Sự An Nghỉ Cho Dân Đức Chúa Trời

Thư Hê-bơ-rơ, bài 06

Hê-bơ-rơ 4:1–16

Lịch sử cổ đại của dân Do-thái, từ thời các tổ phụ kiều ngụ ở Ai-cập tới ngày thiết lập vương quốc riêng, có thể chia thành hai giai đoạn chính: Thời kỳ 40 năm lang thang trong hoang mạc sau khi được Chúa giải thoát khỏi cảnh nô lệ tại Ai-cập, và thời kỳ thành một quốc gia có bờ cõi lãnh thổ trong miền đất hứa.

Trong thời kỳ thứ nhất họ đã có nhiều lần nổi loạn chống nghịch Đức Chúa Trời mỗi lần họ lâm vào cảnh khó khăn, hay khi đóng trại lâu ngày tại một chỗ và sống bình yên không sợ bị quân thù tấn công.

Thời kỳ thứ hai là những năm sau khi được vào đất hứa, chiến thắng mọi kẻ thù, có đầy đủ mọi điều, và bình an định cư ở quê hương mới.

Điều kỳ diệu là những sự kiện đã diễn ra trong lịch sử của người Do-thái, tuyển dân của Đức Chúa Trời, từ ngày họ ra khỏi xứ Ai-cập, là biểu tượng phản ảnh vô cùng chính xác về hành trình tâm linh của tất cả con dân Chúa trong thời Tân-ước cho tới ngày nay. Hai giai đoạn lịch sử ấy là hình ảnh tượng trưng cho hai loại tín hữu thời bây giờ.

Sự kiện người Do-thái được cứu khỏi Ai cập, đi lòng vòng 40 năm trong hoang mạc, rồi ngã chết trước khi tới đất hứa; là hình ảnh tượng trưng cho những Cơ-đốc-nhân tiếp nhận ơn cứu độ của Chúa, được Ngài giải thoát khỏi nếp sống nô lệ cho tội lỗi; nhưng họ có đời sống tâm linh hoàn toàn khô hạn, chưa khi nào hưởng một nếp sống tâm linh sung mãn, phong phú các ân tứ thuộc linh như lời Chúa hứa trong Kinh-thánh.

Loại tín hữu thứ nhì là hình ảnh của hội chúng Do-thái được vào đất hứa, tiêu diệt tất cả các kẻ thù khổng lồ hùng mạnh, được hưởng một xứ đượm sữa và mật.

Loại tín hữu nầy kinh nghiệm được một cách cụ thể những lời hứa của Đức Chúa Trời dành cho người vâng lời Chúa và nương cậy sức Ngài. Chẳng những họ có đời sống tâm linh phong phú trong quyền phép của Đức Chúa Trời, mà còn được sở hữu các ân tứ của Đức Thánh Linh và vận hành trong các ân tứ ấy.

Mục đích của đoạn Kinh-thánh nầy là nhắc nhở và cảnh cáo loại tín hữu chỉ mới được hưởng ơn cứu độ của Chúa, mà vì sợ các kẻ thù trong linh giới, không dám tin những lời Chúa hứa dành cho những ai vâng lời Ngài; cho nên, không chịu nỗ lực đi vào ‘đất hứa’:

Vậy, trong khi lời hứa cho vào nơi an nghỉ của Ngài vẫn còn đó, chúng ta hãy lo sợ, kẻo có người nào trong anh em bị bỏ rơi chăng” (1).

Chỉ một Phúc âm được rao giảng cho mọi người. Kinh-thánh chỉ dạy một Đức Thánh Linh ban ân tứ giống nhau cho mọi tín hữu. “Thật ra, chúng ta được nghe rao giảng Tin- lành cũng như họ đã nghe, nhưng lời họ nghe không đem lại lợi ích gì, vì khi nghe, họ không lấy đức tin lĩnh hội lời đó” (2). Nghe bằng đức tin là yếu tố quyết định sự an nghỉ của con dân Chúa.

Tác giả phân tích lời Chúa phán về nơi an nghỉ mà người Do-thái vô tín sẽ không được nhận vào, thì không phải là sự nghỉ ngơi trong ngày Sa-bát của luật pháp Môise (3–4). Vì “trong đoạn sách trên, ta còn thấy có câu: ‘Chúng nó sẽ chẳng vào nơi an nghỉ Ta’” (5).

Sự không vâng lời là nguyên do bị loại trừ: “Như thế, có một số người sẽ vào nơi an nghỉ đó, còn những người trước kia đã được nghe rao giảng Tin-lành, nhưng không vào được vì họ không vâng lời” (6).

Sự an nghỉ mà Chúa hứa cho dân sự Ngài cũng không phải là xứ Ca-na-an ngày xưa, hoặc nước Israel ngày nay, mà là thiên đàng, nơi an nghỉ của Đức Chúa Trời (7–10).

Nếu thiên đàng là nơi an nghỉ mà Đức Chúa Trời hứa cho những con cái hay vâng lời, thì những người không được vào sự an nghỉ của Ngài ắt hẳn phải bị ở một nơi nào đó không được vui vẻ gì hết.

Ai chịu suy gẫm về sự thật nầy sẽ nhận ra quan điểm về cách sống đạo của mình từ trước tới giờ là đúng hay sai.

Như người Do-thái ngày xưa được Chúa cứu ra khỏi phận làm nô lệ ở xứ Ai-cập, thì hạnh phúc tương lai của họ vẫn chưa hoàn tất. Họ phải vâng lời Ngài tiến vào chinh phục miền đất hứa, đánh đuổi và tiêu diệt hết những dân tộc mà Chúa đã ra lệnh cho họ phải tiêu diệt; bởi vì những dân tộc ấy đã phạm các tội ác kinh tởm mà đất phải mửa họ ra (Lê-vi-ký 18:28).

Cũng vậy, nhận được ơn cứu rỗi mà nếp sống đạo khô hạn như lòng vòng trong hoang mạc là đời sống bị thất bại thê thảm và không hi vọng gì được vào nơi an nghỉ của Đức Chúa Trời.

Chúng ta phải tin các lời hứa đầy phước lành của Chúa, tiến vào chinh phục miền đất hứa đầy kỳ thú của các ân tứ Đức Thánh Linh; nhưng khi làm như vậy, chúng ta phải tiêu trừ hết các thói hư tật xấu của bản tính thiên nhiên.

Cậy uy quyền của Danh Đức Chúa Giêxu Christ, người Naxarét, mà trói buộc và trục xuất tất cả các thứ tà uế linh vốn cai trị mình trước đây, hay đang ẩn náu trong phong tục, tập quán, trong thói quen của bà con bạn bè, hoặc đang hoành hành trong các trào lưu thời thượng của xã hội.

Con cái Chúa không thể chiều theo bất cứ phong trào hay hoạt động nào trái ngược với đức thánh khiết của Đức Chúa Trời.

Như tác giả khuyên giục: “Cho nên, chúng ta hãy cố gắng vào nơi an nghỉ đó, để không một ai theo gương của người không vâng lời mà bị sa ngã” (11). Nhưng làm cách nào thì được gọi là cố gắng vào nơi an nghỉ?

Phần đầu của thư Hê-bơ-rơ đã nói qua, và phần sau sẽ nói rõ hơn về vai trò của Đức Chúa Giêxu đang làm trên thiên đàng là Vua và Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm; cố gắng vào nơi an nghỉ có nghĩa là chúng ta phải biết rõ điều đó; vì sau khi tiếp nhận ơn cứu rỗi và được tha tội, chúng ta phải nhận Ngài làm Vua của lòng mình để vâng theo sự dẫn dắt của Ngài.

Đức Chúa Giêxu đã làm Đấng đi trước vào nơi Chí Thánh để dẫn con dân Ngài vào theo. Nghĩa là nhờ hiểu biết điều đó, chúng ta dạn dĩ tới trước ngai của Đức Chúa Trời để tương giao thân mật với Ngài.

Qua mối tương giao ấy, Đức Chúa Giêxu sẽ làm phép báp têm Đức Thánh Linh cho chúng ta và ban cho ta các ân tứ của Đức Thánh Linh, để chúng ta có đủ quyền phép và năng lực sống một ‘nếp sống trời trên mặt đất.

Không phải chúng ta tự luyện tập khả năng, nhưng vì Đức Chúa Giêxu đang là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm trên trời, Ngài có thừa quyền năng để duy trì nếp sống trời trong con dân của Ngài.

Ngài cũng giúp chúng ta duy trì mối tương giao thân mật với Đức Chúa Trời; nhờ đó, chúng ta có thể vào sự an nghỉ của Đức Chúa Trời, vì chúng ta được dính liền với Đức Chúa Giêxu, tức là ở trong Ngài (Giăng 15:4–5; 14:21, 23). Bí quyết là tin các lời hứa của Ngài.

Muốn biết các lời hứa của Đức Chúa Giêxu thì phải đọc Kinh-thánh và suy gẫm rồi ghi nhớ trong tâm khảm mình. Chính lời của Chúa sẽ tác động, “vì lời của Đức Chúa Trời sống động và quyền năng, sắc bén hơn mọi gươm hai lưỡi, xuyên thấu đến nỗi phân chia hồn, linh, khớp, tuỷ, xét đoán tư tưởng và ý định trong lòng. Chẳng vật gì có thể che giấu Đức Chúa Trời, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mắt Ngài, là Đấng chúng ta phải khai trình mọi việc” (12–13).

Đừng ai ngã lòng khi tập tành đọc Kinh-thánh mà thấy khô khan, khó hiểu vì chưa có mối tương giao với Chúa. Ai chưa thật lòng đầu phục Ngài, nghĩa là chưa biết mình cần ơn cứu độ từ trời giải thoát mình ra khỏi con người tội lỗi và gian ác thì có tâm lý như vậy.

Khi biết số phận bi đát mình sẽ phải chịu, thì người ta mới thấy họ cần một Đấng Cứu Độ. Đức Chúa Giêxu trong vai trò “Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm lớn đã vượt qua các tầng trời” (14), đang làm Đấng Trung Bảo vừa cứu giúp, vừa cầu thay, vừa biện hộ cho con dân Ngài trước mặt Đức Chúa Trời.

Ngài sẽ chỉ dẫn và dạy dỗ những ai thành tâm ăn năn tội lỗi chịu nhận Ngài là Đấng Cứu Tinh, để ban Thần Linh của Ngài, tức là Đức Thánh Linh, dạy cho chúng ta hiểu và áp dụng lời Kinh-thánh.

Vì Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của chúng ta không phải là Đấng không biết thương cảm các nỗi yếu đuối chúng ta, nhưng Ngài đã chịu cám dỗ đủ mọi mặt như chúng ta, mà không hề phạm tội” (15).

Đức Chúa Trời đã sai Ngôi Lời của Ngài xuống trần gian làm một Người có xương thịt để có thể cảm thông loài người. Đấng đó thấu rõ lòng con người xác thịt, vì Ngài đã chịu sự cám dỗ và thử thách y như chúng ta, nhưng Ngài không hề phạm tội.

Khi chúng ta nhờ Ngài dẫn đến gần Đức Chúa Trời, chúng ta có thể yên tâm là Ngài thông cảm và chịu đựng con người yếu đuối của chúng ta; vì Ngài đã trải qua hết rồi.

Nhờ Đức Chúa Giêxu dẫn dắt, “chúng ta hãy mạnh dạn đến gần ngai ân điển, để được thương xót, tìm gặp ân điển và được giúp đỡ mỗi khi có cần” (16). Hãy đến để kinh nghiệm sự nhân từ và thương xót của Đức Chúa Trời tại ngai ân điển của Ngài.

ThuHeboro06.docx

Rev. Dr. CTB