Thờ Phượng Chúa Thế Nào?

Phục Truyền Luật Lệ, bài 10

Phục Truyền 12:1-32

Môi-se vẫn hết sức lo lắng về mối hiểm nguy mà dân Israel sớm sa vào tội thờ hình tượng sau khi ổn định chỗ ở trong đất hứa; bởi vì các lân bang của họ đều là những dân tộc mê tín thờ hình tượng bị Đức Chúa Trời gớm ghét. Vì thế ông khuyên và nhắc nhở họ phải vâng theo những luật lệ và mệnh lệnh mà ông đã truyền lại cho họ.

Việc cẩn thận làm theo những điều đã được truyền dạy, là điều kiện không thể huỷ bỏ, để được vui hưởng hạnh phúc và bình an trong vùng đất đượm sữa và mật ấy (1).

Mệnh lệnh nầy vẫn còn nguyên giá trị của nó cho Hội-thánh ngày nay trong sự thờ phượng Chúa. Nếu ngày xưa Israel phải phá huỷ toàn thể các địa điểm mà trước đó cư dân ở trong xứ đã dùng làm nơi cúng bái các thần của họ (2), thì ngày nay Hội-thánh cũng phải tránh xa bất cứ hình thức lễ nghi nào có tính cách thờ hình tượng trong sự thờ phượng Chúa.

Đây là vấn đề hết sức tế nhị; bởi vì đã có một số nơi sáng chế hình thức thờ phượng mới nào đó để thu hút giới trẻ, hoặc các lễ nghi huyền bí trang nghiêm để hấp dẫn những người mê tín, thì chẳng bao lâu mục tiêu họ nhắm tới không phải là Đức Chúa Trời qua Đức Chúa Jesus, mà nhằm thoả mãn ý thích âm nhạc kích động, hoặc tạo ra một đám đông hết sức sùng bái lãnh tụ tinh thần của họ.

Cho nên, Israel được lệnh “đập vỡ các bàn thờ, nghiền nát các tượng, thiêu huỷ những trụ thờ A-sê-ra, triệt hạ tượng chạm các thần…và xoá tên các thần ấy khỏi chỗ nó. Đừng thờ phượng Giê-hô-va Đức Chúa Trời…theo cách các dân tộc ấy thờ thần của chúng” (3-4).

Lời dặn nầy thật là quan trọng đối với chúng ta ngày nay, bởi vì Hội-thánh ngày nay thừa hưởng các truyền thống lễ nghi từ những người đi trước chứ không phải nhờ nghiên cứu Kinh-thánh rồi thiết lập sự thờ phượng sao cho đúng với cách thức do Đức Thánh Linh soi sáng và chỉ dẫn.

Thời nay vẫn có một số người cố ý dàn cảnh, để qua hình ảnh video có vẻ như nhờ ơn đặc biệt mà diễn giả được Chúa ban, nên đám đông đều ngã xuống dưới quyền phép của Đức Thánh Linh, hoặc vờ vịt cố ý xô đẩy để người nhận cầu nguyện bị ngã xuống. Về phía người nhận lại dễ dàng tự động ngã để chứng tỏ mình được quyền phép Đức Thánh Linh chạm tới.

Cả hai phía đều phạm tội giả mạo và cổ xuý sự mê tín trong các tín hữu thiếu hiểu biết đang chân thành tìm kiếm Chúa.

Đối với người Israel vào thời ấy thì Đức Chúa Trời sẽ chọn một địa điểm để đặt Danh Ngài sau khi Israel đã vào nơi an ổn, nghỉ ngơi (5, 10-11). Bấy giờ, họ sẽ thực hiện tất cả các nghi lễ và tế lễ theo như đã được chỉ dẫn để cùng nhau vui hưởng những ơn lành Chúa đã ban cho họ (6-7).

Mặc dù có Môi-se làm lãnh tụ và có sự chỉ dẫn của Chúa, nhưng lúc còn ở trong hoang mạc, dân Israel vẫn làm theo ý riêng của từng người; nên Môi se dặn thêm: “Anh em đừng làm như chúng ta đang làm ở đây hôm nay, tức là mỗi người làm theo điều mình cho là phải, vì anh em chưa vào nơi nghỉ ngơi và chưa được hưởng cơ nghiệp mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ban cho anh em” (8-9). Nhưng sau khi đã ổn định chỗ ở rồi, và Đức Chúa Trời đã chọn một nơi, thì họ sẽ tập trung thờ phượng Ngài theo các lễ nghi và tế lễ mà Ngài đã định cho họ (10-11).

Ở nơi tập trung thờ phượng ấy, người Israel sẽ cùng với gia đình mình và những người được chỉ định phục vụ nơi thờ phượng, sẽ cùng nhau vui hưởng các bữa ăn thông công trước mặt Đức Chúa Trời. Vì người Lê-vi không được chia sản nghiệp nào, nên phần ăn của họ được dành riêng từ các của dâng do người từ các chi tộc khác đem đến dâng cho Chúa (12).

Tinh thần ấy đã truyền đến các bữa ăn hiệp thông ngày nay ở Hội-thánh. Nơi nào gìn giữ điều đó thì dễ tạo nên tinh thần hoà thuận và tình thân giữa tín hữu với nhau. Sự hiềm khích, tranh cạnh, chia rẽ và thiếu tình yêu thương nhau trong Hội-thánh đều phát sinh từ những người không biết kính sợ Đức Chúa Trời.

Israel không được phép chọn lựa theo ý riêng chỗ dâng tế lễ thiêu cho Chúa mà phải dâng tại nơi Đức Chúa Trời chỉ định ở phần đất thuộc một chi tộc trong số mười hai chi tộc được chia sản nghiệp (13-14).

Ở thời kỳ còn lang thang trong hoang mạc, hễ nơi nào Israel dừng lại và dựng Lều Hội Kiến, thì các tế lễ được dâng ở nơi đó. Nhưng có một số chỗ họ chỉ tạm thời dừng chân nghỉ ngơi, Lều Hội Kiến không được dựng, thì nơi đó không tế lễ nào được dâng. Dân Israel quen với sự di chuyển và những địa điểm đã dâng tế lễ trong thời ấy, có thể nghĩ rằng địa điểm dâng tế lễ ở đâu cũng được. Môi-se dạy rằng sau nầy Đức Chúa Trời sẽ chọn một chỗ cố định.

Tuy nhiên địa điểm giết súc vật để ăn thịt trong sinh hoạt bình thường thì có thể thực hiện ở bất cứ nơi nào họ thích, còn người ăn không bị ràng buộc phải là người thanh sạch. Chỉ nhắc lại điều cấm là không được ăn huyết, mà phải đổ máu trên đất như đổ nước vậy (15-16).

Có sự phân biệt rõ ràng giữa thức ăn riêng với các thức ăn trong của dâng một phần mười đã được định. Nhưng thuế một phần mười đề cập ở đây khiến người đọc rất thắc mắc; bởi vì số một phần mười đầu tiên về ngũ cốc, rượu và dầu sau mùa thu hoạch đều phải nộp cho người Lê-vi để nuôi sống họ theo như luật định (Dân số 18:21).

Người nộp một phần mười không có phần gì trong sản vật mà mình đã nộp. Họ chỉ được ăn phần của họ trong các lễ vật hoàn nguyện đã hứa, các tế lễ tự nguyện hay lễ vật dâng giơ lên. Nhưng họ phải ăn tại nơi có đền thờ cùng với thân nhân của gia đình và người Lê-vi ở cùng một thành với họ, để “hân hoan trước mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời về mọi việc mà tay anh em đã làm“(17-18). Họ cũng không được phép quên người Lê-vi suốt thời gian họ sống trong vùng đất mới (19).

Thế thì, món mà họ được phép ăn là phần dâng thêm của họ mà thôi.

Những câu trong phần tiếp theo là nhắc lại những lời vừa nói trước. Sở dĩ phải nói rõ sự cho phép giết thú để ăn thịt là vì trước đây khi còn đi trong hoang mạc thì luật nghiêm cấm:

Bất cứ một người nam nào thuộc nhà Israel giết một con bò, một con chiên con hoặc một con dê trong trại hay ngoài trại, thay vì đem đến cửa Lều Hội-Kiến để dâng lên Đức Giêhôva trước Đền Tạm của Ngài, thì người ấy sẽ bị kể là mắc tội làm đổ máu; người làm đổ máu sẽ bị truất khỏi cộng đồng dân cư” (Lêviký 17:3-4).

Sự nghiêm cấm ấy “nhằm chấm dứt việc dân Israel dâng sinh tế giết ngoài đồng” (Lêviký 17:5).

Bây giờ sau khi đã được vào sống trong đất hứa, dân Israel sẽ thèm ăn thịt, và các loại gia súc họ có thể ăn mà không phạm lỗi là bò, chiên và dê; vì họ cũng không thể dâng tế lễ ở nơi nào khác ngoài đền thờ, nên họ được phép giết gia súc ăn tại thành mình (20-22).

Môi-se nhắc lại lệnh cấm ăn huyết vì trong huyết có sự sống (Lê-vi-ký 17:11,14); lợi ích của việc tránh ăn huyết là người không ăn và con cháu đều được phước, vì sự tránh ăn huyết là làm điều ngay thẳng dưới mắt Đức Chúa Trời (23-25).

Những con thú đã biệt riêng ra thánh hay lễ vật hoàn nguyện thì phải đem tới Đền Thờ để dâng nó làm tế lễ thiêu. Người dâng một con thú làm tế lễ bình an chỉ có thể ăn phần thịt dành cho mình từ con thú làm tế lễ ấy. Những loại tế lễ khác, như tế lễ chuộc tội, thì người dâng không được phép ăn phần dành cho thầy tế lễ (26-27).

Những ai cẩn thận vâng giữ lời truyền dặn của Môi-se, là người làm điều tốt đẹp và ngay thẳng dưới mắt Đức Chúa Trời, thì hậu tự của người ấy sẽ được phước đời đời (28).

Đối với những dân tộc mà Israel phải trục xuất thì Đức Chúa Trời sẽ diệt trừ và trục xuất họ. Nhưng sau khi đã vào ở thế chỗ của họ rồi, thì Israel có thể bị cám dỗ mà bắt chước các dân ở đó trước kia thờ cúng các thứ tà thần của họ (29-30).

Kẻ thù trong thế giới tối tăm luôn luôn giăng bẫy để tóm lấy những người mê tín, thiếu hiểu biết và tham muốn của cải vật chất. Cái bẫy mà kẻ thù giăng ra luôn có miếng mồi tiền bạc rất hấp dẫn mà ngày nay nhiều tín hữu thường bị vướng cái bẫy ấy nhưng không biết. Cho nên, hễ chúng đem tiền bạc ra doạ dẫm là người vướng bẫy sợ hãi làm theo điều chúng sai bảo.

Ngày xưa, Đức Chúa Trời ghê tởm các dân tộc ở Canaan vì họ dùng con cái họ thiêu nướng trong lửa để tế các thần của họ (31).

Ngày nay, con cái Chúa phải vô cùng cẩn thận, để không bị mờ mắt bởi miếng mồi tiền bạc và danh vọng mà mắc bẫy kẻ thù của linh hồn chúng ta.

Hãy làm theo lời Chúa, không thêm không bớt theo ý riêng mình nữa (32).

PhucTruyen10.docx
Rev. Dr. CTB