Sự Mặc Khải Vĩ Đại Nhất

Chúa Nhật, January 31st, 2016

Các Vấn Đề Căn Bản, bài 04


Hê-bơ-rơ 1:1–3

Từ khi tổ phụ đầu tiên của loài người là A-đam và Ê-va phạm tội không vâng lời và bị cắt đứt mối tương giao liên lạc với Đức Chúa Trời, thì Chúa vẫn không ngừng bày tỏ (mặc khải) về Ngài cho loài người, để nhân loại được biết Ngài là một Vị Cha vô cùng yêu thương, công nghĩa và thánh khiết như thế nào. (Mặc: khó hiểu, bí mật; khải: bày tỏ ra; mặc khải: bày tỏ điều bí mật khó hiểu).

Cách thức mặc khải của Ngài thì diễn ra từ thấp lên cao, từ đơn giản tới phức tạp. Có nghĩa là Ngài bày tỏ về Ngài từng bước một; giống như sự dạy học cho trẻ con từ lúc còn thơ dại cho tới khi lớn khôn, người ta phải dạy từ những điều rất căn bản rồi mới dần dần tiến lên những kiến thức về các lãnh vực cao và khó hiểu hơn.

Bởi vì nếu ai dạy trẻ con những vấn đề thuộc trình độ của người trưởng thành thì chúng sẽ không thể hiểu nổi.

Vì vậy, Đức Chúa Trời đã dùng các tiên tri, những người từ khi sinh ra đã có lòng khát khao tìm biết Đấng Tạo Hoá, nên họ được Chúa chọn để mặc khải về Ngài cho nhân gian, và họ sẽ truyền đạt những điều họ được bảo phải nói cho các đối tượng mà lời của Chúa bảo phải truyền lại.

Sẽ có người nêu ra câu hỏi là: ‘Tại sao Đức Chúa Trời không rao trực tiếp từ trời như tiếng loa cho mọi người đều biết, thay vì phải dùng các tiên tri?

Có ba lý do khiến Chúa không nói trực tiếp:

Thứ nhất, thính giác loài người sẽ không chịu nổi âm thanh tiếng phán của Ngài (Hê-bơ-rơ 12:19–20);

Thứ hai, lời của Thần Linh chỉ đến với tâm linh của những người được chọn để nghe và ghi nhớ lời ấy;

Thứ ba, vì tình yêu thuơng bao la nên Đức Chúa Trời không truyền bảo trực tiếp cho mọi người, bởi vì mọi sự không vâng theo lời phán trực tiếp của Thiên Chúa Tối Cao thì phải bị trừng phạt; mà sự ương ngạnh của loài người thì chắc chắn sẽ có.

Cho nên, Đức Chúa Trời phải dùng các tiên tri truyền đạt lại, để người ta còn cơ hội ăn năn hối lỗi và không bị trừng phạt ngay lập tức vì tội không vâng lời.

Chúa biết rằng thế nào người ta cũng khó tin lời nói của những vị tiên tri nầy; cho nên, Ngài bảo họ hãy công bố những điều Ngài sẽ làm, để khi các việc ấy diễn ra đúng như lời họ đã nói thì lúc ấy người ta mới tin rằng họ thật là những tiên tri nói lại những lời mà họ đã nghe Thiên Chúa truyền phán.

Vì lý do đó, “đời xưa, Đức Chúa Trời đã phán với tổ phụ chúng ta nhiều lần, nhiều cách, qua các nhà tiên tri” (1).

Theo cách hiểu bình thường của người ta trong lãnh vực giáo dục, khi các thầy giáo thấy học trò không hiểu điều mình dạy, thì họ vẫn thường thử vài phương cách khác nhau, rồi họ chọn cách nào hiệu quả nhất để áp dụng.

Đối với Đức Chúa Trời, thì Ngài dùng các đấng tiên tri, các phép lạ, các dấu hiệu đặc biệt, và cả quyền năng giải cứu để cho người ta có thể hiểu.

Nhưng khác với cách chúng ta vẫn nghĩ, Chúa là Đấng Toàn Năng và Toàn Tri, nên Ngài biết trước mọi việc sẽ xảy ra. Ngài cũng biết khả năng và tâm tính của loài người; cho nên, Ngài áp dụng sự mặc khải từ thấp lên cao dần.

Giống như thầy dạy toán học phải dạy từ căn bản cộng trừ, nhân chia, rồi lên đại số, hàm số; từ hình học phẳng lên hình học không gian, rồi lượng giác, tích phân và những phép toán phức tạp cao cấp hơn nữa. Đó là lý do mà chẳng ai dạy môn toán đại số cho học sinh lớp một cả.

Cũng vậy, Đức Chúa Trời phải giúp cho loài người hiểu dần dần về bản thể của Ngài qua thiên nhiên, rồi qua các vị tiên tri và qua các dấu kỳ phép lạ. Đến đúng kỳ hạn, Ngôi Lời của Ngài, tức là chính Ngài, xuống trần gian trong thể xác loài người.

Có người sẽ nghĩ rằng: “Tại sao Chúa không giáng trần trong hình thể vinh quang quyền uy của Ngài để mọi người trong nhân gian phải tin. Ngài đâu cần phải mang thân xác nhân loại rồi chịu chết thảm thương cho rắc rối?” Có ba lý do căn bản khiến Chúa không giáng trần kiểu ấy:

Lý do thứ nhất, Nếu Chúa giáng trần trong hình thể quyền uy và vinh quang, thì không người nào sống sót trước sự hiện diện vinh quang của Ngài để tin và được cứu (Xuất Ai-Cập 33:18–20).

Lý do thứ hai, người ta buộc phải tin vì sợ uy quyền của Chúa nhưng trong lòng sẽ không phục.

Lý do thứ ba, sự chuộc tội sẽ không thực hiện được, vì Đấng Tối Cao không thể chết; không ai giết được Đấng Toàn Năng cả.

Vì thế vào thời cuối cùng, Đức Chúa Trời phải thực hiện chương trình Ngôi Lời Nhập Thể để mặc khải chính Ngài cho nhân loại: “Vào những ngày cuối cùng nầy, Ngài phán với chúng ta qua Con Ngài. … Con là sự chói sáng rực rỡ của vinh quang Đức Chúa Trời, là hiện thân của bản thể Ngài” (2–3).

Khi mô tả Đức Chúa Giêxu là “sự chói sáng rực rỡ của vinh quang Đức Chúa Trời, là hiện thân của bản thể Ngài,” thì Kinh-thánh không có ý nói về sự chói sáng khủng khiếp của Đấng đã tạo nên các nguồn sáng vô cùng mạnh mẽ trong vũ trụ.

Vì nếu Đức Chúa Giêxu dùng vinh quang vốn có của Ngài mà hiện ra, thì chẳng người nào đến gần được. Nhưng sự chói sáng vinh quang mà Đức Chúa Giêxu đem đến thế gian là tình yêu bao la không bến không bờ của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại.

Lời Chúa trong Kinh-thánh cho biết rằng: Tình yêu ấy sẵn sàng tha thứ tất cả tội lỗi sâu đậm, xấu xa, bỉ ổi, đáng nhờm tởm nhất của nhân loại.

Tuy nhiên, để trả cái giá ấy thì Đức Chúa Trời phải bị tan nát lòng nhìn Ngôi Lời của mình bị loài người ô uế đóng đinh trên cây thập tự để giết đi. Tình yêu thương vĩ đại ấy là “hiện thân của bản thể Đức Chúa Trời.” Đấng Tối Cao vô tội đã bằng lòng nhận lãnh hình phạt án chết thay cho tội lỗi mà loài người chúng ta đã phạm xưa nay.

Đức Chúa Giêxu đã tới mặc khải cho loài người biết bản thể của Đức Chúa Trời là yêu thương. Đó là cách Đức Chúa Trời phán với chúng ta qua Con Ngài.

Ngôi Lời của Đức Chúa Trời ở thế gian trong thể xác loài người, nên tự xưng Ngài là Đức Chúa Con. Thời Cựu-ước, không một ai hình dung được huyền nhiệm nầy. Các nhà tiên tri, những người được sai công bố lời truyền dạy của Chúa, thì chẳng một ai được biết về huyền nhiệm Ngôi Lời của Đức Chúa Trời sẽ giáng sinh làm Người.

Các lời tiên tri chỉ nói tới lời hứa của Đức Chúa Trời sẽ phái một Đấng Thiên Sai, Mê-si-a, đến thế gian để cứu vớt nhân loại; mà người Do-thái vẫn đinh ninh là Đấng ấy sẽ sinh ra để làm vua, phục hồi vương quốc Israel hùng cường vào thời tận thế.

Huyền nhiệm nầy là vô cùng vĩ đại và sâu sắc. Không một giáo chủ nào của các tôn giáo loài người có thể đem so sánh được.

Họ không biết chân lý, không biết gì về nước Trời, không biết gì về con đường dẫn đến sự sống vĩnh cửu. Họ không phải là chân lý, không dẫn đường được, họ chỉ là loài người với tất cả những giới hạn của nhân loại mà thôi. Nếu Đức Chúa Giêxu không đến từ trời, thì lời dạy của Ngài về thiên đàng cũng mơ hồ như các giáo chủ khác.

Một lý do quan trọng khác là, sau khi nghiên cứu các điều răn của Đức Chúa Trời, người ta rất lưu ý tới lời nguyền rủa của điều răn thứ nhì về tội thờ cúng hình tượng.

Vì người nào làm điều đó là kẻ ghét Đức Chúa Trời cách vô cớ. Lời nguyền đó chép: “Đối với những kẻ ghét Ta, Ta sẽ vì tội đó của tổ tiên mà trừng phạt con cháu họ đến thế hệ thứ ba, thứ tư. Nhưng Ta sẽ ban ơn đến hàng ngàn thế hệ cho những người yêu mến Ta và vâng giữ các điều răn của Ta” (Xuất Ai-cập 20:5–6).

Đức Chúa Giêxu, Ngôi Lời của Đức Chúa Trời đã đến trần gian để giải tỏa lời nguyền rủa ấy cho người nào tin và nhận Ngài là Đấng Cứu Tinh của mình.

Sứ đồ Phao-lô nói:“Đấng Christ đã chuộc chúng ta ra khỏi sự rủa sả của luật pháp, Ngài trở nên Người bị nguyền rủa vì chúng ta, bởi có lời chép: ‘Ai bị treo lên cây gỗ đáng bị nguyền rủa’” (Galati 3:13).

Đức Chúa Trời đã hoạch định cho Ngôi Lời của Ngài giáng sinh đúng thời kỳ thịnh trị của đế quốc La-mã, một đế quốc vừa nổi lên cai trị cả thế giới mà người Tây phương biết đến thời ấy. Chính quyền của đế quốc La-mã là tác giả sáng tác kiểu hành hình đóng đinh trên cây thập tự. Đức Chúa Giê-xu đã đến thế gian đúng thời, không sớm, không muộn, để chịu bị đóng đinh chết treo trên cây gỗ, thay thế nhân loại nhận lãnh sự nguyền rủa của luật pháp thiên đàng, là món quà vô giá kèm theo ơn cứu rỗi và sự chuộc tội.

Theo thông lệ, món quà tặng chỉ trở thành sở hữu đối với người nào muốn nhận quà. Ai không nhận, lời nguyền rủa từ nhiều thế hệ tổ tiên vẫn còn trên người ấy và hàng chục thế hệ con cháu chắt chít của họ.

Tội lỗi là lãnh vực mà không người nào trong nhân loại có thể chạm tới; vì thế, mọi nhà hiền triết cùng các giáo chủ lỗi lạc đều bó tay, bởi họ cũng là các tội nhân trước mặt Thiên Chúa.

Chỉ có huyết của Con Người Giêxu vô tội, Ngôi Lời của Đức Chúa Trời, mới chạm đến tội lỗi và giải quyết nó được; vì “không đổ huyết thì không có sự tha thứ” (Hê-bơ-rơ 9:22b).

Tội lỗi không thể tự tiêu biến theo ước muốn của người phạm tội. Cho nên, tất cả các nỗ lực tu hành từ xưa tới nay đã thất bại và sẽ tiếp tục thất bại.

Nhưng Đức Chúa Trời đã sai Đức Chúa Giêxu, bản thể của Ngài, xuống thế gian làm một người trong nhân loại để bày tỏ sự chói sáng rực rỡ của vinh quang Đức Chúa Trời, là tình yêu thương vô bờ bến của một kế hoạch cứu độ siêu việt từ thiên đàng.

CacVanDeCanBan04.docx

Rev. Dr. CTB