Các Loại Tế Lễ (03)

temple%20slaughter_area_2

Lê-vi-ký, bài 04

Lê-vi-ký 5 – 6

Trong nếp suy nghĩ thường tình của đời sống, có một số việc mà chúng ta nghĩ là tốt hay cao thượng; nhưng đối với luật pháp của Đức Chúa Trời thì khác. Các trường hợp ở phần nầy (5:1–13) thì người vi phạm đều bị mắc lỗi.

Theo nguyên ngữ אלה (alah) đã được dịch là “việc mà mình đã thấy hoặc biết” thì có nghĩa là nghe hoặc chứng kiến lời chửi thề, chửi rủa hay phạm thượng của một người nào đó, mà mình đã tuyên thệ làm nhân chứng nói ra sự thật, lại từ chối không nói ra vì sợ làm phiền lòng người bạn, hoặc sợ bị thù hiềm.

Ai giấu giếm bằng chứng hay chỉ tiết lộ một phần sự thật thì phải chịu hậu quả. Bởi vì lời thề trước Chúa là thiêng liêng, không thể cậy ý riêng mà quyết định.

Việc chạm đến các vật ô uế, như xác chết thú rừng hay gia súc đã quy định là không tinh sạch, thì dù không biết, vẫn bị mắc tội. Thề thốt vô ý thức cũng vậy (5:1–4).

Những người mắc lỗi phải xưng nhận tội lỗi mình. Xưng nhận tức là nói rõ cụ thể việc mình vi phạm là gì và hạ mình cầu xin sự tha thứ. Để chắc chắn được tha thứ và chống lại tội lỗi trong tương lai là xưng ra chính xác sự thật, không giấu giếm điều gì (5).

Lễ vật để đền tội là một chiên cái hay dê cái từ bầy súc vật; nếu người ấy không sắm được thì nộp một cặp chim cu hay bồ câu con (6–7).

Nghi thức tế lễ cặp chim cũng được quy định cụ thể (8–10). Nếu không thể sắm nổi cặp chim, thì sẽ dùng 1/10 ê-pha bột thượng hạng (2.2 lít). Một phần bột sẽ được dùng trong tế lễ thiêu cùng với các lễ vật dùng lửa dâng lên để người đó được tha tội (11–13).

Có người không trung tín, giữ lại, “không dâng lên Đức Giê-hô-va những vật thuộc về Ngài” vì vô tình, thì người ấy phải nộp một con chiên đực đánh giá theo shekels của nơi thánh, rồi phải bồi thường lại vật thánh đã giữ, cộng thêm 1/5 giá trị của vật mà mình đã phạm.

Đối với người vì vô tình vi phạm một trong các điều răn của Chúa, làm điều không được phép làm, thì bị mắc tội và mang lấy tội của mình. Người ấy cũng phải dâng một con chiên đực không tì vết để làm tế lễ chuộc tội. Thầy tế lễ sẽ làm lễ chuộc tội cho những người như thế (5:14–19).

Những lỗi khác mà người ta thường vi phạm là do tính không trung tín với Đức Giêhôva, tắc trách, tham lam, hoặc dối trá do thề dối (6:1–5a).

Mọi lỗi phạm mô tả trong phần nầy đều là phạm với những người quanh mình, nhưng bị kể là phạm tội và không trung tín với Đức Giêhôva.

Như lời Đức Chúa Jesus tóm tắt toàn thể các điều răn của Đức Chúa Trời thành hai điều: Kính Chúa và yêu người lân cận như mình (Mathiơ 22:37–40); cho nên, mọi điều ta gây ra thiệt hại cho những người láng giềng quanh mình là tội không trung tín với Đức Chúa Trời, dù là vật lượm được chứ không trộm cắp của ai.

Những điều gian dối thường kèm theo lời nói dối và thề dối nữa; tuy vậy, vẫn có cách để chuộc lại các lỗi ấy bằng một tế lễ chuộc lỗi là một con chiên đực không tì vết bắt từ trong bầy, sau khi đã trả lại, hay bồi thường cho người bị thiệt hại, cộng với 1/5 giá trị của món ấy (6:5b–7).

Đức Chúa Trời lại truyền lệnh cho A-rôn qua Môi-se các luật lệ về tế lễ thiêu, nói rằng “sinh tế thiêu phải ở trên lửa bàn thờ suốt đêm cho đến sáng,” trong khi “lửa của bàn thờ phải giữ cho cháy luôn” (6:8–9).

Để làm điều nầy, vào buổi chiều tối, các thầy tế lễ thay phiên thức canh và đặt từng miếng thịt tế lễ lên trên ngọn lửa giữ cho cháy liu riu, để sinh tế được cháy trên bàn thờ tế lễ thiêu cho đến sáng.

Sau đó là tế lễ thiêu buổi sáng hàng ngày cũng được làm như vậy cho tới giờ tế lễ buổi chiều. Ngoại trừ có các thứ tế lễ phải dâng tiếp ngay sau tế lễ buổi sáng, thì các món bị thiêu phải làm nhanh chóng hơn để nhường chỗ cho các tế lễ thiêu phụ trội trong ngày.

Vấn đề y phục của thầy tế lễ khi cử hành tế lễ thiêu và chỗ đổ tro của bàn thờ tế lễ thiêu cũng quy định rõ ràng.

Mỡ của tế lễ thiêu và tế lễ bình an luôn được thiêu trên bàn thờ. Như vậy, dù ngày hay đêm không lúc nào không có tế lễ dâng lên, và lửa sẽ cháy luôn không tắt trên bàn thờ (6:10–13).

Luật lệ về tế lễ chay cũng lặp lại những điều đã được chép trước đây (2:2–3). Thầy tế lễ sẽ lấy tượng trưng một nắm bột, dầu và tất cả nhũ hương trên tế lễ chay ấy để đem đốt trên bàn thờ; bột còn lại sẽ thuộc về các thầy tế lễ để ăn tại một nơi thánh là hành lang của Lều Hội Kiến (6:14–16).

Các thầy tế lễ không được pha men vào bột đó để nướng ăn, vì là phần rất thánh giống như tế lễ chuộc tội và tế lễ chuộc lỗi. Tất cả người nam thuộc dòng dõi A-rôn đều được ăn phần đó, và ai chạm đến những vật đó đều trở nên thánh (6:17–18).

Đức Chúa Trời lại phán dạy Môi-se về lễ vật mà A-rôn và các thầy tế lễ thuộc dòng dõi A-rôn phải dâng lên Đức Giêhôva trong ngày họ được xức dầu là một phần mười ê-pha bột thượng hạng làm tế lễ chay hàng ngày, sáng một nửa, chiều một nửa.

Bột đó phải nhồi kỹ với dầu làm bánh nướng. Sau khi bánh chín, cắt thành từng miếng dâng lên và thiêu trọn. Mọi tế lễ chay của thầy tế lễ phải thiêu hết, không được ăn (6:19–23).

Tế lễ chay của người khác dâng lên cho Chúa, thì chỉ một phần tượng trưng được thiêu, phần còn lại là thức ăn của các thầy tế lễ, những người phải phục vụ ở bàn thờ; vì ngoài các phần được dành riêng cho họ, họ chẳng có nguồn hoa lợi nào khác để sống. Luật ấy là phần ăn mà Chúa ban cho các thầy tế lễ.

Khi các thầy tế lễ ăn các món tế lễ của chúng dân, thì ý nghĩa chính là họ gánh vác tội lỗi của dân rồi dâng tế lễ chuộc tội cho họ (Lêviký 10:17). Nhưng khi các thầy tế lễ dâng tế lễ chay cho chính họ, thì họ không được ăn chút nào mà phải thiêu hết. Bởi vì họ không thể tự gánh lấy tội lỗi của riêng mình mà cử hành tế lễ chuộc tội.

Điều nầy cho thấy sự thiếu hoàn chỉnh của hệ thống tế lễ theo luật pháp. Vì vậy, phải có một Đấng vô tội có thể cất bỏ tội lỗi của cả thế gian. Đấng Christ đã vâng phục luật pháp và ý chỉ của Đức Chúa Cha mỗi ngày, nên Ngài là tế lễ toàn hảo và khác biệt hẳn với tế lễ thiêu.

Mỗi lần có câu “Đức Giê-hô-va lại phán dặn Môi-se,” thì có nghĩa đó là một lệnh mới hay các chi tiết chỉ dẫn mới trong các luật lệ đã truyền. Phần nầy là lời chỉ dẫn chi tiết của tế lễ chuộc tội:

Con hãy truyền cho A-rôn và con cháu người luật về tế lễ chuộc tội như sau” (6:25). “Sinh tế cho lễ chuộc tội phải được giết …… phía bắc bàn thờ, …… Đó là sinh tế rất thánh.” Vài học giả Kinh-thánh đã nhận xét rằng, đồi Gôgôtha, nơi Đức Chúa Jesus đã bị đóng đinh, thì nằm chếch phía bắc của thành Giêrusalem.

Sau khi con vật tế lễ bị giết, mỡ và bộ lòng của nó đã được rửa và tẩm muối thì bị thiêu trên lửa của bàn thờ. Nhưng phần còn lại của xác nó thì thuộc về thầy tế lễ cử hành tế lễ ấy. Người đó và cả gia đình có thể ăn thịt con vật; tuy vậy, không phải họ muốn ăn nơi nào cũng được, mà phải ăn ở một nơi thánh, tức là tại hành lang của Lều Hội Kiến (6:26).

Không một ai khác được ăn, kể cả thân nhân của thầy tế lễ mà bị phạm sự ô uế. Sinh tế được xem là rất thánh, vì nó là thánh đối với Chúa, dâng lên cho Ngài và được Ngài chấp nhận.

Áo xống của người cử hành tế lễ chuộc tội thì chắc chắn sẽ bị máu của con vật văng trúng. Áo đó phải giặt trong một nơi thánh (6:27). Điều nầy dạy chúng ta rằng, huyết của con vật tế lễ được xem là thánh vào lúc nó được dùng làm sinh tế, thì đừng ai xem máu ấy như một việc thông thường. Từ sự hiểu biết đó, chúng ta mới biết tôn trọng máu chuộc tội của Đấng Christ vì chúng ta.

Ngoại trừ trường hợp chiên con lễ Vượt-qua phải bị quay trên lửa (Xuất 12:8–9), mọi thứ thịt tế lễ khác đều phải nấu trong nồi. “Nồi đất dùng nấu thịt sinh tế sẽ phải đập bể đi” (6:28); nồi đồng thì phải bị cạo và rửa bằng nước cho sạch. Sở dĩ phải làm như vậy là vì thịt sinh tế đã thành rất thánh, nồi nấu chúng không thể tiếp tục dùng nấu các món bình thường hàng ngày được nữa.

Không phải chỉ là thầy tế lễ hành lễ mới được ăn, mà tất cả nam giới thuộc các gia đình thầy tế lễ đều có thể ăn (6:29). Nhưng về sinh tế chuộc tội thì luật xác định rõ:

Nhưng không được ăn thịt sinh tế chuộc tội mà phải đốt đi, vì huyết nó đã được đem vào Lều Hội Kiến để làm lễ chuộc tội tại Nơi Thánh” (6:30).

Nghĩa là không được ăn thịt sinh tế của đại lễ chuộc tội hàng năm, vì là tiêu biểu cho cuộc chuộc tội của Đấng Christ về sau. Tân Ước đề cập tới mệnh lệnh nầy: “Chúng ta có một bàn thờ mà người phục vụ trong đền tạm không được phép ăn gì tại đó” (Hêbơrơ 13:10).

Leviky04.docx
Rev. Dr. CTB