Bổn Phận Người Lê-vi

Dân-số- ký, bài 02

Dân-số- ký 3 – 4

Đây là hai đoạn ghi chép về chi tộc Lê-vi và các bổn phận của họ; trong đó dòng dõi của A-rôn được kể trước tiên (1–4). Vì hai con trai lớn của A-rôn là Na-đáp và A-bi-hu đã bị lửa từ bàn thờ thiêu chết, nên chỉ còn lại hai con sau là Ê-lê-a-sa và Y-tha-ma đảm nhiệm chức vụ tế lễ giúp cha mình.

Công việc của Đền Tạm thì nhiều, ba cha con A-rôn khôngkham nổi tất cả công việc, nên Đức Chúa Trời sai Môi-se đem chi tộc Lê-vi đến phụ giúp họ (5–6).

Người của chi tộc Lê-vi sẽ thi hành những công việc tại Đền Tạm do A-rôn giao cho; như phụ giúp chuẩn bị tế lễ ở bàn thờ tế lễ thiêu, cung cấp củi để thiêu, nước cho bồn rửa, thu dọn sạch sẽ khu vực bàn thờ, và làm tất cả các công việc lặt vặt; nhưng họ không được vào trong gian thánh, không thể dự vào các nghi thức tế lễ, vì việc ấy chỉ dành cho những người được xức dầu cho chức tế lễ (7–10).

Danh nghĩa người thuộc về Đức Giê-hô-va của những con đầu lòng là rất cao trọng; vì họ đã được bảo vệ khi tất cả con đầu lòng ở xứ Ai-cập đều bị hành hại. Nhưng sau khi được chuộc, các người con đầu lòng Israel đã đồng loã với nhiều người Israel khác mà thờ lạy tượng vàng bò con, nên họ bị mất vai trò thuộc riêng về Chúa.

Đức Giê-hô-va đã chọn người Lê-vi từ giữa dân Israel để thay thế cho tất cả con đầu lòng của Israel. Vì thế, mọi người Lê-vi đều thuộc về Chúa (11–13).

Lệnh kê khai nam giới trong người Lê-vi là từ trẻ con một tháng tuổi trở lên tới những người già trong toàn thể gia tộc và các gia đình. Môi-se làm đúng như lệnh truyền (14–16).

Lúc tổ phụ Lê-vi từ Canaan xuống Ai-cập thì đã có ba con trai: Ghẹt-sôn, Kê-hát và Mê-ra-ri. Dòng dõi Ghẹt sôn có bảy ngàn năm trăm người nam; Kê-hát có tám ngàn sáu trăm người, và Mê-ra-ri có sáu ngàn hai trăm người. Tổng số người nam Lê-vi từ một tháng trở lên là hai mươi hai ngàn người (17-39).

Họ hàng gia tộc Ghẹt-sôn đóng ở phía Tây Đền Tạm và có bổn phận chăm sóc mọi vật thuộc về Đền Tạm, gồm có Lều với các tấm phủ và tấm màn cửa vào Lều Hội-Kiến, các tấm màn của hành lang, tấm màn cửa vào hành lang, những tấm màn bao quanh Đền Tạm và bàn thờ cùng các dây thừng dùng cho Đền Tạm (21–26).

Dòng dõi gia tộc Kê-hát có trách nhiệm coi sóc gian thánh, họ đóng trại ở phía Nam Đền Tạm. Các vật thánh trong gian thánh và chí thánh như Rương Giao Ước, bàn bày bánh cung hiến, chân đèn vàng, các bàn thờ, các vật dụng ở gian thánh dùng vào việc thờ phượng, tấm màn và các vật dụng để bảo trì gian thánh. Thầy tế lễ Ê-lê-a-sa, con trai A-rôn, là người giám sát những người coi sóc nơi thánh.

Con cháu Mê-ra-ri đóng ở phía Bắc của Đền Tạm. Bổn phận họ là coi sóc cái khung của Đền Tạm, cây xà ngang, trụ, đế, các vật dụng và mọi thứ phụ thuộc, những trụ và đế ở chung quanh hành lang, các cây cọc và dây thừng (27–39).

Trước đây, lệnh của Chúa đã được ban hành bảo phải chuộc tất cả con trưởng nam (Xuất Ai-cập 13:12; 22:29; 34:20). Bây giờ, lệnh của Ngài là Môi-se phải kê khai và lập danh sách tất cả các con trưởng nam từ một tháng trở lên. Tổng số con trưởng nam từ một tháng trở lên là hai mươi hai ngàn hai trăm bảy mươi ba người (40–43).

Nếu con số nầy là tất cả con trưởng nam già trẻ lớn bé của Israel thì có rắc rối lớn về con số. Vì nếu chỉ lấy sáu trăm lẻ ba ngàn năm trăm năm mươi người chia cho hai mươi hai ngàn hai trăm bảy mươi ba, thì mỗi một trưởng nam có tới hai mươi sáu em trai, chưa kể con trai dưới hai mươi tuổi và chị em gái chưa đếm tới.

Vì thế, người ta cho rằng số trưởng nam nầy là những đứa trẻ được sinh ra trong suốt hơn một năm, từ ngày ra khỏi Ai-cập, thì hữu lý hơn. Chúng ta chưa tìm được sự giải thích nào khác cho vấn đề nầy.

Vì số người nam Lê-vi chỉ có hai mươi hai ngàn, thiếu mất hai trăm bảy mươi ba người dùng để thay thế cho các con trưởng nam của Israel (39, 43), nên để chuộc lại hai trăm bảy mươi ba con trưởng nam của dân Israel vượt hơn số người Lê-vi, thì Môi-se phải thu năm shekels bạc cho mỗi người theo cân lượng nơi thánh.

Nhưng trong số hai mươi hai ngàn hai trăm bảy mươi ba thì Môi se phải chọn ai là người phải nộp tiền? (44–51). Người ta nghĩ rằng Môi-se phải cho bốc thăm một cách công bằng là hai mươi hai ngàn thăm có ghi Lê-vi, hai trăm bảy mươi ba thăm ghi 5 shekels để hai mươi hai ngàn hai trăm bảy mươi ba người đều bốc thăm trúng phần nào được phần đó; dĩ nhiên là cha của những trẻ thơ trưởng nam sẽ bốc thăm cho con mình.

Tất cả việc đó được thực hiện để tất cả những người Lê-vi đều thuộc về Đức Giê-hô-va cách chính đáng (45). A-rôn và hai con trai giữ số bạc đó để lo chi phí thờ phượng của Đền Tạm (46–51).

Công tác của người Lê-vi khi di chuyển Đền Tạm được giao cụ thể cho từng gia tộc. Gia tộc nào cũng phải cử mọi người đàn ông từ ba mươi tới năm mươi tuổi để phục vụ tại Lều Hội Kiến (4:1–3).

Con cháu Kê-hát được giao nhiệm vụ coi sóc các vật chí thánh và vận chuyển chúng theo sự di chuyển của đoàn dân (4:4–15). Tuy vậy, nhiệm vụ của họ chỉ là khiêng những món ấy đi chứ họ không được chạm vào các món thánh (15).

Việc tháo gỡ, sắp xếp, che phủ, gói ghém các món trong gian chí thánh và gian thánh là bổn phận của A-rôn và con trai ông (5–14).

Theo luật Chúa đã định thì mỗi năm thầy tế lễ thượng phẩm được vào gian chí thánh một lần, vì có sự hiện diện của Đức Giê-hô-va trên nắp thi ân dưới các cánh che phủ của hai chêrubim (Xuất Ai-cập 25:22; Lê-vi 16:2b).

Nhưng khi trụ mây cất lên khỏi nóc Đền Tạm, nghĩa là sự hiện diện của Chúa đã rời khỏi nắp thi-ân lên trụ mây, thì các thầy tế lễ được vào gỡ tấm màn che xuống rồi phủ màn ấy lên trên Rương Giao Ước cộng thêm vài tấm phủ nữa, xỏ đòn khiêng cho người gia tộc Kê-hát khiêng đi.

Sau khi đã gói ghém tất cả chân đèn, đồ phụ tùng, bàn bánh, bàn thờ xông hương, bàn thờ tế lễ thiêu và mọi phụ tùng, dụng cụ (4:9-16), A-rôn và hai con phải phân công cho người của gia tộc Kê-hát phải khiêng những món gì. Bởi vì dù có nhiệm vụ khiêng các vật thánh, nhưng họ không được vào xem các vật thánh, dù chỉ trong một lát, kẻo bị chết (4:17–20).

Luật cấm mọi người khác với các thầy tế lễ không được tới gần hoặc tò mò xem các vật thánh, vẫn duy trì nghiêm ngặt, dù cho lúc di chuyển rất là bận rộn. Cho nên, mặc dù người Lê-vi đã thuộc về Đức Giê-hô-va vẫn bị cấm không được sờ chạm hay tò mò nhìn ngó Rương Giao Ước cực thánh mà họ phải khiêng đi.

Những người nam từ ba mươi tới năm mươi tuổi của gia-tộc Ghet-sôn phải mang những tấm màn của Đền Tạm, tức Lều Hội-Kiến, tấm phủ trong và tấm phủ ngoài bằng da rái cá, bức màn ở cửa Lều Hội Kiến, các màn bao quanh hàng lang và bàn thờ, bức màn cửa vào, các dây thừng, và mọi vật dụng dùng cho các việc phụng vụ. Y-tha-ma, con trai A-rôn là người giám sát công việc khiêng vác của gia tộc Ghet-sôn (4:21–28).

Nhiệm vụ của đàn ông từ ba mươi tới năm mươi tuổi từ gia tộc Mê-ra-ri là khiêng các tấm ván bọc vàng ròng của Đền Tạm, các xà ngang, trụ, đế trụ, các trụ chung quanh hành lang và đế trụ, cọc và dây thừng, cùng tất cả vật dụng và các món liên quan tới những thứ ấy, dưới quyền giám sát của Y-tha-ma (4:29–33).

Vậy, Môi-se, A-rôn và những người lãnh đạo kiểm kê con cháu gia tộc Kê-hát từ ba mươi tới năm mươi tuổi, tức là những người có sức khiêng vác, thì tổng số là hai ngàn bảy trăm năm mươi; gia tộc Ghet-sôn có hai ngàn sáu trăm ba mươi người từ ba mươi tới năm mươi tuổi có sức phục vụ; gia tộc Mê-ra-ri có ba ngàn hai trăm người từ ba mươi tới năm mươi tuổi có thể phục vụ vận chuyển.

Như vậy, trong toàn chi tộc Lê-vi có tám ngàn năm trăm tám mươi người có sức phục vụ khiêng vác, vận chuyển Đền Tạm và mọi thứ liên quan tới Đền Tạm mỗi khi dân Israel di chuyển.

Nghĩa là họ phải phân công và thay nhau khiêng vác mọi thứ họ có bổn phận phải vận chuyển trong hoang mạc. Gia tộc Mê-ra-ri có đông nhân lực hơn và khiêng vác các vật nặng hơn.

Môi-se và A-rôn hoàn thành mọi lệnh truyền từ Đức Giê-hô-va về việc phân công cho người Lê-vi (34–49).

Dansoky02.docx
Rev. Dr. CTB