Tín Đồ Của Chúa, bài 17
Công vụ 2:1 – 18
Lễ Ngũ Tuần năm nay có phần đặc biệt hơn mọi năm. Mỗi lần chúng ta đọc phần Kinh thánh nhắc tới sự kiện Đức Thánh Linh giáng lâm, thì hầu hết người đọc đều đặt tất cả sự chú ý vào những việc và hiện tượng diễn ra khi Ngài giáng trên các môn đồ có mặt vào lúc ấy tại phòng cao ở thành Jerusalem.
Mọi người đều chú ý vào các hiện tượng lạ kỳ là phải, bởi vì đó là lần đầu tiên Đức Thánh Linh biểu hiện sự ban cho và sự giáng lâm của Ngài bằng tiếng gió thổi ào ào, lưỡi lửa đậu trên đầu từng người, các môn đồ nói ngôn ngữ khác, và họ có dáng vẻ như là người đang bị say rượu (1-4, 13).
Dù biết ngày đó xảy ra ở Jerusalem, nhưng hầu hết người đọc Kinh-thánh ít chú ý tới một điều có vẻ ít quan trọng về việc thành phố ấy là địa điểm Đức Thánh Linh giáng lâm. Tại sao Đức Chúa Jesus dặn các môn đồ đừng ra khỏi Jerusalem cho tới khi nhận lãnh quyền năng?
Vì Đức Chúa Trời hiện diện mọi nơi và Đức Thánh Linh có thể giáng lâm bất cứ chỗ nào, nếu địa điểm đó không quan trọng, thì Đức Chúa Jesus không cần phải truyền lệnh cho các môn đồ Ngài phải chờ ở Jerusalem.
Ai nhớ rõ chuyện tích Đức Chúa Jesus chịu thương khó, chịu bị đóng đinh, chết, chôn, và sống lại cũng tại Jerusalem, thì hiểu rằng Đức Chúa Trời có chương trình và ý định đặc biệt của Ngài cho thành phố ấy.
Như đã nói trong một bài học trước đây, nếu mọi tín đồ của Chúa ngày nay đều phải tới Jerusalem để chờ được nhận lãnh Đức Thánh Linh, thì sẽ có vô số người không bao giờ thực hiện được ước mơ đó.
Sự nhắc lại tầm quan trọng của thành phố Jerusalem là để tất cả chúng ta phải lưu ý tới những việc Đức Chúa Trời đang cho phép xảy ra ở đó trong mấy ngày qua và biết rằng Ngài đang thực hiện lời tiên tri về Jerusalem, tức là biết ngày Đức Chúa Jesus tiếp rước Hội thánh đã rất gần, rồi sửa soạn thế nào để không bị bỏ lại.
Khi xem xét điều nầy, mọi con cái Chúa sẽ hiểu rằng ngày Đức Thánh Linh giáng lâm vào lễ Ngũ Tuần và địa vị của thành phố Jerusalem có mối liên hệ vĩnh viễn.
Ba ngàn năm trước, vị vua lẫy lừng của Israel, là David, đã chọn Jerusalem làm kinh đô của vương quốc và rước Rương Giao Ước giữa Đức Chúa Trời với Israel về nơi đó (1Sử-ký 15:1).
Đền Thờ Đức Chúa Trời đầu tiên được vua Solomon, con trai David, xây dựng và khánh thành trọng thể tại Jerusalem, lửa từ Ngài giáng xuống đốt tế lễ thiêu và các sinh tế; vinh quang của Đức Chúa Trời tràn ngập phía trong đền thờ, khiến các thầy tế lễ không thể vào được (2Sử ký 7:1-2).
Các điều đó chứng tỏ rằng Ngài lập và chọn Jerusalem làm nơi đặt danh Ngài, như lời Ngài phán bởi tiên tri Ê-sai “Ta đã tạo dựng Jerusalem cho niềm hân hoan và dân thành ấy cho sự vui mừng. Ta sẽ hoan hỉ vì Jerusalem, Ta sẽ mừng rỡ vì dân Ta; nơi ấy sẽ không còn nghe tiếng khóc lóc hay kêu la đau đớn nữa” (Ê-sai 65:18-19).
Đức Chúa Trời cũng đã hoàn thành sự trừng phạt nghịch lại Jerusalem như Ngài đã dùng các vị tiên tri thông báo cho những ông vua bội nghịch (Giê-rê-mi 25:18; 26:18).
Ngài đã trừng phạt, làm cho Jerusalem bị hoang phế hàng ngàn năm. Nhưng Ngài cũng hứa sẽ trở lại thăm viếng nó và an ủi nó “Hỡi những nơi đổ nát của Jerusalem, hãy trỗi giọng hát mừng rập ràng; vì Đức Giê-hô-va đã an ủi dân Ngài, đã chuộc lại Jerusalem” (Ê-sai 52:9).
Trước khi chúng ta cùng nhau xem xét về các hiện tượng của Đức Thánh Linh trên các môn đồ khi Ngài giáng lâm thành lập Hội-thánh của Đức Chúa Trời trên đất, thì hãy nhận ra những việc Đức Chúa Trời đang làm cho Jerusalem trở lại địa vị của nó trong chương trình của Ngài vào thời cuối cùng của thế giới.
Sự kiện nổi bật trong kỳ lễ Ngũ Tuần năm nay là việc Hoa kỳ khai trương toà đại sứ mới dời từ Tel Aviv về Jerusalem trước sự bất bình, chống đối của các thế lực thù nghịch Đức Chúa Trời từ hồi giáo, giới vô thần thiên tả, và cả một số giáo hội tự xưng là Cơ-đốc-giáo. Jerusalem sẽ mãi mãi là thủ đô của Israel, dân tộc được Chúa tuyển chọn vì đức tin của tổ phụ họ là Abraham.
Các thế lực thù nghịch với Chúa đều rất tức tối trước sự kiện nầy nhưng chẳng làm chi được; họ chưa nhận ra bàn tay của Đức Chúa Trời về Jerusalem qua một người có tính tình ngang tàng, can đảm mà Ngài đã đặt vào toà Bạch Ốc, để chính thức dời toà đại sứ Mỹ về Jerusalem, thực hiện quyết định công nhận đó là thủ đô hợp pháp mà một quốc gia độc lập, có chủ quyền, là Israel, đã chọn lựa. Quyết định ấy là bàn tay can thiệp của Đức Chúa Trời vì tương lai Jerusalem của Ngài.
Vì nhận biết chương trình của Chúa dành cho Jerusalem trong năm nay trùng hợp với lễ Ngũ Tuần, chúng ta càng cần nhận biết rõ rằng nhu cầu của mỗi con cái Chúa phải được báp têm bằng Đức Thánh Linh là rất cấp bách.
Mặc dù không chỗ nào trong Kinh thánh Tân-ước nói rằng thiếu sự báp têm bằng Đức Thánh Linh thì không nhận được sự cứu rỗi, nhưng nói rõ rằng ai không có Thánh Linh của Đấng Christ, thì người ấy không thuộc về Ngài (Rôma 8:9).
Vậy, ai muốn được ơn cứu rỗi, người đó phải thuộc về Đấng Christ bằng cách tiếp nhận Đức Thánh Linh vào trong lòng để hướng dẫn mình sống đẹp lòng Ngài.
Một số hệ phái thường chú trọng vào biểu hiện nói tiếng lạ; họ cho đó là bằng chứng được báp têm bằng Đức Thánh Linh. Vài chỗ trong sách Công vụ kể lại là có sự nói tiếng lạ xảy ra khi Đức Thánh Linh giáng trên các môn đồ của Hội-thánh vào thế kỷ đầu tiên (Công vụ 2:4; 10:44-46; 19:6). Ông Phao-lô cũng xác nhận về tiếng lạ (1Côrinhtô 14:5).
Nhưng một biểu hiện đặc biệt mà Kinh-thánh cho biết người nhận Đức Thánh Linh sẽ nhận là nói tiên tri (Công-vụ 2:17-18). Giả mạo tiếng lạ thì dễ, vì tiếng ấy chẳng ai hiểu; nhưng lời tiên tri giả dối sẽ chẳng xảy ra nên dễ bị bại lộ.
Ngày nay không ai chú trọng dấu hiệu âm thanh gió thổi ào ào và thấy lưỡi lửa đậu trên đầu người để chứng minh sự được báp têm bằng Đức Thánh Linh; vì không ai giả mạo được việc ấy hết, chỉ còn tiếng lạ thì người ta có thể chủ động giả mạo.
Con cái thật của Chúa ở mọi nơi đều khát khao được báp têm bằng Đức Thánh Linh và sẵn lòng nhận lãnh bất cứ ân tứ, tức là sự ban cho, nào của Ngài. Món quà ấy có thể là nói tiếng lạ, nói tiên tri, hay các ơn khác như chữa bệnh, trừ quỷ, đức tin, vv, (1Côrinhtô 12:8-11); tất cả đều rất quý báu chẳng ai dám chê bỏ.
Nhưng, món quà đáng khát khao nhất ấy là chính Đức Thánh Linh ngự vào lòng.
Trước câu hỏi thiết tha của đám đông nghe giảng và muốn chuộc lại tội lỗi chống báng Đấng Christ, sứ đồ Phi-e-rơ đã nói rõ điều kiện để được nhận lãnh quà tặng là Đức Thánh Linh:
“Hãy ăn năn, mỗi người phải nhân danh Đức Chúa Jesus nhận báp têm để được tha tội mình, rồi sẽ nhận lãnh quà tặng là Đức Thánh Linh” (Công vụ 2:38).
Thế thì, nếu người nào nhận ra Đức Chúa Trời kêu gọi mình, rồi ăn năn tội lỗi, chịu phép báp têm trong Danh của Đức Chúa Jesus thì được nhận lãnh Đức Thánh Linh và gia nhập Hội thánh của Đức Chúa Trời.
Vì Đức Thánh Linh giáng trên các môn đồ vào buổi sáng ngày ấy, thì chúng ta có thể tin rằng Ngài cũng giáng trên những người Giu-đa đã chịu phép báp têm trong ngày đó. Ai đã được báp têm bằng Đức Thánh Linh rồi mà đời thuộc linh bị bạc nhược, thì phải xem mình sa sút từ đâu và ăn năn để nóng cháy trở lại.
Người nào biết mình chưa bao giờ được báp têm bằng Đức Thánh Linh thì hãy suy xét chính mình; hãy tự hỏi lòng rằng có lãnh vực nào trong đời sống mình chưa ngay thẳng trước mặt Chúa và anh chị em khác trong Hội-thánh, rồi hãy cầu xin Đức Thánh Linh soi xét, chỉ dẫn cho thấy rõ điều gì đang ngăn trở nếp sống đạo của mình, khiến mình chưa bao giờ hiệu quả trong sự rao báo tin mừng.
Bí quyết để nhận lãnh báp têm bằng Đức Thánh Linh là hết lòng ăn năn và khao khát được Ngài ban cho các ân tứ nào tuỳ theo Chúa thấy điều gì có lợi và tốt nhất cho công việc nhà Ngài.
Bởi vì những ai từ chối không muốn nhận một ơn ban nào đó từ Chúa, thì người ấy chẳng bao giờ được ban cho một ơn đặc biệt nào hết. Đức Chúa Trời khôn ngoan và biết rõ người sẽ sử dụng ân tứ nào hiệu quả nhất, thì Ngài ban cho món quà đó.
Kỷ niệm lễ Ngũ Tuần năm nay, mỗi người trong Hội thánh Khởi Đầu Mới chúng ta hãy xin Chúa mở ra một chương mới trong đời sống mình.
Nếu được Chúa ban các hiện tượng bên ngoài thì hãy vui mừng với thực trạng bên trong tâm linh là được báp têm bằng Đức Thánh Linh.
Đừng lo lắng sợ hãi gì hết. Hãy hết lòng tin cậy và cầu xin sự rờ chạm đặc biệt từ Chúa. Vì nếu ai chưa nhận được báp têm bằng Đức Thánh Linh, người ấy chưa thể vận hành trong các ơn đặc biệt.
TinDoCuaChua17.docx
Rev. Dr. CTB