Hội Thánh Kết Quả

Tín Đồ Của Chúa, bài 18

Công vụ 2:42-47

Đặc điểm của hầu hết, nếu không nói là tất cả, những người đã tiếp nhận Chúa vào ngày Đức Thánh Linh giáng lâm thành lập Hội-thánh tại Jerusalem, trong lễ Ngũ Tuần đầu tiên sau khi Đức Chúa Jesus thăng thiên, là được Đức Chúa Trời ban cho quà tặng Đức Thánh Linh (Công vụ 2: 38).

Đặc điểm của nhóm người trở nên nòng cốt của Hội-thánh thời sơ lập ấy là hiệp nhất và chân thành yêu thương nhau. Bác sĩ Luca tường thuật là: “Các tín hữu chuyên tâm giữ lời dạy của các sứ đồ, mối thông công với anh em, lễ bẻ bánh, và sự cầu nguyện” (Công vụ 2:42).

Điểm quan trọng nổi bật của thời kỳ nầy là: “Mỗi ngày, Chúa thêm số người được cứu vào Hội thánh” (2:47b). Đặc điểm ấy là nét độc đáo của một Hội thánh được đầy dẫy Đức Thánh Linh, nét độc đáo đó cứ lặp lại trong suốt lịch sử mỗi khi Đức Thánh Linh phấn hưng Hội-thánh của Ngài.

Khi chúng ta nhìn lại tình trạng Hội-thánh tại địa phương của mình thì thấy rõ có điều chi đó sai trật so với Hội thánh thời sơ lập.

Được đầy dẫy Đức Thánh Linh là điều mà mỗi tín hữu thành thật tin Chúa đều ước ao chẳng những cho mình mà còn mong cho cả Hội thánh địa phương cũng được nữa. Dù cho có một số nơi hay các tổ chức nào đó không quan tâm cũng không mong muốn Đức Thánh Linh thăm viếng họ theo cách thức của Ngài, thì điều đó không có nghĩa là Hội thánh địa phương của chúng ta sẽ không được Đức Thánh Linh thăm viếng và đổ đầy dầu của Ngài vào bình chứa của đèn chúng ta.

Nhưng vì nguyên nhân nào mà lâu nay Ngài chưa thăm viếng được? Nếu biết rõ rằng Chúa rất muốn thăm viếng và lưu lại với con cái Ngài, nhưng Ngài chưa ghé, thì nguyên nhân là trong chúng ta, ai cũng quá thờ ơ, chưa chuẩn bị sẵn chỗ để tiếp đón Ngài.

Hội thánh thời nay hầu như quên bẵng rằng vinh quang của Đức Chúa Trời luôn luôn đi theo Ngài. Kinh thánh Cựu ước chứng minh điều đó (Lê-vi-ký 9:23-24; Dân-số 16:42; 2 Sử ký 7:1-2).

Vài địa điểm thời nay cũng được chứng kiến vinh quang của Đức Chúa Trời trong các buổi nhóm của họ khi Đức Thánh Linh thăm viếng đặc biệt. Quý anh chị em cần phải biết và hiểu vấn đề nầy để có thể chuẩn bị các điều kiện tiếp đón Chúa.

Hãy lấy vài ví dụ để minh giải vấn đề: Ai cũng thu dọn nhà cửa chu đáo khi có khách quý tới thăm, nếu khách ở lại vài hôm thì phải có chỗ đàng hoàng cho khách nghỉ ngơi; nếu khách có trọng lượng nặng hơn người bình thường rất nhiều thì giường ghế phải chắc chắn không bị gãy sập.

Sở dĩ Chúa chưa tới thăm Hội-thánh được vì tình trạng tâm linh của nhiều người quá ọp ẹp, không chịu nổi sức nặng của vinh quang Ngài.

Hãy trở lại xem xét tình trạng tâm linh của tín hữu Hội-thánh thời sơ lập để biết vì sao Chúa ở với họ và giúp cho Hội thánh tăng trưởng. Chắc chắn không phải vì nhà họ đẹp hay sang trọng, cũng không phải vì họ có nhà thờ rộng rãi, đông người.

Nhưng như bác sĩ Luca đã cho biết là các tín hữu chuyên tâm giữ lời dạy của các sứ đồ, mối thông công với anh em, lễ bẻ bánh, và sự cầu nguyện. Họ cũng hiệp lại với nhau và lấy mọi vật làm của chung; họ bán hết tài sản, của cải mình có mà phân phát cho nhau tuỳ theo nhu cầu của mỗi người.

Ngày nào họ cũng siêng năng tới đền thờ; và từ nhà nầy đến nhà khác, họ bẻ bánh và dùng bữa cùng nhau với lòng vui vẻ chân thành, ca ngợi Đức Chúa Trời và được ơn trước mặt mọi người. Do nếp sống cộng đồng và yêu thương nhau chân thành, mỗi ngày đều có người tìm đến tin Chúa và gia nhập Hội thánh (Công vụ 42-47).

Tất cả tân tín hữu của Hội-thánh đầu tiên đều là tín đồ Do-thái-giáo từ nhiều dân tộc ở quanh vùng Trung Đông, Bắc Phi, Tiểu Á, và người Giu-đa ở địa phương có mặt tại Jerusalem để giữ lễ Ngũ Tuần, và gia nhập Hội-thánh qua bài giảng của ông Phi-e-rơ về Đức Chúa Jesus Christ.

Cho nên, nguồn giáo lý duy nhất họ có được là lời dạy của các sứ đồ đã đi theo Đức Chúa Jesus từ xứ Ga-li-lê. Chung quanh họ dù vẫn còn vô số người Giu-đa ở Jerusalem theo Do-thái-giáo rất có ác cảm với đạo mới nầy, nhưng họ không nghe lời người ta gièm xiểm, chỉ làm theo lời dạy của các sứ đồ về Đức Chúa Jesus, lễ bẻ bánh và sự cầu nguyện; ngoài ra họ chẳng có sách vở gì khác.

Và không phải tất cả những người đó đều có nhà cửa ở Jerusalem. Đa số là trọ nhà người khác trong thời gian ở đó. Ngày nay, tín hữu nghe đủ thứ lời dạy đôi khi trái ngược nhau từ nhiều nhà thờ dù cùng chung một quyển Kinh-thánh. Sự lầm lẫn xảy ra vì chỉ nghe mà không chịu đọc cẩn thận.

Lễ bẻ bánh là gì? Các sứ đồ đã theo Đức Chúa Jesus đều thấy Ngài cầm bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đồ Ngài. Họ cũng được dự bữa ăn lễ Vượt Qua cuối cùng với Đức Chúa Jesus trên một phòng cao tại Jerusalem, mà có lẽ vào lúc ấy các sứ đồ đều đang trọ ở đó; cho nên, lễ bẻ bánh là nghi thức tưởng nhớ Đức Chúa Jesus trước khi cùng nhau ăn tối.

Vì bác sĩ Luca là tân tín hữu do sứ đồ Phao-lô dẫn dắt, nên chữ mà ông dùng là do nghe Phao-lô giảng dạy. Vậy thì, lễ bẻ bánh đã được thực hành mỗi ngày trong các bữa ăn chung: “Họ bẻ bánh và dùng bữa cùng nhau với lòng vui vẻ, chân thành” (Công vụ 2:46b).

Sự vui vẻ, chân thành với nhau của các tín hữu trong những bữa ăn thông công ấy đã khiến cho những người chung quanh phải chú ý và vui lòng theo dõi cách sống của họ. Người chưa tin Chúa ngày nay cũng sẽ chú ý nếu tín hữu vui vẻ hoà thuận.

Một đặc điểm nữa đã giúp các tân tín hữu của Đức Chúa Jesus, vào thời đầu của Hội-thánh, giữ được mối dây liên kết chặt chẽ là chuyên tâm thờ phượng và cầu nguyện.

Về thờ phượng thì chắc chắn họ vẫn thờ phượng Đức Chúa Trời theo lễ nghi của Do-thái-giáo; ngày ấy chưa có một văn phẩm nào khác ngoài Ngũ kinh của Môi-se, Thi-thiên và các sách Tiên-tri. Chưa có một sách nào của Tân-ước được viết ra cả.

Còn về sự cầu nguyện thì chắc chắn chưa có sự thống nhất theo cách chúng ta cầu nguyện ngày nay; vì người ta vẫn là người Do-thái-giáo cầu nguyện theo cách thức họ đã quen cầu nguyện với Đức Chúa Trời.

Nếu có sự thay đổi nào đó là do các môn đồ nhớ lại lời Đức Chúa Jesus từng dạy: “Các con nhân danh Ta cầu xin bất cứ điều gì, Ta sẽ làm cho để Cha được tôn vinh nơi Con” (Giăng 14:13); nên, có thể họ bắt đầu dạy cho các tân tín hữu nhân danh Đức Chúa Jesus mà cầu xin.

Có thắc mắc nêu ra rằng: Có phải các tín hữu thời đó tin rằng Đức Chúa Jesus sẽ sớm trở lại thế gian nên họ không cần phải giữ tài sản riêng làm gì không?

Câu hỏi đó cũng có một phần nào hợp lý; tuy nhiên, Kinh thánh không nói là họ ngừng không làm việc nữa chỉ chờ Chúa trở lại mà thôi. Kinh thánh cũng không kể lại khi nào thì việc đóng góp tài sản làm của chung chấm dứt.

Sự tương trợ của cải giữa người có của với tín hữu nghèo, chắc chắn do tình yêu thương chân thành phát sinh từ những tâm linh được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Tình yêu thương ấy cứ phát triển qua nếp sống có tính cách cộng đồng.

Thế thì, để mối tương giao thông công ấy cứ phát triển, các tín hữu phải sinh hoạt với nhau trong từng nhóm nhỏ “từ nhà nầy tới nhà khác” (2:46a); bởi vì không nhà nào có thể chứa hơn ba ngàn người được. Chính các nhóm nhỏ ấy mới đẹp lòng hàng xóm.

Cũng các nhóm nhỏ ấy tiếp nhận tân tín hữu, mà Chúa đem vào Hội-thánh, và dạy họ giữ lời dạy của các sứ đồ một cách hiệu quả.

Hội thánh của Đức Chúa Jesus trong thời sơ lập biết chuẩn bị sẵn sàng để vinh quang của Đức Chúa Trời ngự giữa Hội thánh và biểu lộ qua các phép kỳ dấu lạ do các sứ đồ thực hiện, khiến mọi người đều kính sợ (2:43), đến nỗi người bị què từ khi sinh ra nhờ Danh Đức Chúa Jesus Christ công bố mà được lành lặn (Công vụ 3:6-8).

Sau đó lại “có nhiều phép mầu và dấu lạ được thực hiện giữa dân chúng bởi tay các sứ đồ. ………. 15 đến nỗi người ta phải đem những người bệnh để ngoài đường phố, đặt nằm trên giường và chõng, để khi Phi-e-rơ đi ngang qua, bóng của ông ít ra cũng ngả trên một vài bệnh nhân……16 Dân chúng ở các thành phố lân cận …… đem đến những người đau ốm, những kẻ bị tà linh hành hạ, và tất cả đều được chữa lành” (Công vụ 5:12, 15-16).

Ước gì các con cái Chúa ngày nay đều có tâm tình chuẩn bị sẵn sàng để Đức Thánh Linh có thể thăm viếng và thực hiện các phép mầu, dấu lạ.

Để sự kính sợ Chúa bao trùm trong Hội thánh, mối thông công với nhau sẽ không còn là điều chọn lựa tham gia hay không tham gia. Đức Chúa Trời sẽ được vinh danh và người ta sẽ tìm đến tiếp nhận Tin Mừng.

TinDoCuaChua18.docx

Rev. Dr. CTB