Luật Chiến Tranh

Phục Truyền Luật Lệ, bài 18

Phục Truyền 20:1-20

Đức Chúa Trời hứa ban xứ Canaan cho dân Israel làm cơ nghiệp vĩnh viễn, nhưng họ phải ra sức đánh chiếm xứ ấy chứ nó không tự động trở thành cơ nghiệp của họ.

Chinh phục đất mới đòi hỏi sự can đảm để giao tranh với các lực lượng chống trả; cho nên, dù dân Israel sẽ thấy quân thù có “nhiều ngựa, nhiều xe và binh lực đông hơn” thì đừng sợ, “vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời…….sẽ ở với” họ (1).

Sở dĩ phải có lời dặn dò nầy, vì cho tới lúc đó quân của Israel chỉ là bộ binh, vũ khí của họ hầu hết làm bằng đồng, chưa có nhiều gươm giáo bằng sắt thép; trong khi đó, kỹ thuật luyện kim của người Philistine tân tiến hơn, dân Amorite ở Canaan thì lại cao to và mạnh mẽ hơn người Israel. Nhưng Israel có Đức Chúa Trời ở với họ, cho nên ngựa xe, gươm giáo, sắt thép hay binh lực đông đến mấy cũng không thể chống nổi một dân tộc có Đức Chúa Trời bênh vực.

Trước giờ tham chiến, “thầy tế lễ sẽ tiến đến phía trước và phát biểu với dân chúng” (2). Các văn sĩ Do-thái cho biết rằng có một thầy tế lễ được chỉ định làm thầy tế lễ chiến trận để chỉ huy toàn đội quân, không phải như tuyên uý tôn giáo trong quân đội ngày nay.

Chế độ chính trị thời ấy là chế độ thần quyền nên phải có mặt thầy tế lễ trong chiến trận, với định ý là Đức Chúa Trời sẽ trực tiếp chỉ huy trận đánh qua thầy tế lễ được Ngài sai khiến. Ví dụ như thầy tế lễ Phinehas ra trận với quân Israel đem theo những khí giới thánh và kèn thúc quân (Dân-số 31:6).

Tuy nhiên, vì số dân Israel rất đông, người ta khó nghe rõ những lời khích lệ của chỉ một thầy tế lễ nói trước hàng quân; cho nên, theo tục lệ Do-thái thì phải có nhiều người lặp lại các lời nói đó trước từng đơn vị.

Những lời nói của thầy tế lễ đã được quy định để khích lệ tinh thần quân sĩ và lời bảo đảm sẽ có Đức Chúa Trời cộng tác chiến đấu (3-4). Điều đó không có nghĩa Israel được phép ỷ lại vào sự can thiệp của Chúa mà không cần phải giao tranh với các chiến sĩ phía thù nghịch đang chống lại họ.

Cho nên, thầy tế lễ phải dặn họ “đừng sờn lòng, hoảng sợ, đừng hãi hùng, kinh khiếp khi đối diện với chúng, vì Giêhôva Đức Chúa Trời của anh em là Đấng cùng đi với anh em để tiến đánh quân thù và giải cứu anh em.

Tuy vậy, không phải tất cả mọi người có nhiệm vụ phải đánh trận đều can đảm; bởi vì trong một tập thể luôn luôn có những người nhát sợ, người yếu lòng tin khi thấy kẻ thù cụ thể trước mắt, không thể thấy được Đấng vô hình vẫn luôn dẫn dắt họ, hoặc những người lưỡng lự khi ra trận vì tiếc rẻ chưa được tận hưởng thành quả công khó của mình.

Vì thế, các quan chức sẽ cho phép những người mới cất nhà mà chưa kịp khánh thành, người có vườn nho mà chưa kịp hưởng hoa lợi, và người đã đính hôn với một phụ nữ mà chưa kịp cưới, đều được miễn tham gia chiến trận lần đó. Còn những người nao núng vì hãi sợ và hèn nhát cũng bị đuổi khỏi hàng quân để không làm suy yếu tinh thần chiến đấu của đồng đội (5-8).

Chủ trương chiến trận của quân đội Israel lúc ấy khác hẳn các quy định về quân luật của quân đội thời nay, vì trong thời chiến tranh thì mọi quân nhân đều phải thi hành nhiệm vụ, ngoại trừ những trường hợp cấp bách đặc biệt mới được tạm hoãn tham chiến một thời gian ngắn để giải quyết cho xong công việc cấp bách ấy.

Sau khi Israel giải quyết tình trạng những người có nhu cầu đặc biệt thì các cấp chỉ huy mới được bổ nhiệm để lãnh đạo các đơn vị quân đội không có những người thối chí (9).

Thời các thẩm phán về sau, khi Gideon bảo những người sợ hãi và hèn nhát trong đoàn quân của ông hãy trở về nhà, thì có 22,000 người trong số 32,000 quân đã ra về (Quan Xét 7:3).

Theo sự chỉ dẫn của Đức Chúa Trời, cuối cùng Gideon chỉ chọn được 300 người theo ông chống lại quân Madian đông vô số. Nhưng số quân ít ỏi đó đã chiến thắng vẻ vang. Vì vậy, cách điều động quân đội của Israel có hiệu quả hơn một đoàn quân đông mà ô hợp.

Chủ trương kế tiếp về chiến tranh do Môi se truyền cho Israel cũng rất hợp lý: “Khi kéo quân tấn công một thành nào, anh em phải đưa điều kiện hoà giải với dân chúng trong thành ấy trước” (10). Nhưng có câu hỏi đặt ra là luật chiến tranh nầy có áp dụng cho các sắc dân ở Canaan đã bị định phải bị diệt không (Phục 7:1-2).

Theo một số nhà thần học và giải kinh thì luật nầy sẽ áp dụng cho những trận chiến tranh với các lân bang ngoài xứ Canaan về sau; còn bảy dân tộc ở xứ Canaan đã bị Chúa nêu tên thì phải bị tiêu diệt hoàn toàn (11-18).

Thật ra, khi Giô-suê lãnh đạo Israel tiến vào xứ Canaan, chỉ có dân tộc Hevit ở thành Ga-ba-ôn dùng mưu kế lập hoà ước và sẵn lòng phục dịch Israel để khỏi bị tiêu diệt; còn tất cả các dân tộc khác đều cự tuyệt điều kiện hoà giải, dàn quân chống trả hay tấn công Israel, nên đều bị diệt sạch cả (Giô-suê 11:19-20).

Nguyên tắc hoà giải mà Đức Chúa Trời dặn Israel sẽ áp dụng trong chiến tranh phản ảnh đức nhân từ của ân sủng Đức Chúa Trời đối xử với mọi tội nhân ở thế gian. Ngài công bố ban sự bình an cho nhân loại (Luca 2:14) và kêu gọi mọi tội nhân trở lại phục hoà với Ngài qua chức vụ hoà giải của Đấng Christ (2Côrinhtô 5:18-19). Mọi anh chị em hãy dùng nguyên tắc nầy trong cách đối xử với mọi người quanh mình.

Đối với dân chúng ở những thành từ chối điều kiện giải hoà, thì Israel sẽ tiêu diệt tất cả nam giới của thành ấy, ngoại trừ các bé trai còn quá nhỏ (12-13).

Sở dĩ đàn bà không bị tàn sát vì thời ấy đàn bà không có quyền tự chủ, phải hoàn toàn phục tùng chồng của họ. Họ không có tiếng nói gì về việc hoà hay chiến; hơn nữa, đàn bà và con trẻ sức yếu nên được để cho sống.

Họ bị bắt về làm nô lệ cho các gia đình người Israel; những phụ nữ có nhan sắc lại được các ông chủ cưới làm hầu thiếp. Mục tiêu của người thời ấy là gia tăng nhân số càng nhiều, càng nhanh càng tốt, vì vậy đàn ông thường có nhiều vợ để sinh nhiều con cái cho họ (14).

Lời dặn tiếp theo cho thấy lệnh đã nói ở phần trước không trái ngược với mệnh lệnh phải tiêu diệt bảy sắc dân ở Canaan (15-17). Sứ giả chỉ được gửi đi đem điều kiện hoà bình tới “các thành ở rất xa …. không thuộc về các dân tộc ở đây.” Đối với những thành họ được ban làm cơ nghiệp thì không sinh vật nào được sống (16).

Lý do các sinh vật phải tiêu diệt hết vì chúng đã bị nhiễm sự ô uế của các tội lỗi đáng nhờm tởm; còn nếu để cho người của các sắc dân ấy sống sót, kể cả đàn bà, thì họ sẽ dạy dân Israel làm theo “những điều ghê tởm mà chúng đã làm để cúng thờ các thần của chúng,” khiến dân Israel bị phạm tội nghịch lại Đức Chúa Trời của họ (18).

Nếu ngày trước Đức Chúa Trời đã nhờm tởm các dân tộc trong xứ Canaan vì những thứ tội lỗi đáng tởm mà họ đã phạm, nên Ngài tiêu diệt, không cho các sắc dân ấy tiếp tục sống trên đất, thì những người phạm các tội tương tự ở thời nay cũng sẽ không thoát khỏi tai hoạ.

Sở dĩ các thành phố chứa chấp tội ác chưa bị trừng phạt, vì trong các thành phố ấy có hơn mười người là con cái thật của Đức Chúa Trời. Ngày nào những người ấy ra khỏi các nơi đó, thì tai hoạ chắc chắn sẽ đổ xuống.

Ý thích phá phách, đập đổ, phá hoại thường có trong tâm tánh một số người thì không bao giờ đẹp lòng Đức Chúa Trời. Đốn bỏ những cây ăn trái có thể làm lương thực nuôi sống mình là hành động dại dột chẳng có chút không ngoan nào.

Vì thế, Môi-se dùng lời Đức Chúa Trời dạy họ “Khi anh em bao vây và tấn công lâu ngày để tiến chiếm một thành thì đừng lấy rìu đốn chặt cây cối chung quanh thành. Anh em có thể ăn trái của các cây đó nhưng không được chặt phá” (19).

Đây là nguyên tắc không làm hại hay phá bỏ nguồn thức ăn có thể nuôi sống mình. Vì những cây ăn trái đó trồng ở bên ngoài vách thành, chúng chỉ là cây cối đem lợi ích cho loài người chứ chẳng làm hại ai hết.

Thường thường quân bao vây thành đốn các cây cối ở bên ngoài vách thành để dùng làm phương tiện tấn công phá vỡ cửa thành hay dùng làm củi để thiêu huỷ thành.

Trong các trường hợp đó, những loại cây mà dân Israel được phép đốn để dùng làm phương tiện công hãm thành phải là những cây không sinh trái cho người ta ăn (20).

Các mệnh lệnh trên nhắc cho con cái Chúa nhớ lại công việc Đức Chúa Trời đã làm vào “Yom” thứ ba thời tạo thiên lập địa. Ngài phán với đất: “‘Đất phải sinh thảo mộc: cỏ kết hột giống, cây trên đất tuỳ theo loại mà ra trái và kết hột,thì có như vậy” (Sáng-thế 1:11). Còn ở vườn Eden thì Ngài khiến đất mọc lên các thứ cây đẹp mắt và ăn ngon (Sáng-thế 2:9).

Đốn bỏ cây ăn trái để vây thành là hành vi phá hoại và không biết tôn trọng các tạo vật Chúa dùng để ban thức ăn cho loài người.

PhucTruyen18.docx

Rev. Dr. CTB