Những Lời Dặn Quý Báu

Phục Truyền Luật Lệ, bài 03

Phục-truyền 4:1–40

Sau khi tóm tắt hành trình của Israel từ núi Horeb tới bình nguyên Moab ở bờ đông sông Jordan, đối diện Beth-Peor, Môi-se đưa ra những lời dặn dò vô cùng quý báu cho toàn dân Israel ghi nhớ để tuân giữ các luật lệ và mệnh lệnh mà ông dạy cho họ, để họ “được sống mà vào nhận xứ Giê hô-va Đức Chúa Trời” ban cho họ làm sản nghiệp (1).

Theo định nghĩa, luật lệ là các điều luật liên quan tới sự thờ phượng và phục vụ Đức Chúa Trời; mệnh lệnh là các điều luật liên quan tới bổn phận của người ta đối với nhau. Cả hai cộng lại là toàn thể luật pháp của Đức Chúa Trời đã ban cho dân Israel ở núi Si-na-i.

Lời dặn mà Môi-se truyền không được thêm hay bớt những luật lệ và mệnh lệnh, thì không có nghĩa là thêm hay bớt chữ, nhưng là không được thêm hay bớt bản chất nội dung của những điều răn Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã truyền bảo cho họ (2).

Sở dĩ Môi-se nhắc lại tai hoạ đã xảy ra cho những người vì lòng dâm tà sẵn sàng cúng thờ tà thần Baal-Peor nên 24,000 người bị tiêu diệt chỉ trong một lát (Dân-số 25:5, 9), để những ai từng chứng kiến sẽ lấy đó làm gương, và hiểu rằng họ còn sống sót là nhờ trung tín vâng theo các điều răn của Đức Chúa Trời (3–4).

Các mệnh lệnh và luật lệ mà Chúa truyền qua Môi-se để dạy lại cho dân chúng, được gọi là bộ luật Môi-se, nền tảng của Do-thái-giáo. Vì thế, khi vào nhận lấy xứ Canaan làm sản nghiệp thì toàn dân Israel phải tuân giữ và thực hành bộ luật ấy (5).

Người ở thời nay rất ngạc nhiên khi đọc thấy các dân tộc chung quanh Israel nghe về các mệnh lệnh Chúa truyền thì khen ngợi họ là một dân tộc khôn ngoan và hiểu biết (6). Vì người bây giờ tưởng rằng các lý tưởng tự do, dân chủ và công bằng xã hội đã có sẵn từ khi có loài người.

Họ chưa hiểu rằng Đức Chúa Trời phải dùng cánh tay mạnh sức đem Israel ra khỏi Ai-cập và ban cho một bộ luật pháp. Từ bộ luật pháp về việc phải giữ sự thánh khiết và đạo đức mà Đức Chúa Trời đòi hỏi ở thời Cựu-ước, đến luật pháp yêu thương của Tin Mừng do Đức Chúa Jesus rao giảng và thực hiện đời Tân-ước, qua Hội-thánh của Chúa, người đời sau mới được hưởng nền tự do dân chủ xuất phát từ đức bác ái của Tin Mừng.

Trước khi có cuộc cải cách giáo hội do Martin Luther khởi xướng năm 1517, chẳng tôn giáo nào trên thế giới đề xướng ý tưởng tự do dân chủ và nhân quyền cho người trên thế giới cả. Vì thế, các luật lệ và mệnh lệnh của Đức Chúa Trời ban cho dân Israel là bộ luật pháp công minh cho nhân loại.

Nên Môise phát biểu: “Có dân tộc vĩ đại nào có được một vị thần ở gần, như Israel có Giê hô-va Đức Chúa Trời ở gần khi họ cần khẩn Ngài không? Có dân tộc vĩ đại nào có được những mệnh lệnh và luật lệ công minh như toàn thể luật pháp Chúa không?” (7–8).

Thật vậy, thế giới phải ngạc nhiên về sự cống hiến biết bao thành quả vĩ đại của người Do-thái cho thế giới, nên hiểu rằng họ là một dân tộc được phước đặc biệt vì đã tuân theo một bộ luật pháp thánh và công minh.

Môi-se nhắc lại các cảnh tượng mà những người Israel còn nhỏ lúc ra khỏi Ai-cập đã thấy tại núi Si-na-i (9–12) và căn dặn “anh em hãy thận trọng và canh giữ cẩn mật linh hồn mình … vì anh em không thấy một hình dạng nào trong ngày Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán với anh em từ giữa đám lửa tại Horeb” (9, 15).

Vì tại núi Si-na-i, tức Horeb, cũng gọi là núi của Đức Chúa Trời (1Vua 19:8), thì dân Israel, từ lớn đến nhỏ đứng dưới chân núi trước mặt Đức Giê-hô-va “trong khi trên núi thì lửa bốc cháy cao đến tận trời, mây đen mù mịt, bóng tối bao trùm, từ trong đám lửa Đức Giê-hô-va phán ….. anh em nghe tiếng nói nhưng không thấy một hình dạng nào cả, chỉ có tiếng nói thôi” (11–12).

Tiếng nói ấy của Chúa công bố giao ước mà Ngài truyền cho họ phải vâng giữ, tức là Mười Điều Răn do chính ngón tay Ngài viết trên hai bảng đá, rồi Ngài truyền dặn Môi-se phải dạy dân Israel những mệnh lệnh và luật lệ họ phải vâng giữ sau khi chiếm đất hứa (13–14).

Sở dĩ dân Israel phải luôn ghi nhớ việc đó, vì họ dễ bị lòng mê tín thúc giục mà tạc cho mình các hình tượng mang hình ảnh của người ta hay thú vật, hoặc các thiên thể trên trời, rồi quỳ trước các hình tượng đó mà thờ lạy (16–19).

Dù ngày nay người ta có dùng đủ thứ lý luận để biện minh cho hành động thờ lạy hình tượng, thì cũng chẳng làm cho việc quỳ lạy trước các hình tượng trở nên hợp lệ đối với Đức Chúa Trời. Khi luật pháp đã nghiêm cấm các hành vi nào đó mà có người cố ý phạm, thì không lý lẽ nào giúp cho người phạm pháp được sạch tội.

Dân Israel xưa là hình bóng của chúng ta là con cái Chúa thời nay, những người đã được Đức Chúa Trời “chọn và đem ….. ra khỏi lò luyện sắt …. để… trở nên một dân riêng của Ngài, sản nghiệp của Ngài, như anh em đang có ngày nay” (20), cũng hãy ghi nhớ lấy lời nghiêm cấm và vinh dự mình đang có để không vi phạm lệnh cấm làm hình tượng hoặc tôn tiền bạc lên làm thần tượng mà thờ kính nó.

Môi-se lại cho dân Israel biết rằng ông sẽ không được cùng đi với họ vào đất hứa, vì họ phàn nàn, gây gổ với ông lúc bị khát nước, khiến ông nổi giận và thiếu tôn thánh Đức Chúa Trời trước mặt toàn dân. Đây không phải là lời than van nhưng là lời cảnh cáo dân chúng rằng khi vắng ông họ phải vô cùng cẩn thận “vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời của anh em là một đám lửa thiêu đốt và là Đức Chúa Trời kỵ tà” (21–24).

Đức Chúa Trời chẳng thay đổi tính kỵ tà của Ngài; cho nên, khi đã được học biết rồi mà người nào còn đối xử với Chúa cách khinh thường, thì hậu quả sẽ không theo ý mình muốn. Nhất là rất nhiều tín hữu ngày nay vẫn thường xuyên cư xử không thành thật với Đức Chúa Trời và với nhau.

Ngày xưa, khi dân Israel đã vào đất hứa, sinh con đẻ cháu nhưng “hành động cách bại hoại như làm hình tượng mang hình dạng của bất cứ vật gì ….. thì sẽ nhanh chóng bị diệt sạch khỏi xứ mà họ sắp nhận làm sản nghiệp …. sẽ bị tận diệt” (25–26).

Một số còn sót lại sẽ bị phân tán và tan lạc giữa các dân tộc. Ở nơi bị lưu lạc, họ sẽ chẳng có đền thờ thánh để thờ phượng Chúa nữa (27). Nhưng khi ở nơi mà người chung quanh họ thờ cúng những thần bằng gỗ, bằng đá, do tay người ta làm ra, họ sẽ nhớ lại Giê-hô-va Đức Chúa Trời mà tìm kiếm Ngài. Họ sẽ chỉ được Ngài đoái thương khi họ hết lòng, hết linh hồn mà tìm kiếm Chúa của mình.

Cũng chính trong những hoàn cảnh như vậy, những người tưởng nhớ đến Chúa và tìm kiếm Ngài để vâng theo tiếng Ngài, không theo gương hư hoại của tổ phụ, thì sẽ hiểu bản tính yêu thương của Chúa đối với mọi con dân Ngài.

Môi-se nói rằng: “Khi ở trong cảnh gian truân, và khi tất cả những điều nầy xảy đến cho anh em rồi, trong những ngày cuối cùng anh em sẽ trở lại với Giê-hô-va Đức Chúa Trời của anh em và vâng theo tiếng Ngài. Vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời của anh em là Đức Chúa Trời đầy lòng thương xót; Ngài không bỏ anh em, không tiêu diệt anh em, cũng không quên giao ước mà Ngài đã thề với tổ phụ anh em” (28–31).

Sự may mắn và phước lớn đi theo những người được Chúa chọn; vì từ khi tạo dựng trời đất cho tới ngày ấy, chưa một dân tộc nào trên mặt địa cầu được phước như Israel: “Có dân tộc nào nghe tiếng một vị thần phán từ trong đám lửa, như anh em đã nghe, mà vẫn còn sống không?” (32–33). Cũng chưa có thần nào bỏ công chọn cho mình một dân tộc từ giữa dân tộc khác bằng những thử thách, bằng dấu lạ phép mầu, bằng chiến tranh, bằng cánh tay uy quyền dang rộng, bằng những việc kinh thiên động địa, như Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã làm tại Ai-cập ngay trước mắt dân mà Ngài muốn cứu vì đã hứa với các tổ phụ họ.

Cho nên, như Israel phải biết rằng Giê-hô-va là Đức Chúa Trời, ngoài Ngài không có chúa nào khác, thì con dân Chúa ngày nay cũng phải nhận biết và ghi lòng tạc dạ rằng ngoài Đức Chúa Trời của chúng ta, không có chúa nào hay thần nào khác có thể giải cứu chúng ta khỏi biển tội của thế gian và đem chúng ta về Vương-quốc Ngài (34–39).

Hễ ai đã nhận biết và tôn thờ Giê-hô-va là Đức Chúa Trời duy nhất của cả vũ trụ, trời đất và muôn vật trên đất, thì người đó cũng sẽ vâng theo các luật lệ và điều răn của Ngài.

Ai vâng theo và gìn giữ các luật lệ với điều răn ấy thì người ấy và con cháu sẽ được phước, trường thọ lâu dài trên sản nghiệp mà Chúa đã ban cho những người biết kính sợ Ngài.

Dù sản nghiệp tạm thời trên đất sẽ tới ngày suy tàn, phần thưởng sẽ ban cho những tấm lòng biết kính sợ Chúa còn vĩnh viễn trên thiên đàng vĩnh hằng của Đức Chúa Cao Cả trên trời.

PhucTruyen03.docx
Rev. Dr. CTB