Ngày Thứ Bảy và Sự Sáng Tạo Loài Người

Chúa Nhật, August 10th, 2014

Sáng Thế Ký, 07

Sáng Thế Ký 2:1–25

Ngày thứ bảy sau sáu ngày sáng tạo, Đức Chúa Trời không phán cũng không làm, hay tạo ra thứ gì mới. Tác giả chép: “Như vậy, trời đất và muôn vật đã được sáng tạo xong. Ngày thứ bảy, Đức Chúa Trời hoàn tất các công việc Ngài đã làm. Vì thế, vào ngày thứ bảy Ngài nghỉ. Ngài đã làm xong mọi công việc. Ngài ban phước cho ngày thứ bảy và thánh hoá ngày đó, vì vào ngày đó Ngài nghỉ sau khi đã làm xong mọi công việc sáng tạo. Đó là gốc tích sáng tạo trời và đất” (1–4). Tác giả nhắc lại ba lần rằng Đức Chúa Trời nghỉ ngơi, không làm việc trong ngày thứ bảy.

Xem lời văn của bản dịch trên, người đọc có thể sẽ tưởng rằng Đức Chúa Trời phải “hoàn tất các công việc Ngài đã làm” trong ngày thứ bảy, trước khi Ngài có thể nghỉ ngơi.

Bản Anh ngữ rõ ràng hơn về ý nghĩa: “Tới ngày thứ bảy [thì] Đức Chúa Trời đã hoàn tất công việc Ngài vừa làm; cho nên trong ngày thứ bảy, Ngài nghỉ ngơi khỏi mọi công việc của Ngài.”(By the seventh day God had finished the work He had been doing; so on the seventh day He rested from all His work. NIV).

Như vậy, công cuộc sáng tạo trời đất và muôn vật đã kết thúc. Nhưng phần đầu của Kinh-thánh chúng ta mới xem xét qua, chỉ là phần ký thuật rất tóm tắt về công cuộc sáng tạo.

Phần tiếp theo là chi tiết về việc tạo nên A-đam và Ê-va, thuỷ tổ của cả nhân loại, cùng cách thức loài thú được tạo nên và nguồn gốc các tên của chúng. Vì thế, đoạn 2 của sách Sáng Thế Ký không thể tách rời khỏi đoạn 1, mà phải được xem xét chung với nhau như một tổng thể của câu chuyện sáng tạo trời đất, muôn vật.

Đoạn 2 bắt đầu bằng sự mô tả tình trạng của đất trước khi tạo nên loài người: “Khi Giê-hô-va Đức Chúa Trời làm nên trời và đất, thì trên đất chưa có bụi cây nào mọc ngoài đồng và cũng chưa có ngọn cỏ nào mọc trong ruộng, vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời chưa cho mưa xuống đất, và cũng chưa có người cày xới đất đai. Nhưng có hơi nước từ dưới đất bốc lên, tưới khắp mặt đất” (4–6).

Đất trên cạn được tách ra khỏi nước của ‘ngày’ sáng tạo thứ ba, để thực vật, thảo mộc, động vật sống trên cạn, và chim chóc có môi trường sinh trưởng và hoạt động (1:9–10). Đất đã chuẩn bị xong nhưng vẫn còn rất hoang sơ, chưa có cỏ cây gì hết.

Sau khi đã tạo nên mọi thứ cần thiết cho sự sống của các loài thảo mộc, cá dưới nước, cầm điểu trên không, thú vật trên mặt đất, và đồ ăn cho mọi loài sinh vật, “Đức Chúa Trời lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sinh khí vào lỗ mũi, thì người trở nên một sinh linh” (7).

Thoáng đọc qua và so sánh với câu 1:27, thì người đọc thấy hai chỗ nói về sự sáng tạo loài người có phần khác nhau. Ở đoạn 1 thì nói người được dựng nên theo hình ảnh Đức Chúa Trời, đoạn 2 thì mô tả người được tạo ra từ bụi đất.

Ý của tác giả là dù cho người mang hình ảnh của Đức Chúa Trời, người vẫn là một loài được tạo nên như mọi loài khác, chứ không phải là một tạo vật từ trời đến.

Ký thuật nầy đánh tan các ý nghĩ cho rằng nguồn gốc loài người có thể liên hệ tới cõi thần. Vì người ra từ bụi đất của quả địa cầu, không phải từ bụi đất của một ngôi sao nào khác.

Mặc dù người ra từ đất, và sự tường thuật rất vắn tắt về sự xuất hiện của người, ngày nay khoa học đều biết vô số kết cấu tinh vi và phức tạp của cơ thể loài người là kỳ diệu và đáng kinh ngạc biết bao.

Vua Đa-vít phải thốt lên rằng: “Con cảm tạ Chúa vì con được dựng nên một cách đáng sợ và lạ lùng. Công việc Chúa thật quá diệu kỳ” (Thi thiên 139:14). Chỉ riêng hệ thống thị giác và thần kinh của loài người đã là quá sức tinh vi, nói chi đến cấu tạo của bộ óc và tư tưởng của con người chúng ta.

Lúc ấy, “Giê-hô-va Đức Chúa Trời lập một khu vườn tại Ê-đen, ở hướng đông, và đặt người mà Ngài vừa dựng nên ở đó” (8).

Với quyền năng sáng tạo, Đức Chúa Trời có thể làm ra mọi thứ Ngài muốn. Nhưng khu vườn Ê-đen có lẽ đã được lập sẵn để khi con người được dựng nên thì có chỗ ở sẵn sàng rồi.

Các thứ cây Chúa đã khiến cho mọc lên trong vườn vừa đẹp mắt vừa ăn ngon miệng (9). Nhưng ở giữa vườn thì có hai cây đặc biệt: Cây sự sống và cây biết điều thiện và điều ác.

Vùng đất được mô tả là địa điểm của vườn Ê-đen hiển nhiên là thuộc vùng Trung Đông ngày nay. Nhưng chính xác ở chỗ nào thì không ai tìm được. Vì hai con sông Tigris và Euphrates tuy vẫn còn đó, nhưng hai con sông Pishon và Gihon thì đã biến mất (10–14).

Con người đầu tiên được Chúa đặt vào cảnh vườn Ê-đen chẳng phải để rong chơi, mà để “canh tác và gìn giữ vườn” (15). Không hiểu ý tác giả muốn nói gì về công việc của A-đam là canh tác và gìn giữ vườn. Bởi vì thuở ấy chưa có dụng cụ gì để trồng tỉa, và cũng chẳng có ai khác tới phá phách khu vườn cả.

Chúng ta không biết khi A-đam từ bụi đất trở thành một người sống, mở mắt ra thấy cảnh vật xung quanh, thì trí óc của ông suy nghĩ những gì? Ông có ngạc nhiên và thắc mắc về sự hiện hữu của mình không? Rồi khi nếm các thứ trái ngon thì ông nghĩ gì?

Điều kỳ diệu là Chúa đã ban cho ông khả năng nghe và hiểu lời dặn của Ngài, kể cả sự chết: “Con được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn, nhưng về trái của cây biết điều thiện và điều ác thì con không được ăn, vì ngày nào con ăn trái cây đó, chắc chắn con sẽ chết” (16–17).

Chắc chắn rằng tác giả kể chuyện đặt tên các loài thú vật và cầm điểu chung với sự tạo nên người nữ là có định ý. Bởi vì khi A-đam đặt tên cho mọi loài thì ông đều thấy chúng có đôi, đực cái, trống mái.

Về phần ông chỉ có một mình, rất cô đơn. A-đam biết ông cần có một người đồng loại làm bạn đời (18–20). Nhưng chẳng có loài thú vật nào có thể làm bạn với ông về mọi nhu cầu của ông.

Tâm lý đơn côi cũng là một điều diệu kỳ mà Đức Chúa Trời đặt vào lòng của con người đầu tiên. Nhờ đó, A-đam và Ê-va gắn bó với nhau từ ngày họ được dựng nên, và được Đức Chúa Trời thiết lập cuộc hôn nhân đầu tiên giữa hai người nam và nữ.

Ở đoạn trước (1:27), tác giả kể chuyện Đức Chúa Trời dựng nên người nam và người nữ theo hình ảnh của Ngài. Qua phần nầy, khi Chúa dựng nên một người nữ từ cái xương sườn của người nam là A-đam, rồi đưa đến cho người nam, thì A-đam nhận ra đồng loại, vì người nữ có hình ảnh giống như ông vậy (21–23).

Nghĩa là cả hai người đều có đầu, mình, tứ chi, và đi, đứng thẳng trên hai chân, khác hẳn mọi loài thú vật mà A-đam đã thấy, khi Đức Chúa Trời đưa chúng đến để ông đặt tên cho chúng. “A-đam nói: ‘Bây giờ mới có người nầy, là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi. Nàng sẽ được gọi là người nữ, vì từ người nam mà có’” (23).

Điều rất đáng để ý là A-đam nói rất thuần thục; nghĩa là ngôn ngữ mà A-đam dùng để nói là thứ ngôn ngữ đã phát triển cao. Chứng tỏ rằng cách nhìn thế giới của A-đam đã rất phát triển, rất khác với ngôn ngữ nghèo nàn của nhiều quần thể sắc tộc hay bộ tộc sống biệt lập với xã hội ngày nay.

Về vấn đề nầy, các nhà nghiên cứu về ngôn ngữ và tập tục văn hoá cho biết rằng, ngôn ngữ chỉ phát triển trong một nền văn hoá đã phát triển. Ngược lại, chính ngôn ngữ chung của các tập thể người, mới có thể tạo nên một nền văn hoá dựa trên ngôn ngữ ấy.

Điều kỳ diệu ở đây là A-đam vừa mới được dựng nên đã sở hữu một vốn ngôn ngữ rất phong phú, mà không cần phải trải qua một chiều sâu văn hoá cần phải một thời gian dài mới có.

Tác giả thuật lại lịch sử tổ tông loài người khi vừa được dựng nên, thì họ đã được ban năng lực suy nghĩ và sở hữu vốn ngôn ngữ phong phú.

Hơn thế nữa, A-đam và Ê-va đã vui hưởng tình yêu vợ chồng từ lúc họ mới gặp nhau. Tác giả chép rằng: “Bởi vậy, người nam sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai trở nên một thịt. A-đam và vợ, cả hai đều trần truồng nhưng không thấy ngượng ngùng” (24–25).

Loài người đã được dựng nên và xuất hiện trên trái đất một cách thình lình; trước đó không có một giống động vật nào tương tự để tiến hoá thành con người như hiện nay.

Và, nếu tiến trình tiến hoá là có thật, thì nó vẫn phải tiếp tục xảy ra đối với mọi loài có sự sống trên quả địa cầu. Vì sự sinh đẻ con cái là một tiến trình tự nhiên, là chu kỳ của mọi đời sống.

Chỉ Đức Chúa Trời mới có thể sáng tạo các sinh vật và ban cho chúng sự sống.

SangTheKy07.docx

Rev. Dr. CTB