Sự Thánh Hóa Chắc Chắn

Chúa Nhật, September 27th, 2015

Trở Về Nền Tảng, bài 22


Rôma 8:1–9

Rôma 7:14–25, là phân đoạn Kinh Thánh diễn tả cuộc xung đột trong nội tâm của người sống dưới ách luật pháp, chưa được Đức Thánh Linh hướng dẫn. Họ luôn bị thất bại trước tội lỗi, vì vẫn nghĩ rằng sự giúp sức của Đức Thánh Linh trong đời nầy để thắng những ham muốn của xác thịt là không thể áp dụng được vì sẽ chẳng xảy ra!

Nhiều người trong số nầy thường xuyên áp dụng một số luật lệ của luật pháp Môi-se trong đời sống đạo; nhưng lại phạm những tội lỗi giống như các tội của người Pha-ri-si ngày xưa bị Đức Chúa Giêxu lên án (Luca 11:37–46).

Trong bài học tuần trước, chúng ta đã thấy các câu 7:1–6 nói rõ rằng tín đồ của Đức Chúa Giêxu chẳng còn liên hệ gì tới luật pháp Môise hết. Qua cái chết của Đức Chúa Giêxu, người tin đã chết đối với luật pháp (4) và cả với xác thịt (5–6).

Lời Phaolô nói: “Trước kia, khi chúng ta còn bị xác thịt chi phối, …” là ông nói về thời quá khứ; nghĩa là nếu chúng ta đã chết đối với luật pháp và xác thịt, thì hai điều đó chẳng còn thẩm quyền gì trên chúng ta nữa.

Những ai đã từng cố gắng làm theo luật pháp, dùng sức mình chống trả những sự ham muốn của xác thịt, là người hiểu tình trạng nầy rõ hơn ai hết.

Bởi vì người nào cố giữ luật pháp, chưa kinh nghiệm được sự ban cho ân tứ Đức Thánh Linh, thì tội lỗi và xác thịt là các quyền lực lúc nào cũng mạnh hơn.

Vậy thì, muốn chiến thắng được những tánh xấu của bản ngã và kềm chế được những sự đòi hỏi tội lỗi mạnh mẽ của xác thịt, chúng ta phải ở trong Đấng Christ để được Đức Thánh Linh dắt dẫn. Có nghĩa là mỗi người phải quyết tâm hợp nhất với Đấng Christ trong sự chết, chôn và sống lại của Ngài.

Sở dĩ chúng ta phải làm như vậy vì sức của xác thịt loài người không thể thực hiện nổi những điều luật pháp đòi hỏi. Nhưng, “điều gì luật pháp không làm được – vì luật pháp đã bị xác thịt làm suy yếu – thì Đức Chúa Trời đã làm: Đức Chúa Trời sai Con Ngài làm sinh tế chuộc tội, mang lấy thể xác giống như thể xác tội lỗi, và Ngài xử phạt tội lỗi trong thể xác” (Rôma 8:3).

Vì Đức Chúa Trời đã xử phạt tội lỗi trên thể xác của Đức Chúa Giêxu, cho nên người nào chân thành tiếp nhận Đức Chúa Giêxu làm Vị Cứu Tinh và Đấng Cứu Chuộc của riêng mình thì bắt đầu sống theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, hoàn thành được những điều luật pháp đòi hỏi (8:4).

Sở dĩ chúng ta không còn bị đoán phạt (8:1) –vì hình phạt đáng lẽ ta phải nhận chịu đã bị đưa vào quá khứ qua sự chết của Đấng Christ–mà nay chúng ta đã bước vào và đang sống dưới luật pháp mới, “luật của Thánh Linh, của sự sống trong Đức Chúa Giêxu Christ” (8:2).

Đức Chúa Giêxu đã thay thế chúng ta làm những điều luật pháp không làm được; và Đức Thánh Linh giúp con dân Ngài hoàn thành luật pháp mới khi họ bước đi theo sự dắt dẫn của Ngài (8:3–4).

Như vậy, những vấn đề Phaolô nêu lên về luật pháp Môise cho thấy, luật pháp ấy dù là thánh và tốt lành, nhưng đời sống nào chỉ làm theo luật pháp ấy mà thôi, thì không có gì bảo đảm sẽ đạt đến sự sống vĩnh cửu.

Trong thư của Phaolô gửi cho Hội Thánh ở Galati, ông nài khuyên tín hữu ở đó rằng: “Hãy bước đi theo Thánh Linh, đừng chiều theo dục vọng của xác thịt” (Galati 5:16).

Lý do mà mọi Cơ-đốc nhân phải làm như thế là “vì xác thịt ham muốn những điều nghịch với Thánh Linh, Thánh Linh chống lại xác thịt. Hai bên đối nghịch nhau, nên anh em không thể làm điều mình muốn” (Galati 5:17).

Trong câu trên, Phaolô nói về sự trái ngược giữa Đức Thánh Linh với xác thịt. Hãy để ý rằng không chỗ nào trong các thư tín của Phaolô mô tả đời sống Cơ-đốc-nhân dưới sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, là một đời sống mà người tín hữu phải tranh đấu triền miên với xác thịt.

Ý của ông là muốn nêu lên sự đầy đủ của Đức Thánh Linh cho dân sự của Đức Chúa Trời vào thời tận thế; quan điểm của Phao lô là, đối với các tín đồ của Đức Chúa Giêxu, thì thời đại xác thịt đã chấm dứt, cũng giống như việc không còn cần phải tuân theo luật pháp Môise.

Như Rôma 7:4–6 nói, với giao ước mới, Đấng Christ và Đức Thánh Linh đã kết thúc luật pháp và xác thịt, là hai thứ thuộc về thời đại trước và ngoài Đấng Christ.

Nói như vậy KHÔNG có nghĩa là người sống bởi Đức Thánh Linh sẽ không bị cám dỗ bởi đời sống cũ trong xác thịt, hoặc sẽ không bao giờ bị xác thịt làm cho vấp ngã. Họ vẫn bị cám dỗ, vẫn bị vấp ngã; nhưng khi họ ăn năn thì được tha thứ và được phục hồi hoàn toàn pharmaciemg.fr.

Chữ xác thịt mà Phaolô dùng ở đây là nói về bản chất tội lỗi, tức là đời sống cũ thất bại dưới luật pháp.

Vì thế, nếu trong chúng ta vẫn thường xuyên có những cuộc xung đột giữa các sự ham muốn tội lỗi của xác thịt, nghịch lại ý muốn bước đi theo Thánh Linh, thì có nghĩa là chúng ta vẫn tiếp tục cư xử theo những giá trị và quan điểm mà mình có trước khi tiếp nhận ơn cứu độ của Đức Chúa Trời, tức là đời sống của người chưa nhận biết Đấng Christ.

Vì vậy, ý của Phaolô là hãy chấm dứt kiểu sống đó đi, cổi bỏ con người cũ, mà mặc lấy người mới (Êphêsô 4:22, 24).

Lý do mà chúng ta phải mặc lấy người mới là vì: “Do tình yêu thương của Đấng Christ thôi thúc, chúng tôi nghĩ rằng: Nếu một Người đã chết vì mọi người, thì mọi người đều chết; và Ngài đã chết vì mọi người, để những người được sống không còn sống vì mình nữa, nhưng sống cho Đấng đã chết và sống lại cho mình. Cho nên, từ nay chúng tôi không còn nhận xét ai theo quan điểm người đời nữa, dù trước kia chúng tôi đã nhận biết Đấng Christ theo quan điểm người đời, nhưng nay không còn biết Ngài theo cách ấy nữa. Vậy, ai ở trong Đấng Christ là con người mới; những điều cũ đã qua, kìa, những điều mới đến!” (2Côrinhtô 5:14–17).

Sự sống lại của Đấng Christ và sự ban ân tứ của Đức Thánh Linh cho người tin đã thay đổi mọi điều. Cách sống cũ lấy cái tôi làm trung tâm, quan điểm sống hướng về thế giới vật chất, tức là quan điểm chú trọng về quyền thế, ảnh hưởng, sự giàu có, và khôn ngoan.

Quan điểm cũ ấy dù vẫn tiếp tục hoạt động trong nhiều tín hữu ngày nay, đã phải chấm dứt đối với những ai ở trong Đấng Christ. Trong thời đại Đức Thánh Linh thì tất cả những điều cũ đã qua rồi; những điều mới phải đến.

Với sự chỉ dẫn của Chúa thì những định nghĩa về những gì có giá trị đã hoàn toàn thay đổi. Năng lực của tín hữu không nằm ở bề ngoài, nhưng do Đức Thánh Linh, là Đấng ngự trong lòng người tin, để biến đổi con người bề trong thành hình ảnh của Chúa.

Tiếng kêu than tuyệt vọng của người vẫn thất bại trước quyền lực của tội lỗi “Thật khốn nạn cho tôi! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân thể chết chóc nầy?” Đã có câu trả lời reo mừng đắc thắng là “Cảm tạ Đức Chúa Trời, nhờ Đức Chúa Giê-xu Christ, Chúa chúng ta” (Rôma 7:24–25).

Quý anh chị em cần hiểu là, giống như sự cứu rỗi, sự thánh hoá là công việc của Đức Chúa Trời, chúng ta không tự mình làm được.

Trong địa vị người có tội trước mặt Đức Chúa Trời, tức là vi phạm luật pháp thánh của Ngài, khi chúng ta nhận thức tình trạng suy đồi cực độ của mình và không chút hi vọng có thể tự cứu, thì Chúa đã xưng chúng ta là công nghĩa khi chúng ta có đức tin nơi công tác cứu chuộc đã hoàn tất của Ngài, chứ không cậy chút nào vào các việc làm công đức của mình.

Cũng giống như thế, nhu cầu lớn nhất và quan trọng nhất của mọi tín hữu là nhận rằng mình hoàn toàn không thể sống đẹp lòng Chúa bằng sức riêng của xác thịt.

Chúng ta phải tin chắc rằng trong Đấng Christ, mình đã chết đối với tội lỗi và đã được sống lại trong một đời sống mới. Một khi đã tin quyết như vậy, thì Đức Chúa Trời thực hiện sự thánh hoá trên con dân Ngài bằng cách ban Đức Thánh Linh vào lòng người tin.

Đức Thánh Linh hành động trong lòng chúng ta để giúp chúng ta hình thành một ý thức mới là vừa muốn vừa làm theo ý Đức Chúa Trời (Phi-líp 2:13).

Tóm lại, con đường để đạt đến quyền năng thuộc linh là sự nhận biết tình thế tuyệt vọng của chính mình trước tội lỗi và bản ngã xác thịt của mình; sự thánh hoá là một kết quả chắc chắn nhờ vâng theo những bước đơn giản do Lời Chúa chỉ dẫn.

Bởi đức tin, chúng ta đã được xưng công nghĩa qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Giêxu. Cũng bởi đức tin, ta vâng theo sự chỉ dẫn của Chúa trong đời sống đạo mỗi ngày, thì chắc chắn chúng ta nhận được sự thánh hóa!

TroVeNenTang22.docx

Rev. Dr. CTB