Tuổi Già Của Áp-ra-ham

Sáng Thế Ký, bài 31

Sáng Thế Ký 23:1 – 24:9

Sa-ra là người đàn bà duy nhất được nêu lên số tuổi thọ trong Kinh-thánh. Bà được dành cho vinh dự đó vì bà là tổ mẫu của dòng giống người Hê-bơ-rơ (1; Ê-sai 51:2). Lúc sinh Y-sác, bà đã 90 tuổi, nên lúc bà qua đời tại Kirjat Arba, thì Y-sác đã được 37 tuổi.

Trong những người đàn bà đã từng sống trên đời vào thời Kinh-thánh, chỉ một mình Sa-ra được nêu lên số tuổi thọ và được tôn vinh là mẹ của những người đức hạnh và trung tín (1Phi-e-rơ 3:4–6). Thời gian trôi qua nhanh chóng; gia đình Áp-ra-ham ở đó cũng đã nhiều năm.

Về sau, Kirjat Arba được đặt tên là Hebron, một thành rất cổ, được xây dựng bảy năm trước thành Zoan của Ai-cập. Arba là cha của Anak, người khổng lồ.

Hơn 500 năm sau, khi dân Israel ra khỏi Ai-cập, thì thành nầy vẫn còn dòng dõi khổng lồ của Anak cư ngụ, nhưng họ bị Ca-lép của chi tộc Giu-đa tiêu diệt (Giô-suê 15:14).

Cuộc đời của bà Sa-ra đáng được quý bà, quý chị em con cái Chúa ngày nay lấy làm gương và noi theo. Bà đã hoàn toàn vâng phục chồng theo tục lệ của người thời đó; dù chồng bà là anh cùng cha khác mẹ, và nhan sắc của bà thì ít người sánh kịp; nhưng không vì thế mà bà tỏ ra ương ngạnh hoặc hờn dỗi với chồng khi gặp điều không vừa ý.

Hai lần bị đưa vào hậu cung của những ông vua háo sắc, bà vẫn vâng phục chồng và không một lời oán trách. Bà đã sống đoan chính nết na, không một tiếng xấu nào về tiết hạnh của bà. Nhưng khi cần phải cứng rắn đối với sự hỗn láo của A-ga, bà không ngần ngại nói với chồng về việc đó. Bà cũng không hành hạ đứa đầy tớ được bà đưa cho chồng làm vợ hầu khi chưa được phép.

Và khi Ishmael phạm lỗi vì bắt bớ Y-sác, thì bà cương quyết đuổi A-ga và Ishmael ra khỏi gia đình mình. Vì thế, Kinh-thánh dành cho bà một vị trí đặc biệt cao trọng trong tất cả những người đàn bà có tên trong Kinh-thánh.

Các học giả Kinh-thánh tin rằng lúc Sa-ra qua đời thì Áp-ra-ham đang ở Beer-Sheba, để Sa-ra và Y-sác ở lại chăm sóc bầy thú vật tại Mam-rê; cho nên, “Áp-ra-ham đến chịu tang Sa-ra và than khóc bà” (2).

Mặc dù ông sống ở đó đã lâu năm, người Hê-tít ở đó đã biết nhiều về những sự việc xảy ra cho gia đình ông ở Ai-cập, việc ông đánh bại đạo quân các vua phía đông, sự kết ước giữa ông với Abimelech, nhưng ông vẫn chỉ là một kiều dân chưa có một chỗ đất nào để chôn cất người thân của mình. Vì vậy, ông đến thương lượng với con cháu gia tộc Hếch để mua một mảnh đất làm mộ phần cho Sa-ra và cho cả ông sau nầy (3–4).

Nghe cách nói của con cháu gia tộc Hếch (5–6), người thời nay tưởng rằng họ thật lòng dành cho Áp-ra-ham một chỗ chôn miễn phí. Sự đối đáp qua lại, thật ra, là cách nói lịch sự của người thời đó mà thôi.

Áp-ra-ham biết điều ấy, nên ông làm đúng lễ nghi, thủ tục xin được mua đất làm mộ phần cho Sa-ra là cánh đồng có hang đá Machpelah (7–9), vì mộ phần trong hang đá là phong tục chôn cất thời bấy giờ.

Thời ấy, sự mua bán đất đai phải có người làm trung gian. Áp-ra-ham phải nhờ những người trong gia tộc họ Hếch làm áp lực để Ép-rôn bán cánh đồng Machpelah cho ông.

Ép-rôn, người Hê-tít, lại nói kiểu khách sáo sẽ tặng không cánh đồng có hang đá cho Áp-ra-ham (10–11). Áp-ra-ham hiểu sự khách sáo đó là thương lượng (12), nên ông cương quyết sẽ trả tiền để được quyền làm chủ cánh đồng và hang đá (13). Bởi vì, nếu ông không trả tiển để mua miếng đất đó làm sản nghiệp, thì về sau, mộ phần của Sa-ra chắc chắn phải dời đi chỗ khác.

Bấy giờ, Ép-rôn mới ra giá rất cao, vì biết rõ rằng Áp-ra-ham rất giàu có (14–15). Tiền bạc để trao đổi, mua bán vào thời bấy giờ thường dùng trọng lượng của bạc làm đơn vị. Bạc có giá trị cao đối với người thời Áp-ra-ham.

Bốn trăm ‘siếc lơ,’ hoặc shekel, thì tương đương với 4.5 kilogram theo cân lượng ngày nay. Ngay lập tức, Áp-ra-ham đồng ý với giá bán, “và trước sự chứng kiến của con cháu gia tộc Hếch, Áp-ra-ham cân cho Ép-rôn số bạc mà ông đã nêu là bốn trăm siếc lơ, theo cân lượng đang lưu hành trong giới con buôn. Vậy cánh đồng của Ép-rôn tại Mặc-bê-la, phía đông Mam-rê, gồm cánh đồng có hang đá và tất cả cây cối trong cánh đồng, được chuyển thành sản nghiệp của Áp-ra-ham trước sự chứng kiến của con cháu gia tộc Hếch, là tất cả những người có mặt tại cổng thành” (16–18).

Áp-ra-ham an táng vợ mình là Sa-ra nơi hang đá trong cánh đồng Mặc-bê-la, phía đông Mam-rê, tức Hếp-rôn, thuộc đất Ca-na-an. Như vậy, cánh đồng trong đó có hang đá đã được con cháu gia tộc Hếch chuyển nhượng cho Áp-ra-ham làm nơi an táng” (19–20).

Machpelah có nghĩa là đôi hoặc hang đá đôi, một nơi rất thích hợp làm mộ phần theo phong tục của người vùng Cận-đông. Về sau, cả Áp-ra-ham, Y-sác, và những tổ phụ, tổ mẫu của dân Israel đều được an táng trong hang đá đôi thuộc cánh đồng nổi tiếng nầy.

Bất cứ ai tin Đức Chúa Trời đều ước ao giống như Áp-ra-ham, là được “Đức Giê-hô-va đã ban phước cho ông trong mọi việc” (24:1). Không gì so bằng được Đức Chúa Trời ban phước trong mọi việc, bởi vì ai được Ngài ban phước sẽ không bao giờ thất bại.

Áp-ra-ham được ban phước là vì ông hoàn toàn đặt lòng tin vào Đức Chúa Trời và tuyệt đối vâng lời Ngài. Con dân Chúa ngày nay cũng sẽ được Chúa ban phước giống như vậy, nếu hoàn toàn đặt lòng tin và tuyệt đối vâng lời Ngài như Áp-ra-ham.

Điều đó không có nghĩa là sẽ chẳng có bão tố hay khổ nạn xảy ra trên bước đường đời chúng ta đang đi. Chúa không hứa theo cách loài người trấn an lẫn nhau, nhưng Ngài sẽ giải thoát khỏi các hoạn nạn trong đời sống những ai giữ gìn mối liên hệ mật thiết với Ngài. Nếu ai làm các việc tôn giáo chỉ để tìm phước, mà không ở trong Chúa, sẽ thất vọng.

Vào thời điểm Áp-ra-ham tìm vợ cho Y-sác thì ông đã 140 tuổi (25:20); nghĩa là Sa-ra đã qua đời được ba năm. Ông bắt người đầy tớ tin cẩn nhất phải lập lời thề không được thay đổi, là kiếm một người vợ cho Y-sác trong vòng bà con của ông ở quê hương ông, chứ không được cưới một người nữ Ca-na-an nào cho Y-sác (24:2–4).

Mặc dù Y-sác đã 40 tuổi, ông vẫn không có liên hệ gì với bất cứ người nữ nào mà cha mình không hài lòng. Có hai lý do khiến Áp-ra-ham muốn Y-sác phải cưới một người vợ cùng huyết thống trong vòng bà con và không được trở lại quê hương, là vì, đây là hai nguyên tắc để Áp-ra-ham và dòng dõi giữ được sự thịnh vượng:

Thứ nhất, phải giữ dòng giống là một dân tộc riêng biệt, không pha trộn với người Ca-na-an, để tiếp tục được Chúa ban phước. Bởi vì, nếu Y-sác cưới người Ca-na-an, thì có thể bị dẫn dụ thờ tà thần của vợ.

Thứ nhì, phải lưu lại xứ Ca-na-an, vì đây là đất mà Đức Chúa Trời hứa ban cho dòng dõi Áp ra-ham làm sản nghiệp. Nếu Y-sác trở về quê cha của mình, ông sẽ bị hoà lẫn với người ở đó, sẽ chẳng hơn gì con cháu của La-ban.

Hơn nữa, người ở quê hương của Áp-ra-ham vừa thờ cúng tà thần Sin, tức là nữ thần mặt trăng, và thờ các tượng teraphyim, tức là các thiên sứ canh giữ được sai xuống trần gian trước thời nước lụt. Đức Chúa Trời gọi Áp-ra-ham ra khỏi quê hương để ông không bị nhiễm sự ô uế của tệ thờ cúng tà thần; cho nên, đối với Áp-ra-ham điều thứ nhì là quan trọng hơn điều thứ nhất.

Khi người đầy tớ hỏi, nếu cô dâu không chịu về xứ Ca-na-an, thì ông có nên đưa Y-sác về quê hương cũ không? Áp-ra-ham trả lời quyết liệt: “Không! Đừng bao giờ đưa con ta về xứ đó!” (24:5–6), và, “dù thế nào, ngươi cũng không được đưa con ta về đó” (24:8).

Đã có kinh nghiệm đức tin và sự thành tín của Đức Chúa Trời, Áp-ra-ham quả quyết: “Giê-hô-va là Đức Chúa Trời trên trời, Đấng đã đem ta ra khỏi nhà cha ta và quê hương ta, đã phán và thề với ta rằng: ‘Ta sẽ ban cho dòng dõi con đất nầy!’ Chính Ngài sẽ đi trước ngươi, và tại đó ngươi sẽ cưới cho con trai ta một người vợ” (24:7).

Lòng tin của Áp-ra-ham vào đức thành tín của Đức Chúa Trời chính là bí quyết được Chúa ban phước cho ông. Nếu chúng ta ngã lòng khi chưa thấy điều mình mong mỏi được thành tựu, thì hãy xét lại đức tin của mình và mối tương giao thân mật với Chúa đang ở tình trạng nào.

Lời cầu xin, giờ đọc Kinh-thánh, các công việc tôn giáo khác, đều không thể thay thế lời Rhêma trực tiếp của Đức Thánh Linh cho ta.

Áp-ra-ham không buộc người đầy tớ mắc lời thề, nếu cô gái không chịu theo về xứ Ca-na-an. Để tay dưới đùi nghĩa là lời thề long trọng, vì gần nơi cắt bì, là giao ước vĩnh viễn của Chúa với Áp-ra-ham (24:8–9).

SangTheKy31.docx

Rev. Dr. CTB

← Trở về Danh Mục Các Bài Sáng Thế Ký