Giải Trừ Máu Vô Tội

Phục Truyền Luật Lệ, bài 19

Phục Truyền 21:1-23

Sinh mạng của con người là rất quan trọng trước mặt Đức Chúa Trời; vì thế, nếu có xác chết nằm ngoài đồng mà không biết bị ai giết, thì cư dân của thành ở gần xác chết nhất phải chịu trách nhiệm về sinh mạng bị giết đó (1-3).

Để giải trừ tội giết người đối với những người vô can ở trong thành ấy, một nghi thức phải được thực hiện để thi hành sự giải trừ ấy: Các trưởng lão của thành phải đem tới một con bò cái tơ, tức là bò cái một năm tuổi, chưa từng làm việc hay mang ách (3); con bò được một năm tuổi, tượng trưng cho thủ phạm sát nhân, là một người đã trưởng thành và có đủ sức mạnh.

Họ phải dắt con bò ấy xuống một chỗ trũng hiểm trở có dòng nước chảy, là nơi không có gieo trồng. Theo đúng nguyên văn thì chỗ trũng hiểm trở có dòng nước chảy ở cách xa thành có dân cư trú, để nước ấy sẽ rửa sạch huyết làm ô nhiễm đất gieo trồng (4). Việc con bò cái tơ bị đánh gãy cổ là hình ảnh tượng trưng cho cái chết của kẻ phạm tội sát nhân.

Con bò cái bị đánh gãy cổ chết ở chỗ trũng thấp hiểm trở cũng có thể tượng trưng cho Đấng Christ từ trời cao xuống nơi thấp hèn ở thế gian, chịu chết để thực hiện ý muốn của Cha trên trời.

Sau khi con bò bị đánh chết, các thầy tế lễ là con cháu Lê-vi, có lẽ từ thành của người Lê vi gần nơi đó nhất, xuất hiện để chứng nhận luật lệ đã được thi hành đúng, mặc dù họ chẳng làm gì hết trong các lễ nghi nầy. Sở dĩ họ phải tới “vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời … đã chọn họ để phụng vụ Ngài, để nhân danh Đức Giê-hô-va mà chúc phước, và căn cứ vào lời họ mà mọi vụ tranh tụng và đả thương được giải quyết” (5).

Trước sự chứng kiến của các thầy tế lễ người Lê-vi, tất cả các trưởng lão của thành, có nhiệm vụ đem con bò đến và giết con bò, sẽ rửa tay trên con bò cái tơ vừa bị đánh gãy cổ chết nơi dòng nước chảy và đồng thanh nói: “Tay chúng con không làm đổ máu nầy; mắt chúng con cũng không nhìn thấy án mạng nầy diễn ra như thế nào” (7).

Nhiều nhà giải kinh nghĩ rằng câu nói cầu khẩn tiếp theo là lời của các thầy tế lễ dòng Lê-vi: “Lạy Đức Giê-hô-va, xin Chúa tha tội cho dân Israel, là dân mà Ngài đã chuộc! Xin đừng buộc tội làm đổ máu cho dân Israel của Ngài và tha thứ cho họ về vụ đổ máu nầy” (8).

Điều nầy không có nghĩa là thủ phạm giết người sẽ được tha thứ. Các trưởng lão phải thực hiện các nghi thức ấy, các thầy tế lễ dòng Lê-vi phải nói lời cầu nguyện ấy, bởi vì thủ phạm là một người nào đó trong vòng dân Israel ở các thành chung quanh. Dù sau khi con bò cái tơ đã bị giết chết, mà một ngày nào đó người ta tìm ra kẻ sát nhân, thì hắn sẽ bị xử tử hình.

Các trưởng lão người Israel ở thành gần nhất phải làm như vậy để chứng tỏ họ “đã làm điều ngay thẳng dưới mắt Đức Giê-hô-va và giải trừ máu vô tội ra khỏi” họ (9); tức là dân tộc Israel đã được chứng minh là vô can.

Về việc Israel đi ra giao chiến với quân thù và vì được Đức Chúa Trời phù hộ họ thắng trận, thì vấn đề bắt tù binh về làm nô lệ không áp dụng cho bảy dân tộc được đề cập tới ở phần trước (Phục Truyền 20:16-17); bởi vì theo lệnh của Chúa thì tất cả sinh vật thuộc về bảy dân tộc đó phải bị tiêu diệt, không để cho sống.

Luật về các tù binh sẽ nói tới ở đây chỉ áp dụng cho các dân tộc ở xa mà thôi (10). Vậy, đàn ông Israel được phép cưới nữ tù binh nào vừa ý mình để làm vợ; nhưng trước khi được phép ăn ở với người Israel, phụ nữ ấy phải cạo đầu, cắt móng tay, thay áo tù, và ở trong nhà của người muốn cưới mình để khóc cha mẹ trọn một tháng. Rồi người Israel đó mới có thể cưới phụ nữ ấy làm vợ (11-13).

Vào thời ấy, phụ nữ của nhiều dân tộc ở vùng Trung-đông vẫn có bộ tóc dài và thường nuôi móng tay dài như một thứ trang sức để làm đẹp. Sắc đẹp ấy có thể hấp dẫn đàn ông Israel.

Sự cạo đầu và cắt móng tay theo luật Môi-se truyền ở chỗ nầy có thể nhắm hai mục đích: Thứ nhất là có mục đích thanh tẩy quá khứ của phụ nữ ấy; thứ nhì là nhiều khi người phụ nữ bị cạo đầu thì nhan sắc chẳng còn đẹp nữa, người đàn ông Israel sẽ phải nghĩ lại có còn ý định cưới người đó về làm vợ nữa hay không.

Thân phận người phụ nữ trong thời đại ấy chẳng có quyền quyết định gì về số phận mình, tất cả đều do đàn ông quyết định. Cho nên, nếu người đàn ông Israel vẫn quyết định sẽ cưới phụ nữ ấy làm vợ vì yêu thương nàng, thì phải để nàng khóc cha mẹ mình trọn một tháng, vì đối với người nữ tù binh, cha mẹ của người ấy xem như đã chết vì chẳng còn cơ hội gặp lại.

Việc một người Israel cưới người nữ ngoại bang làm vợ là điều nguy hiểm; bởi vì người nam ấy dễ bị nhan sắc người vợ dẫn dụ phạm tội nghịch lại các điều răn của Đức Chúa Trời.

Một tháng để người phụ nữ khóc than cha mẹ, có thể đã bị giết chết khi dân tộc ấy bại trận, hoặc không còn cơ hội nào trở lại quê nhà để gặp lại họ, là một lý do. Nhưng có một lý do nữa là người Israel phải dùng thời gian ấy để chỉ dẫn cho người nữ tù binh biết về Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Israel là Chân Thần, khác với và vượt xa các thứ thần mà dân tộc của phụ nữ ấy thờ lạy. Nàng phải có thời gian để học biết các điều răn và giới luật của Chúa, biết ý muốn Ngài; và điều quan trọng hơn hết là biết từ bỏ lề thói thờ lạy hình tượng của dân tộc ngoại bang chưa biết Chúa.

Khi hai người nam nữ kết hôn với nhau vì tình yêu, thì hôn nhân ấy sẽ vững bền dù thời gian là bao lâu đi nữa. Nhưng nếu người đàn ông cưới vợ vì mê đắm nhan sắc của người nữ, khi nhan sắc phai tàn không còn hấp dẫn nữa, thì tình yêu cũng phôi pha theo.

Luật về việc đối xử với nữ tù binh đã được cưới làm vợ được đặt ra để bảo vệ người ấy: “Về sau, nếu anh em không còn yêu thích cô ấy nữa thì phải để cho cô ấy tự do ra đi, không được bán để lấy tiền hoặc đối xử như một nô lệ, vì anh em đã chiếm đoạt cô ấy” (14).

Trong bối cảnh của phong tục mà người phụ nữ bị đủ thứ thiệt thòi, luật nầy vượt trội lên về tính nhân đạo và đạo đức cao cả mà Đức Chúa Trời muốn con dân của Ngài phải biết cư xử với đồng loại. Họ phải vượt cao hơn cách sống của người không biết Chúa. Con cái Chúa ngày nay cũng phải tập cách sống như thế trong tình nghĩa vợ chồng.

Một người đàn ông bị ràng buộc bởi hai bà vợ thì sẽ có bà được yêu, và bà bị ghét thường là vợ đầu tiên. Vì là vợ lớn có con trước khi chồng cưới thêm vợ nhỏ; cho nên, “con trai trưởng lại là con của người vợ bị ghét” (15).

Người cha phải công nhận con trai ấy có quyền trưởng nam vì nó là con đầu lòng; phải cấp tài sản gấp đôi cho người con có quyền trưởng nam đó (16-17).

Thói thường của người ta là ghét tất cả những gì thuộc về người bị ghét. Luật của Đức Chúa Trời cấm người Israel không được ghét con trưởng nam của mình, khi người con ấy là con của vợ bị ghét. Cho nên, dù người đàn ông có yêu thương người vợ nhỏ của mình đến đâu đi nữa cũng không có quyền bãi quyền trưởng nam của người con của vợ bị ghét.

Còn đối với những người con ngỗ nghịch, không vâng lời cha mẹ dù có bị sửa trị, thì cha mẹ phải dẫn người con đó ra cổng thành và giao cho các trưởng lão của thành.

Luật nầy nhắc lại cho người đọc Kinh-thánh hiểu rằng luật của Đức Chúa Trời vừa áp dụng cho việc dân sự vừa là luật hình sự nữa.

Người con ngỗ nghịch không vâng lời cha mẹ, phạm tội bất hiếu, đã phạm điều răn thứ năm. Mà ai phạm điều răn thứ năm phải bị xử tử hình. Cho nên, dân trong thành sẽ xử người con ấy bằng cách ném đá cho chết để loại trừ tội ác ra khỏi Israel, và mọi người đều sẽ sợ (18-21).

Nếu có một người phạm tội tử hình và bị xử tử, thì hãy treo lên cây” (22). Theo lệnh nầy thì không phải là xử tử bằng hình phạt treo cổ. Các hình phạt xử tử được nói tới trước đây là ném đá (Lê-vi 20:2; Phục truyền 13:10), thiêu sống (Lê-vi 20:14; 21:9), và giết bằng gươm (Xuất Ai-cập 32:27); treo lên cây là khi nào tử tội đã chết rồi xác mới bị treo lên (Giô-suê 10:26).

Treo lên cây có nghĩa treo lên một cái cọc, một cây mộc hình hay một cái giá, chứ không hẳn là phải treo xác tử tội lên cành cây theo cách hiểu thường tình.

Xác tử tội phải được chôn khi chiều tối vì nếu còn bị treo và sình thối sẽ làm ô nhiễm không khí; mọi người đã thấy rồi thì hình ảnh đó phải bị dẹp bỏ, và đất thánh phải được sạch vì “anh em không được làm ô uế mảnh đất mà Đức Chúa Trời anh em ban cho anh em làm sản nghiệp,” bởi vì “ai bị treo trên cây là kẻ bị Đức Chúa Trời rủa sả” (23).

Hình ảnh nầy nhắc lại Đức Chúa Jesus đã chịu bị treo lên để nhận chịu sự rủa sả thay cho chúng ta (Galati 3:13).

PhucTruyen19.docx

Rev. Dr. CTB