Phước Lành của Tín Hữu (2)

Tín Đồ Của Chúa, bài 02

Mathiơ 5:6-12

Phước lành luôn luôn được ban cho những ai có các phẩm chất tâm linh phù hợp với nguyên tắc trong sạch và thánh khiết của thiên đàng.

Như lời dạy của Đức Chúa Jesus về các phước lành ấy thì những người có tâm linh nghèo khó đều đang sở hữu Vương-quốc thiên đàng, vì họ nhận biết bản chất xác thịt của linh hồn họ không có gì tốt cả; cho nên, họ đói khát một đời sống công chính, một xã hội công bằng và mọi người đều là con cái thật của Đức Chúa Trời (3).

Người như thế vẫn thường than khóc cho người trong thế giới vô đạo là bạn bè, người thân quen, láng giềng  hay những người họ gặp gỡ. Đức Chúa Jesus cho biết rằng những người ấy sẽ được an ủi khi vào sống trong một môi trường thanh khiết, không có sự bất công, bất nghĩa ở Nước Trời; những tấm lòng nhu mì ấy sẽ thừa hưởng đất, tức là có một cơ nghiệp vững chắc ở trên trời (4-5). 

Những người như thế phải là người đói khát sự công chính; nhưng ý nghĩa đích xác của công chính là như thế nào? Vua David bày tỏ: “Đức Giê hô va là công chính, Ngài yêu công lý; người chính trực sẽ thấy mặt Ngài” (Thi-thiên 11:7), “Ngài làm tươi mới linh hồn tôi, dẫn tôi vào các lối công chính vì cớ Danh Ngài” (Thi-thiên 23:3). Tiên tri Ê-sai nói: “Ngài đã đón rước người vui lòng làm điều công chính, người đi trong đường lối Ngài và nhớ đến Ngài” (Ê-sai 64:5).

Qua những câu Kinh-thánh đề cập tới sự công chính, Lời Chúa dùng các hình ảnh, biểu tượng để mô tả lòng “đói khát sự công chính là người hết sức mong mỏi và đeo đuổi các phước hạnh tâm linh.” Như Chúa phán: “Hỡi những người đeo đuổi sự công chính, là người tìm kiếm Đức Giêhôva, hãy nghe Ta” (Ê-sai 51:1); hay lời tác giả Thi thiên nói “Linh hồn con khao khát mỏi mòn về các phán quyết của Chúa” (Thi-thiên 119:20). Vậy đói khát sự công chính là mong mỏi các phán quyết của Chúa.

Đức Chúa Jesus tiết lộ rằng, những người như vậy sẽ được no đủ, tức là hoàn toàn thoả mãn. Lời cầu nguyện của David nói rõ hơn ý nghĩa của sự no đủ và thoả mãn nầy: “Đức Giê-hô-va ôi! Xin dùng tay Ngài giải cứu con khỏi bọn người trần tục, là những kẻ mà phần của chúng chỉ có trong đời nầy. ……… Nhưng con sẽ nhờ sự công chính của Chúa ban mà thấy mặt Chúa. Khi con tình thức, con sẽ thoả nguyện vì được chiêm ngưỡng hình dạng Ngài” (Thi-thiên 17:14a-15).

Nghĩa chính của bốn phước lành đầu tiên là các thánh đồ ý thức rõ nhu cầu của mình về ơn cứu rỗi nên cách hành xử của họ phù hợp với ý thức đó, chứ không vì được ơn mà cư xử kiểu khinh lờn.

Ba phước lành kế tiếp dành cho những ai đã tìm gặp ơn cứu rỗi: “Phước cho những người có lòng thương xót, vì sẽ được thương xót” (7). Sự nối kết giữa các phước lành trước với phước lành nầy thật là đẹp. Những người sở hữu các phẩm chất công nghĩa lại sinh ra các phẩm chất tốt lành khác là điều tự nhiên. Đấng giàu lòng thương xót sẽ đối xử nhân từ với người biết đối xử nhân từ với người khác.

Nhưng đối với người không chịu thực hiện lòng thương xót đối với đồng loại thì sẽ bị đối xử khắc nghiệt. Đức Chúa Jesus kể một chuyện giải thích ý nghĩa của nguyên tắc đối xử với người khác phải dựa trên sự tương xót mà mình nhận được (Mathiơ 18:23-35); được thưởng hay bị phạt là tuỳ theo bản chất bên trong chúng ta.

Ai trung tín, Chúa sẽ tỏ mình thành tín; ai trọn vẹn, Chúa sẽ tỏ mình trọn vẹn. Ai thanh sạch, Chúa sẽ tỏ mình thanh sạch” (Thi-thiên 18:25-26a). Ý nghĩa đặc biệt của lòng thương xót sẽ được thưởng cũng đã được xem xét ở Mathiơ 25:34-40.

Phước cho những người có lòng trong sạch, vì sẽ thấy Đức Chúa Trời” (8). Sạch sẽ bề ngoài khác với sự thanh sạch trong lòng.

Mặc dù vậy, bình thường thì bề ngoài tươm tất, ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ, chu đáo, hiền hậu, và trung tín trong đời sống của một người, cho biết bề trong của người ấy là trong sạch; còn nếu bề ngoài lùi xùi, đồ đạc lộn xộn, bừa bãi, trễ nải, thất tín, thì dấu hiệu ấy cho biết lòng của người đó chẳng ngăn nắp gì hết; vì con người bên trong bộc lộ ra ngoài khó khiến cho người khác tin rằng mình có phẩm chất trong sạch.

Nhưng Đức Chúa Trời là Đấng xem xét và thấy bề trong của lòng người, nên Ngài sẽ thưởng cho người có lòng trong sạch được thấy Ngài, tức là được gặp gỡ, trò chuyện với Ngài trong tâm linh (không phải là thấy bằng mắt trần của thể xác). Tuy nhiên, chúng ta cần biết rõ ý nghĩa thật của lòng trong sạch là như thế nào.

Ai sẽ lên núi Đức Giêhôva? Ai sẽ đứng nổi trong nơi thánh Ngài? Đó là người có tay trong sạch và lòng thanh khiết, không hướng linh hồn mình vào thần tượng hư không, cũng chẳng thề nguyện giả dối” (Thi-thiên 24:3-4).

Sự trong sạch của lòng bắt đầu từ lương tâm được tẩy sạch khỏi công việc chết (Hê-bơ-rơ 9:14b), lòng được tẩy sạch khỏi lương tâm ác (Hê-bơ-rơ 10:22b), thanh sạch trong lòng biểu lộ ra đạo đức bên ngoài, một tấm lòng không có điều dối trá thì cư xử ngay thẳng chẳng có điều gì phải giấu giếm. Như sứ đồ Giăng dạy:

Đức Chúa Trời là ánh sáng, trong Ngài không có bất cứ bóng tối nào. Nếu chúng ta nói mình được tương giao với Ngài mà vẫn bước đi trong bóng tối, thì chúng ta nói dối và không làm theo chân lý. Nhưng nếu chúng ta bước đi trong ánh sáng, cũng như chính Ngài ở trong ánh sáng, thì chúng ta được tương giao với nhau, và huyết của Đức Chúa Jesus, Con Ngài, tẩy sạch mọi tội của chúng ta” (1Giăng 1:6-7).

Tín hữu nào dù bề ngoài sạch sẽ, nhưng cứ phạm tội do tánh nết bề trong, là người không hề thấy hoặc biết Đức Chúa Trời (1Giăng 3:6b). Lòng người chỉ có thể được tẩy sạch nhờ đức tin vào Đức Chúa Trời, Đấng xưng công chính cho bất cứ tội nhân nào tin và tiếp nhận sự chết chuộc tội mà Đức Chúa Jesus đã vui lòng hi sinh chết thay cho tội lỗi của cả nhân loại.

Cho nên, đức tin là điều kiện đầu tiên để lòng được tẩy sạch và được xưng công chính. Người có đức tin và hết lòng muốn được tẩy sạch thì con mắt lòng sẽ được soi sáng, toàn thể con người bên trong đồng ý với Chúa trong mọi vấn đề, nhờ đó người tin có thể vui mừng chiêm ngưỡng vinh quang Chúa, được biến đổi giống như hình ảnh Ngài từ vinh quang đến vinh quang khi “để mặt trần” mà tương giao với Ngài (2Côrinhtô 3:18), tức là đến với Chúa bằng con người thật của mình, bỏ hết các mặt nạ.

Ai chưa được thánh hoá, người ấy không thể thấy Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 12:14).

Phước cho những người hoà giải, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời” (9). Người hoà giải là người luôn nỗ lực để ngăn ngừa các sự tranh chấp hoặc những mầm mống xung đột, dù cho nó chẳng liên can gì tới mình.

Tuy nhiên, sự hoà giải mà Đức Chúa Jesus nói ở đây là phục hoà mối nghịch thù giữa loài người với Đức Chúa Trời; có nghĩa người hoà giải là người truyền rao, giới thiệu Tin Mừng về ơn cứu độ của một Đức Chúa Trời “nhân từ, thương xót, chậm giận, dư dật ân huệ và thành thật, giữ lòng yêu thương đến ngàn đời, tha thứ điều gian ác, sự vi phạm và tội lỗi; nhưng không kể kẻ có tội là vô tội, mà nhân tội tổ phụ phạt con cháu đến ba bốn đời” (Xuất 34:6-7).

Nhưng sự giải hoà chỉ được thực hiện khi Đấng Christ đến thế gian, và qua Đấng Christ, Đức Chúa Trời “đã cho thế gian được hoà giải với Ngài, không kể tội lỗi cho loài người” (2Côrinhtô 5:19). Người có nhiệm vụ hoà giải là người đã được hoà giải với Ngài qua Đấng Christ (2Côrinhtô 5:18,20).

Vì thế, muốn làm người có khả năng đem những kẻ trung thành với truyền thống tổ tiên thù nghịch với Đức Chúa Trời, hoặc người có tâm địa xấu xa chẳng khi nào muốn gần gũi với thánh đồ của Chúa, đến để được giải hoà với Ngài qua Đức Chúa Jesus, thì phải thành tâm cầu xin Đức Thánh Linh biến đổi mình thành người có tâm linh nghèo khó, có tâm tình than khóc trước sự bất công, có tấm lòng nhu mì, có lòng đói khát sự công chính, có lòng thương xót người đang hư mất và có một tấm lòng trong sạch; để sau khi đã nhận lãnh sự bình an thiên đàng thì có thể trở thành người làm lan truyền sự hoà bình đó cho vô số người chung quanh mình.

Danh hiệu con của Đức Chúa Trời là niềm vinh dự lớn nhất cho người trần thế; bởi vì đó là những người phản ảnh được Đức Chúa Trời qua đời sống của họ, do “sự bình an của Đức Chúa Trời vượt trên mọi sự hiểu biết sẽ gìn giữ lòng và trí của anh em trong Đấng Christ Jesus” (Phi-líp 4:7).

Đức Chúa Jesus, Đấng làm cho loài người phục hoà với Đức Chúa Trời, sẽ làm cho các môn đồ của Ngài được mang các nét đặc trưng của gia đình Ngài: Khả năng hoà giải sự thù nghịch.

TinDoCuaChua02.docx
Rev. Dr. CTB