người ngoại đạo ra khỏi sinh hoạt thờ kính Đức Chúa Trời, nếu những người ấy chưa chịu phép cắt bì cũng không vâng giữ hết các luật lệ của Kinh-luật Môi se.

Cho nên khi “trong đám đông có người cho là Alexander trách nhiệm, người Do-thái đẩy ông ra trước. Alexander lấy tay ra hiệu định lên tiếng biện hộ trước mọi người. Nhưng khi đoàn người biết ông là dân Do-thái, họ đồng thanh gào thét suốt chừng hai tiếng đồng hồ: ‘Vĩ đại thay, nữ thần Đi-anh của người Ê-phê-sô” (33–34).

Sự gào thét, tung hô vì kính trọng nữ thần Đi-anh là điều tà thần mong muốn và xúi giục dân Ê-phê-sô thực hiện, để trả mối thù bị đánh bại và tìm cách khôi phục tiếng tăm đã mất.

Cuộc náo loạn nầy cho thấy rằng cuộc chiến tranh trong linh giới không khi nào ngưng nghỉ. Chừng nào kẻ thù bị đánh bại hoàn toàn, phải chạy trốn, hay bị trục xuất ra khỏi khu vực, thì các nạn nhân của chúng mới được giải thoát khỏi ách kềm kẹp của ma quỷ.

Khi chúng ta cẩn thận để ý những lời nói của viên Thư-ký thành phố, thì mới hiểu tại sao nữ thần Đi-anh được người Ê-phê-sô tôn thờ như thế: “Đồng bào Ê-phê-sô! Ai cũng biết Ê-phê-sô là nơi giữ đền thờ nữ thần Đi-anh vĩ đại, và giữ tượng của nữ thần từ trời rơi xuống. Không ai chối cãi được điều đó” (35–36).

Đền thờ Artemis là một trong bảy kỳ quan kiến trúc của thế giới cổ đại được biết đến ngày nay. Nó rộng 93,500 Sqf, được chống đỡ bởi 127 cây cột cao 60 ft do nhiều hoàng đế dâng tặng. Có thể nói rằng không một kiến trúc tôn giáo nào trên thế giới so nổi với sự ngưỡng mộ, thờ cúng nhiệt thành và đầy lòng mê tín mà đền thờ Artemis thu hút được. Điều nầy cho thấy rằng đền thờ ấy là một trung tâm quan trọng và quyền lực của thế giới tối tăm vô hình.

Cái tượng của tà thần nầy lại từ trời rơi xuống, cho nên sự thờ cúng tà thần đầy vẻ huyền bí và sức thu hút đặc biệt. Tuy nhiên, lời nói của viên thư ký làm cho đoàn dân chưng hửng: “Vì những người được đồng bào giải đến đây chẳng trộm cắp gì của đền, cũng không xúc phạm nữ thần chúng ta” (37).

Họ vỡ lẽ ra là Đê-mê-triu và đồng nghiệp thợ bạc của anh ta là nguyên nhân của cớ sự. Họ đồng ý với đề nghị của viên thư ký là, nếu Đê-mê-triu và nhóm thợ bạc muốn kiện cáo ai, thì hãy để cho toà án và tổng trấn La-mã xét xử (38–39). Những người bị quân ngoại bang cai trị cũng sợ bị chính quyền đế quốc hạch tội nổi loạn vô cớ và hội họp vô trật tự (40–41).

Tà thần ‘Nữ-vương-trên-trời núp sau danh hiệu Diana hay Artemis bị thất bại hoàn toàn khi hắn định kích động dân chúng gây bạo loạn để hãm hại Phao-lô và ngăn trở đạo Chúa phát triển.

Về sau, khi sứ đồ Giăng đến làm giám mục ở Ê-phê-sô, ông đã vào thẳng trong đền Artemis ra lệnh đuổi nó khỏi khu vực. Đạo thờ Đi-anh bị tàn tạ trong suốt 50 năm sau sự kiện đó.

SachCongVu38.docx

Rev. Dr. CTB