Dân-số-ký, bài 03
Dân-số-ký 5 – 6
Luật về bệnh phung và sự ô uế thân thể (Lê-vi-ký 13, 15), bây giờ phải nghiêm khắc thực hiện. Trong thời gian lộn xộn ra khỏi Ai-cập và chưa ổn định trước đây, Israel đã nhận được lệnh nầy, nhưng họ chưa thực hiện hoàn toàn.
Bây giờ, trước khi di chuyển lên đường về đất hứa, họ buộc phải thi hành luật để duy trì sự thanh sạch của con dân Chúa (1–2). Trại quân phải thanh sạch. Sở dĩ những người bị bệnh phải bị cách ly ra sống bên ngoài trại quân là nhằm mục đích ngăn chận không cho bệnh lây lan.
Cho đến ngày nay, hễ có các bệnh truyền nhiễm xuất hiện, thì người bị bệnh cũng phải bị cách ly để giữ an toàn cho những người chưa bị nhiễm bệnh.
“Phải đuổi họ ra khỏi trại quân bất luận nam hay nữ để họ không làm ô uế trại quân là nơi Ta ngự tại đó” (3).
Vì sự hiện diện đặc biệt đầy ân huệ của Đức Chúa Trời trong trại quân, nếu Israel vẫn dung dưỡng các sự ô uế trong trại, thì đó là một sự xúc phạm và chọc giận Đấng Toàn Thánh.
Vì hình ảnh tình trạng dân Israel của Đức Chúa Trời ngày xưa phản ảnh chính xác đời sống tâm linh của con dân Chúa trong Hội-thánh ngày nay, nên sự thánh sạch của Hội-thánh cũng phải được giữ gìn cách cẩn thận giống như nề nếp trật tự và thuận hoà của Hội-thánh phải luôn được duy trì vậy.
Chúng ta không thể dung dưỡng sự ô uế và tinh thần tranh chấp cứ tồn tại trong Hội-thánh của Đức Chúa Trời. Bởi vì “sự khôn ngoan từ thiên thượng thì trước hết là thanh sạch, rồi hiếu hoà, dịu dàng” (Gia cơ 3:17).
Dân Israel đuổi họ ra khỏi trại quân đúng như Đức Giê-hô-va đã truyền phán với Môi-se (4). Sự đuổi ra khỏi trại quân không có nghĩa là bỏ mặc những người nầy bị chết bên ngoài doanh trại, nhưng là họ phải có một chỗ ở riêng biệt phía ngoài trại quân, vì dù sao những người thân của họ vẫn còn trong trại. Khi đoàn dân di chuyển, họ sẽ đi theo.
Luật về bồi thường (5–10) đã chép trước đây (Lê-vi-ký 5:5; 6:5). Chỗ nầy là phần phụ thêm của luật: Nếu người bị thiệt hại qua đời mà không có người ruột thịt nào để lãnh sự bồi thường đó, thì số bồi thường sẽ thuộc về Đức Giê-hô-va giao cho thầy tế lễ trông coi (8).
Tiếp theo là luật về sự ghen tương của người chồng nghi ngờ vợ mình phạm tội ngoại tình nhưng không có chứng cớ gì hết (11–31).
Vì thân phận của những người đàn bà thời ấy chẳng có quyền hạn gì cả, nên Đức Chúa Trời đã truyền luật nầy để bảo vệ những người vợ sẽ không bị cơn giận của những người chồng nóng tính và hung bạo đánh đập hoặc từ bỏ.
Sự bảo vệ nầy nhắm vào những người đàn bà bị nghi oan, và cũng để răn đe những người đàn bà lẳng lơ biết rằng sẽ có hình phạt trừng trị họ một cách đích đáng.
Một khi đã đem vợ đến trước mặt Chúa, và thầy tế lễ đã thực hiện việc buộc người vợ phải uống nước đắng của sự nguyền rủa rồi, thì người chồng phải yên lặng chờ kết quả.
Các tế lễ chay bình thường phải có dầu (tượng trưng về sự vui mừng) và nhũ hương (tượng trưng về sự chấp nhận), nhưng tế lễ chay ghen tuông thì không được pha dầu, cũng không bỏ nhũ hương lên trên bột lúa mạch (15), vì là một tế lễ chay ghi nhớ về tội lỗi.
‘Đứng trước mặt Đức Giê-hô-va’ là trước cửa Đền Tạm, hướng về gian chí thánh có sự hiện diện của Chúa (16). Nước thánh là nước trong bồn rửa trước cửa Đền Tạm; sự uống nước pha bụi đất ở sân (17) tượng trưng cho sự bị kết án vì phạm tội (Sáng-thế 3:14) và bị đau đớn chết chóc (Thi-thiên 22:15).
Nàng phải xoã tóc, tiêu biểu cho sự từ bỏ vinh quang của mình (1Côrinhtô 11:15), vì bị nghi ngờ là không chung thuỷ với chồng; rồi thầy tế lễ “đặt tế lễ ghi nhớ trong bàn tay nàng” (18), để chính nàng có thể trình dâng hoa trái của đời sống mình trước mặt Chúa và thách thức người ta cứ điều tra xem thật hư.
Nước thì thật không đắng, nhưng nước ấy sẽ đem sự kết án và phán xét cay đắng nếu nàng có phạm tội (19–20).
Ốm hay gầy ‘lòi hông’ có nghĩa là hai đùi bị ốm teo lại lòi xương mông ra; lời nguyền rủa ấy ngụ ý là nếu nàng phạm tội tà dâm, thì chỗ kín của nàng sẽ bị hư hoại, teo tóp lại, còn bụng thì sẽ bị sưng phình lên và bể ra; người nữ phải đồng ý với lời rủa đó (21–22).
Những lời trù ẻo thì được viết lên một mảnh gỗ; mảnh ấy đem nhúng trong nước để mực của các chữ viết trù ẻo đó tan ra trong nước. Nước ấy trở thành nước đắng nguyền rủa mà người nữ phải uống; nếu nàng có tội thì nước đắng sẽ khiến nàng đau khổ, đắng cay, bụng phình, và gầy lòi hông; nàng trở thành cớ nguyền rủa trong dân chúng (23–27).
Nhưng nếu nàng không thất tiết mà vẫn trong trắng, thì sẽ không bị tổn hại gì và có thể sinh con (28). Luật về ghen tuông là như vậy (29–31).
Người Na-xi-rê (Nazirite) là người tự hứa nguyện biệt riêng mình ra cho Đức Chúa Trời trong một thời gian cụ thể nào đó để hoàn toàn thuộc về Chúa (6:1–2).
Có hai loại người Na-xi-rê: Loại thứ nhất là những người được Chúa chỉ định từ trong bụng mẹ, như Samson (Quan Xét 13:2–5) và Giăng Baptist (Luca 1:13–15); loại thứ nhì là những người tự hứa nguyện.
Người ấy, dù là nam hay nữ, phải kiêng cữ rượu và đồ uống có men, kể cả nước nho, trái nho, dù nho khô hay tươi (6:3–4), trọn thời gian hứa nguyện của họ. Rượu là thức uống dễ khơi lòng ham muốn tình dục trong con người. Kiêng cữ rượu và nho là trái cây ngọt dễ lên men, là kềm hãm các sự ham muốn thoả mãn con người xác thịt của mình.
Người Na-xi rê cũng không được cạo tóc mà phải để tóc mọc dài, vì nhiều tóc và tóc dài là biểu hiệu của sức mạnh thể chất và sự hoàn hảo (6:5).
Người Na-xi-rê cũng không được lại gần xác chết suốt thời gian biệt riêng ra thánh cho Đức Giê-hô-va bởi dấu hiệu trên đầu không cắt cũng không cạo tóc (6:6–8).
Người ta có thể bị chết bất thình lình vì vài lý do. Có thể do chết bất đắc kỳ tử, chết vì bệnh đột ngột, chết vì bị người ta giết hay chết vì tai nạn.
Nếu người Na-xi-rê nào chứng kiến cái chết đó trước mắt mình, thì đầu người đã bị ô uế nên phải cạo hết tóc và làm lễ thanh tẩy vào ngày sa bát, rồi đem một cặp chim cu hay bồ câu con tới thầy tế lễ để dùng một con làm tế lễ chuộc tội và một con làm tế lễ thiêu như sinh tế chuộc tội cho người Na-xi-rê có chứng kiến người chết (6:9–11).
Trong ngày tái hứa nguyện thì người ấy phải dâng một con chiên đực một tuổi làm tế lễ chuộc lỗi; còn những ngày trước kia thì bị kể như không có; người phải làm lại từ đầu vì đã bị ô uế trong thời gian làm Na-xi-rê (6:12).
Khi những ngày Na-xi-rê đã mãn, người ấy phải dâng một chiên đực một tuổi không tì vết gì để làm tế lễ thiêu, biểu tượng cho sự biệt riêng toàn thể thân, hồn, linh của người dâng hiến; một chiên cái một tuổi không tì vết để làm tế lễ chuộc tội và một chiên đực để làm tế lễ bình an, để tạ ơn Đức Chúa Trời đã giúp cho mình giữ được lời hứa nguyện; một giỏ bánh không men và bánh bột lọc nhồi dầu, bánh xốp không men thoa dầu cộng với tế lễ chay và tế lễ dâng rượu (6:13–17).
Người Na-xi-rê phải công khai cạo hết tóc mình ngay cửa Lều Hội-Kiến, để mọi người đều rõ là những ngày Na-xi-rê đã hết.
Tóc được để dài trong thời gian Na-xi-rê là hình thức tôn kính Đức Chúa Trời. Nay đã hết hạn, thì tóc dài là biểu hiệu của lời thề phải bị cạo bỏ và dâng cho Chúa tại Đền Tạm. Tóc đó được đốt trong lửa đang nấu tế lễ bình an (6:18).
Các món lễ vật dâng lên đưa qua đưa lại là hình thức tạ ơn và giải toả người khỏi lời hứa nguyện (6:19–21).
Theo truyền thống của Do-thái-giáo thì lời chúc phước của các thầy tế lễ cho dân chúng diễn ra sau khi chấm dứt các tế lễ thường nhật; mặc dù ở chỗ nầy không nói các thầy tế lễ phải nói lời chúc phước vào lúc nào (6:22–23).
“Cầu xin Đức Giêhôva ban phước cho ngươi và phù hộ ngươi! Cầu xin Đức Giêhôva chiếu sáng mặt Ngài trên ngươi và làm ơn cho ngươi! Cầu xin Đức Giêhô- va đoái thương ngươi và ban bình an cho ngươi” (6:24–26) là những lời chúc phước do Chúa dạy Môi-se truyền lại cho A-rôn và các con trai ông.
Đức Chúa Cha ban mọi phước lành thể chất và tâm linh, Ngài cũng gìn giữ bảo vệ người được ban phước. Đức Chúa Con chiếu sáng mặt Ngài trên con cái Ngài để soi sáng tâm linh họ, làm ơn bằng sự hiện diện yêu thương của Ngài, tức là ban vinh quang Ngài để ta hiểu biết Tin Mừng và chân lý của Ngài. Đức Thánh Linh thương yêu và ban sự bình an cho con dân Ngài.
Hễ chúng ta tôn cao Danh Chúa trong đời sống thường ngày của mình, thì Ngài sẽ luôn luôn ban phước cho chúng ta (6:27).
Dansoky03.docx
Rev. Dr. CTB