Nhìn Xem Đức Chúa Giêxu

Chúa Nhật, October 11th, 2015

Trở Về Nền Tảng, bài 23

2Cô-rinh-tô 3:3–18

Đời sống thanh khiết của linh hồn đang bước trên tiến trình thánh hóa không phải chỉ là giữ tư tưởng trong sạch, mà vượt xa hơn điều đó. Thanh khiết là kết quả của sự hòa hợp tâm linh với Đức Chúa Trời (Oswald Chambers).

Điều nầy không có nghĩa là đời sống của người đang ở trong tiến trình thánh hóa sẽ hoàn toàn thanh khiết từ trong ra ngoài, không bị nhiễm một vết nhơ bợn nào; mặc dù tín hữu vẫn luôn nỗ lực sống đời thanh sạch. Bởi vì không ai có thể tránh được những lúc bị va quẹt với thế gian hôi hám quanh mình.

Đức Chúa Trời cho phép điều đó xảy ra, tuy Ngài sẽ bảo vệ con dân Ngài khỏi kẻ ác, chứ không che chở con cái Ngài khỏi bị ảnh hưởng của thế gian (Giăng 17:15–16).

Sở dĩ Đức Chúa Trời làm như vậy là vì, để qua đó các thánh đồ mới biết nhu cầu phải duy trì nhãn quan tâm linh không nhơ bợn trong đời sống thanh khiết của cá nhân mình.

Một điều rất thực tế mà mỗi con cái Chúa cần phải hiểu là: Mặc dù mọi việc Đức Chúa Trời cho phép xảy ra đều nhằm dạy dỗ chúng ta, nhưng mục đích của Ngài trong vấn đề nầy vượt quá các bài học mà chúng ta học được; bởi vì mọi việc ấy nhằm mục đích rèn luyện các đức tính, hay tính cách, của chúng ta cho ngày càng thích hợp với sự thánh khiết mà Đức Thánh Linh đặt trong lòng người đã nhận được sự tái sinh.

Nghĩa là chúng ta phải chịu cho tánh tình của mình thay đổi theo ý muốn của Đức Chúa Trời; mà sự thay đổi ấy chỉ diễn ra khi chúng ta dứt khoát quyết định mình phải thay đổi. Và không có bất cứ sự biện minh, biện hộ nào cho cá tánh cũ của mình.

Tại sao chúng ta phải luyện tập để thay đổi cá tánh của mình? Lý do phải thay đổi là vì nhãn quan thuộc linh của mỗi người ra sao là tùy thuộc vào các đức tính hay tính cách của người đó ra sao.

Đức Chúa Giêxu dạy rằng: “Phước cho ai có tâm hồn trong sạch, vì sẽ thấy Đức Chúa Trời” (Ma -thi-ơ 5:8). Cho nên, nếu trong đời sống hàng ngày mà chúng ta nhận ra đã có một chút khiếm khuyết nào trong mối tương giao giữa tâm linh ta với Đức Chúa Trời, thì hãy điều chỉnh ngay lập tức, đừng để bị trôi giạt xa hơn.

Dù cho có thể có những việc mà ta thấy là gấp gáp hay cần thiết phải làm, chúng ta cũng phải gác chúng qua một bên để giải quyết sai sót của mình trước đã.

Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta sự thanh khiết bởi ân sủng từ quyền tối thượng của Ngài. Tuy vậy, các thánh đồ vẫn phải cẩn thận canh chừng về rất nhiều điều.

Bởi vì trong nếp sống thể xác, chúng ta phải tiếp xúc với nhiều người khác, cũng như phải nghe các quan điểm khác với tư tưởng của mình; chúng ta dễ bị lây nhiễm sự ô uế của thế gian trong những việc mình không ngờ đến.

Hãy nhớ rằng, chẳng những chúng ta phải giữ gìn mối tương giao với Chúa trong nơi thánh của tâm linh mình, mà còn phải giữ cho đời sống bề ngoài của chúng ta, như hành lang của đền thờ, được hòa hợp hoàn toàn với sự thanh sạch mà Chúa ban cho chúng ta qua ân điển Ngài. Bởi vì sự hiểu biết của tâm linh chúng ta sẽ bị nhòe nhoẹt khi đời sống xác thịt bị hoen ố.

Nếu anh chị em muốn duy trì tình thân mật với Đức Chúa Giêxu, thì có một số điều hay việc mà chúng ta phải từ chối không làm, không nghe, không nhận, thậm chí không thèm suy nghĩ tới chúng.

Vào thời bây giờ, thì những điều ấy thật quá nhiều. Người thời nay ngày càng táo bạo hơn trong những phương diện mà loài người từ ngàn đời cho tới vài thế hệ trước đều biết là sai trật và xấu hổ. Chẳng phải khi có một số đông người ưa chuộng hay a dua theo các hành vi vô liêm sỉ, vô đạo đức, thì sẽ khiến cho những hành vi ấy trở thành chính đáng.

Các thánh đồ của Đức Chúa Giêxu Christ phải giữ vững lập trường do Chúa mình truyền dạy. Những người dễ bị chao đảo tư tưởng là những người chưa thật sự biết hay được Đức Thánh Linh dắt dẫn. Vì tuy có nhiều điều người đời chấp nhận, nhưng Đức Chúa Trời chẳng bao giờ chấp nhận.

Nếp sống thanh sạch đòi hỏi phải thanh khiết từ tư tưởng bên trong lẫn hành động bên ngoài. Làm thế nào để đạt được tình trạng ấy? Đây là lãnh vực mà chức vụ và công việc của Đức Thánh Linh hành động trong lòng các thánh đồ để thánh hóa họ.

Người ta không thể bắt chước cái gì mà họ chưa từng thấy. Vì thế, chúng ta không thể bắt chước những tính cách tuyệt vời của Đức Chúa Giêxu Christ khi chưa bao giờ thấy sự thể hiện của các tính cách ấy trước mắt.

Người Israel ngày xưa không dám nhìn vinh quang của Đức Chúa Trời phản chiếu trên mặt Môi-se, ông nhận được vinh quang ấy sau khi chuyện trò với Chúa mặt đối mặt suốt bốn mươi ngày (Xuất Ai-cập 24:18); vì dân Israel không chịu đựng nổi vinh quang ấy, nên Môi se phải lấy tấm màn che mặt mình (13).

Ngày nay, chúng ta được diễm phúc bội phần hơn dân Israel ngày xưa, vì mọi thánh dân đều nhờ huyết Đức Chúa Giêxu được phép vào nơi Chí Thánh để trò chuyện với Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 10:19).

Bất cứ ai đã dạn dĩ bước vào nơi Chí Thánh và tương giao với Đức Chúa Trời rồi, thì người ấy có thể biểu hiện được tính cách độc đáo nhất của Cơ-đốc-nhân là trở thành gương phản chiếu vinh quang Chúa cho người khác thấy.

Sẽ có câu hỏi nêu ra là: Làm thế nào để nhận được điều đó? Hãy nhớ lại rằng chúng ta được biến hóa nhờ quyền phép biến đổi của Đức Thánh Linh; và nhờ thường xuyên nhìn xem Đức Chúa Giêxu thì tín hữu trở thành tấm gương phản chiếu vinh quang của Ngài.

Cách chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa bây giờ là biểu hiện những tính cách tuyệt diệu của Ngài qua nếp sống hàng ngày của mình.

Nhìn xem Đức Chúa Giêxu không có nghĩa là tìm ảnh hay tượng mà người ta vẽ hay tạc về Ngài rồi chiêm ngắm, nhưng là suy gẫm về những tính cách tuyệt diệu mà Ngài đã bày tỏ khi còn làm Người trên thế gian, để cầu xin Đức Thánh Linh rèn luyện tâm tánh chúng ta theo các gương của Đức Chúa Giêxu.

Đồng thời chúng ta cũng phải rất cẩn thận đừng để cho bất cứ cái gì có thể làm hoen ố cái gương phản chiếu của lòng mình.

Trong hầu hết các trường hợp, những điều luôn luôn làm nhơ bợn và hoen ố gương trong lòng ta là những điều mà ta nghĩ là tốt. Bởi vì tốt không có nghĩa là tuyệt hảo; và những cái tốt sẽ ngăn trở điều tốt nhất, hoặc là kẻ thù của sự tuyệt hảo.

Chúng ta hãy thường xuyên suy gẫm, tự nhắc nhở, ngưỡng vọng sự thánh khiết, công nghĩa và yêu thương của Đức Chúa Trời; suy gẫm về cách đối xử nhân từ của Ngài dành cho chúng ta,  lấy đức nhân từ, yêu thương và thánh khiết của Ngài làm cái gương để tự soi mình vào đó.

Cũng mở rộng tâm linh tiếp nhận sự hiểu biết về Chúa, giống như “để mặt trần phản chiếu vinh quang Chúa như một tấm gương,” làm như thế chúng ta sẽ “được biến hóa giống như hình ảnh Ngài, từ vinh quang đến vinh quang, nhờ Chúa là Thánh Linh” (18).

Trong phân đoạn Kinh-thánh nầy, sứ đồ Phao-lô nêu bật lên sự xung khắc giữa cách giữ đạo theo văn tự, tức là theo nghĩa đen của từng chữ trong luật pháp Môi-se, với việc sống đời tin kính theo giao ước mới dưới sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh (6).

Vì luật pháp tuyên án chết đối với bất cứ ai không giữ trọn luật pháp ấy, mà chẳng người nào trong nhân loại có thể giữ trọn; nhưng Đức Thánh Linh ban cho người tin Đức Chúa Giêxu sự tự do tương giao với Đức Chúa Trời; nhờ đó, người ta mới có thể “để mặt trần” mà chiêm ngắm các mỹ đức tuyệt hảo của Đức Chúa Trời được bày tỏ qua Đức Chúa Giêxu.

Sự chiêm ngắm ấy sẽ khiến cho lòng tín hữu được biến đổi trở nên giống như hình ảnh Ngài. Khi chúng ta có thể phản chiếu vinh quang Chúa cho người ta thấy được, thì “từ vinh quang đến vinh quang” có nghĩa là đã được Ngài biến hóa. Như sứ đồ Giăng đã viết, “chúng ta sẽ giống như Ngài, vì chúng ta sẽ thấy Ngài như Ngài vốn có vậy” (1Giăng 3:2).

Bài học khó nhất đối với đời sống của mọi Cơ-đốc-nhân là học cách nào thường xuyên phản chiếu vinh quang Chúa như một tấm gương.

Không phải là chúng ta sẽ tiến lên từng mức độ vinh quang, nhưng là một tiến trình biến hóa bắt đầu bằng sự chiêm ngắm các mỹ đức vinh quang của Chúa, rồi sẽ thấy chốn tuyệt đỉnh cũng là vinh quang. Vinh quang sau sẽ là vương miện của vinh quang mà ta thấy hiện nay.

Việc sống một đời thanh khiết theo ý muốn của Đức Chúa Trời trong đời sống của mọi tín hữu không phải là quá khó khăn nếu chúng ta biết nhìn xem Đức Chúa Giê-xu trong cuộc sống mỗi ngày. Vì bắt chước các tính cách tuyệt hảo của Ngài chính là bí quyết.

TroVeNenTang23.docx

Rev. Dr. CTB