Jerusalem Trong Ý Chúa

Tìm Biết Ý Chúa, bài 03

Ê-sai 62:1–7

Sau vài thế kỷ đầu công nguyên, khi tất cả các sứ đồ, môn đồ của Đức Chúa Jesus và các thế hệ tín hữu thời sơ lập của Hội thánh đã qua đời, ý kiến thần học của một số người lãnh đạo Hội-thánh lúc bấy giờ chủ trương rằng:

Đức Chúa Trời đã loại trừ dân tộc Israel ra khỏi kế hoạch của Ngài cho thế giới, do họ đã cố ý mượn tay người La-mã giết Đức Chúa Jesus; thay chỗ của họ, Ngài đem Hội-thánh của Đức Chúa Jesus vào bằng một giao ước mới, họ gọi là ‘thần học thay thế.’

Không kể các sắc dân của các tôn giáo khác vốn thù ghét Đức Chúa Trời cách vô cớ, lý thuyết ấy đã làm cho nhiều sắc dân ở các nước theo Cơ-đốc-giáo Âu-châu rất thù ghét người Do-thái; đến nỗi họ tiến hành cuộc diệt chủng Do-thái trong thời kỳ `Đệ-nhị Thế-chiến.

Ngày nay, tinh thần bài Do-thái ở Âu-châu, còn âm ỉ từ nhiều đời tổ phụ, vẫn bộc phát mỗi khi có cơ hội.

Tại sao người ta xem Israel và Jerusalem là quan trọng trong khi họ chỉ là một nước có lãnh thổ nhỏ hẹp và dân số thì ít?

Về thực tế của cõi thiên nhiên thì Israel là nhỏ bé, nhưng trong linh giới nước ấy rất là vĩ đại. Israel và Jerusalem là quê hương của Do-thái-giáo và Cơ-đốc giáo.

Thế kỷ thứ bảy AD, giáo chủ Muhammad của Hồi-giáo bắt chước tín đồ Do-thái-giáo và Cơ-đốc giáo hướng mặt về Jerusalem để cầu nguyện, trước khi chuyển mục tiêu về Ka’ba ở Mecca; vì vậy, họ xem đền thờ Al Aqsa ở Jerusalem là điểm linh thiêng đứng hàng thứ ba của Hồi-giáo.

Các sử gia thường nói Xứ-thánh Israel là nơi phát sinh ra ba tôn giáo lớn, trong đó hai tôn giáo có số tín đồ đông nhất thế giới là Cơ-đốc-giáo và Hồi-giáo.

Hơn nữa, mọi giáo lý chính yếu sai trật đều bắt đầu bằng sự hạ thấp tầm quan trọng của quốc gia Israel và thành phố Jerusalem ngoài đời; giống như lý thuyết vừa nói ở trên.

Tinh thần bài Do-thái trong các dân tộc đều bắt nguồn từ linh chống Đấng Christ. Cho nên, bất cứ chủ trương nào đòi Israel phải cắt đất, chia đôi thành phố Jerusalem để thành lập quốc gia Palestine, đều do linh anti-Christ xúi giục.

Rất nhiều người tự xưng là Cơ-đốc-nhân nhưng chẳng biết điều Đức Chúa Trời đã phán rõ ràng về chương trình của Ngài định cho dân Israel và thành phố Jerusalem trong cả Cựu-ước lẫn Tân-ước. Tên Jerusalem được Kinh-thánh nhắc tới 806 lần, trong đó có 660 lần ở Cựu-ước.

Trong lúc dân Giu-đa bị lưu đày ở Babylon, lời một bài thơ bộc lộ tâm tình thương nhớ quê hương, nơi có đền thờ của họ:

Hỡi Jerusalem, nếu ta quên ngươi, nguyện tay phải ta quên năng lực nó đi! Nếu ta không nhớ đến ngươi, chẳng coi Jerusalem là niềm vui tuyệt đỉnh của ta, nguyện lưỡi ta dính vào vòm miệng!” (Thi-Thiên 137:5–6).

Chúng ta không quên Jerusalem là nơi Đức Chúa Jesus bị đóng đinh. Đức Chúa Trời, Đấng Chủ Tể vũ trụ, hẳn phải có một ý định vô cùng quan trọng cho mảnh đất ấy, khi Ngài cho huyết mình đổ ra nơi đó để cả nhân loại được cứu rỗi. Vậy, nơi ấy không phải là một điểm tình cờ.

Phải có một lý do chính yếu nào đó khiến cho mọi chủ quyền cùng thế lực thù địch với đạo Chúa đều mưu toan huỷ diệt Jerusalem.

Qua Kinh-thánh, chúng ta biết Jerusalem nằm trong chương trình của Đức Chúa Trời cứu chuộc nhân loại. Cho nên, nếu diệt được Jerusalem là phá hỏng chương trình và kế hoạch của Ngài. Vì thế, các kẻ thù tìm mọi cơ hội để huỷ phá và san bằng Jerusalem.

Hãy thử đặt câu hỏi, tại sao Đức Chúa Jesus không giáng sinh trong một dân tộc khác, mà phải là người Do-thái? Tại sao Jerusalem là nơi Ngài phải chịu khổ hình mà không là nơi khác?

Trước tiên, lý do Ngài chọn và lập giao ước với Áp-ra-ham là vì trong cả nhân loại, chỉ một mình ông tìm kiếm và thờ kính Đấng Tạo Hoá mà ông chưa bao giờ thấy.

Trong thời gian kiều ngụ ở xứ Canaan, Áp-ra-ham vâng lời Đức Chúa Trời dâng con trai yêu quý nhất của mình làm tế lễ cho Ngài, nhưng Chúa đã ngăn cản không để ông giết Y-sác và cung cấp cho ông một con chiên đực thay thế. Địa điểm đỉnh Moria, nơi Áp-ra-ham dâng con, thì sau nầy chính là nơi xây dựng thành phố Jerusalem (Sáng-thế 22:9–14).

Trong các hậu tự của Áp-ra-ham, ngoài Môi-se được Đức Chúa Trời chọn để lãnh đạo Israel và giải thoát họ khỏi vòng nô lệ, chỉ một mình David là người đẹp lòng Ngài (Công vụ 13:22). David đã dời kinh đô vương quốc Israel từ Hebron về Jerusalem, gọi là thành David.

Đức Chúa Jesus phải sinh ra trong một dân tộc có truyền thống biết kính thờ Đức Chúa Trời chân thật, không thờ tà thần, và dân tộc ấy đang trông đợi một Đấng Cứu Thế (Luca 24:21).

Đức Chúa Trời từng phán rõ ý định bảo vệ Jerusalem: “Hỡi Jerusalem, trên các tường thành ngươi, Ta đã đặt lính canh; suốt cả ngày đêm, họ sẽ không bao giờ nín lặng. Hỡi những kẻ nhắc nhở Đức Giê-hô-va, đừng nghỉ ngơi chút nào. Cũng đừng để Ngài nghỉ ngơi cho đến khi Ngài tái lập Jerusalem và dùng nó làm sự ca ngợi trong khắp đất” (Ê-sai 62:6–7).

Những người muốn được cứu rỗi và tin rằng huyết Đức Chúa Jesus có đủ quyền năng đem họ vào thiên đàng, mặc dù họ có nhiều tội lỗi; nhưng rất bi quan và chủ bại trước những khó khăn thực tế trong đời, vì không mấy tin tưởng vào những lời hứa bảo vệ của Chúa.

Những tín đồ thiếu đức tin nầy quên mất rằng Đức Chúa Trời là Đấng tạo ra muôn loài và nắm quyền điều khiển thế giới. Chẳng lẽ Chúa không đủ quyền phép để bảo vệ nơi Ngài đã giáng sinh và đổ huyết ra hay sao?

Nếu thời xưa Chúa đã chọn Israel và Jerusalem, thì mảnh đất ấy ngày nay vẫn nằm ở trung tâm trong chương trình của Ngài.

Trong bối cảnh một thế lực chính trị, vì chủ tâm hãm hại Israel và Jerusalem, đã bị mất gần hết quyền lực từ trung ương tới địa phương vô cùng bất ngờ, mà vẫn chưa nhận ra được nguyên nhân khiến họ thảm bại; mặc dù đa số trong họ tự xưng là Cơ-đốc nhân, thì chúng ta phải nhận ra chân tướng của nhóm nầy.

Điểm thứ nhất họ không phải là con cái thật của Chúa, chỉ có danh hiệu; hai là họ không biết gì về chương trình và ý định của Đức Chúa Trời đối với Israel và Jerusalem; ba là họ không biết lời đã chép trong Kinh-thánh về Israel, vì chẳng tin Chúa.

Israel có thể bị phản bội, nhưng không ai có thể giỡn mặt với Chúa của cả trời đất, Đấng canh giữ Israel và Jerusalem.

Nhiều người trong chính trường không để ý tới hậu quả lời nói của những người bài Do-thái như cố tổng thống Hugo Chavez của Venezuela công khai rủa sả Israel “… từ tận trong gan ruột của tôi.” Ngày hôm sau, ông ta bị đau bụng dữ dội vì một chứng ung thư hiếm có; ông ta nhanh chóng qua đời.

Bốn nhà lãnh đạo khác ở vùng Nam Mỹ đồng quan điểm với Chavez cũng bị dính ung thư trong cùng một năm. Hai người trong số đó đã bị mất quyền lực. Những kẻ đã thề không đội trời chung với Israel như: Osama bin Laden, Saddam Hussein, Khaddafi, và Ahmadinejad thì đã bị giết chết hoặc mất quyền lực.

Nghĩa là những ai đứng trong thế đối lập với dân tộc Chúa đã chọn, thì không thể bình yên mạnh khoẻ được; người nào ở thế gian dám chống nghịch ý muốn của Chúa cả trời đất thì chắc chắn sẽ hoàn toàn thất bại.

Thế thì Hội-thánh được lợi ích gì khi yêu mến và cầu nguyện cho sự bình an của Jerusalem? Dù là thành viên của một giáo hội hay Hội-thánh địa phương, mỗi tín hữu cần phải hiểu mối liên hệ giữa mình với tuyển dân của Đức Chúa Trời và nơi Ngài đã chọn đặt Danh Ngài.

Hãy nhớ lại lời Chúa hứa cho Áp-ra-ham: “Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước con, nguyền rủa kẻ nào nguyền rủa con” (Sáng-thế 12:3).

Người nào, bởi đức tin, yêu mến và chúc phước cho dòng dõi phần xác của Áp-ra-ham, là Israel, thì sẽ nhận được phước dồi dào từ Đức Chúa Trời ban cho.

Sau tám năm liên tiếp bị thất thế tưởng chừng không vực dậy nổi, những Hội-thánh vẫn yêu mến và thường cầu nguyện cho Jerusalem bắt đầu thấy được phục hồi sức lực và uy thế. Kẻ thù đã và đang bị thua trên khắp các mặt trận. Chúng sẽ tiếp tục bị liệt bại khi dám chống lại Hội-thánh.

Thế gian ngoại giáo sẽ lại kiêng nể Hội-thánh. Họ sẽ rất e dè không dám chế giễu những lời rao giảng của Cơ-đốc-nhân như các năm vừa qua nữa.

Các lý thuyết của loài người do các thế lực tối tăm xui giục sẽ bị vạch mặt là lừa bịp hay bị chứng minh là hoàn toàn sai lầm. Niềm tin vào chân lý sẽ chiếm ưu thế tuyệt đối.

Các Hội-thánh nào do Đức Thánh Linh điều khiển và dẫn dắt, chẳng những sẽ nhận được các ơn phước thuộc linh, mà còn được dồi dào ơn phước vật chất, kể cả tăng trưởng và phát triển về nhân số và không bao giờ bị thiếu thốn tài chính.

Các hội viên chính thức của những Hội-thánh ấy cũng được tràn đầy ơn phước về mọi mặt, do họ đã vâng lời Chúa yêu mến và cầu nguyện cho Jerusalem.

TimBietYChua03.docx
Rev. Dr. CTB