Từ Ngục Tối Lên Đỉnh Vinh Quang

Sáng Thế Ký, bài 44


Sáng-thế-ký 41:1–57

Chắc chắn Giô-sép phải ở tù một quãng thời gian nào đó trước khi được quản ngục giao cho nhiệm vụ quản lý các tù nhân. Vì vậy, trước khi viên quan tửu chánh được phục chức, không ai biết tổng cộng thời gian Giô-sép bị cầm tù là bao lâu.

Hai năm đã trôi qua, ông quan tửu chánh quên bẵng Giô-sép; chỉ đến khi tinh thần vua Ai-cập bị xao động vì hai chiêm bao khó hiểu (1–8), thì ông quan bội bạc nầy mới nhớ đến người nô lệ giải mộng tài ba. Lúc ấy đời tù Giô-sép kéo dài thêm (1).

Tính từ lúc bị bán sang Ai cập cho tới thời điểm nầy, thì Giô-sép bị xa nhà đã mười ba năm ròng rã (46). Thời gian dài hoạn nạn đầy đau khổ đó, chính là thời kỳ Đức Chúa Trời dùng để luyện tập Giô-sép cho chương trình mà Ngài đã định cho dòng dõi Gia-cốp, là dân tộc Do-thái.

Những giấc chiêm bao tiên tri từ Đức Chúa Trời đến đều khiến cho tinh thần của người thấy chiêm bao phải xao động và suy nghĩ rất nhiều về các giấc chiêm bao ấy. Vua Ai-cập cũng chẳng phải ngoại lệ; hai giấc chiêm bao có ý nghĩa giống nhau rõ ràng khiến tinh thần của ông vua phải bối rối.

Sông Nile là con sông lớn nhất ở Bắc-Phi bắt nguồn từ Ethiopia. Hạ lưu của nó chảy qua Ai-cập, tạo thành một vùng đồng bằng trù phú, trước khi đổ vào Địa Trung Hải. Cho nên, tên của con sông Nile luôn luôn tượng trưng cho nước Ai-cập.

Vậy, hình ảnh vua Ai-cập thấy mình đứng bên bờ sông Nile có nghĩa là điềm chiêm bao có liên quan đến vận mệnh của nước Ai-cập (1), và những cảnh trí, sự vật với các điều diễn tiến, đều mang ý nghĩa biểu tượng do Đức Chúa Trời đã ban cho Giô-sép hiểu biết các ý nghĩa của chúng (16, 25).

Pha-ra-ôn thấy “bảy con bò đẹp đẽ, béo tốt từ dưới sông đi lên, gặm cỏ trong đám sậy” (2). Ý nghĩa hình ảnh con bò đối với người Ai-cập là rất quan trọng; nó vừa tượng trưng cho tính chất trù phú, vừa là biểu tượng tôn giáo về đất và nông nghiệp.

Vì nước Ai-cập không có nhiều mưa; cho nên mùa màng của Ai cập lệ thuộc vào lượng nước chảy hàng năm của sông Nile tràn trề hay khô hạn. Hình ảnh các con bò béo tốt hay gầy còm dưới sông đi lên là biểu tượng về mức trù phú hay cằn cỗi của nền nông nghiệp Ai-cập.

Bông lúa là biểu tượng tự nhiên về sự phì nhiêu và tăng trưởng của kết quả sản xuất lương thực. Vì thế, hai giấc chiêm bao của Pha-ra-ôn đều liên quan tới nông nghiệp của cả nước Ai-cập (3–7).

Sau khi tỉnh giấc vì thấy bảy con bò gầy guộc nuốt gọn bảy con bò mập, vua ngủ lại rồi thấy bảy bông lúa lép nuốt bảy bông lúa tốt, vua “thấy đó là giấc mộng.

Ý tưởng do hai giấc mộng gây ra quá đặc biệt khiến vua muốn biết ý nghĩa thật của chúng là gì, “nhưng không một ai giải thích được ý nghĩa của giấc mộng đó cho vua cả” (8).

Điều nầy cho thấy rằng chỉ những người thuộc về Đức Chúa Trời, được Ngài ban cho khả năng hiểu biết, mới có thể giải nghĩa các điềm chiêm bao từ Chúa đến cho người.

Bấy giờ, viên quan tửu chánh mới nhớ lại chàng thanh niên Hê-bơ-rơ, người đã giải mộng cách chính xác cho mình (9–13).

Giô-sép bỗng được đem ra khỏi ngục, cạo râu, thay quần áo mới một cách bất ngờ, và vào chầu vua theo lệnh của Pha-ra-ôn (14).

Lần nầy, khi nghe vua khen: “Trẫm nghe nói rằng ngươi chỉ cần nghe kể lại giấc mộng là có thể giải nghĩa được” (15). Giô-sép không nhận mình có tài giải mộng mà quy vinh quang cho Đức Chúa Trời: “Đó chẳng phải hạ thần mà là Đức Chúa Trời sẽ đem lời giải đáp an lành cho bệ hạ” (16), ông đã tốt nghiệp trường đào tạo của Chúa.

Sau khi nghe Pha-ra-ôn kể lại hai giấc mộng (17–24), Giô-sép đã giải nghĩa rành mạch, hợp lý và chính xác (25–32).

Đối với hai vị quan trong lời giải mộng trước kia, Giô-sép giải nghĩa con số ba đều có nghĩa là ba ngày. Bây giờ, hai lần con số bảy thì đều có nghĩa là bảy năm; bởi vì biểu tượng con bò cái nói về thời gian và mùa. Mà mùa màng thì mỗi năm chỉ gieo trồng và thu hoạch một lần. Hình ảnh bông lúa cũng trùng hợp như vậy (26).

Ông nói đó là các chiêm bao tiên tri mà Đức Chúa Trời đã quyết định chúng phải nhanh chóng xảy ra (25, 32).

Trong tất cả các lời giải nghĩa chiêm bao và lời đề nghị chuẩn bị thu góp, tồn trữ lương thực để đối phó với bảy năm đói kém, Giô-sép tuyệt đối chẳng đề cập chút gì về mình, cũng không trình bày nỗi oan khuất lâu nay (33–36). Ông giao phó đời mình cho Đức Chúa Trời điều khiển và chỉ dẫn.

Chi tiết ấy chứng minh rằng trong hai năm sau cùng của đời tù, Giô-sép đã được Chúa hun đúc một nhân cách cao thượng, ban cho cơ hội tập luyện giải nghĩa các giấc mộng tiên tri cho những tù nhân khác.

Lời giải nghĩa chiêm bao và đề nghị của Giô-sép cứu toàn nước Ai-cập khỏi thảm họa bị nạn đói hủy diệt, khiến cho Pha-ra-ôn nhận biết Giô-sép là “một người có Thần của Đức Chúa Trời” (37–38); và cả nước ông không thể tìm đâu ra một người như vậy: “Vì Đức Chúa Trời bày tỏ cho ngươi biết tất cả những việc nầy, nên chẳng còn ai khôn ngoan sáng suốt hơn ngươi cả” (39).

Chỉ trong phút chốc, Giô-sép từ một nô lệ bị ở tù bỗng trở thành tể tướng của vua Ai-cập (40–43). Một khi chương trình của Đức Chúa Trời được bày tỏ ra, thì mọi việc phải xảy ra theo ý Ngài.

Pha-ra-ôn biết nhận xét rất chí lý: “Trẫm là Pha-ra-ôn (vua Ai-cập), nhưng nếu không có lệnh của ngươi thì không ai trong cả đất Ai-cập nầy động đậy nổi tay chân” (44). Nghĩa là nếu không có Giô-sép lo thu góp, tồn trữ lương thực, thì nạn đói sẽ làm cho mọi người đều kiệt quệ.

Pha-ra-ôn đặt cho Giô-sép một tên khác: Xa-phơ-nát Pha-nê-ách (Zaphnath-paaneah). Tên nầy có vài nghĩa: “Lương thực của sự sống,” hay “lương thực của đời sống,” hoặc “cứu tinh của thế giới.

Rồi Pha-ra-ôn cưới cho Giô-sép một người vợ là Asenath, con gái của Potiphera, thầy tế lễ thành Ôn; tức là thầy cả của đền thờ thần mặt trời. Giô-sép làm rể của một gia-đình đầy thế lực của xã hội Ai-cập (45).

Vì là tể tướng, Giô-sép vẫn có quyền thờ kính Đức Chúa Trời. Vua và dân Ai-cập đều biết điều đó: “Ngươi sẽ cai trị nhà của trẫm, toàn dân của trẫm sẽ phục tùng mệnh lệnh của ngươi. Trẫm lớn hơn ngươi chỉ vì ngai vua mà thôi” (40).

Một số học giả dựa trên tâm lý nhát sợ của họ, cho rằng vì cưới con gái thầy tế lễ cả của đền thờ thần mặt trời, có lẽ Giô-sép phải tham dự các buổi lễ cúng tế của người Ai-cập. Không có bằng chứng nào về việc ấy.

Có lẽ Asenath là người nữ rất đẹp ở Ai-cập vào thời đó, vì vua Ai-cập quá yêu thương và nể trọng Giô-sép. Hơn nữa, Giô-sép là người rất đẹp trai.

Khi lên ngôi tể tướng, Giô-sép đã được ba mươi tuổi. Ông bắt đầu đi kinh lý toàn cõi Ai-cập suốt bảy năm được mùa dư dật (46–47). Ông thực hiện kế hoạch xây dựng những kho chứa lúa, tồn trữ vô số lương thực trong tất cả các thành. Lúa của đồng ruộng chung quanh thành nào thì được trữ trong các kho của thành ấy. “Giô-sép thu trữ lúa mì rất nhiều, nhiều như cát biển, đến mức ông không đong lường nữa, vì không thể đong lường nổi” (48–49).

Như vậy, Giô-sép đã hết sức chuẩn bị đối phó với nạn đói khủng khiếp sắp đến. Ông tin chắc lời ông giải nghĩa: “Giấc mộng của bệ hạ được lặp lại hai lần có nghĩa là Đức Chúa Trời đã quyết định điều đó rồi, và Ngài sẽ nhanh chóng thực hiện” (32).

Asenath sinh cho Giô-sép hai con trai trong thời bảy năm được mùa (50–52). Ma-na-se nghĩa là ‘quên đi nỗi khổ và nỗi nhớ nhà,’ Ép-ra-im là ‘hưng thịnh trong đất hoạn nạn.

Tại sao với quyền uy đầy đủ mà Giô-sép không dành thời gian về quê tìm cha? Có lẽ ông không muốn khơi lại lầm lỗi của mấy người anh phải bị trừng trị, hoặc vì tận tụy với công việc. Nhưng có lẽ lý do chính là vì ông vâng lời Chúa truyền dạy, chờ đợi sự ứng nghiệm của những chiêm bao tiên tri năm xưa. Vì thế ông không vọng động theo tâm lý của người bình thường.

Giô-sép đã cần mẫn và trung thành thực hiện nhiệm vụ của mình. Ông không để cho địa vị cao sang ru ngủ; bởi vì ông biết chắc những năm đói kém sẽ đến sau bảy năm được mùa dư dật, như chiêm bao tiên tri mà Đức Chúa Trời bày tỏ cho vua Ai-cập.

Dù người Ai-cập được biết việc thu góp và tồn trữ lương thực do Giô-sép thực hiện trong bảy năm qua, họ cũng chỉ dự trữ đủ cho gia đình họ dùng một thời gian ngắn (53–55).

Bài học nầy dạy chúng ta phải biết chuẩn bị khi còn cơ hội. Một khi thời sung túc không chuẩn bị đã đi qua, những ngày khốn khó kéo đến, thì không sự hối tiếc nào có thể thay đổi được tình thế.

Như lời tiên báo sau bảy năm được mùa dư dật, nạn đói tiếp theo quá lớn hoành hành trên khắp thế giới, không người Ai-cập nào còn nhớ đến thời kỳ sung túc nữa. Nhờ có Giô-sép mà nhiều người được cứu sống (56–57).

SangTheKy44.docx

Rev. Dr. CTB

← Trở về Danh Mục Các Bài Sáng Thế Ký