Thuế Một Phần Mười

Phục Truyền Luật Lệ, bài 24

Phục Truyền 26:1-19

Môi-se nhắc lại luật dâng sản vật đầu mùa để Israel biết nhớ ơn Đức Chúa Trời và kính mến Ngài sau khi đã được Ngài bảo vệ và dẫn đưa họ trải qua biết bao gian khổ (Phục-truyền 6-11). Khi được no nê thì người ta dễ quên Đấng đã gìn giữ mình qua cảnh nguy nan.

Vì thế, Môi-se đã dặn “Vậy, khi anh em được ăn no nê thì nhớ chúc tụng Giê-hô-va Đức Chúa Trời, vì Ngài đã ban cho anh em vùng đất tốt tươi nầy” (Phục-truyền 8:10).

Điều rõ ràng là luật dâng sản vật đầu mùa sẽ thực hiện sau khi đã vào sống yên ổn trong sản nghiệp ở vùng đất hứa; bởi vì suốt thời gian lang thang qua các hoang mạc, dân Israel không thể gieo trồng gì được; họ chỉ sống nhờ mana Chúa ban mà thôi (1).

Luật nầy không quy định một phần thổ sản đầu mùa là bao nhiêu (2); nhưng luật nói rõ là chỉ thổ sản, tức là ngũ cốc, hoa quả, chứ không phải là sản phẩm từ thổ sản như dầu, rượu, vv.

Thổ sản đầu mùa đó phải để trong một cái giỏ và đem tới địa điểm sẽ đặt Đền Tạm hay Đền Thờ về sau (2). Mỗi gia đình đều phải đến gặp thầy tế lễ đang giữ phiên thi hành nhiệm vụ ở Đền Thờ, không cần phải là thầy tế lễ thượng phẩm (3).

Việc dâng hiến thổ sản đầu mùa của Israel sẽ kéo dài khá lâu ngày; bởi vì số thầy tế lễ thì có hạn mà người dâng hiến thì đông. Nếu số gia đình Israel từ ba trăm ngàn tới bốn trăm ngàn, và nếu mỗi ngày các thầy tế lễ nhận và thi hành nghi lễ  cho khoảng mười ngàn gia đình, thì cũng phải hơn một tháng mới nhận xong mọi lễ vật, chưa kể số người Lê-vi phụ giúp chuyển lễ vật còn dư lại vào kho chứa sau khi ăn xong. Luật cũng định mỗi chủ gia đình đều phải nói:

Hôm nay tôi xin thưa với Giê-hô-va Đức Chúa Trời của chúng ta rằng tôi đã vào miền đất mà Đức Giê-hô-va đã thề với tổ phụ chúng ta là sẽ ban cho chúng ta.

Theo quy định của luật Talmud về sau nầy thì lễ nghi dâng hiến thổ sản đầu mùa rất giản dị; thầy tế lễ chỉ nhận cái giỏ từ tay người dâng, đặt trước bàn thờ (4), rồi người dâng hiến nói những lời biết ơn sự nhân từ và cung ứng mầu nhiệm của Đức Chúa Trời đã dẫn dắt tổ phụ người Aram là Abraham từ vùng Lưỡng Hà xuống xứ Canaan, rồi Jacob, cháu nội của Abraham, và các bà vợ đều là người Aram, xuống kiều ngụ tại Ai-cập (tổ tiên của người Syri cũng là người Aram).

Dòng dõi của Jacob ở Ai-cập trở thành một dân tộc lớn, mạnh và đông (5). Họ bị người Ai-cập ức hiếp, hành hạ, trở thành nô lệ phục dịch người Ai-cập (6). “Sau một thời gian dài,…dân Israel than thở, kêu van dưới ách nô lệ, tiếng ta thán của họ thấu đến Đức Chúa Trời…. Đức Chúa Trời đoái đến dân Israel và thấu hiểu cảnh ngộ của họ” (7 Xuất Ai-cập 2:23, 25).

Đức Chúa Trời luôn luôn biết cảnh ngộ của con cái Ngài. Thời điểm Ngài ra tay giải cứu thì nằm trong chương trình của Chúa. Con cái Chúa kêu than vì chỉ thấy cảnh khổ trước mắt, còn lợi ích về sau thì không biết nên vẫn thường cầu khẩn xin sự giải cứu đến nhanh chóng.

Có người rất thắc mắc về thời gian hơn bốn trăm năm làm nô lệ của Israel tại Ai-cập. Người ta chưa hiểu định ý của Chúa khi Ngài hứa ban xứ Canaan làm sản nghiệp cho dòng dõi của Abraham.

Lúc ấy, dân Amorite đang ở xứ Canaan, Đức Chúa Trời chưa diệt họ vì tội ác của họ lúc đó chưa đến cực độ (Sáng-thế 15:16). Nếu Chúa sớm đem dân Israel về xứ Canaan, thì họ sẽ bị tiêm nhiễm đủ thứ gian ác tội lỗi của dân Amorite và phải bị Ngài tiêu diệt. Cho nên, Israel phải chịu cảnh nô lệ ở Ai-cập hơn bốn trăm năm trước khi được Đức Chúa Trời giải thoát ra khỏi đó (Sáng thế 15:13).

Đức Giê-hô-va đã dang rộng cánh tay quyền năng, thực thi các dấu lạ, phép mầu to lớn và kinh khiếp để đem chúng con ra khỏi Ai-cập” (8). Chưa một dân tộc nào được Đức Chúa Trời giải cứu bằng các quyền phép kinh khủng như dân Israel đã được hưởng.

Bây giờ, sau khi đã được ở trong xứ đượm sữa và mật (9), người dâng hiến phải nhớ tất cả các ơn lành mà Đức Chúa Trời đã làm cho tổ phụ họ và chính họ, thì của dâng mới thật có ý nghĩa của lòng biết ơn, không phải do bị ép buộc:

Lạy Đức Giê-hô-va! Bây giờ chúng con xin dâng lên Ngài những sản phẩm đầu mùa từ mảnh đất mà Ngài đã ban cho chúng con” (10). Chúa sẽ vui nhận của dâng từ lòng biết ơn.

Hội thánh thời nay, theo thói tục giáo hội cải cách Tây phương, không biết gì về sự sấp mình xuống trước mặt Chúa để thờ phượng Ngài; thậm chí xem đó là một hành động tà giáo, xa lạ, chỉ còn biết ăn uống bình thường, không phải là cách ăn mừng về các phước lành mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã ban cho con cái Ngài.

Ngoài các bữa ăn thân mật mỗi Chúa Nhật tại Hội thánh, con cái Chúa cũng nên có các bữa tiệc đặc biệt ăn mừng các ơn phước Chúa ban cho mình (11) trong sự vui vẻ chung với các thân hữu và những người phục vụ trong Hội thánh.

Về luật nộp thuế một phần mười sau khi đã nhận sản nghiệp ở đất hứa, thì thuế phần mười lần đầu phải nộp cho người Lê-vi (Dân số 18:21, 24), và tiếp tục nộp hàng năm cho họ. Nhưng tới năm thứ ba và thứ sáu thì một phần mười thu nhập sẽ dành cho người Lê-vi và người nghèo (12-13) để họ được no đủ.

Như vậy, thuế một phần mười của Israel phải nộp cho người Lê-vi để họ có thể sống và phục vụ các công việc Đền Tạm hay Đền Thờ đòi hỏi, là thuế hàng năm, ngoài thổ sản đầu mùa Israel phải đem tới Đền Thờ dâng trước mặt Chúa rồi vui vẻ ăn những thứ họ đã đem đến; phần còn dư thì thuộc về các thầy tế lễ.

Thuế một phần mười của năm thứ ba thì không phải đem tới Đền Thờ hay nơi nào khác, mà phải đem biếu, chia phần cho ngoại kiều, trẻ mồ côi và người goá bụa. Để họ được ăn no đủ ngay trong thành của người nộp thuế một phần mười.

Sẽ không ai có thể tránh trách nhiệm đó; bởi vì người đem thuế một phần mười chia sẻ cho người nghèo rồi thì phải xưng nhận trước mặt Chúa: “Chúng con đã đem phần biệt riêng trong nhà đến cho người Lê-vi, ngoại kiều, trẻ mồ côi, và người goá bụa, theo mọi mệnh lệnh Ngài đã phán dặn chúng con; chúng con không vi phạm hoặc quên một mệnh lệnh nào của Ngài cả” (13).

Người đó cũng phải xác nhận rõ là: “Chúng con không ăn phần biệt riêng đó trong lúc tang chế, không đụng đến nó khi chúng con không thanh sạch, và cũng không dùng nó mà cúng cho người chết. Chúng con vâng lời Giê-hô-va Đức Chúa Trời của chúng con và làm đúng mọi điều Ngài đã phán dặn” (14).

Người nào đã làm đúng như vậy rồi thì mới có đủ tư cách cầu xin Chúa ban phước cho dân tộc Israel của họ: “Từ nơi ngự thánh của Ngài trên chốn trời cao, xin Chúa đoái xem và ban phước cho dân Israel của Ngài, cho xứ sở đượm sữa và mật mà Ngài đã ban cho chúng con, như Ngài đã thề hứa với tổ phụ chúng con” (15).

Tới phần kết thúc của bài giảng thứ nhì, Môi-se nhắc lại rằng những điều mà dân Israel được nhắc nhở là: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời của anh em truyền bảo anh em phải tuân giữ các luật lệ và mệnh lệnh nầy. Vậy anh em phải cẩn thận tuân giữ với tất cả tấm lòng và linh hồn mình” (16).Họ cũng phải hứa với Chúa là “sẽ đi trong đường lối Ngài, gìn giữ các luật lệ, điều răn và mệnh lệnh Ngài, lắng nghe tiếng Ngài” (17). Người nào thành tâm hứa nguyện như vậy trước mặt Chúa thì Ngài sẽ thừa nhận người đó là một dân thuộc quyền sở hữu của Ngài như Ngài đã phán (18).

Ai vâng giữ điều răn của Chúa thì Ngài sẽ làm cho người đó được khen ngợi, danh tiếng và tôn trọng, vượt trên mọi dân tộc mà Ngài đã tạo dựng, làm cho những người đó trở thành một dân tộc thánh cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời, như Ngài đã phán (19).

Nói tóm lại, việc nộp thuế một phần mười được Chúa vui nhận là nộp bằng tinh thần vui vẻ, vâng lời, không gắng gượng, không giả trá.

Bài học nầy cũng nhắc nhở chúng ta hãy nhớ chia xẻ cho người nghèo, những người kém may mắn hơn mình. Trung tín trong việc nộp thuế một phần mười là điều kiện được Chúa thương xót, thừa nhận người đó là người thuộc quyền sở hữu của Ngài. Mà đã là người thuộc quyền sở hữu của Chúa thì sẽ chẳng sợ bất cứ một thế lực nào từ ma quỷ hay từ loài người.

Ai trung tín với Chúa trong lãnh vực tiền bạc sẽ được Ngài làm cho danh tiếng, được người khác tôn trọng và được người ta khen ngợi.

Không gì hạnh phúc hơn là được làm một dân tộc thánh cho Đức Chúa Trời. Bởi vì chẳng những được hưởng nhiều thứ phước mà còn được Ngài bảo vệ và ban cho uy quyền trong trần giới lãnh linh giới nữa.

PhucTruyen24.docx

Rev. Dr. CTB